Đề tài nam tần – Cơ hội phục hưng của màn ảnh Hoa ngữ?

Đề tài nam chủ vốn không quá xa lạ với khán giả yêu thích phim ảnh Hoa Ngữ. Nhờ sức hút mạnh mẽ và cách khai thác hấp dẫn, thể loại này luôn thu hút được sự quan tâm của đông đảo khán giả. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhiều bộ phim thuộc dòng phim nam chủ lại gây thất vọng bởi chất lượng không như mong đợi. Diễn xuất non nớt của dàn diễn viên trẻ, kịch bản phi logic, cách xây dựng tình tiết rối ren đã khiến khán giả thất vọng. Liệu dòng phim “nam chủ” có đang thoái trào?

Thời kỳ hoàng kim 

Nam tần hoặc nam chủ là tên gọi dành cho các bộ phim truyền hình thuộc thể loại cổ trang với nội dung chủ yếu xoay quanh nam chính. Một đại diện tiêu biểu gần đây của dòng phim này là “Khánh Dư Niên” (2019). “Khánh Dư Niên” được xem là bộ phim thành công nhất thuộc thể loại nam chủ, khi tạo nên tiếng vang lớn ngay từ phần đầu tiên. Ban đầu, tác phẩm không nhận được nhiều kỳ vọng do nguyên tác tiểu thuyết không quá nổi bật trong giới văn học mạng, cộng thêm dàn diễn viên không thuộc hàng sao lưu lượng. Ngay cả nam chính Trương Nhược Quân cũng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều vì ngoại hình không đúng với mô tả trong nguyên tác, thậm chí bị đánh giá là kém sắc. Tuy nhiên, ngay khi phát sóng, bộ phim đã chinh phục khán giả hoàn toàn nhờ kịch bản chắc tay, diễn xuất đỉnh cao và sự đầu tư chỉn chu về mọi mặt.

“Khánh Dư Niên” phần 1 được đánh giá là con “hắc mã” của năm 2019 với loạt thành tích khủng.

“Khánh Dư Niên” phần 1 không chỉ đạt được điểm Douban 8.0, mà còn nằm trong danh sách phim Trung Quốc có tỉ lệ người xem cao nhất năm 2019. Các nhân vật, dù là vai phụ hay khách mời, đều có câu chuyện và sự phát triển riêng, tạo thành một chỉnh thể thống nhất. Đặc biệt, cảnh đọc thơ Đường của Trương Nhược Quân (vai Phạm Nhàn) trở thành phân cảnh kinh điển, được đánh giá cao nhờ đài từ xuất sắc và thần thái mạnh mẽ. Tác phẩm này còn được vinh danh trong nhiều bảng xếp hạng phim truyền hình, đồng thời góp phần củng cố vị thế của Trương Nhược Quân trong giới diễn viên thực lực.

Sau 5 năm chờ đợi, “Khánh Dư Niên 2” tiếp tục tạo nên cơn sốt khi lên sóng vào năm 2024. Bộ phim nhanh chóng phá mốc 10.000 nhiệt độ trên iQIYI, chiếm hơn 50% thị phần phim ảnh trực tuyến, và đạt hơn 500 triệu lượt xem chỉ sau vài ngày phát sóng. Kịch bản vẫn giữ vững phong độ với nội dung chặt chẽ, không có lỗ hổng, kết hợp cùng diễn xuất ổn định của dàn diễn viên. Tuy vẫn có một số ý kiến trái chiều về tình tiết cải biên so với nguyên tác, nhưng nhìn chung, bộ phim vẫn được xem là tác phẩm hiếm hoi giữ vững chất lượng qua từng mùa.

“Khánh Dư Niên 2” tiếp tục giữ phong độ sau 5 năm. Phim có lượt đặt xem trước với con số 13 triệu, trong thời gian chiếu nắm giữ hơn phân nửa thị phần tại thời điểm đó.

Ngoài “Khánh Dư Niên”, dòng phim nam chủ vốn đã có nền tảng vững chắc trong ngành công nghiệp phim Hoa Ngữ. Những tác phẩm kinh điển như “Anh Hùng Xạ Điêu”, “Tiên Kiếm Kỳ Hiệp”, “Ỷ Thiên Đồ Long Ký”, hay “Tiếu Ngạo Giang Hồ” đã đặt nền móng vững chắc cho thể loại này. Những bộ phim đó không chỉ giúp nền điện ảnh Hoa Ngữ vươn tầm quốc tế mà còn là bệ phóng cho hàng loạt tên tuổi lớn như Hồ Ca, Lưu Diệc Phi, Châu Tấn, Huỳnh Hiểu Minh.

“Tiên Kiếm Kỳ Hiệp 3” luôn được xem đi xem lại hằng năm dù đã chiếu cách đây 16 năm.
Sự thoái trào 

Vào khoảng cuối năm ngoái và đầu năm nay, hàng loạt tác phẩm nam tần lớn (đại IP) lần lượt lên sóng. Tuy nhiên, thay vì thành công như kỳ vọng, nhiều phim lại thất bại thảm hại cả về danh tiếng lẫn doanh thu. Bỏ qua việc cải biên quá khác nguyên tác, nguyên nhân chính nằm ở diễn xuất chưa tròn vai của dàn diễn viên lưu lượng hàng đầu Hoa Ngữ.

Đề tài nam tần là một chủ đề tưởng chừng đơn giản nhưng thực tế lại không hề dễ khai thác.

Điển hình như “Đại Phụng Đả Canh Nhân” (2024), bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết nổi tiếng của Mại Báo Tiểu Lang Quân. Tác phẩm này từng đứng đầu bảng xếp hạng Trung văn Khởi Điểm trong thời gian dài, giành bốn giải thưởng lớn tại Lễ trao giải IP Văn Học Trung Quốc Gốc lần thứ 6. Được dẫn dắt bởi đạo diễn của loạt phim thành công như “Dữ Phượng Hành”, “Câu Chuyện Hoa Hồng”, “Khánh Dư Niên”, phim được kỳ vọng sẽ trở thành “Khánh Dư Niên” thứ hai. Tuy nhiên, trái với mong đợi, dù đạt 41,5 triệu lượt xem (tạm tính) nhưng phim vẫn không được khán giả đánh giá cao. Lý do chính là diễn xuất của Vương Hạc Đệ – một trong những đỉnh lưu của Cbiz – biến nhân vật Hứa Thất An sắc sảo, thông minh trong nguyên tác thành một thanh niên chỉ biết “lách luật” để thăng tiến. Biểu cảm gượng gạo, đài từ kém và kịch bản xa rời nguyên tác đã khiến phim nhận về vô số chỉ trích.

Diễn xuất “đơ cứng” của Vương Hạc Đệ đang trở thành đề tài tranh cãi trên khắp các trang mạng.

Tương tự, “Anh Hùng Xạ Điêu – Hiệp Chi Đại Giả” (2025) là phiên bản điện ảnh remake ra mắt dịp Tết với sự tham gia của Tiêu Chiến cũng rơi vào tình trạng tương tự. Khác với bản truyền hình từng ghi dấu ấn mạnh mẽ, phiên bản mới thất bại vì diễn xuất thiếu cảm xúc, đài từ yếu và kịch bản thiếu chiều sâu. Là một tác phẩm kiếm hiệp nhưng phim lại lạm dụng hiệu ứng thay vì tập trung vào các cảnh hành động, khiến doanh thu chưa chạm mốc 1 tỷ NDT, thua xa các phim ra mắt cùng thời điểm.

Quách Tĩnh do Tiêu Chiến thủ vai khiến người xem cảm thấy mệt mỏi và bất lực. Lối diễn xuất thường xuyên trợn mắt, thiếu chiều sâu đã làm mất đi hình ảnh một Quách Tĩnh hiên ngang, cơ trí. Thay vào đó, nhân vật dường như trở nên nhạt nhòa, không còn giữ được khí chất vốn có.

Câu hỏi đặt ra là: Liệu các nhà sản xuất có thể dựa vào chỉ số thương mại và lượng fan hùng hậu để đưa diễn viên có thực lực kém vào vai nam chính mà vẫn đảm bảo thành công? Câu trả lời rõ ràng là không. Khán giả ngày càng khắt khe hơn, và dù một diễn viên có đông khán giả đến đâu, thì yếu tố quyết định thành bại của một tác phẩm vẫn là diễn xuất và kịch bản. Nếu thiếu một trong hai, dù đầu tư nhiều kinh phí đến đâu thì bộ phim cũng khó tránh khỏi thất bại.

Điện ảnh Hoa ngữ buộc phải thay đổi

So với thời kỳ hoàng kim của dòng phim nam chủ trước đây, các tác phẩm gần đây đang gặp nhiều khó khăn trong việc chinh phục khán giả. Một số bộ phim nam chủ mới ra mắt không đạt được kỳ vọng, chủ yếu do kịch bản thiếu chặt chẽ, lạm dụng hiệu ứng kỹ xảo và diễn xuất chưa thuyết phục của dàn diễn viên chính. Điển hình như một số tác phẩm được đầu tư lớn nhưng lại gây thất vọng vì sự thiếu nhất quán trong nội dung và diễn xuất, khiến khán giả không còn mặn mà với thể loại này.

“Liên Hoa Lâu” là một trong những bộ phim ít ỏi được đánh tốt cho thể loại nam chủ những năm gần đây.

Sự thành công của “Khánh Dư Niên” là minh chứng rõ ràng cho thấy dòng phim nam chủ vẫn có tiềm năng lớn nếu được đầu tư đúng hướng. Bộ phim không chỉ sở hữu kịch bản chắc tay, tình tiết hấp dẫn mà còn quy tụ dàn diễn viên thực lực, giúp nâng tầm chất lượng tác phẩm. Đây cũng là bài học quan trọng đối với nền điện ảnh Hoa Ngữ: Việc lựa chọn diễn viên không nên chỉ dựa vào danh tiếng hay lượng người hâm mộ, mà quan trọng hơn cả là khả năng nhập vai và truyền tải cảm xúc. Những gương mặt có thực lực, dù đóng chính hay phụ, đều có thể góp phần tạo nên thành công cho bộ phim.

Ngoài ra, đối với các tác phẩm chuyển thể từ tiểu thuyết nổi tiếng, kịch bản cần giữ được tinh thần của nguyên tác, bảo tồn cách xây dựng nhân vật và cốt truyện chính thay vì chỉnh sửa quá đà, khiến nội dung trở nên rời rạc và mất đi giá trị cốt lõi. Đặc biệt, trong dòng phim cổ trang – thể loại chủ đạo của phim nam chủ – việc lạm dụng kỹ xảo một cách thái quá có thể khiến tác phẩm trở nên thiếu chân thực, làm giảm trải nghiệm của người xem.

“Phó Sơn Hải” và “Phàm Nhân Tu Tiên” sắp lên sóng.

Nhờ sự điều chỉnh và nhìn nhận lại thị hiếu khán giả, các tác phẩm thuộc thể loại nam chủ sắp ra mắt như “Tàng Hải Truyện”, “Phó Sơn Hải”, “Thủy Long Ngâm”… đang nhận được nhiều kỳ vọng. Đặc biệt, dự án chế tác lớn “Thập Nhật Trung Yên” cũng đã sẵn sàng khởi quay, hứa hẹn mang đến làn gió mới cho dòng phim này. Nếu được đầu tư bài bản, đây có thể sẽ là bước ngoặt giúp phục hưng một thể loại từng rất thành công của điện ảnh Hoa Ngữ.


From the same category