“Đè” bệnh nhân xét nghiệm, siêu âm

Bà Lê Thanh Bình (54 tuổi, ở Đông Anh – Hà Nội) cho biết cách đây không lâu, người nhà bà bị đau bụng thông thường nhưng khi vào bệnh viện (BV) kiểm tra, các bác sĩ (BS) yêu cầu làm siêu âm, sau đó phải chụp CT ổ bụng, nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng và nhiều xét nghiệm sinh hóa khác… với khoản tiền gần 1,5 triệu đồng. Cuối cùng, BS kết luận đau bụng do nghi ngờ… ngộ độc thức ăn.

“Ép” chụp CT, siêu âm

Một ví dụ khác được đại diện BHXH Việt Nam dẫn ra là tại một cơ sở chăm sóc sức khỏe cho cán bộ cao cấp ở một tỉnh miền Bắc, trong 2.000 thẻ BHYT đăng ký/năm thì có tới 1.000 lượt siêu âm tim, trong khi đây không phải là một chỉ định đại trà. Bệnh nhân chỉ được siêu âm khi có những nghi ngờ về bệnh lý tim mạch.

TS Lý Ngọc Kính, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Y tế Việt Nam, cho rằng các đợt kiểm tra của BHXH Việt Nam cho thấy hầu hết đều có tình trạng chỉ định sử dụng các dịch vụ kỹ thuật một cách thái quá, bất hợp lý, nhất là các dịch vụ đắt tiền được đầu tư từ nguồn xã hội hóa (XHH).

Cách thức chỉ định dịch vụ thể hiện sự chồng chéo như chụp X-quang nhiều tư thế, vừa siêu âm ổ bụng vừa chụp CT ổ bụng, các dịch vụ được thực hiện nhiều lần dù không có kết quả khác biệt. Lý giải nguyên nhân, đại diện BHXH Việt Nam cho rằng do nhiều BV đầu tư máy móc hiện đại theo phương thức XHH nên đã tăng cường chỉ định sử dụng để thu hồi vốn nhanh.

Hiện nay, hầu hết các cơ sở khám – chữa bệnh, đặc biệt là các BV tuyến cuối, đều “nở rộ” máy được đầu tư từ nguồn XHH. Tại BV Bạch Mai (Hà Nội), lãnh đạo BV này cho biết nhiều khoa có tới 50% – 100% sử dụng trang thiết bị từ nguồn XHH. BV Việt Đức (Hà Nội) hiện cũng có khoảng 160 tỉ đồng từ nguồn đầu tư XHH cho các loại máy đang hoạt động. Tại BV K, cả 2 máy chụp CT đều được đầu tư từ nguồn XHH.

Cách đây không lâu, một BV ở tỉnh Phú Thọ đã bị cơ quan bảo hiểm “sờ gáy” vì giao khoán cho các khoa, phòng về chỉ tiêu số bệnh nhân khám, nhập viện điều trị cũng như chỉ tiêu xét nghiệm. BV này yêu cầu mỗi năm phải đạt 3.700 người chụp CT – Scanner, 16.000 người siêu âm… Những chỉ tiêu này được coi là tiêu chí để nhân viên BV, đặc biệt là những cán bộ đảm nhiệm nhiều vị trí công tác, được tăng thu nhập.

Rất nhiều bệnh viện lạm dụng dịch vụ siêu âm, chụp chiếu để móc túi bệnh nhân. (Ảnh có tính minh họa)

Kiếm tiền trên… bệnh tật

TS – BS Vũ Xuân Phú, Phó Giám đốc BV Phổi Trung ương, cho rằng việc các doanh nghiệp đầu tư máy móc vào BV đều vì lợi nhuận. Nếu người quản lý BV không có năng lực tốt, không chặt chẽ trong việc khống chế lạm dụng dịch vụ sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp kiếm tiền trên bệnh tật người bệnh.

Theo TS Phú, mỗi khi thực hiện liên doanh liên kết, công ty cho thuê thiết bị y tế đều thỏa thuận và thống nhất với BV về số lượng bệnh nhân chụp/năm. Kết quả đánh giá tại một số BV phía Bắc trong công tác liên kết đặt máy chụp CT- Scanner được BS Phú và cộng sự thực hiện cho thấy: BV Phố Nối vượt “chỉ tiêu” kỳ vọng 118%, BV Gang Thép đạt 85% và BV Bắc Kạn đạt 82%.

“Hiệu quả của việc “vượt chỉ tiêu” chưa đủ thuyết phục để kết luận BV có lạm dụng dịch vụ chụp chiếu hay không nhưng rõ ràng việc đưa ra “chỉ tiêu” trong xét nghiệm là có vấn đề”– ông Phú nhận định.

Một số chuyên gia cho rằng chủ trương XHH là hoàn toàn đúng, thế nhưng, ở đâu đó chủ trương này đang bị biến tướng. Với các máy XHH phần lớn sau 5 năm sẽ hết khấu hao nên dễ xảy ra tình trạng khoán xét nghiệm, khoán chụp chiếu để sớm thu hồi vốn.

Có thể bệnh nhân chỉ đau một bộ phận nhưng các BS bắt chụp chiếu tất cả các bộ phận khác để tận thu. Đây cũng là lý do tại sao các nhà đầu tư thường chọn những BV lớn, nơi thường xuyên quá tải để đặt các thiết bị đắt tiền.

Chất lượng chưa xứng với viện phí mới

Ngày 10-9, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã ra chỉ thị về việc nâng cao chất lượng khám – chữa bệnh sau khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế. Theo nhận định, một số BV vẫn chưa quan tâm đúng mức các điều kiện phục vụ người bệnh và nâng cao chất lượng khám – chữa bệnh. Bộ trưởng yêu cầu các BV cần nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh, đặc biệt tại khoa khám bệnh. Các BV cần bảo đảm dành tối thiểu 15% số thu khám bệnh, tiền giường bệnh mới để sửa chữa, cải tạo, mở rộng, nâng cấp, bổ sung thiết bị và các điều kiện phục vụ người bệnh.

Theo NLĐ


From the same category