Để trở thành người phụ nữ nguy hiểm nhất thế giới

Đàn bà dại dột sử dụng nước mắt vô tội vạ khiến bản thân cô ta trở thành nhão nhoét. Đàn bà thông minh biến nước mắt thành vũ khí lợi hại. Khi ấy cô ta là khẩu súng hàng hiệu, nước mắt cô ta là những viên đạn hàng hiệu, đàn ông về cơ bản không thể tránh né, chỉ còn nước hứng đạn mà thuần phục.
Còn đàn ông, dù dại dột hay thông minh, đều biết rằng nước mắt của mình chẳng phải thứ vũ khí đạn dược gì cả. Đàn ông sống dựa vào testosterone, mà nước mắt lại mang đến hình ảnh của nhà máy sản xuất nội tiết đàn ông trong con người họ đang xuống cấp nghiêm trọng. Nước mắt chảy là đàn ông cũng chảy. Khóc hay là chết, phần nhiều đàn ông thà chết còn hơn.
Nhưng khi chỉ có một mình, đàn ông có khóc. Nước mắt này mình họ biết. Testosterone ra sao mình họ gánh chịu. Không ai được phép nhìn thấy con người họ lúc này. Thậm chí, họ cũng không bao giờ dám nhìn vào gương xem hình ảnh mình lúc đấy ra sao. Điều này ngược hẳn với đàn bà, khi khóc rất thích ngắm gương, hình như là để điều chỉnh lại cách khóc sao cho đẹp nhất…
Đàn ông chỉ khóc một mình, đàn bà thích khóc với hai mình hoặc hơn thế nữa. Đó là vì đàn ông được dạy dỗ từ bé về việc phải tự mình giải quyết vấn đề, còn đàn bà tự cho mình quyền nhận sự chia sẻ đau khổ. “Con trai đừng mít ướt như bọn con gái. Nín đi!”, mẹ đàn ông chẳng thường mắng họ hồi thơ ấu thế hay sao? Nhưng với đứa con gái bé bỏng thì khác – “Thôi nào bé con, mẹ yêu, mẹ xin”. Sự bất bình đẳng này đã rõ ràng từ tấm bé.
Đàn bà có thể khóc vì bất cứ lí do gì, thậm chí chẳng có lí do gì. Nhưng đàn ông đã khóc thì ắt có nguyên nhân.

Bất lực. Đấy chính là vòi nước vặn ra tuyến lệ của đàn ông.

Đàn bà nhiều khi không thể hiểu được chuyện đó. Bạn không thể hiểu được rằng khi đàn ông lâm vào thế lực bất tòng tâm lại khổ sở thế nào. Họ không biết chia sẻ với ai, ở đâu. Không giống như đàn bà, luôn có những hội nhóm túm năm tụm ba, tuy là chia sẻ thì ít mà nói xấu thì nhiều, nhưng dẫu sao vẫn nhiều cửa giải tỏa cơn ấm ức. Tính tự trọng của đàn ông ngăn cấm họ trình bày điều đang khiến họ khó thở. “Chuyện nhỏ ấy mà, vấn đề gì đâu”, đàn ông thường che lấp nỗi niềm của mình như vậy khi có người đụng đến vướng mắc của họ.
Tôi có một cậu em rể họ. Cậu này tuyệt đối đàn ông. Vợ chồng cậu ta mới li dị và cô em họ tôi được tòa phán quyết cho nuôi cả hai đứa con, đứa bé mới 8 tháng tuổi. Nhà bây giờ chia đôi, và dở một nỗi nhà cô cậu này lại sát vách nhà ông bà ngoại (trường hợp này đàn ông khôn ngoan luôn tìm cách tránh xa, nhưng vẫn có một số kẻ chẳng hiểu sao cứ dại dột đâm đầu vào), nên rõ ràng cậu em bị bắt nạt nhiều lắm. Hôm tôi ghé chơi, từ đằng xa thấy chị ô sin nhà chú tôi đang bế con bé 8 tháng ra ngõ, cậu em rể đứng bần thần trước cửa nhà nhìn theo con gái, có vẻ rất muốn chạy đến bế con một lần.


“Thứ Sáu mới đến ngày được chơi với con, chú anh nhất quyết bắt anh ấy tuân theo phán quyết của tòa”, chị ô sin trình bày, “Hình như anh ấy nhớ con lắm, nhưng em không dám làm trái ý ông”.


Thế mà khi hai anh em ra ngồi bia hơi, cậu em rể lại có vẻ rất phũ: “Sao đâu bác, mai em lấy vợ khác, đẻ vài đứa nữa chơi”. Rồi lảng đề tài sang chuyện khác.
Cuộc bia kết thúc sau hai tiếng rưỡi, với khoảng hai chục chiếc vỏ mà cậu em uống là chính. Tôi không khuyên cậu ta uống ít đi, vì cậu ta đang có quyền say sưa một chút, cần được giải tỏa một chút. Cậu ta đang cố gắng gượng khỏa lấp đi sự bất lực của mình trước quyết định có phần thiên vị của tòa án, trước sự hành xử quá đáng của gia đình ông chú tôi khiến tình cảm cha con cậu ta bị coi là không đáng một xu.
Tôi biết, đêm nay về, cậu ta sẽ mượn say mà khóc rống lên cho thỏa. Dù ai nghĩ thế nào, tôi lại cho rằng đó là lúc cậu ta ra dáng thằng đàn ông nhất. Ít ra, cậu ta có thể tự mình giải quyết được phần nào đó sự bất lực của mình.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới WHO nhân ngày thế giới phòng chống tự tử (10/9), không khóc được (hay không được khóc?) và ít chia sẻ là một trong nhưng nguyên nhân chính dẫn đến tỉ lệ đàn ông tự tử cao gấp 3 lần phụ nữ, mặc dù nếu chỉ tính về ý định tự kết liễu, tỉ lệ phụ nữ lại cao hơn đến 20 lần. Nếu nhìn ở khía cạnh tích cực, kể ra giới đàn ông cũng rất đáng tự hào về tính cách dứt khoát quyết đoán của phe mình. Ngược lại, sự hão huyền về cái gọi là nam tính ấy đã lấy đi tính mạng của vô số đàn ông (khoảng 700 ngàn nam giới trong tổng số trung bình 1 triệu người tự tử mỗi năm trên toàn thế giới – WHO). 
Trong số ngần ấy sinh mạng oan uổng, các ông bố bà mẹ từng nạt con trai mình “đừng bao giờ mít ướt như bọn con gái” phải chịu bao nhiêu phần trách nhiệm?
Khóc là một cơ chế giải tỏa cảm xúc cực kì tốt. Hơn nữa, đó là một từ tương đối đáng yêu với đàn bà, nhưng thành thật mà nói, đúng là khá hèn với đàn ông.
Nếu đàn ông khóc trước mặt người khác, và lại khóc quá nhiều, anh ta quả thật không khác đất bùn là mấy. Đàn bà không bao giờ lựa chọn đàn ông ủy mị, cũng như đàn ông rất không ưa đàn bà lạnh như thép nguội. Đó là bản sắc giới, mà giới nào cũng muốn giữ lấy, bất chấp hậu quả là đàn ông chết vì tuyệt vọng ngày càng nhiều, còn đàn bà yếu đuối đến tận cùng mê muội cũng chẳng ít đi.
Nếu bạn có thể dịu dàng thông tuyến lệ cho người đàn ông của bạn mà không khiến anh ta bị tổn thương lòng tự trọng, bạn không chỉ cứu cho cuộc đời của anh ta, mà còn giúp cả thế giới đỡ đau đầu tìm giải pháp ngăn chặn đà tăng kinh hoàng của vấn nạn này, đã tăng 60% trong vòng 45 năm qua.
Tôi biết, nếu trên đời có cái gọi là khó khăn, thì việc này chắc chắn là khó khăn to lớn nhất. Là bởi vì đàn ông đến từ sao Hỏa, đàn bà đến từ sao Kim, hiểu được nhau…chết liền! Cũng giống như khi đàn bà gặp chuyện khó chịu mà nghĩ rằng có thể trút ra với đàn ông, rất hay bị dội lại gáo nước “Tự giải quyết đi, có thế mà cũng phải than thở”. Đàn ông mà “bị” đàn bà nói “Cứ khóc đi cho nhẹ lòng”, không chừng còn muốn chết nhanh hơn.
Chính vì thế, cho dù tỉ lệ nam giới chọn cách giải quyết tiêu cực nhất không dừng lại ở con số gấp 3, mà là gấp 30 lần so với nữ giới, thì chuyện đàn bà bao dung đưa khăn giấy khuyến khích đàn ông “khóc đi cho thỏa nỗi buồn” cũng là không tưởng. Không phải đàn bà không thể làm chuyện đó, mà chính là đàn ông không thể cho phép mình nhận sự thương hại này. 
Chính vì thế, đàn ông thực sự luôn khổ hơn phụ nữ.
Nỗi khổ này của đàn ông, phụ nữ muôn đời không biết. Mà không biết có khi lại hay. Phụ nữ biết thêm bí mật gì, chỉ càng làm mọi vấn đề phức tạp hơn nó vốn có.
Nếu không tin, bạn cứ về hỏi chàng của bạn: “Anh có nỗi buồn gì không? Anh khóc đi cho nhẹ người!”, xem chuyện gì sẽ xảy ra. 
Chắc sẽ không có chuyện gì nghiêm trọng đâu. Nhưng chắc chắn sẽ có phép màu.
Phép màu biến bạn trở thành người phụ nữ (tỏ ra) nguy hiểm nhất thế giới!

Bài: Đức Long


logo
 

>>> Có thể bạn quan tâm: Các ông về cơ bản cũng chỉ là rau của chị em thôi. Làm rau nên có giác ngộ làm rau…


From the same category