ĐD Phạm Hoàng Nam: Đàn ông có bầu đẻ con so - Tạp chí Đẹp

ĐD Phạm Hoàng Nam: Đàn ông có bầu đẻ con so

Bộ Sưu Tập

Vốn nổi tiếng là một nhà quay phim tài hoa, Phạm Hoàng Nam cũng từng đạo diễn những chương trình ca nhạc được công chúng đánh giá cao, nhưng đây là lần đầu tiên anh làm đạo diễn phim truyện: phim Khi đàn ông có bầu. Cuộc trò chuyện với Phạm Hoàng Nam có thể cho người ta thấy một cái nhìn khác về thể loại phim hài, vốn vẫn bị coi là “rẻ tiền.”
 
“Khi đàn ông có bầu” của anh bây giờ tháng mấy rồi?
 

Chính xác là tám tháng rưỡi. Đã siêu âm không sảy thai. Điều quan trọng bây giờ là dưỡng thai thôi.
 
Anh có sợ “cha tròn” mà “con không vuông” không?
 

Cha thì chắc chắn là “tròn” rồi. Con người và kỹ thuật cho bộ phim đều trôi chảy, đúng kế hoạch, đúng yêu cầu. Còn vấn đề “con vuông” hay không là sinh như thế nào. Sinh mổ hay sinh tự nhiên. Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đây cũng là điều thích thú. Nó là con so của tôi.
 
Anh có ý định xác lập giới tính cho nó không?
 

Trước khi thực hiện bộ phim, chúng tôi đã xác định giới tính cho nó, khác với việc sinh con bình thường (vì phải qua mấy tháng mang thai, siêu âm mới biết trai hay gái).
 
Cụ thể nó là gì?
 

Nó là phim cho khán giả. Đẻ một đứa con thật thì người ta phải giữ cho mình. Còn đẻ ra một bộ phim thì phải dành cho khán giả.
 
Đứa con của anh có thể sinh non hoặc bị chửa trâu không?
 

Lại khác với việc sinh con bình thường, nghĩa là chúng tôi đã xác định trước ngày sinh: Đúng vào dịp đón xuân. Ngoài ra, chúng tôi cũng mong nó được tái sinh nhiều lần. 
 
Ai là người anh nhờ mang thai?
 
Trong phim này, tất cả mọi đàn ông đều có bầu và sinh nở. Riêng cái người mà tôi muốn nhờ mang thai giùm (nhân vật chính) thì lại bị tước cái “thiên chức” đó. Vì điều đó mà anh ta dằn vặt, khổ sở. Anh ta chỉ có bầu trong tâm tưởng. Chính vì vậy anh ta là người mang thông điệp mà tôi muốn gửi gắm.
 
Thế còn những phụ nữ, những người vốn được ủy thác để mang bầu thì sao?
 

Có nhiều thứ trong cuộc đời mà ai cũng muốn thử, nhưng không phải ai cũng muốn nó biến thành sự thật. Có những thứ người ta chỉ muốn thử một lần cho biết rồi thôi. Nhưng cũng có những thứ thử rồi thì sợ không bao giờ dám nghĩ đến nó. Trong phim này, nhiệm vụ của phụ nữ và đàn ông được hoán đổi cho nhau, không phải chỉ là chuyện sinh nở, mà là tư duy về giới tính trong đầu của họ. Cái phần mà chúng tôi muốn gửi gắm qua đứa con của mình không phải là để thay đổi tư duy đó, mà là chia sẻ, thông cảm để chu toàn cái thiên chức của mình một cách tốt hơn.
 
Những hệ quả xung quanh chuyện hoán đổi này là gì?
 

Khi nói đến đối thoại, người ta nghĩ đến hai đối tượng (người nói và người nghe). Trong phim này, chúng tôi muốn nói đến đối tượng thứ ba, đối tượng trung gian, nó giúp cho những người không thể nói chuyện trực tiếp được với nhau, thậm chí cho một người không thể đối thoại được trực tiếp với bản thân mình. Đó là hệ quả của bộ phim muốn truyền đạt tới khán giả đằng sau những sự kiện ầm ĩ trên bề mặt của nó. 
 
Xem ra nó có vẻ nghiêm túc hơn là một bộ phim hài như quảng cáo?
 

Sự hài hước thật sự bao giờ cũng rất nghiêm túc. Chúng tôi ý thức được điều đó khi bắt tay vào thực hiện bộ phim và tự đặt mục đích đó cho mình. Nói cách khác, nếu đạt được sự nghiêm túc, nó mới thật sự là một bộ phim hài.
 
Như vậy, về góc độ thương mại, anh có hy vọng khán giả sẽ đến rạp để cùng cười với anh?
 

Chúng tôi đã xác định là làm phim cho khán giả. Cho nên việc làm cho khán giả cười được chúng tôi coi là mục tiêu hàng đầu. Còn sự nghiêm túc ở đây là cái đọng lại sau khi cười. Bởi vì tiếng cười có thể giống nhau, nhưng suy nghĩ về nó thì rất khác nhau. Điều này phụ thuộc vào trình độ của người xem lẫn người làm phim. 
 
Vốn đầu tư cho bộ phim (trên 3 tỉ đồng), theo anh có đủ?
 

Nói về vốn để đầu tư cho một bộ phim, đối với một đạo diễn thì không phải nói về tiền, mà nói về điều kiện sáng tạo. Khi làm phim này, tôi không chỉ có điều kiện sáng tạo do nhà sản xuất mang lại mà cái vốn lớn nhất tôi có được chính là một ê-kíp làm phim ấm áp tình cảm và ăn ý như trong một gia đình, mà trong những bộ trước tôi tham gia còn thiếu vắng.
 
Người ta vẫn coi đây là cú “derby” giữa anh và đạo diễn Lê Hoàng cũng như Hãng phim Giải Phóng. Anh có tin vào khả năng chiến thắng của mình trước các đồng đội cũ?
 

Thực ra không có cuộc chiến tranh nào ở đây cả. Chúng tôi vẫn cùng đi trên một con đường, chỉ có phương pháp và phương tiện là khác nhau. Ở đây nó khác với một trận “derby” vì không phải đấu loại trực tiếp. Tại sao lại không thể cùng tồn tại và chiến thắng? Chẳng qua con đường còn quá hẹp, chúng tôi cố gắng cùng nhau mở rộng nó ra.
 
Xin chúc anh may mắn.
 
(Minh Minh)

Thực hiện: depweb

04/01/2005, 14:29