Viên thuốc 55 tuổi
Hành trình tìm kiếm biện pháp tránh thai của con người trải qua hàng thế kỷ. Từ thời rất xa xưa, các đôi uyên ương chưa có điều kiện sinh con đã thử nghiệm nhiều biện pháp để không mang thai ngoài ý muốn, như dùng bọt bể ngâm trong nước giấm hay sử dụng dầu ô liu… với nhiều mức độ thành công khác nhau.
Năm 1960, Cơ quan Quản lý thuốc và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã đồng ý cho ra mắt viên thuốc tránh thai đầu tiên dành cho nữ giới, với biệt dược lúc đó là Evenoid. Đây là loại thuốc đã được bác sĩ người Mỹ Gregory Pincus phát kiến từ năm 1955. Viên thuốc tránh thai ra đời vào năm 1960 giúp người phụ nữ có được một phương pháp đáng tin cậy, tự do thỏa mãn cuộc sống tình dục mà không sợ mang thai ngoài ý muốn. Do đó, đây là một trong những sự kiện quan trọng nhất của thập niên vì tác động đến cuộc sống, sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục của có lẽ không chỉ một nửa thế giới.
Việc chỉ cần uống một viên thuốc nhỏ mỗi ngày và không có thai ngoài ý muốn khiến nhiều phụ nữ rất quan tâm. Thực tế, số lượng phụ nữ sử dụng viên thuốc tránh thai ngày càng tăng và tỉ suất sinh nở của phụ nữ Mỹ cũng giảm theo thời gian. Nếu như năm 1960, mỗi phụ nữ Mỹ có trung bình 3,6 con thì đến năm 1980 (20 năm sau), con số này giảm xuống ở mức chưa đến 2 con.
Viên thuốc kỳ diệu làm thay đổi thế giới
Việc phát hiện và đưa ra những thông tin về các nội tiết sinh dục nữ vào đầu thế kỷ 20 đã mở ra một hướng mới cho các nhà sản xuất thuốc nội tiết sinh dục. Thử nghiệm đầu tiên dùng nội tiết tố để kiểm soát sinh sản đã được thực hiện tại Đức từ những năm 1920. Năm 1922, nhà khoa học Ludwig Haberlandt đã sáng chế thuốc tiêm ngừa thai lần đầu tiên để ngăn trứng rụng và thử nghiệm thành công trên thỏ.
Hai phụ nữ Mỹ góp phần rất lớn trong việc quảng bá thuốc tránh thai, đó là điều dưỡng Margaret Sanger (1879-1966) và Katharine Dexter McCormic (1875-1967). Margaret Sanger đã phát động phong trào Kế hoạch Làm cha mẹ ở Mỹ. Katharine Dexster McCormic là người phụ nữ thứ hai nhận được bằng tốt nghiệp của Viện Kỹ thuật Massachusetts. Cả hai người phụ nữ này đã thuyết phục bác sĩ Pincus cho triển khai rộng rãi viên thuốc tránh thai. Trong đó, Katharine Dexster McCormick đã kêu gọi quyên góp 2 triệu đô la Mỹ từ các tổ chức hoạt động vì quyền lợi phụ nữ để tài trợ cho nghiên cứu của bác sĩ Pincus. Việc làm tích cực của họ đã thúc đẩy mạnh mẽ việc nghiên cứu các loại thuốc nội tiết sinh dục nữ. Nhà hóa học Luis Miramontes người Mexico sau nhiều cố gắng đã tạo ra được hormone progesterone vào năm 1951.
4 lưu ý khi dùng thuốc tránh thai
1. Đây không phải biện pháp tránh thai hiệu quả nhất mà là một trong những lựa chọn dễ dàng để tránh mang thai ngoài ý muốn.
2. Có thể gây ra phản ứng phụ ở một số người như: buồn nôn, đau đầu, chóng mặt, chuột rút, rong kinh, rối loạn kinh nguyệt vì tác động đến lượng hormone trong cơ thể.
3. Không giúp bảo vệ bạn khỏi các nguy cơ khác từ tình dục không an toàn.
4. Bạn vẫn có thể có thai khi dùng thuốc ngừa thai, cũng như hầu hết các phương pháp tránh thai khác – không đảm bảo 100%. Do đó, khi có bất thường ở chu kỳ kinh, cần kiểm tra ngay.
Cũng vào năm 1951, bác sĩ Pincus khai trương phòng thí nghiệm riêng của mình. Cùng với sự hỗ trợ của cộng sự John Rock, ông đã sản xuất được viên thuốc tránh thai. Năm 1956, nhóm nghiên cứu này đã tiến hành thử nghiệm trên 250 phụ nữ Puerto Rico, vì tại thời điểm đó, những loại thuốc mới như thế chưa được phép thử nghiệm tại bang Massachusetts. Tiếp theo đó, Pincus nghiên cứu và thử nghiệm thuốc viên tránh thai có estrogen, cho thấy hiệu quả tăng lên khi kết hợp hai loại thuốc.
Năm 1957, thuốc tránh thai có mặt trên thị trường Mỹ với chỉ định giải quyết các bất thường về nội tiết cho bệnh nhân nữ. Ngay cả khi được chấp nhận vào năm 1960 thì ban đầu viên thuốc tránh thai cũng chỉ được phép bán cho những phụ nữ đã lập gia đình. Mãi đến năm 1972, quy định này mới hết hiệu lực.
Tại Tây Đức, thuốc tránh thai được bày bán lần đầu tiên vào năm 1956.
Tại Pháp, thì mãi đến năm 1967, thuốc tránh thai mới có mặt trên thị trường sau một thời gian dài tranh luận sôi động giữa dư luận xã hội với những người Công giáo.
Không chỉ là chuyện ngừa thai
Thuốc ngừa thai giúp người phụ nữ có trách nhiệm với sức khỏe của họ, chủ động trong các kế hoạch cuộc sống gia đình, tự quyết định khi nào nên có thai và khoảng cách giữa các lần sinh. Rõ ràng, viên thuốc đặc biệt này đã giúp phụ nữ tự tin và thoải mái với cuộc sống để yên tâm làm việc. Từ năm 1960, ngày càng có nhiều phụ nữ Mỹ đi làm tại các công sở. Năm 1965, có 26,2 triệu phụ nữ đi làm, và đến năm 2008, số phụ nữ đi làm đã là 71,8 triệu người. Thuốc ngừa thai đã giúp tăng thêm cơ hội được học hành cho phụ nữ, từ đó tăng thêm cơ hội có việc làm ổn định.
Nhiều chục năm sau khi ra đời, thuốc tránh thai đã khuấy động một làn sóng về tình dục khác giới vì lần đầu tiên người phụ nữ có thể tự quyết định vấn đề sinh sản của mình mà không phải phụ thuộc vào đàn ông.
Năm 1961, mới chỉ có 400.000 phụ nữ dùng thuốc tránh thai. Ngày nay, mỗi ngày có hàng triệu phụ nữ trên thế giới uống viên thuốc nhỏ bé này.
Thuốc tránh thai cũng tạo ra bước ngoặt, làm bùng nổ các hoạt động tình dục “ngoài luồng”. Nhưng đại dịch AIDS những năm 1980 đã làm thay đổi mạnh mẽ thái độ của xã hội. Mặc dù phụ nữ ngày nay có nhiều biện pháp tránh thai để lựa chọn, các chuyên gia vẫn khuyến cáo việc sử dụng bao cao su hơn là dùng thuốc vì bao cao su có hai tác dụng đồng thời: vừa tránh thai, vừa ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Tuy nhiên, để lựa chọn biện pháp tránh thai phù hợp nhất cho từng cá nhân còn phụ thuộc vào hoàn cảnh, thực trạng sức khỏe của chính họ. Ngày nay, với những biện pháp tránh thai gồm nhiều dạng, cách thức khác nhau, người phụ nữ có nhiều cơ hội để lựa chọn cho mình biện pháp tốt nhất. Trải qua 55 năm phục vụ cộng đồng, viên thuốc tránh thai nói riêng và biện pháp tránh thai bằng nội tiết nói chung vẫn đang là một trong những biện pháp được ưa chuộng của nhiều phụ nữ trên thế giới.
Bác sĩ Ngô Thị Yên (Khoa Kế hoạch hóa gia đình – Bệnh viện Từ Dũ)