Đăng ký thường trú và thường trú là hai thứ khác nhau. Sống tự do trên đất nước mình là quyền, đăng ký là một cách giúp các cơ quan quản lý dễ thực hiện chức năng quản lý, lẽ ra phải được cám ơn, chí ít tạo điều kiện thuận lợi.
Hệ thống hộ khẩu có từ những năm 1950, có vẻ như một loại “tem phiếu đặc biệt”, có nhiều tác dụng phụ. Hộ khẩu cứ cái “bùa hộ mệnh”, động tý phải trình, phải photo, công chứng. Mất hộ khẩu thì mặt nghệt ra như ngày xưa mất “sổ gạo”.
Tại “quê hương hộ khẩu” Trung Quốc vài năm trước, lần đầu tiên có việc 56 tờ báo cùng lúc ra xã luận đề nghị bãi bỏ hộ khẩu, vì nó là rào cản sản xuất, tước bỏ quyền lợi xã hội, phân biệt… Chưa bỏ được, nhiều địa phương đã phá rào, nới lỏng quy định, đặt ra các hình thức nhẹ nhàng hơn…
Một cơ quan hành pháp đề xuất ý kiến quản lý theo chức năng là bình thường. Phản ứng của dư luận là đáng quý. Một loạt dự thảo, đề xuất trong các lĩnh vực quản lý xã hội, y tế, giáo dục… được góp ý, tiếp thu hiệu quả và kịp thời.
Liệu có thể rút ra chút kinh nghiệm phối hợp liên ngành? Thí dụ, phần lớn bộ nào cũng có bộ phận về luật pháp, có thể thảo luận, phối hợp với cơ quan tư pháp trước khi đề xuất dự thảo để không “chỏi” luật, không bị “thổi còi” khi trình.
Nếu liên tục bị “tuýt”, phải rút lại, sửa lại… mất thêm thời gian. Cấp tham mưu lộ năng lực, chưa “tròn”, chưa kín kẽ, làm cấp trên dễ “mất điểm” vì kiến nghị không phù hợp với luật.
Sống, làm việc theo pháp luật vì vậy vẫn là khẩu hiệu cần đề cao. Bộ máy con giúp cơ quan mẹ “thảo kiến nghị, dự luật” chưa “tròn vành rõ tiếng” dễ gây khó xử.
Con hát đại, mẹ không được khen lại còn bị “oọc-giơ” trước thiên hạ. Mỗi lần cà-lăm ngọng nghịu thế, hẳn mờ nhoè thêm chút…
Trần Giang Phương