Đây là thời đại mà phụ nữ không cần được trao quyền - Tạp chí Đẹp

Đây là thời đại mà phụ nữ không cần được trao quyền

Women Empower Women
Angelina Jolie: “Phụ nữ không cần được trao quyền, quyền đó thuộc về phụ nữ khi họ vừa chào đời”

Angelina Jolie có lẽ là một trong số những nhà hoạt động về nhân quyền nổi bật nhất. Nhắc đến cô người ta lại nhớ đến nữ diễn viên phim “Tomb Raider” đình đám vừa đóng phim vừa làm từ thiện ngay tại phim trường ở Campuchia hồi năm 2000. Một năm sau đó, Angelina Jolie trở thành Đại sứ thiện chí cho Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (United Nations High Commissioner for Refugees).

nhan-quyen-quoc-te-2
Bên cạnh sự nghiệp diễn xuất, thì các hoạt động về nhân quyền là điều mà Angelina Jolie luôn tâm huyết theo đuổi.

Với vai trò ấy, Angelina Jolie đã kêu gọi NATO ngăn chặn việc sử dụng bạo lực tình dục như một vũ khí trong các cuộc chiến tranh để bảo vệ quyền phụ nữ. Cô cho biết: “Về cuộc chiến chống bất bình đẳng, vừa rồi có người nói về việc trao quyền cho phụ nữ. Đây không phải là trao quyền, quyền đó thuộc về phụ nữ từ khi họ chào đời”. Quá trình chiến đấu mất nhiều tâm sức ấy của cô đã được ghi lại và chia sẻ đến công chúng bằng một tác phẩm phim, cũng là dự án đạo diễn đầu tay của nữ diễn viên – “In the Land of Blood and Honey” (2011).

Angelina Jolie: “Phụ nữ không được trao quyền, quyền đó thuộc về phụ nữ khi họ vừa chào đời”
Angelina Jolie: “Phụ nữ không cần được trao quyền, quyền đó thuộc về phụ nữ khi họ vừa chào đời”.

Ngoài ra, Angelina còn hỗ trợ và giải quyết nhiều vấn đề nhân quyền quốc tế, bao gồm: quyền phụ nữ, tị nạn trẻ em, bảo tồn và giáo dục. Với những đóng góp và nỗ lực của mình, cô được ưu ái trở thành Đại sứ đặc mệnh, chức vụ được lập riêng nhằm tri ân nữ diễn viên vào năm 2012.

Michelle Bachelet: Đại diện cho “những tiếng lòng không được thấu hiểu”

Bà Bachelet là nhà lãnh đạo nữ đầu tiên của Chile, đảm nhận hai nhiệm kỳ Tổng thống của đất nước này trong giai đoạn 2006-2010 và 2014-2018. Từ năm 2010 đến 2013, bà được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành đầu tiên cho Cơ quan Phụ nữ của Liên hợp quốc (UN Women) với nhiệm vụ thúc đẩy và hỗ trợ bình đẳng giới cho phụ nữ.

Michelle Bachelet là vị Tổng thống luôn đại diện cho nữ quyền và là một nữ lãnh đạo rất quyết đoán và đầy bản lĩnh.
Michelle Bachelet là vị Tổng thống luôn đại diện cho nữ quyền và là một nữ lãnh đạo rất quyết đoán và đầy bản lĩnh.

Những hoạt động đấu tranh vì nhân quyền dù vấp phải tù tội và tra tấn kéo dài hàng thập kỷ, nhưng mọi nỗ lực ấy đều xứng đáng khi bà được đề nghị trở thành Cao ủy về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc (United Nation Human Rights) vào tháng 8/2018. Trong bối cảnh xã hội đang có nhiều biến động, các khủng hoảng về quyền con người đang gia tăng và những khó khăn về ngân sách đe doạ hoạt động của cơ quan này, bà Bachelet đã chứng tỏ năng lực đương đầu trước sóng gió của mình.

Bà Michelle Bachelet vừa là Tổng tống vừa là nhà hoạt động nữ quyền mạnh mẽ.
Bà Michelle Bachelet luôn khiến người dân ngưỡng mộ và tự hào bởi những nỗ lực và thành tựu của mình.

Với tôn chỉ đấu tranh cho nhân quyền “Cất tiếng nói thay cho tiếng lòng của những người dân”, bà Michelle đã và đang hoạt động tích cực để xây dựng, phát triển nhân quyền trên thế giới. Có thể nói, trong suốt những năm nhiệm kỳ của mình, bà Michelle Bachelet là vị Tổng thống luôn đại diện cho nữ quyền và là một nhà lãnh đạo rất quyết đoán và đầy bản lĩnh.

Manal al-Sharif: Người phụ nữ can đảm cầm lấy vô-lăng, phá bỏ luật cấm nữ giới lái xe

Manal al-Sharif là người có đóng góp tích cực cho các hoạt động đấu tranh chống bất bình đẳng giới, và cũng là người bắt đầu chiến dịch Women2Drive, giành lại quyền lái xe ô tô cho phụ nữ Ả Rập Saudi. Dù không có bộ luật chính thức nào ở nước này cấm phụ nữ lái xe nhưng đó vẫn là điều cấm kị. Vào năm 2011, Manal al-Sharif quyết định cổ vũ chị em lái xe bằng cách tự quay phim cảnh cô lái xe và đăng lên Youtube. Hai ngày sau, cô lập tức bị bắt giam trong khoảng một tuần.

Tuy nhiên, người phụ nữ ngoan cường này cho biết cuộc chiến vì bình đẳng giới vẫn chưa chấm dứt. Điều mà cô và những nhà đấu tranh nữ quyền vẫn theo đuổi đó là phải chấm dứt chế độ "giám hộ" mà nam giới vẫn đang áp đặt lên phụ nữ ở đất nước này.
Người phụ nữ ngoan cường này cho biết cuộc chiến vì bình đẳng giới vẫn chưa chấm dứt. Điều mà cô và những nhà đấu tranh nữ quyền vẫn theo đuổi đó là phải chấm dứt chế độ “giám hộ” của nam giới.

Nhà cầm quyền đề nghị cô phải ngừng tất cả hoạt động trên truyền thông để đổi lấy sự tự do. Tuy nhiên, không chỉ khước từ lời đề nghị ấy, cô còn thường xuyên đăng tải trên Twitter những câu chuyện của mình nhằm bộc lộ sự quyết tâm cũng như tiếp lửa thêm cho những phụ nữ khác. Cô cho biết: “Phụ nữ sẽ không trở thành bất cứ thứ gì ở đất nước của bạn nếu vẫn cần sự cho phép của một người đàn ông”.

Hành trình đấu tranh tuy gặp nhiều khó khăn nhưng cuối cùng Manal vẫn gặt hái được "quả ngọt".
Hành trình đấu tranh tuy gặp nhiều khó khăn nhưng cuối cùng Manal vẫn gặt hái được “quả ngọt”.

Sau cùng, nỗ lực của cô đã được đáp đền khi nhà vua Salman nói rằng phụ nữ phải được lái xe, chấm dứt cái được xem như là một vết nhơ đối với hình ảnh toàn cầu của Ả Rập Saudi, và quyết định đã có hiệu lực từ tháng 6 năm nay. Sự thành công của Manal là cái kết mỹ mãn cho hơn 25 năm nỗ lực vận động để phụ nữ được phép lái xe của các nhà hoạt động nữ quyền tại Ả Rập Saudi.

Hoàng hậu Rania Al-Abdullah: Biểu tượng sắc đẹp đầy lòng nhân ái của Jordan

Vào năm 1999, Rania Al-Abdullah chính thức trở thành đương kim Hoàng hậu của Jordan khi chồng bà – hoàng tử Addullah II kế thừa quyền vị. Rania được biết đến không chỉ là một biểu tượng sắc đẹp của Jordan với phong cách thời trang thanh lịch mà còn khiến dân chúng tự hào với những hoạt động đấu tranh vì nhân quyền.

Hoàng hậu Rania Al-Abdullah - một biểu tượng sắc đẹp đầy lòng nhân ái của Jordan.
Hoàng hậu Rania Al-Abdullah – một biểu tượng sắc đẹp đầy lòng nhân ái của Jordan.

Bà là lãnh đạo Ủy ban nhân quyền của Jordan (Jordan’s Human Rights Commission), Ủy ban an toàn gia đình (Family Safety Council) và thành viên của tổ chức Sáng kiến lãnh đạo toàn cầu của UNICEF (UNICEF Global Leadership Initiative). Việc trở thành những vai trò then chốt trong nhiều tổ chức uy tín trên toàn cầu đã giúp bà rất nhiều trong nỗ lực cải cách luật pháp và tập quán phong tục tại Trung Đông, tạo sự cân bằng giữa quyền con người và truyền thống văn hóa.

Rania được biết đến không chỉ là một biểu tượng sắc đẹp của Jordan với phong cách thời trang thanh lịch mà còn khiến dân chúng tự hào với những hoạt động chiến đấu vì nhân quyền.
Rania được biết đến không chỉ là một biểu tượng sắc đẹp của Jordan với phong cách thời trang thanh lịch mà còn khiến dân chúng tự hào với những hoạt động chiến đấu vì nhân quyền.

Ngoài ra, Rania cũng rất xem trọng việc phát triển công nghệ thông tin, bà xem đó là yếu tố then chốt trong quá trình nâng cao trình độ văn hóa và hội nhập. Rania từng là thành viên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2002 (World Economic Forum), và sáng lập Trung tâm khởi nghiệp mang tên mình (The Queen Rania Center for Entrepreneurship) nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp nhỏ, tạo thêm việc làm và quỹ vay vốn dành cho người nghèo.

Với mong muốn xóa bỏ các rào cản về kinh tế, đem đến bình đẳng giới cho xã hội, người dân Jordan có quyền tự hào và hy vọng vào một tương lai tiến bộ, khi chứng kiến những bước chân sẽ còn tiến xa hơn nữa của Hoàng hậu Rania Al-Abdullah.

Nadia Murad: Từ nô lệ tình dục đến chủ nhân giải Nobel Hòa bình 2018

Nadia Murad và bác sĩ phụ khoa Denis Mukwege là hai người nhận được giải thưởng Nobel Hòa bình danh giá của năm 2018. Nadia được vinh danh bởi “nỗ lực trong việc chấm dứt việc sử dụng bạo lực tình dục làm vũ khí chiến tranh và xung đột vũ trang”.

Nadia bị nhóm phiến quân IS bắt cóc vào tháng 8/2014 và phải đến 3 năm sau đó, ngày 1/6/2017, cô mới được trở lại quê hương. Trong suốt những năm tháng bị giam giữ, cô đã phải chịu đựng sự bạo hành về thể xác và xâm hại tình dục. Dù sau nhiều lần bỏ trốn và bị bắt giữ lại, Nadia vẫn kiên cường, không chấp nhận số phận. Trong một lần may mắn, cô đã trốn thoát thành công và chạy đến một trại tị nạn.

Nadia đã trở thành cô gái trẻ thứ hai sau Malala Yousafzai, nhận giải khi mới 17 tuổi.
Nadia Murad phát biểu tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ngày 9/3/2017.

Vào ngày 16/12/2015, Nadia đã đem câu chuyện của mình chia sẻ trước các đại biểu của Liên Hiệp Quốc, cũng như lên tiếng trước nạn buôn bán người và xung đột chiến tranh. Nadia đã tham gia vào việc xây dựng các chương trình vận động toàn cầu, mang lại nhận thức về nạn buôn bán người và người tị nạn.

Murad đặt tên cho cuốn tự truyện năm 2017 của mình là “Cô gái cuối cùng”, vì cô muốn chiến dịch vận động của mình đảm bảo cô là cô gái cuối cùng trên thế giới trải qua một bi kịch như vậy.
Murad đặt tên cho cuốn tự truyện năm 2017 của mình là “Cô gái cuối cùng”, vì cô muốn mình là cô gái cuối cùng trên thế giới trải qua một bi kịch như vậy.

Nhờ những hoạt động không ngừng nghỉ của bản thân, ngày 5/1/2016, cô được chính phủ Iraq đề cử giải Nobel Hòa bình: “Chúng tôi tự hào đề cử cô gái này nhận giải thưởng Nobel Hòa bình, vì đã dám đứng lên chống lại các thế lực đen tối, muốn hạ thấp nhân cách của phụ nữ”. Và ở tuổi 25, Nadia là chủ nhân của giải Nobel Hòa bình trẻ tuổi thứ hai, chỉ sau Malala Yousafzai, nhận giải khi mới 17 tuổi.

Thực hiện: Huyền My Trương

10/12/2018, 07:00