Để hết "đỏ mặt" vì hơi thở - Tạp chí Đẹp

Để hết “đỏ mặt” vì hơi thở

Sức Khỏe

Vấn đề của hơi thở có thể bắt nguồn từ thứ mà bạn đã ăn uống trước đó. Đó là tỏi của buổi trưa? Hay do ly cà phê lúc sáng? Chúng có thể rất ngon lành và đầy hương vị, nhưng bạn hãy cẩn thận nhé, có khi chúng lại là thủ phạm gây hôi miệng nếu không được xử lý kỹ càng đấy!

 

Thức ăn

Mặc dù tỏi và cà phê là hai thủ phạm chính, còn nhiều thức ăn khác vẫn có thể ảnh hưởng tới hơi thở của bạn như hành, đồ ăn cay… Nên nhớ rằng mùi của thức ăn có thể đọng lại tới những 3 ngày sau khi ăn, trong khi thức ăn thì hoàn toàn đã loại khỏi hệ thống của cơ thể!

Những thứ còn “sót” lại

Đó là thức ăn còn đọng lại trong răng sau bữa ăn của bạn. Những phần tử còn “mắc kẹt” trong răng, nướu hay lưỡi sẽ tiết ra mùi vị theo hơi thở. Nếu để lâu, thức ăn bị phân rã, kết quả còn tệ hơn.

Thuốc lá

Không cần phải nói ai cũng biết tác hại của thuốc lá. Và một trong những số đó chính là bệnh hôi miệng.

 

Chế độ ăn kiêng

Có lẽ ít ai biết rằng ăn kiêng lại dẫn đến bệnh hôi miệng. Nhưng thực ra khi cơ thể giảm lượng chất béo đột ngột, quá trình tiết chất gây mùi khó chịu sẽ xảy ra dẫn đến hơi thở nặng mùi.

Ít uống nước

Thêm một lý do để bạn không được quên uống nước hằng ngày. Khi miệng bị khô, nứt nẻ, hơi thở của bạn sẽ trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết. Đó là do nước bọt có khả năng tạo ra quá trình khử mùi liên tục. Thực tế, chứng hôi miệng buổi sáng sẽ càng tệ hơn với những ai có thói quen ngủ mà mở miệng. Vì vậy, thói quen ngủ cũng trở nên khá quan trọng với hơi thở của bạn.

Thuốc hoặc một số vấn đề về sức khỏe

Những loại thuốc gây khô miệng cũng có thể là nguyên nhân dẫn tới bệnh hôi miệng. Bên cạnh đó, các vấn đề về sức khỏe như dị ứng thời tiết, viêm xoang mạn tính, viêm phế quản, viêm đường hô hấp, đau dạ dày, tiểu đường, bệnh gan và thận… cũng là những tác nhân “đầy tiềm năng” cho hơi thở nặng mùi. Đừng quên nếu bạn bị hôi miệng kéo dài, có khả năng đó là do các vấn đề về răng nướu.

Xử lý vấn đề

– Đánh răng: Dọn sạch các mảng bám và bảo vệ bạn khỏi bệnh răng miệng.

– Chải lưỡi: Vi khuẩn trên lưỡi có thể góp phần vào bệnh hôi miệng.

– Dùng nước súc miệng: Nước súc miệng giúp diệt khuẩn gây hôi miệng.

– Uống nhiều nước: Nước sẽ làm loãng hóa chất gây mùi hôi, rửa sạch vi khuẩn và thức ăn còn sót lại.

– Ăn sáng: Bệnh hôi miệng buổi sáng có thể gắn liền với cái bụng rỗng của bạn.

– Ăn nhiều trái cây, rau củ: Táo, cà rốt, cần tây và những loại rau củ cứng sẽ dọn sạch mảng bám.

– Nhai chewing gum: Ngăn vi khuẩn gây hôi miệng, tạo hơi thở thơm tho.

– Gặp bác sĩ: Để giải quyết những nguyên nhân gây mùi.

Theo Mẹ yêu bé

Thực hiện: depweb

19/11/2012, 14:28