Dạy trẻ, đôi khi cũng cần... mặc kệ - Tạp chí Đẹp

Dạy trẻ, đôi khi cũng cần… mặc kệ

Sống
Tình cờ, một người bạn của tôi trên facebook lại chia sẻ một status rằng hầu như không có loài động vật nào phải học cách làm mẹ cả. Mọi thứ đều tự nhiên, chỉ có con người là làm mất cái thuộc tính tự nhiên của mình và mọi điều cứ thế rối bù lên…

Tôi hiểu ý bạn mình, bạn tôi không hề ngốc, nên không tệ đến mức đi so sánh cuộc sống gia đình – xã hội của con người với sự duy trì một cặp đôi kiểu bản năng như con vật được. Nhưng rõ ràng, những người làm mẹ của thời đại bây giờ, đã mất đi rất nhiều những phẩm chất tự nhiên trời phú, rồi lại để cho chính mình bươn bải, loay hoay. Việc làm mẹ trở nên yếu ớt, mệt mỏi hơn rất nhiều so với việc để cho mọi thứ thuận theo quy luật của tự nhiên.

Tôi không biết từ đâu ra và từ khi nào cái quan niệm dùng thật nhiều thịt, trứng, sữa và thuốc bổ lại lên ngôi đến thế. Từ đâu ra cái sự chạy đua để kiếm tiền nhiều hơn, bởi gia đình cần thịt/cá, cần thuốc bổ nhiều hơn, mà bỏ qua nguồn dinh dưỡng từ đậu hạt, rau củ xanh, bỏ qua cơ chế vận động và vui chơi như thế? Mỗi ngày những người mẹ online, lướt net bao nhiêu phút, có ai thực sự muốn tìm hiểu xem sự cân bằng dinh dưỡng với rau củ và cá tôm quan trọng thế nào, phù hợp ra sao với cơ chế hấp thụ của người Á Đông?

Rồi, những người mẹ của thời công nghiệp, họ cần sự nghiệp, cần đồng lương, cần danh hiệu khi đối diện với nhà chồng xét nét… Một lần tôi nói với một người bạn khác của tôi rằng tại sao chị không tạm thời nghỉ việc để ở nhà chăm con, khi mà cuối cùng người làm mẹ thì đi làm thuê và phải thuê người khác về làm mẹ? Chị bảo, chẳng ai chịu nổi cảm giác của những điều mệt mỏi trong căn phòng nhỏ, chịu nổi sự stress vì đứa trẻ mè nheo!  Vậy mà ta vẫn có lòng tin những người ta thuê sẽ làm nên điều ấy? Tôi dễ bị “ném đá” lắm, khi hùng hồn phát biểu điều này. Nhưng tôi nghĩ, đâu phải chỉ có vài năm ở nhà là người mẹ mất đi cơ hội của mình? Biết đâu sự sáng suốt nảy sinh trong khoảng thời gian để cho những điều yêu thương, tình mẹ – con lên tiếng, lại giúp ta cân bằng trong việc chọn lựa giá trị sống của mình hơn? Bao nhiêu những người mẹ thăng tiến hay trở nên sáng suốt và làm việc hiệu quả trong những ngày gửi đứa con còn bú sữa cho một người xa lạ?

Trên khắp các diễn đàn, người ta đua nhau đặt ra câu hỏi “làm gì” khi muốn con vâng lời, “làm gì” khi cần con sống theo quy tắc hay điều kiện nọ. Và những người hiểu biết, dày dạn kinh nghiệm trên khắp các diễn đàn nuôi dạy trẻ thơ ấy đã mách cho những người mẹ bao nhiêu là “mưu mẹo”. Nhưng chẳng ai trong số những người dày dạn kinh nghiệm ấy bảo với cha mẹ rằng, đôi khi muốn nuôi dạy con thật tốt, không phải là “nên làm gì”, mà có thể lại chính là “không làm gì cả”, và buông bỏ bớt đi.

Bởi lẽ, những đứa trẻ không thể nào cai nghiện Smart phone khi mà bố mẹ chúng chỉ canh chừng giờ nghỉ để ôm lấy những thiết bị thông minh ấy, “chấm chấm quẹt quẹt” và cười say sưa. Những đứa trẻ khó mà có thể sống thực lòng khi quá nhiều bữa cơm phải ngồi nghe bố mẹ kêu ca, “chửi xéo” sau lưng rồi lại giả lả nói cười với những người như đồng nghiệp, cấp trên, hàng xóm… Bọn trẻ sẽ rất khó nghe lời, rất khó sống hòa thuận với anh chị em của chúng nếu từ khi rất nhỏ chúng đã thấy bố mẹ mình cáu gắt, nặng lời và cãi cọ. Từ nhỏ chúng đã bị mắng mỏ bất cứ khi nào làm bố mẹ cảm thấy không hài lòng và chúng luôn phải nghe những lời nói không khác gì ra lệnh. Như thế, chúng cũng chỉ chờ đến dịp có em, có người dưới mình để tỏ rõ sự cậy quyền, uy thế và ra lệnh…

Tôi tin vào nguồn năng lượng an bình. Nghĩa là nếu một người làm mẹ có đời sống cân bằng, ổn định, hài hòa, sẽ làm cho ánh mắt, nụ cười, bàn tay… của người ấy trở nên ấm áp và dịu ngọt. Cũng có nghĩa là sự thuyết phục, tác động đến các thành viên trong gia đình trở nên thuận lợi. Ngược lại, nếu ta luôn cố gắng gồng lên và thực hiện mọi thứ trong stress, thì cuộc sống sẽ luôn vận hành trái với ý tốt mà ta vạch ra trong đầu. Thậm chí những đứa trẻ nhạy cảm sẽ cảm nhận được “sóng bất an” phát ra từ người mẹ và chúng trở nên bướng bỉnh hơn rất nhiều so với những gì bố mẹ có thể hình dung.

Rõ ràng là, cũng có đôi khi, cái chúng ta cần làm không nhất thiết phải là can thiệp, mà là nhân nhượng. Không một đứa trẻ nào bé mãi, không đứa trẻ nào khỏe mạnh mà mãi mãi tè dầm, không đứa trẻ nào sợ mãi một con sên trong vườn, không đứa trẻ nào lại nhút nhát mãi không dám chào người lạ… Những biểu hiện ấy của con, nếu tạm thời chưa thể uốn nắn ngay, ta có thể tạm thời bỏ qua, cho con thêm thời gian quan sát và học hỏi. 

Đôi khi, con người, tuy tồn tại với tư cách là giống loài cao cấp, nhưng cũng cần suy ngẫm về cơ chế tự nhiên để điều hòa chính bản thân mình. Đôi khi, câu trả lời cho việc “phải làm gì” lại chính là để cho mọi thứ lặng yên, đừng làm gì hết cả. Và đôi khi, thay vì hăng hái điều khiển con cái, ông chồng và cả gia đình, những người làm mẹ nên dành thời gian nhìn sâu vào chính bản thân mình để nuôi dưỡng nụ cười và sự yên bình…

Bài: Hương Ngân

logo

Thực hiện: depweb

08/10/2015, 16:32