ĐD Cường Ngô: “Nếu Vân là ngọn núi, Ánh chính là biển cả”


Đạo diễn Cường Ngô

“Đạo diễn thích la hét không phải là tôi”

– “Hương Ga” đã ra rạp và đang được chào đón, những người sành phim cho rằng, cá tính nhân vật trong bộ phim của anh chưa đậm nét, các cảnh hành động chưa tạo tính dứt điểm cần thiết. Dường như nhân vật ít nhiều bị ảnh hưởng sự thiếu quyết đoán từ đạo diễn. Anh suy nghĩ thế nào về nhận định này?

– Phim có tới 70 % cảnh hành động, lúc xây dựng có nhiều cảnh chúng tôi để nhân vật xử lý rất đời và quyết liệt, nhưng khi đưa đi duyệt, phim bị cắt nhiều, thành ra có những điều không được như ý.

Nhưng nếu cho rằng các cảnh quay hành động chưa ra chất phim hành động, tôi xin chia sẻ rằng, phần đầu phim là cảnh đánh đấm của giới giang hồ vặt. Tôi muốn mô tả những cảnh đánh lộn ấy thật đời nên không thể có những ngón đánh ra chất được, bởi giang hồ vặt thì đụng gì đánh đó. Kể cả Hương Ga thời điểm đó cũng chưa từng được học võ, nên không thể yêu cầu có một cảnh đánh đấm bài bản.

Chỉ đến khi Hương Ga gặp Tùng Hero cô ấy mới được chồng giới thiệu học với võ sĩ. Nên trong phim, chỉ có Tùng Hero có những thế võ đẹp từ đầu, điều này phù hợp với xuất thân nhân vật. Bởi thế, khi quay những cảnh hành động ở phần đầu phim, điểm nhấn tôi muốn là diễn biến câu chuyện chứ không phải những thế võ đẹp.

– Để ý thì dễ thấy, từ “Ngọc Viễn Đông” đến “Hương Ga” dù là đề tài gì, phim của Cường Ngô đều như thể có lời thề “phải nhẹ nhàng”. Là con trai duy nhất trong một gia đình toàn các chị gái, lại được nuôi lớn bởi mẹ (do ba mất sớm – Đẹp), yếu tố nữ có chi phối nhiều đến cách anh cảm nhận cuộc sống?

– Nhà tôi có sáu chị gái nhưng khoảng thời gian sống cùng các chị của tôi không nhiều. Sau khi ba mất, các chị của tôi sang Mỹ định cư, tôi ở lại Việt Nam sống với mẹ là chủ yếu.

Con đường nghệ thuật của tôi, thực ra, mang tính giác ngộ Phật pháp nhiều hơn. Tôi tiếp cận được với Phật pháp tình cờ, khi đã ngoài 20 tuổi, lúc tôi đã sang Canada theo học điện ảnh. Tôi vốn được ba mẹ cho theo đạo Thiên chúa giáo, dù cả nhà theo đạo Phật, bởi tôi là con cầu tự của nhà thờ. Đến bây giờ tôi vẫn giữ đức tin với Thiên chúa, vẫn giữ đạo nhưng khi lớn lên, trải qua nhiều sự cố: ba mất, gia đình ly tán, tình yêu tan vỡ.., tôi cảm thấy mình cực kỳ cô độc, và khi ấy những triết lý Phật pháp tôi tình cờ đọc được qua những trang sách của nhà sư Thích Nhất Hạnh đã giúp tôi cân bằng. Tôi hiểu ra, chỉ có bản thân mới điều khiển được nội tâm của mình, và cuộc đời không có gì là mãi mãi nên phải sống độ lượng với nhau. Từ đó, tôi nghiên cứu nhiều về Phật pháp.

Tôi nghĩ bộ phim “Hương Ga” có rất nhiều yếu tố nhân quả. Tôi vẫn tin khi mình hại một người, mình sẽ bị hại. Tính hướng thiện của phim cũng được chú trọng, cho dù nhân vật chính vẫn làm những điều đáng ra không nên làm, nhưng rõ ràng Hương Ga và Tùng Hero có rất nhiều sự hướng thiện. Chỉ có điều, dù họ cố gắng thoát ra nhưng không cách nào thoát ra nổi. Bộ phim của tôi vì thế, dù có bạo lực nhưng vẫn có sự nhẹ nhàng.

Đạo diễn Cường Ngô trên trường quay “Hương Ga”.

– Ngồi nói chuyện với anh đây, tôi cảm nhận rõ sự dịu dàng tỏa ra trong khắp bầu không khí này. Rất khó tưởng tượng về hình ảnh của anh trên trường quay. Thực ra thì, đạo diễn Cường Ngô ở đó thế nào?

– Tôi luôn lắng nghe. Tôi nghĩ hình ảnh một đạo diễn thích la hét không phải là mình. Tôi luôn bình tĩnh và làm việc kỹ với diễn viên trước mỗi cảnh quay. Tôi chọn cách đặt câu hỏi để hiểu suy nghĩ của diễn viên hơn là mang tính áp đặt họ.

Tôi hay hỏi mình, tại sao hình ảnh tượng Phật luôn ở trạng thái thiền? Thực ra không phải Phật hiển linh ở bức tượng ấy, mà hình ảnh đó dẫn dụ chúng ta cũng phải thiền để tìm đến tính Phật trong chính mình.  Khi thiền được, mọi thứ đều sẽ qua, không việc gì phải rối, không việc gì phải động. Và tôi lựa chọn sự thiền đó trong khi làm việc. Hiểu được như thế, tôi cũng không cảm thấy đau khổ khi phim của mình làm ra có người thích, người không thích.  Quy luật cuộc sống là như vậy. Chỉ cần trước khi làm phải xác định điều mình lựa chọn là gì và kiên trì với điều đó.

“Đứa trẻ” trong người nghệ sĩ cứ sống hoài

– Anh luôn “thiền”, nhưng lại lựa chọn làm việc những nghệ sĩ nữ được đánh giá là cá tính nhất của showbiz. Là vì anh cần tìm người bù mảng khuyết cho mình?

– Ý chị là Ngô Thanh Vân và Trương Ngọc Ánh? Tôi cũng thấy họ là hai phụ nữ khác biệt, rất mạnh mẽ. Trương Ngọc Ánh đã trải qua nhiều biến cố cuộc sống, là người phụ nữ thông minh, người đối diện rất khó nắm bắt được cảm xúc cá nhân của Ánh. Khi làm việc rất khó thấy Trương Ngọc Ánh giận hờn, yêu, hay ghét ai đó, chị ấy lúc nào cũng nở nụ cười. Ánh có sự sắc bén trong suy nghĩ, không bao giờ quyết định dựa trên cảm tính, luôn suy nghĩ vì đại cục. Tôi nghĩ Ánh là một phụ nữ lý trí, cảm xúc nội tâm của  Ánh rất đẹp.

Cường Ngô và diễn viên Ngô Thanh Vân. Ở ngoài đời họ là hai người bạn thân thiết.

Còn Ngô Thanh Vân là người khi đã nhận lời một việc nào đó sẽ làm tới cùng. Vân sẽ làm tất cả mọi thứ, giúp đỡ tất cả mọi người để hoàn thành mục đích chung. Nếu Ánh luôn có khả năng phân bố, sắp xếp công việc cho từng người thì Vân sẽ xắn tay áo lên làm luôn. Vân sẽ nói: “Em sẽ phụ anh, anh đừng lo gì hết”. Vân mạnh mẽ, rất nam tính. Chẳng hạn khi quay cảnh hành động, Vân sẽ hối tôi: “Tới cảnh chưa, em đi đây”, ra đến hiện trường, chưa cần hô action, Vân đã bắt đầu thủ thế. Vân như thể chỉ ngồi đợi đến lượt mình và bật dậy.

– Nếu chọn hình ảnh nào đó để nói về mỗi người: Ánh và Vân, anh nghĩ sẽ là gì?

– Tôi nghĩ Vân như một ngọn núi, mạnh mẽ và sắc nhọn. Nhưng Vân là núi lửa, thích là bùng lên. Còn Ánh như biển cả, cứ bình lặng thế, không ai biết khi nào cơn sóng thần sẽ nổi lên.

Với riêng tôi, Ánh như một người chị còn Vân như một người bạn. Vân rất nóng tính và tốt bụng. Sống và làm việc với Vân bạn phải rất kiên trì. Còn chị Ánh rất nữ tính nhưng cũng rất khó đoán.

Dù là đạo diễn, nhưng chị biết đấy, mình cũng là con người, cũng có những nỗi lo. Vân lúc nào cũng an ủi tôi: “Anh đừng lo, lúc nào em cũng ở bên anh hết”. Vân còn bảo: “Có nỗi lo nào anh cứ nói cho em”. Đối với Vân, lúc nào tôi cũng đủ kiên nhẫn thuyết phục Vân bằng tình yêu thương thực sự của một người bạn.

– Vẻ như ngoài sự phù hợp về công việc, anh còn ngưỡng mộ những người phụ nữ cá tính này. Vậy cá tính của Cường Ngô là ở đâu?

– Thực sự nếu hỏi thế tôi khó biết quá, vì thực sự đôi khi tôi cũng không biết mình là ai, đôi lúc cũng không biết mình cần gì, muốn gì. Thỉnh thoảng nhìn lại tôi thấy mình cứ lang thang, lang thang hoài. Tôi cứ đi tìm cảm xúc cho mình ở khắp nơi, và luôn thấy chỉ có một mình mình như vây. Đôi lúc tôi thấy mình rất cô độc.

Tôi yêu cả Ánh và Vân, nhưng để chọn chắc Ánh và Vân không chọn tôi (cười lớn). Vân và Ánh sẽ chọn anh hùng, như Tùng Hero chẳng hạn.

– Một người đàn ông ngấp nghé tuổi 40 thường rất tự tin, hoặc cố thể hiện sự tự tin. Còn anh, không có cả hai điều ấy. Lạ nhỉ?

– Câu hỏi mình là ai, mình là người thế nào tôi nghĩ nó là câu hỏi mỗi ngày mình sẽ phải đi kiếm tìm những phần trả lời, ghép chúng lại, với hy vọng ngày nào đó sẽ tự tin với câu trả lời tìm thấy. Qua những tác phẩm, tôi nghĩ mình đã vẽ lên được một phần mình ở trong đấy rồi. Tôi vẫn luôn cố gắng làm ra những tác phẩm thể hiện được con người mình.

Trong mỗi người đàn ông luôn có một đứa trẻ, đặc biệt khi người đàn ông đó là một nghệ sĩ. Khi đó, đứa trẻ trong anh ta sẽ sống hoài. 

Trong mỗi người đàn ông luôn có một đứa trẻ, đặc biệt khi người đàn ông đó là một nghệ sĩ. Khi đó, đứa trẻ trong anh ta sẽ sống hoài.

– Có những người thường xuyên đi du lịch, họ đi không phải vì thích khám phá mà đơn giản họ cảm thấy phải đi mới có thể sống tiếp. Forrets Gump (trong bộ phim cùng tên – Đẹp) cũng có quãng thời gian cứ phải chạy dường như mới có thể tồn tại. Vậy Cường Ngô phải làm gì mới có thể tiếp tục sống?

– Chắc là phải làm phim.Năm nay nữa là năm thứ 20 tôi theo nghề phim. Phim giống như một người vợ của mình vậy, đã cưới 20 năm, không bỏ được, như là duyên số cột lấy mình. Cuộc hôn phối ấy mãi đến năm thứ mười lăm mới sinh được một đứa con đầu nhưng chẳng hiểu sao tình yêu ấy vẫn được duy trì bằng những cảm xúc nồng nhiệt.

Diễn viên Trương Ngọc Ánh.

– Thực ra, anh có thấy mình sở hữu nhiều sự dịu dàng hơn người khác?

– Bạn tôi hay bảo tôi giống thầy tu hơn. Từ bé tôi luôn chơi với những người lớn hơn mình, luôn được nhường nhịn nên tôi không phải đấu tranh gì cả.

Bố tôi mất sớm nhưng mẹ tôi là người giỏi giang, chu toàn. Bố tôi là phi công, mẹ là kiểm soát không lưu. Sau này mẹ làm kinh doanh nữ trang và bất động sản. Sang Mỹ mẹ tôi kinh doanh nhà hàng. Tôi không có áp lực nhiều về kinh tế cho gia đình.

Khi làm việc, chẳng hiểu sao ekip của tôi luôn nhiều nữ. Như “Hương Ga”, người chắp bút kịch bản là cô Nguyễn Thị Minh Ngọc, cố vấn kịch bản là chị Việt Linh. Phim sắp tới, người phụ kịch bản cho tôi là một nhà văn nữ khác.

Lúc nhỏ sống với mẹ, những thứ mẹ “buộc” tôi ngồi yên khi là một bộ phim, lúc là quyển truyện. Mẹ thường treo phần thưởng để khuyến khích tôi viết nhận xét về những thứ được đọc, được xem ấy. Khi mẹ bận rộn, nơi mẹ hay “đẩy” tôi đến cũng là thư viện hoặc bảo tàng. Đến tuổi thấy con trai hiếu động, mẹ lại đăng ký cho tôi đi học các lớp vẽ. Tôi không biết, nhưng tôi được nuôi lớn lên trong bầu không khí ấy rồi trở thành tôi như bây giờ.

– Cảm ơn những chia sẻ của anh!

Bài: Hải Khôi

Ảnh: Zun Phan


logo


From the same category