Đây là những điều cần biết để bản thân luôn đứng vững trước làn sóng Covid-19 thứ 4 - Tạp chí Đẹp

Đây là những điều cần biết để bản thân luôn đứng vững trước làn sóng Covid-19 thứ 4

Sức Khỏe

Đại dịch Covid-19 đã bước sang năm thứ hai “ghé thăm” nhân loại. Các từ khóa “lịch trình di chuyển”, “bệnh nhân số…”, “dương tính”, “cách ly”… đã nhanh chóng trở thành một phần (ám ảnh) và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của đa số chúng ta. Một chút điểm lại về đợt sóng đại dịch thứ 4 trong nước sẽ giúp bạn hiểu rõ tình hình và cách bước vào cuộc sống “bình thường mới” an toàn nhất cho bản thân và cộng đồng.

Tốc độ lây lan nhanh chóng và không có biểu hiện nhiễm bệnh

Chỉ trong vòng 15 ngày kể từ khi làn sóng Covid-19 thứ 4 nổ ra, cả nước ghi nhận 610 ca mắc trong cộng đồng. Chỉ từ hai ca bệnh đầu tiên tại Đà Nẵng và Yên Bái, dịch lan ra 26 tỉnh/thành phố, nhiều điểm phong toả, cách ly y tế và chưa có dấu hiệu dừng lại. Bệnh nhân mắc bệnh cũng không có những biểu hiện cụ thể như các đợt dịch trước. Diễn biến phức tạp, cộng với việc virus đã sản sinh ra nhiều biến thể khiến nỗi lo lắng, hoang mang của cộng đồng tăng gấp nhiều lần. Hiện tại, đã có một vài địa phương có nguy cơ cao triển khai xét nghiệm cộng đồng, hoặc nếu bạn nghi ngờ bản thân nhiễm bệnh, hãy báo ngay với cơ quan y tế địa phương để được hướng dẫn kiểm tra.

Nâng cao ý thức sức khỏe cộng đồng

Theo nhiều nghiên cứu, với chủng virus lần này, chu kỳ lây nhiễm rất nhanh, chỉ trong 2-3 ngày, thậm chí sớm hơn, với nguy cơ phát tán mầm bệnh rộng ra ngoài môi trường trong thời gian ngắn. Như vậy, cho đến khi phát hiện ra những ca bệnh đầu tiên trong cộng đồng, chúng ta có thể đã chậm mất 4-5 chu kỳ, trong khi virus lây theo cấp số nhân, cực kỳ nguy hiểm. Đừng đợi đến khi cơ quan y tế gắn trên người bạn các tên gọi F1, F2, F3 mới hạn chế đi lại, bởi khi tình hình dịch còn diễn biến phức tạp, mỗi người đều có thể trở thành nguy cơ lây nhiễm và ngược lại, bị lây nhiễm trong cộng đồng. Hãy chỉ ra khỏi nhà khi thực sự cần thiết và hạn chế những nơi đông người.

Đừng quên khẩu hiệu 5K và “bạn thân” Bluezone

Quy mô đại địch đã vượt qua tất cả những dự đoán của chúng ta từ những ngày đầu dịch bùng phát, và việc thích ứng là cách tốt nhất để cuộc sống không bị cuốn vào những tin tức tiêu cực mỗi ngày. Khi ra đường, đừng quên khẩu hiệu 5K: Khẩu trang; Khử khuẩn (rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay. Vệ sinh các bề mặt/vật dụng thường xuyên tiếp xúc. Giữ vệ sinh, lau rửa và để nhà cửa thông thoáng); Khoảng cách tối thiểu 2m khi tiếp xúc với người khác; Không tụ tập đông người– Khai báo y tế. Đừng quên cập nhật thông tin sức khỏe của bản thân cũng như thông báo về các trường hợp nghi nhiễm tại app Bluezone. Số người sử dụng Bluezone càng nhiều, ứng dụng này mới có thể phát huy hết tác dụng như một lá chắn sức khỏe cho cộng đồng.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Chú trọng nâng cao khả năng miễn dịch, tự bảo vệ bản thân là điều mà các chuyên gia y tế nhấn mạnh trong thời điểm này. Từ việc bổ sung thêm các vitamin (cần hỏi ý kiến bác sĩ), tăng cường tiêu thụ các loại thực phẩm tăng sức đề kháng, đến các bài tập tại nhà thích hợp cho thể trạng từng người… là cách để mỗi người tự bảo vệ bản thân trước đai dịch này, hay ít nhất cũng giúp nâng cao hệ miễn dịch.

Hãy bình tĩnh và tử tế
Như đã nói, tốc độ lây lan quá nhanh khiến nhiều người không kịp nhận thức bản thân đã hoặc có nguy cơ cao mắc bệnh. Như câu nói đùa “chớp mắt dậy đã phải đi cách ly” mấy ngày hôm nay, nếu bạn thực sự rơi vào trường hợp xấu này, hãy bình tĩnh đối mặt với dịch bệnh, đừng quên còn rất nhiều người thân, bạn bè và cộng đồng luôn bên bạn. Luôn lạc quan, không phóng đại nỗi sợ là tâm thế tốt nhất để vượt qua đại dịch.
Và nếu lỡ không may người thân hoặc hàng xóm của bạn cũng gặp chuyện không mong muốn này, hãy lan toả những điều tích cực trên. Đừng quay phim, chụp hình hoặc khiến họ cảm thấy bản thân mang đầy mặc cảm khi mắc bệnh.
Cùng nhau, chúng ta sẽ vượt qua cơn đại dịch này!

Tác giả: Hồng Vân

02/06/2021, 15:50