Ngoài phương pháp xét nghiệm để xác định được cụ thể căn nguyên của vấn đề, cha mẹ cũng có thể nhận biết thêm bằng cách quan sát các biểu hiện khác của trẻ như ăn uống khó tiêu, biếng ăn, bị rối loạn tiêu hóa… từ đó có thể khắc phục để giúp trẻ phát triển khỏe mạnh hơn.
Nguyên nhân trẻ hấp thu kém dưỡng chất
Khi ăn, thức ăn được đẩy xuống dạ dày. Nhờ các tuyến nước bọt và sự co bóp, nhào trộn của dạ dày, tụy mà thức ăn được chuyển sang một dạng dinh dưỡng. Các chất này sẽ được hấp thu qua thành ruột đi vào máu và trở thành chất nuôi dưỡng cho cơ thể. Phần còn lại của thức ăn được chuyển xuống ruột già và thải ra ngoài. Quá trình hấp thu là giai đoạn trung gian giữa tiêu hóa và chuyển hóa. Khi cơ thể trẻ không hấp thu được những dưỡng chất quan trọng thì dẫn tới thiếu dinh dưỡng và gặp những tình trạng như còi xương, xanh xao…
Nguyên nhân nào khiến cho cơ thể trẻ hấp thu dưỡng chất kém? Câu trả lời có thể là do chế độ ăn uống hoặc nguồn dinh dưỡng không được đáp ứng một cách đầy đủ. Với một số bé, chế độ ăn đủ dưỡng chất nhưng do bé quá hiếu động, việc vận động làm tiêu hao một phần năng lượng, dẫn đến việc bé không lên cân. Hoặc cũng có thể do tình trạng rối loạn tiêu hóa, tổn thương đường ruột, cơ thể thiếu enzyme khiến cho quá trình chuyển hóa thức ăn thành chất dinh dưỡng gặp nhiều trở ngại nên cơ thể không hấp thu được, hay do thức ăn được chế biến không phù hợp với cơ địa của trẻ. Ngoài ra, cơ thể trẻ quá yếu, thiếu dưỡng chất, hoặc thức ăn không được nghiền nát hay chuyển qua dạng lỏng cũng làm cho việc hấp thu kém đi. Với những trẻ khi chuyển đổi chế độ ăn, đặc biệt là ở những trẻ trong độ tuổi ăn dặm, việc thay đổi đột ngột cơ chế món ăn và thành phần sẽ dẫn đến việc thiếu men vi sinh. Quá trình này cũng ảnh hưởng tới khả năng hấp thu thức ăn của trẻ… Nếu tình trạng này kéo dài dễ làm cho hệ tiêu hóa bị rối loạn, gây ra các chứng khó tiêu, cơ thể suy nhược, mệt mỏi, thiếu chất, thiếu máu…
Tăng khả năng hấp thu dưỡng chất cho trẻ
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, để cải thiện việc hấp thu dưỡng chất thì trước hết bố mẹ nên đảm bảo đầy đủ bữa ăn và chất lượng món ăn cho trẻ. Cần cân bằng nguồn năng lượng cũng như vitamin trong mỗi món ăn. Việc cân đối các loại thực phẩm rất quan trọng đối với việc đảm bảo khả năng hấp thu dưỡng chất ở trẻ. Một bữa ăn nên hài hòa, cân đối sẽ cung cấp cho trẻ lượng carbonhydate, protein và chất béo cần thiết, cũng như các loại vitamin thiết yếu để trẻ tăng trưởng và phát triển khỏe mạnh.
Với những trẻ trong giai đoạn ăn dặm, khi chuyển đổi chế độ ăn và cách chế biến món ăn cho trẻ, nên thay đổi một cách từ từ. Phải hướng dẫn và tập cho trẻ làm quen với các món ăn mới. Không nên ép buộc trẻ ăn quá nhiều khi cơ thể chưa sẵn sàng để dung nạp nó. Cũng như không nên ép bé ăn nhiều món giàu chất đạm từ thịt, cá, trứng, sữa… mà lại thiếu các chất khác, gây mất cân đối.
Để cơ thể tiêu hóa và hấp thu chất đầy đủ thì cần có dịch tiêu hóa. Trong các dịch tiêu hóa sẽ bao gồm rất nhiều men tiêu hóa, chính các men tiêu hóa này là chất xúc tác giúp nguồn thức ăn được tiêu hóa nhanh hơn. Khi chúng ta cho thức ăn vào miệng, tuyến nước bọt sẽ bài tiết, men tiêu hóa Amylase có tác dụng phân giải tinh bột. Khi thức ăn xuống dạ dày, men tiêu hóa là men Pepsin, men sữa sẽ có tác dụng phân giải protein từ thức ăn thành các polipeptit có lợi.
Quá trình tiêu hóa và hấp thu thức ăn chủ yếu diễn ra ở ruột non nhờ ba dịch tiêu hóa chính là dịch tụy, dịch mật và dịch ruột. Thức ăn khi xuống đến ruột sẽ được các men tiêu hóa phân giải thành các thành phần nhỏ nhất để tăng khả năng hấp thu cao hơn. Vì thế, nếu cơ thể không có men tiêu hóa thì các dưỡng chất trong thức ăn không được hấp thu hoặc hấp thu với lượng nhỏ nhưng không đáng kể. Đó là lý do tại sao mà mẹ cần phải bổ sung các men vi sinh cho trẻ để quá trình hấp thu trong cơ thể diễn ra thuận lợi hơn. Một số chế phẩm lên men từ sữa như sữa chua, yaourt… sẽ giúp phục hồi lại một số men vi sinh đã mất. Trong những trường hợp trẻ chậm hấp thu do bị rối loạn tiêu hóa, mẹ nên bổ sung thêm men tiêu hóa cho trẻ. Tuy nhiên dùng men loại nào, thời gian bao lâu và liều lượng ra sao thì các bậc phụ huynh không nên tự ý sử dụng cho trẻ mà cần nhờ tới sự tư vấn của bác sĩ để có những biện pháp đúng đắn nhất.
“Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, cách tốt nhất là nên giúp trẻ tránh xa các chứng rối loạn tiêu hóa, loạn khuẩn đường ruột, viêm đường ruột… bằng cách tăng cường những thức ăn giàu chất xơ, nhiều rau xanh, trái cây và cho bé uống những loại sữa và chế phẩm từ sữa giàu thành phần probiotics. Khi khả năng hấp thu dưỡng chất ở trẻ diễn ra suôn sẻ, đều đặn thì cơ thể mới có thể phát triển khỏe mạnh như mẹ vẫn mong đợi.
Vai trò của lysine Được xem là một trong 12 loại acid amin quan trọng của cơ thể nhưng lại dễ hao hụt do quá trình nấu nướng, lysine không chỉ giúp trẻ ăn ngon miệng hơn mà còn tăng khả năng hấp thu dưỡng chất và chống lại quá trình rối loạn tiêu hóa. Lysine giúp cơ thể tiếp nhận hàm lượng canxi tốt hơn, không để nó bị bài tiết ra ngoài, đồng thời giúp khung xương chắc khỏe để tăng cường chiều cao cho trẻ. Mặt khác, lysine còn góp phần duy trì hệ miễn dịch, giúp các men tiêu hóa phát triển mạnh. Mặc dù cơ thể chỉ cần một hàm lượng nhỏ lysine nhưng nếu không được đáp ứng đủ, trẻ ăn không ngon miệng và khó mà tăng cân được. Do cơ thể không tự tổng hợp được lysine nên để bổ sung chất này, mẹ nên tăng cường các thực phẩm từ thịt, trứng, sữa, các loại cá, ngũ cốc, đậu, đặc biệt là đậu nành… vào bữa cơm thường ngày của trẻ. Nếu dùng thuốc có chứa lysine thì phải có sự chỉ định của bác sĩ. |
Theo Gia đình vào bếp