Dạy con xin lỗi

Xin lỗi khi làm sai là điều các bậc phụ huynh phải dạy con. Việc xin lỗi không chỉ đề thừa nhận việc mình sai, cam kết không phạm lại lỗi mà còn để được tha thứ cho hành động mình đã làm. Vậy, bố mẹ phải làm gì để con nhận ra giá trị của việc xin lỗi? Những cách thức sau đây sẽ giúp các bậc phụ huynh dạy con trẻ cách nói xin lỗi và hiểu được giá trị thực sự phía sau hai từ xin lỗi.

Làm gương cho trẻ

Trẻ học từ những gì bé thấy. Nếu con bạn thấy bạn xin lỗi khi làm sai, bé cũng sẽ làm tương tự. Xin lỗi bất cứ khi nào và bất cứ điều gì, ngay cả khi đó chỉ là một lỗi nhỏ. Khi bạn làm điều đó, trẻ sẽ thấy lời xin lỗi rất quan trọng và rồi, nó sẽ tự nhiên đi vào cuộc sống của trẻ giống như việc chúc ngủ ngon vào mỗi buổi tối hay chào mẹ khi đến trường.

Dạy con càng sớm càng tốt


Trẻ mới biết đi rất dễ đưa vào khuôn khổ. Vì vậy, hãy uốn nắn bé ngay từ thời điểm này. Khi bé có những hành động sai trái, hãy nói với con điều gì là đúng và điều gì là sai. Tuy nhiên, hãy nói với trẻ thật ngắn gọn, xúc tích và tốt nhất, nên kết hợp chúng với các trò chơi hay các câu chuyện kể để bé dễ tiếp thu và nhớ lâu hơn.

Dạy trẻ từng bước

Bố mẹ đừng quá kỳ vọng vào việc bé sẽ chân thành nói lời xin lỗi khi ở độ tuổi mới biết đi. Với trẻ ở độ tuổi này, bé không hiểu việc tát vào mặt ai đó, cấu hay đá người khác là một hành động không nên. Vì vậy, bé sẽ chẳng thể có sự chân thành khi nói xin lỗi. Tại thời điểm này, bố mẹ chỉ nên dạy bé nói xin lỗi, còn về giá trị phía sau lời xin lỗi bạn hãy dạy khi bé lớn hơn.

Dạy con biết chịu trách nhiệm

Dạy trẻ có trách nhiệm với hành động của mình là điều bố mẹ cần phải làm, bởi chúng sẽ mang lại cho trẻ nhiều lợi ích sau này. Hãy để con bạn biết rằng, bé phải chịu trách nhiệm với hành động của mình. Khi bé làm việc không đúng, bố mẹ cần phải yêu cầu con tự chịu trách nhiệm với nó, bằng một hành động cụ thể. Ví dụ, nếu con nghịch nước và làm bẩn sàn nhà, con sẽ phải tự dọn đống lộn xộn đó. Tinh thần trách nhiệm sẽ giúp con nhận ra lỗi của mình và bé sẽ xin lỗi một cách tự nhiên, chân thành

Kiềm chế cơn nóng giận khi con làm sai


Nếu bé làm sai, bạn tức giận và la hét thì bạn sẽ chắc thể đòi hỏi lời xin lỗi chân thành từ bé. Lúc đó, bé có thể nói xin lỗi để làm nguôi cơn nóng giận của bạn, nhưng bé làm vậy vì sợ chứ không phải là một hành động chân thành. Vì vậy, hãy kiềm chế cơn nóng giận của mình khi con mắc lỗi. Thay vì la hét và mắng chửi, hãy nói chuyện với con, ôm con vào lòng và bạn sẽ nhận được lời xin lỗi chân thành từ con.

Xin lỗi hộ con

Khi trẻ làm hỏng đồ chơi của một bạn hàng xóm và bé nhất định không chịu xin lỗi, bạn hãy xin lỗi thay cho bé. Điều này sẽ giúp trẻ nhận ra, xin lỗi không làm họ kém hơn hay thua thiệt và xin lỗi cũng không phải là vấn đề gì to tát hay khó khăn.

Xin lỗi tạo nên sự khác biệt


Hãy nói với trẻ “xin lỗi tạo nên sự khác biệt”. Hãy kể câu chuyện của bạn về việc bạn đã nói lời xin lỗi đầu tiên trong một tình huống thế nào (câu chuyện thật hoặc hư cấu) và những khác biệt đã được tạo ra sau đó ra sao. Đây sẽ là một điều tuyệt vời với trẻ, vì đó là câu chuyện về trải nghiệm của bố mẹ bé.

Lê Anh

Biên dịch theo Feminiya


From the same category