Để có một trái tim khoẻ mạnh

Bạn luôn nghĩ ung thư tử cung, ung thư vú, tiểu đường… là những căn bệnh luôn đe doạ, rình rập phụ nữ. Nhưng bạn có biết rằng trong danh sách 6 bệnh dễ mắc và gây nguy hiểm nhất cho phụ nữ bệnh đứng ở vị trí số 1 lại chính là tim mạch.
 

 Giả sử bạn đang có một công việc mà bất kỳ ai cũng mơ ước, là mẹ của những nhóc tì đáng yêu khỏe mạnh với một dáng vóc không chê vào đâu được. Chạy bộ là môn thể thao hằng ngày để bạn có thể an tâm về sức khỏe của mình. Không bao giờ ốm vặt và chưa bao giờ phải gặp bác sĩ, những điều này được bạn coi như một chứng nhận miễn dịch với bất kỳ căn bệnh nào.
 
 Nhưng chỉ với triệu chứng ban đầu là những cơn đau nhói ở ngực cũng có thể mang tới những kết quả khiến bạn bàng hoàng.
 
 Không phải chỉ người già hay nam giới mới là những đối tượng thường mắc phải những rắc rối về tim mạch. Trên thực tế, tại Mỹ, những bệnh tim mạch là nguyên do đầu bảng gây ra những ca tử vong cho những phụ nữ trên 25 tuổi, nhiều hơn số ca tử vong vì các căn bệnh ung thư cộng lại.
 
 Hiệp hội Tim ở Mỹ đã ước tính rằng có đến 1/3 phụ nữ tại đây mắc phải những căn bệnh liên quan đến tim và có rất ít người biết được bệnh tim mạch nguy hiểm đang rình rập họ.
 
 Trước kia, đã có những nghiên cứu dẫn đến kết luận rằng: những phụ nữ dưới 50 tuổi ít có nguy cơ mắc phải bệnh tim so với nam giới cùng tuổi, còn với những nghiên cứu mới với phụ nữ ở độ tuổi trên 25 thì nguy cơ tử vong vì bệnh tim cao gấp đôi so với nam giới cùng độ tuổi.
 
  Lý do được phỏng đoán là những phụ nữ trẻ mắc phải bệnh tim thường dễ suy sụp và buông xuôi khi phát hiện ra những triệu chứng của bệnh tim.
 

 Số ca tử vong vì bệnh tim mạch của những phụ nữ từ 25 tuổi trở lên nhiều hơn tất cả những ca tử vong do ung thư gây ra. 
 
 Khi còn trẻ, phụ nữ mắc bệnh tim có nguy cơ tử vong cao gấp hai lần nam giới mắc bệnh tim.

 Bạn có thể tự bảo vệ bản thân ngay từ bây giờ.

 Nếu như những gì trên đây khiến tim bạn đập nhanh hơn thì những lo lắng cho sức khỏe của mình không bao giờ thừa và hãy coi như đó là bước đầu tiên trong quá trình chống lại căn bệnh này.
 
 Rất nhiều phụ nữ mắc phải bệnh tim cùng với những bệnh khác như cao huyết áp hay lượng cholesterol trong máu cao, do vậy nếu bạn cảm nhận được chính xác những triệu chứng cơ bản ban đầu thì sẽ giúp bác sĩ cùng bạn chống lại được cả những căn bệnh bên lề nữa.
 
 Hãy biết cách chăm sóc tim của bạn trước khi xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào dính dáng đến các bệnh tim mạch!
 
 Bước 1: Mẹ của bạn khỏe chứ?
 
 Bấy lâu nay, những nhà nghiên cứu vẫn luôn tin rằng bệnh tim mạch có mối liên hệ giữa những người trong gia đình (bố, mẹ, anh, chị, em trong nhà). Nhưng theo nghiên cứu trong năm 2006 tại Thụy Điển, mẹ của bạn sẽ là người bạn cần quan tâm nhất.
 
 Nguy cơ mắc bệnh tim của bạn là 17% nếu như bố bạn mắc phải bệnh tim, nhưng nếu như mẹ mắc bệnh tim thì nguy cơ mắc bệnh của bạn sẽ lên tới 43%.
 
  Nhưng nguyên do không phải là những vấn đề về di truyền mà là yếu tố môi trường sống của gia đình vì ngay từ khi còn bé thì ai trong chúng ta cũng có thời gian gần mẹ nhiều nhất và dễ bị ảnh hưởng từ những thói quen không tốt của mẹ (hút thuốc, uống rượu…).
 
 Còn nếu bản thân bạn không hút thuốc và tập thể dục thường xuyên thì cũng vẫn đối mặt với nguy cơ mắc bệnh tim lên tới 82% khi mà cả bố và mẹ của bạn đều mắc bệnh tim.
 
 Điều này không có nghĩa là hết hy vọng!
 
  Nếu như gia đình có tiền sử mắc bệnh tim thì đừng chần chừ, hãy tới gặp bác sĩ để tiến hành những xét nghiệm kỹ lưỡng hơn những lần xét nghiệm máu thông thường khác vào độ tuổi 44 – 45.
 
 Trước tiên, hãy hỏi ý kiến bác sĩ về việc chụp cắt lớp vi tính (CT scan) tim của bạn một cách thường xuyên trước độ tuổi này, việc này giúp bạn phát hiện ra những “vật lạ” hình thành trong các động mạch.
 
  Lần chụp đầu tiên sẽ thiết lập hình ảnh những ngóc ngách cơ bản bên trong tim bạn, những hình ảnh tiếp sau sẽ dự đoán những nguy cơ đe dọa đến động mạch của bạn.
 
  Các bác sĩ cũng khuyến cáo tất cả những phụ nữ nên yêu cầu được thực hiện những xét nghiệm máu chi tiết hơn, không chỉ đơn giản là đo lượng cholesterol mà còn cần xác định chủng loại, kích cỡ của cholesterol vì gần đây những nhà khoa học đã bắt đầu phát hiện ra những liên quan của các yếu tố này tới sức khỏe tim của bạn.
 
 Việc xét nghiệm máu cũng có thể giúp bạn phát hiện ra protein hoạt tính dạng C (CPR – C.Reactive Protein) trong máu và đây cũng chính là một trong những lý do hình thành nên những “vật lạ” bên trong động mạch của bạn.
 
 Sự hiện diện của CPR thường gặp ở những người béo phì, cao huyết áp, nghiện thuốc lá, hay những người ít vận động sẽ dự báo về khả năng có thể mắc phải bệnh tim ngay cả khi có lượng cholesterol trong máu không cao và những nhà nghiên cứu đã khẳng định rằng sự xuất hiện của CPR sẽ báo hiệu về nguy cơ bệnh tim trước khi những triệu chứng xuất hiện.
 
 Hãy yêu cầu bác sĩ kiểm tra và thông báo cho bạn về lượng CPR trong những lần xét nghiệm máu để có những biện pháp kịp thời.
 

 Bước 2: Làm một vài phép toán phức tạp
 

Mối liên hệ giữa lượng cholesterol – một chất sinh ra từ gan và tìm thấy trong các tế bào máu – với bệnh tim đã được biết đến từ rất nhiều thập kỷ trước nhưng lượng cholesterol chỉ là một phần của “đẳng thức”.
 
  Và ẩn số nữa cần quan tâm ở đây là lượng lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL – low-density lipoprotein) – hay còn được gọi là “cholesterol xấu”, và lượng lipoprotein tỷ trọng cao (HDL – high-density lipoprotein) – “cholesterol tốt”.
 
 Cholesterol LDL có thể hình thành nên những “bức tường” trong các động mạch gây tắc nghẽn và làm đứt các động mạch và tạo ra các cục máu đông cũng như những điều kiện thuận lợi để bệnh tim hình thành.
 
 Theo nghiên cứu gần đây tại trung tâm y tế Southwestern của trường Đại học Texas, nếu như chúng ta giữ lượng LDL ở mức thấp nhất có thể (càng lâu càng tốt) sẽ bảo vệ được những người có nguy cơ mắc bệnh tim cao ngay cả những người nghiện thuốc lá.
 
 Trong khi đó, HDL đóng vai trò như một “anh hùng” chống lại những “tội ác” do LDL gây ra, vận chuyển những gì có hại từ máu về gan để chuyển hóa và bài tiết. Theo nghiên cứu thì nếu như tăng được lượng HDL thêm 1mg/dl sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh tim 3%.
 

 Những dấu hiệu nhận biết bệnh tim ở phụ nữ:
 
 1/ Chóng mặt: Đây là dấu hiệu chứng tỏ rằng lượng máu lưu thông qua não không đủ!
 
 2/ Mệt mỏi: Tim co bóp không đủ cung cấp oxy tới các bộ phận chức năng trên cơ thể và hậu quả là bạn cảm thấy mệt mỏi.
 
 3/ Buồn nôn: Điều này chứng tỏ rằng huyết áp bị tụt xuống quá thấp và đi kèm với triệu chứng này là vã mồ hôi, nhiệt độ cơ thể tụt xuống quá thấp.
 
 4/ Đau lưng trên, bụng trên, ngực dưới: Một dấu hiệu nữa cho thấy rằng máu đã không được đưa tới những nơi cần thiết.
 
 5/ Thở nặng nhọc khi hoạt động bình thường: Hoạt động đẩy máu của tim yếu dần và máu chảy về tim giảm dần.
 
 Đôi khi bạn cũng cảm thấy mệt, chóng mặt hay thở nặng nhọc, vậy lúc nào là lúc bạn cần lo lắng?
 
  Nếu như bạn cảm thấy khó thở khi leo cầu thang trong một ngày thì đó không phải là vấn đề đáng lo ngại.
 
  Nhưng nếu như số lần khó thở tăng dần từ 1 lần trong tuần lên 3 lần trong tuần thì bạn nên tới gặp bác sĩ để kiểm tra.
 
 Còn nếu bạn thấy những dấu hiệu trên khi đang nghỉ ngơi, không làm gì nặng nhọc thì rất có thể bạn đang đối mặt với nguy cơ mắc bệnh tim!

  Đối với đa số phụ nữ, lượng cholesterol cho phép là dưới 200, với lượng LDL không vượt quá 100 và HDL không thấp quá 50 (đơn vị: mg/dl). Nếu như những số liệu của bạn đáp ứng được yêu cầu trên thì bác sĩ khuyên rằng nên tiến hành xét nghiệm máu 5 năm một lần trong độ tuổi từ 25 đến 39.
 

 Bước 3: Uống thuốc không có gì mà ngại

 
 Nếu như những xét nghiệm cho thấy rằng lượng cholesterol trong máu của bạn cao quá mức cho phép thì việc thay đổi các bữa ăn cũng như tập luyện có thể giúp cải thiện tình hình.
 
 Nhưng có rất nhiều trường hợp khi phát hiện ra lượng cholesterol đã quá cao và quá muộn để những có biện pháp can thiệp hiệu quả. Đó là lúc mà bác sĩ sẽ kê cho bạn một loại Statin – có chức năng hạn chế quá trình sản sinh cholesterol từ gan.
 
 Một vài bác sĩ cũng sẽ rất băn khoăn khi cân nhắc cho bệnh nhân sử dụng Statin nhất là đối với những bệnh nhân có thể tự giảm lượng cholesterol bằng việc thay đổi những thói quen trong cuộc sống. 
  
 Nhưng trong những nghiên cứu gần đây đã chỉ rõ cho mọi người thấy được tác dụng của Statin trong việc làm giảm LDL tới 40% so với những phương thức trị liệu khác, đồng thời làm tăng được lượng HDL, từ đó làm giảm thiểu nguy cơ mắc phải bệnh tim tới 35%.
 
  Tuy nhiên, khi phụ nữ sử dụng Statin sẽ xuất hiện những phản ứng phụ như mỏi cơ và nên xét nghiệm máu để kiểm tra chức năng hoạt động của gan.
  
 Bước 4: Kiểm tra cân nặng
 
 Thừa cân không chỉ khiến bạn mất tự tin trong mùa bơi lội mà nó còn rất nguy hiểm nhất là khi những chất béo tích tụ lại ở bụng của bạn. Những nghiên cứu mới đây đã cho thấy rằng những chất béo tích tụ ở bụng không chuyển hóa giống như những chất béo ở các bộ phận khác trên cơ thể.
 
 Vậy điều trị những chất béo ở bụng như thế nào cho hiệu quả?
 
 Theo nghiên cứu mới của Trung tâm Y tế Baptist tại trường Đại học Wake Forest thì việc kết hợp ăn kiêng với tập luyện sẽ giảm thiểu được những tế bào chất béo tích tụ ở bụng và cần lưu ý là nếu chỉ ăn kiêng không thôi thì hiệu quả sẽ không được như mong đợi.
 
 Việc tập luyện thường xuyên sẽ tạo nên một vài biến động nhỏ đối với cơ thể bạn: không chỉ giảm thiểu được phần “thừa cân” mà những cơ bắp cũng sẽ trở nên hiệu quả hơn khi máu chảy qua, tim bạn khỏe hơn, và những mạch máu trở nên linh hoạt hơn, máu lưu thông dễ dàng hơn.
 
 Bạn không cần thiết phải thực hiện những bài tập chạy marathon trong suốt cả tuần để có hiệu quả. Những bác sĩ chuyên khoa tim đã cho lời khuyên rằng trung bình mỗi ngày dành ra 30 phút tập aerobic cũng đem tới hiệu quả cao, đấy là chưa kể tới lợi ích: nếu như bạn duy trì được bài tập aerobic đều đặn thì tuổi thọ sẽ được kéo dài thêm 3 năm rưỡi.
 
 Bất luận bạn đi bộ, chạy hay bơi, hãy điều chỉnh hoạt động của tim trong khoảng 50 – 70% khả năng tối đa. 
 
 Trước kia, một số bác sĩ từng cho rằng việc tập tạ không tốt cho tim vì nó làm tăng huyết áp nhưng giờ đây thì những bài tập với tạ đã được chứng minh rằng có tác dụng rất tốt trong việc làm giảm huyết áp – tập tạ sẽ giúp tiêu hao năng lượng và tránh để chất béo tụ lại ở bụng.
 
 Bước 5: Chế độ ăn  thông minh
 
 Tập luyện mà không ăn kiêng thì sẽ chỉ mang lại một nửa hiệu quả. Nhưng thay đổi, sắp xếp lại bữa ăn của bạn không có nghĩa là tự hành xác bằng việc nhịn ăn hay tuân thủ những bài ăn kiêng không có căn cứ. Việc kết hợp những thực phẩm trong các bữa ăn một cách hợp lý hết sức quan trọng.
 
 Hiệp hội Tim tại Mỹ đã đưa ra một chế độ ăn kiêng cơ bản mang tính gợi ý như sau: lượng calo hằng ngày nạp vào cơ thể từ những chất béo bão hòa như bơ, sữa nguyên kem, pho-mát, thịt… không vượt quá 7%; lượng chất béo không bão hòa (trans fat) thường có trong các loại bánh quy, khoai tây rán,… phải đảm bảo không vượt quá 1%.
 
 Bên cạnh đó, “chế độ ăn kiêng Địa Trung Hải” cũng được khuyến khích: chỉ sử dụng những chất béo từ cá hay dầu oliu, thịt nạc (bò phi-lê, thăn bò,…), sữa tách bơ, gạo chưa xátã, và mỗi ngày có 5 lần “nạp” các loại hoa quả và rau tươi để cung cấp những chất chống oxy hóa và đảm bảo tính linh hoạt cho mạch máu.
 
 Chất béo omega-3 trong thịt cá hồi và các loại cá khác có tác dụng rất tốt trong việc duy trì huyết áp ở mức tốt nhất cho cơ thể và điều hòa nhịp tim ở mức ổn định.
 
 Táo là một loại quả có khả năng làm giảm thiểu những cholesterol xấu LDL. Trà Ô Long có hàm lượng chất chống oxy hóa rất cao có tác dụng kiểm soát LDL luôn ở mức thấp nhất và ngăn không để máu nhiễm LDL…
 
 Bước 6: Từ bỏ thuốc lá
 
 Bỏ thuốc lá sẽ phải là việc đầu tiên bạn nên làm để tránh những bệnh tim mạch sau này.
 
 Nghiên cứu gần đây đã có những con số cụ thể cho thấy rằng nếu như bạn hút từ 1 đến 5 điếu thuốc một ngày thì bạn đã vô tình tăng gấp 3 lần nguy cơ tử vong bởi những bệnh tim mạch cho chính mình và với phụ nữ thì việc hút thuốc đem tới hậu quả nghiêm trọng hơn rất nhiều so với nam giới.
 
 Hút thuốc sẽ làm hẹp các động mạch và tăng huyết áp, và dễ dẫn tới việc hình thành các cục máu đông – nguyên nhân chính dẫn tới bệnh tim. Và điều này sẽ càng nghiêm trọng hơn khi bạn đã mang sẵn trong mình những nguy cơ mắc bệnh tim như huyết áp và lượng cholesterol cao.
 
  Bạn uống thuốc tránh thai và hút thuốc trong cùng thời điểm? Hậu quả sơ sơ sẽ là: huyết áp tăng nhanh, các cục máu đông ngày càng nhiều, và nguy cơ tử vong vì bệnh tim đã được tăng thêm nhiều lần! Nhiều nghiên cứu trước đây cho thấy phụ nữ không dễ dàng từ bỏ thói quen xấu như hút thuốc như nam giới.
 
 Bước 7: Chăm sóc bản thân trước khi sinh
 
 Hằng năm có khoảng 135.000 phụ nữ mắc phải bệnh tiểu đường và đường trong máu cao trong thời kỳ thai nghén, và đó dường như là hậu quả của việc những hocmôn trong thời kỳ thai nghén đã ngăn cản việc sản sinh insulin. Các bác sĩ từng cho rằng đây chỉ là hiện tượng nhất thời trong quá trình mang thai.
 
 Tuy nhiên giờ đây, các nghiên cứu đã chứng tỏ rằng nếu bạn bị tiểu đường khi thai nghén thì nguy cơ mắc tiểu đường sau này sẽ lên tới 50% cũng như nguy cơ mắc phải các bệnh tim mạch lên tới 40%. Và thế là bạn đã có tên trong danh sách những bệnh nhân tiềm ẩn của bệnh tiểu đường (ở Mỹ, con số này vào khoảng 54 triệu người).
 
 Các dạng tiểu đường, đặc biệt tiểu đường loại 2, thường dẫn đến béo phì có thể là do di truyền hoặc do ảnh hưởng từ môi trường sống.
 
 Những bác sĩ tim mạch rất để tâm tới những bệnh nhân tim mắc bệnh tiểu đường vì ngay cả khi họ chưa bị đau tim bao giờ thì cũng là những đối tượng có huyết áp và lượng cholesterol trong máu cao hơn mức cho phép.
 
 Biện pháp tốt nhất để tự bảo vệ mình là cân đối lại bữa ăn cho hợp lý, kiểm soát cân nặng, và rèn luyện thân thể để tránh được bệnh tiểu đường ngay cả khi bạn mắc phải khi đang mang thai.
 
 Bước 8: Ghi nhớ rằng phụ nữ luôn khác nam giới!
 
 Và sự khác nhau này thể hiện rõ nhất ở những triệu chứng của bệnh tim.
 
  Nhiều phụ nữ khi đã có những triệu chứng của bệnh tim như khó thở, tức ngực, đau lưng nhưng họ vẫn chủ quan và tới lúc đến gặp bác sĩ thì mọi chuyện đã quá muộn.
 
 Phải đến những năm gần đây, các bác sĩ mới có những nghiên cứu cụ thể phân định rành rọt những triệu chứng khác nhau của bệnh tim giữa phụ nữ và nam giới.
 
 Không chỉ khác nhau ở triệu chứng bệnh mà ngay cả quá trình bệnh biểu hiện ở nam giới với phụ nữ cũng không hề giống nhau.
 
 Nghiên cứu từ Viện Y tế Quốc gia (Mỹ) cho thấy rằng ngay cả bác sĩ cũng nhiều khi không đủ tỉnh táo để nhận biết những triệu chứng bệnh tim ban đầu của các bệnh nhân nữ như việc hình thành các mảng bám trong thành động mạch sẽ dẫn tới việc gây tắc động mạch…
 
  Một khi đã xuất hiện những dấu hiệu của bệnh tim thì chị em cần được theo dõi tới nơi tới chốn, không được bỏ sót bất kỳ một khâu nào trong quá trình xét nghiệm cũng như quá trình điều trị sau này.
 
 Bệnh nhân có quyền được yêu cầu thực hiện đầy đủ những xét nghiệm cần thiết để có được những thông tin chính xác về tình trạng sức khỏe của mình.

 


From the same category