Không còn gói gọn trong các hình thức truyền thống, nhiều thế hệ Gen Z lựa chọn “dịch chuyển” theo nguồn cảm hứng, bởi họ cho rằng bản thân được là phiên bản tốt nhất của chính mình khi đi du lịch. Hơn hết, thế hệ này yêu thích những trải nghiệm toàn diện và độc đáo, phản ánh sở thích cũng như đam mê cá nhân. Vậy điều gì đã làm thay đổi hình thức du lịch của gen Z?
Thế hệ gen Z đang trở thành một bộ phận khách hàng tiềm năng trong việc thúc đẩy du lịch. Với thế hệ này, mạng xã hội và văn hóa đại chúng là những kênh truyền thông phù hợp nhất. Bởi đây không chỉ là nơi để kết nối, mà còn trở thành điểm “khơi mào” cho vô vàn kế hoạch du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm. Theo thống kê của nền tảng đặt phòng trực tuyến Booking.com, 69% người dùng sử dụng các nền tảng Instagram, Tiktok, Facebook, Youtube để tìm kiếm ý tưởng cho chuyến đi tiếp theo. Những cảnh quan tuyệt đẹp từ chia sẻ của các KOL, travel blogger; các điểm đến đang thịnh hành xuất hiện trong các video xu hướng và sức hấp dẫn trực quan của nền tảng trực tuyến chính là nguồn cảm hứng du lịch của du khách thế hệ này. Đôi khi chỉ cần một video hay hình ảnh đẹp cũng đủ để các bạn trẻ quyết định “xách ba lô lên và đi”.
Không chỉ vậy, sự bùng nổ của các ứng dụng du lịch trực tuyến cũng thôi thúc giới trẻ lên kế hoạch “xê dịch”. Họ dễ dàng “săn” vé máy bay giá rẻ, linh hoạt lựa chọn nơi lưu trú, phương tiện di chuyển phù hợp với lịch trình để đảm bảo chuyến đi suôn sẻ. Ngoài ra còn có nhiều combo tích hợp giúp tối ưu chi phí, từ đó nâng tầm trải nghiệm cho các chuyến đi.
Tương tự làn sóng “music tourism” (tạm dịch: du lịch âm nhạc), thì gig tripping cũng đang chiếm thế thượng phong trong trào lưu du lịch 2024. Theo Fox Business, đây là xu hướng kết hợp du lịch với tham gia buổi biểu diễn của thần tượng. Kiểu du lịch này trở nên phổ biến khi người hâm mộ vừa có thể “đu” thần tượng, vừa có cơ hội khám phá những địa điểm mới. Trong một cuộc khảo sát của nền tảng du lịch GetYourGuide, có đến 45% người Mỹ được truyền cảm hứng để chọn một điểm đến du lịch cụ thể thông qua các buổi hòa nhạc. Thậm chí, trong số những người trẻ đi du lịch để dự lễ hội hoặc sự kiện, 22% cho biết họ chi tiền vì tình cảm yêu mến dành cho nghệ sĩ biểu diễn. Ngoài ra, 22% chia sẻ rằng sẵn sàng đi xa để tham dự những sự kiện mà họ yêu thích.
Mặt khác, dữ liệu của Thrillist – một trang web truyền thông trực tuyến về du lịch, đã chỉ ra trong 12 tháng qua có 65% thế hệ gen Z và 58% Millennials đã đi hơn 80.467 km chỉ để tham gia các sự kiện diễn ra trực tuyến concert. Bà Madison Pietrowski, giám đốc công ty GetYourGuide cho biết: “Việc du lịch theo chuyến lưu diễn của thần tượng không chỉ giúp du khách gặp được nghệ sĩ mình yêu thích, mà còn được hòa mình vào thành phố mới. Đồng thời, họ có thể mở rộng tầm nhìn về các điểm đến tổ chức buổi hòa nhạc và kết nối những người chung sở thích”. Nhờ đó, hình thức du lịch gig tripping ngày càng trở nên phổ biến và tạo nên cơn sốt trên toàn cầu.
Xu hướng này biểu hiện rõ nhất trong chuyến lưu diễn toàn cầu “The Eras Tour” của Taylor Swift. Tạp chí The Wall Street Journal ghi nhận người đi xem concert của nữ ca sĩ ngoài việc chi trả tiền mua vé, họ còn phải tốn trung bình 1.300 USD cho các khoản khác gồm lưu trú, trang phục, phương tiện di chuyển,… Đặc biệt hơn nữa, khi ngôi sao nhạc pop “chọn mặt gửi vàng” đảo quốc sư tử là quốc gia độc quyền tại châu Á diễn ra Eras Tour. Với 6 đêm diễn tại Sân vận động Quốc gia Singapore từ 02/03 – 09/03 đã thu hút hơn 300.000 khán giả, trong đó có khách du lịch quốc tế. Theo ước tính, tour diễn của nữ ca sĩ đã mang về cho Singapore tổng doanh thu du lịch lên đến 372 triệu USD. Ông Adam Duckworth – chủ tịch kiêm nhà sáng lập Travelmation nhận định: “Nhờ vào Taylor Swift, gig tripping trở thành một trong những xu hướng du lịch hot nhất hiện nay. Có những du khách đặt chuyến bay đi khắp thế giới, chỉ để theo chân cô ấy. Đã qua giai đoạn mọi người chỉ tham gia các sự kiện âm nhạc gần nơi mình sống. Họ sẵn sàng đi xa để trải nghiệm, nghe nhạc ‘sống’ và hòa mình vào bầu không khí chung với thần tượng”..
Mặc dù đã có từ lâu, nhưng set-jetting (du ngoạn theo bối cảnh) chỉ thật sự “làm mưa, làm gió” trong vài năm gần đây nhờ vào những bộ phim đình đám như “Emily in Paris”, “Bridgerton” và “The White Lotus”. Hình thức này được hiểu là đưa du khách đến các địa điểm xuất hiện trong các chương trình truyền hình và phim ảnh nổi tiếng.
Ảnh hưởng của set-jetting đối với việc dịch chuyển mạnh mẽ đang hơn bao giờ hết. Theo khảo sát do Booking.com thực hiện, 67% người được hỏi cho biết họ được truyền cảm hứng để khám phá những địa điểm từng xuất hiện trên màn ảnh, trong khi 60% mong muốn trải nghiệm ẩm thực và nét văn hóa đã được giới thiệu qua truyền hình. Không dừng lại đó, gen Z cũng mong muốn đặt chân tới những điểm đến địa phương nổi tiếng, trải nghiệm văn hóa và các địa điểm du lịch xuất hiện trong phim ảnh và trên truyền hình. Mặt khác, 65% người tham gia khảo sát cảm thấy bị thôi thúc, mong muốn trải nghiệm những văn hoá được khắc họa qua chương trình hay phim ảnh. Đồng thời, 55% gen Z Việt Nam sẵn sàng ghé thăm một danh lam thắng cảnh cụ thể từng thấy qua phim, chương trình truyền hình.
Thực tế đã chứng minh, tại các quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ… nhờ vào ngành công nghiệp điện ảnh mà nhiều điểm đến trở nên nổi tiếng và thu hút được nhiều tín đồ xê dịch. Đầu năm nay, bộ phim “Sắc Xuân Gửi Người Tình” của bộ đôi diễn viên Lý Hiện và Châu Vũ Đồng đã nhận được “cơn mưa” lời khen từ phía khán giả và giới chuyên môn. Tác phẩm không chỉ gây ấn tượng bởi nội dung câu chuyện sâu sắc khi kể về cuộc sống bình dị của những người trẻ tại một tỉnh lẻ ở Trung Quốc, mà còn khéo léo lồng ghép yếu tố văn hóa vùng miền và đầu tư bối cảnh đẹp để quảng bá du lịch cho mảnh đất Tuyền Châu thuộc tỉnh Phúc Kiến. Chỉ sau hai ngày lên sóng, lượt thảo luận trên topic “Theo chân Lý Hiện check-in Tuyền Châu” tăng cao đột biến với 300 lượt xem. Thậm chí, nhiều khán giả không ngần ngại bày tỏ mong muốn “bỏ phố” để đến Tuyền Châu sinh sống như hai nhân vật chính trong phim.
Tuy nhiên, “Sắc Xuân Gửi Người Tình” không phải là dự án thu hút nhiều khách du lịch từ trước đến nay. Thành công nhất phải kể đến là series “Chúa tể của những chiếc nhẫn” do đạo diễn Peter Jackson cầm trịch. Bộ phim được quay tại New Zealand và trở thành một biểu tượng set-jetting nhờ cảnh sắc tuyệt đẹp cùng những địa điểm trải nghiệm độc đáo. Theo một khảo sát khách quốc tế đến quốc gia này, dù đã gần 10 năm công chiếu nhưng vẫn có đến 14% du khách trả lời bộ phim là yếu tố khiến họ quyết định đến với xứ sở của những “nàng bò sữa”. Có thể thấy, không phải ngẫu nhiên mà điện ảnh trở thành một trong những sức mạnh “mềm” mở ra cánh cổng kết nối con người và thế giới xung quanh. Ông Varun Grover, Giám đốc quốc gia của Booking.com tại Việt Nam nhận định: “Du lịch không chỉ là thưởng lãm mà còn là hành trình kết nối với đam mê, là những câu chuyện trên truyền thông góp phần định hình thế giới quan của họ”.