Dạy trẻ cư xử khi đến chơi nhà khác - Tạp chí Đẹp

Dạy trẻ cư xử khi đến chơi nhà khác

Sống
Những dịp như thế này là cơ hội thiết thực giúp bé rèn luyện cách cư xử. Môi trường gia đình sẽ đòi hỏi sự hòa nhập cao hơn so với môi trường công cộng khác. Những lúc này, bạn sẽ yêu cầu cao hơn đối với con trong cách cư xử.

1. Đề ra những quy tắc chung trước khi đi

Bạn nên giải thích cho bé những việc cần làm trước khi bạn đưa bé tới nhà người khác chơi. Bạn có thể nói với bé rằng bạn mong muốn bé không trèo lên hoặc để cả giầy giẫm lên ghế sô pha, không chạy nhảy lung tung trong nhà.


2. Tránh những điều gây ngạc nhiên cho trẻ

Sẽ rất hữu ích khi nhắc nhở cho trẻ về những gì có thể sẽ diễn ra khi họ đến chơi với gia đình nhà khác. Ví dụ như  “Bố, mẹ và cô chú An sẽ ngồi ở phòng khách uống trà, trò chuyện, con và chị Mun có thể sẽ phải chơi ở ngoài sân hoặc phòng kế bên đấy”.

3. Mang đồ chơi của bé theo

Nếu các bạn tới chơi với một gia đình mà họ chưa có con, hãy nhớ mang theo đồ chơi cho trẻ như trò ghép hình, những đồ chơi nhỏ hoặc sách nhiều màu.

4. Tạo mật mã giữa mẹ/bố với con

Bạn có thể tạo ra những ngôn ngữ ký hiệu bí mật trước với con để bé biết cách cư xử đó là không phù hợp và cần phải kết thúc ngay. Ví dụ như khi bạn kéo tai, điều đó có nghĩa bé cần dừng lại. Cách này có thể cảnh báo trẻ mà không làm trẻ thấy xấu hổ.

5. Đưa bé ra ngoài để nhắc nhở

Nếu bé không chú ý tới những mật mã giữa bạn và bé hoặc quên mất nên không hiểu, bạn có thể bỏ qua sự xấu hổ và đưa bé ra ngoài để nhắc nhở bé một cách nhẹ nhàng về mong muốn của bạn đối với cách cư xử của bé.

6. Để những đồ vật dễ vỡ và nguy hiểm xa khỏi tầm tay của trẻ

Bạn nên chú ý một lượt những nơi mà trẻ sẽ thích hoặc sẽ lại gần để kiểm tra xem có những đồ vật dễ vỡ hoặc những đồ vật nguy hiểm với trẻ không.

Bạn chỉ cần nói “Ôi đó là một con chim sứ thật đẹp nhưng mà tớ biết con bé nhà tớ sẽ muốn động vào nó cho mà xem. Tớ có thể để nó ở chỗ khác yên tâm hơn được không?”. Nếu có quá nhiều đồ dễ đổ vỡ hoặc nguy hiểm với trẻ, tốt nhất bạn hãy yêu cầu mọi người cùng ra ngoài ngồi trò chuyện hoặc ra phòng khác với ít đồ vật dễ vỡ hoặc nguy hiểm hơn.

Một số điều cần chú ý:

Đối với trẻ 2 tuổi, nhiều trẻ có thể:

– Nhận thức cơ bản rằng những quy tắc đề ra khi ở nhà người khác có thể không giống với các quy tắc khi ở nhà.

Khi 4 tuổi, nhiều trẻ có thể:

– Hiểu và tuân theo những quy tắc khi ở nhà người khác – thường là các bé chỉ gây một vài điều làm bạn chú ý.
– Hiểu và tuân theo ngôn ngữ ký hiệu mang thông điệp yêu cầu trẻ ngừng làm điều gì đó (nhưng thi thoảng trẻ sẽ quá phấn khích đến nỗi không chú ý đến ký hiệu của bạn).
– Nhớ không đạp chân vào tường hoặc trèo lên các đồ nội thất.
– Kiềm chế chạy nhảy trong nhà mặc dù thi thoảng trẻ sẽ cần bạn nhắc nhở.
– Kiềm chế chạm vào các đồ dễ vỡ – đặc biệt nếu bạn nhắc trẻ.

Khi 8 tuổi, nhiều trẻ có thể:

– Tham gia vào cuộc trò chuyện của người lớn trong khoảng thời gian ngắn khoảng 15 phút.

Huyền Lưu

Biên dịch theo Babycenter.com

Bạn có mẹo hay trong việc chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần các con yêu? Hãy cùng chia sẻ với bạn đọc của Đẹp Online bằng cách gửi thông tin về địa chỉ email: giadinh@dep.com.vn.

Thực hiện: depweb

02/06/2013, 11:06