Bí quyết chăm con của mẹ “cậu bé tóc mây” Marcus Phạm: “Tôi hay kể khổ, than vãn với con”

Nuôi dạy con là một “cuộc chiến ngập tràn hạnh phúc” mà ở đó, các bà mẹ không chỉ dựa vào bản năng, còn cần có bản lĩnh cũng như tinh thần không ngừng học hỏi để trụ vững. Nhân Ngày của Mẹ, Đẹp Online trân trọng giới thiệu ba cặp mẹ con đình đám trên mạng xã hội hiện nay. Đó là ca sĩ – diễn viên Trương Quỳnh Anh &  bé Sushi (5 tuổi), chị Vân Mie & cậu bé siêu “cute” Marcus Phạm (4 tuổi), diễn viên Diệp Bảo Ngọc & bé Kid hóm hỉnh (5 tuổi). Ba cặp mẹ con “một chín một mười” này sẽ chứng minh với chúng ta một điều rằng, mẹ và con trai là một cặp bài trùng không thể tách rời.

Marcus tuy mới 4 tuổi nhưng rất nhạy cảm, hiểu chuyện, thương yêu mẹ cũng như ga lăng với các chị các cô. Trên trang Facebook cá nhân, mẹ của Marcus thường khoe clip con trai nói những lời “ngôn tình” với mình: “Con sẽ luôn nắm chặt tay mẹ, không bao giờ rời xa”, “Sao mẹ đẹp quá vậy?”, thậm chí Marcus còn khiến mẹ được phen “hú hồn” khi xưng “anh” với mẹ: “Không biết cuộc đời em ra sao nhưng mà anh thương em…”. Chỉ cần mẹ tỏ ra buồn, Marcus liền lo lắng hỏi mẹ làm sao rồi vỗ về an ủi mẹ.


Clip Marcus nói những lời “ngôn tình” với mẹ khiến bao con tim “tan chảy”  

“Tôi sinh Marcus khi chỉ mới 23 tuổi, chồng thì ở Mỹ, ba mẹ lại đi làm xa hầu như không ai phụ giúp nên có quá nhiều bỡ ngỡ. Tôi gọi con là em xưng chị. Con đau ốm thì tự lên mạng mày mò cách chăm sóc, con sốt thì tự ôm con đi viện… Một mình chăm con đến khi Marcus được 2 tuổi thì hai mẹ con mới sang Mỹ đoàn tụ cùng nhà nội… Marcus nhạy cảm và yêu thương mẹ như vậy có lẽ do tôi đã coi con là bạn, tâm sự mọi buồn vui với con từ khi con còn nằm trong bụng.” – chị Vân Mie tâm sự.

1. Cho con nghe nhạc Beethoven và tâm sự với con từ khi bắt đầu mang thai

Chị Vân Mie chia sẻ, khi mang bầu bé Marcus, chị vẫn sống ở Việt Nam còn chồng thì đang học tập và làm việc tại Mỹ. Sống xa nhau, tâm trạng của phụ nữ mang thai thường hay bất ổn khiến hai vợ chồng nảy sinh nhiều bất đồng. Thời gian đó chị gần như bị trầm cảm, dễ yếu lòng và thường hay khóc. Hàng ngày có bao nhiêu buồn tủi, lo lắng, chị chỉ biết tâm sự với Marcus – lúc này vẫn đang nằm trong bụng mẹ. Từ lúc Marcus ra đời cho đến nay đã 4 năm, chị Vân Mie vẫn giữ thói quen tâm sự với con tất cả mọi chuyện. Chính vì thế, Marcus rất gắn bó với mẹ. Bé tự cảm thấy mình là người che chở bảo vệ của mẹ, mỗi lần thấy mẹ buồn là ngay lập tức Marcus chạy lại dỗ dành, an ủi mẹ.

Chẳng hạn, nếu buổi sáng ba dậy sớm gây ồn, Marcus sẽ giơ tay làm ám hiệu bảo ba giữ im lặng cho mẹ ngủ, rồi bé dùng tay vỗ vỗ ru cho mẹ ngủ tiếp.

Khi đi trên xe, thấy ba mẹ tranh cãi, Marcus sẽ giảng hòa bằng giọng ngọng nghịu “đáng ghét”: “Thôi ba mẹ đừng có gây nhau nữa, cả nhà mình có ba, có mẹ, có ông bà nội thì mới vui vẻ…”

van-mie-va-marcus
Chị Vân Mie và con trai Marcus Phạm

2. Dạy con tự làm việc cá nhân từ 18 tháng tuổi

Trước khi sang Mỹ sinh sống, vì lo lắng cuộc sống nơi trời Âu sẽ bận rộn không có nhiều thời gian dành cho con, nên Vân Mie đã cẩn thận dạy con trai nề nếp sinh hoạt từ khi bé mới được 18 tháng tuổi. Chị để con tự ăn, dạy bé giúp mẹ việc vặt bằng cách làm trước để con bắt chước theo như cho quần áo vào máy giặt, tự cất giày dép, dọn dẹp đồ chơi sau khi chơi xong…

3. Khuyến khích con tham gia các hoạt động & không bao giờ so sánh con với “con nhà người ta”

Khi rửa xe, hay hút bụi, lau nhà, nếu Marcus đòi làm cùng, mẹ Vân Mie vui vẻ cho con cùng làm dù biết con sẽ làm chậm thời gian lau dọn của mình. Bà mẹ trẻ cho biết, chị thường khuyến khích con cùng làm việc với mình vì đây là cơ hội để dạy con biết làm mọi thứ. Cho đến bây giờ, Marcus luôn tự làm mọi việc, tự tìm tòi và chỉ khi không làm được mới nhờ ba mẹ giúp.

Vân Mie cũng hiếm khi từ chối các câu hỏi của Marcus vì theo chị, trẻ nhỏ rất ham học hỏi, đó là cơ hội tốt giúp trẻ hiểu biết các vấn đề xung quanh.

Đặc biệt, quan điểm của chị Vân Mie là không bao giờ so sánh con với đứa trẻ khác, mà luôn cố gắng tranh thủ khen ngợi con trong những trường hợp cần thiết để khích lệ tinh thần bé. Ví như chị luôn khen Marcus Phạm giỏi giang, đẹp trai nên lúc nào bé cũng tự tin và vui vẻ.

4. Dạy con ga lăng với phụ nữ

Chị Vân Mie thường nói với con trai rằng, các bạn gái cũng như mẹ là phụ nữ nên rất mong manh yếu đuối, con là đàn ông giống như siêu nhân, anh hùng vì thế con cần phải bảo vệ phụ nữ. Nghe lời mẹ, Marcus rất trân trọng và thân thiện không chỉ với các bác, các cô, các chị mà cả với những bạn nữ đồng trang lứa mà bé gặp.

5. Dành thời gian tối đa dạy con học tiếng Việt

Dù sang Mỹ từ lúc 2 tuổi và sống tại thành phố Winter Haven (bang Florida), nơi ít người Việt sinh sống (ngay cả tại ngôi trường Marcus đang học cũng chỉ có mình bé là người Châu Á), nhưng Marcus rất giỏi tiếng Việt. Mẹ của Marcus cho biết, mỗi tuần chị sắp xếp ít nhất hai ngày để chở con đi chơi, trò chuyện với con, dạy bé nói tiếng Việt vì “nếu không dành thời gian chơi với con, bé sẽ không gần gũi mẹ và sẽ quên tiếng Việt rất nhanh.”

31144013_1521804151275893_294856995293364224_n
Bé Marcus Phạm có ngoại hình cực “chất” khiến cư dân mạng “phát cuồng”. Tại Mỹ, Marcus Phạm còn có những nhóm fanclub nhỏ ở các tiểu bang.

6. Đặt mình vào địa vị của con để suy nghĩ cho con

Chị Vân Mie tâm sự, ngày trước, ba mẹ chị đi làm xa không có thời gian chăm sóc con cái, chị ở với vú nuôi là chủ yếu nên thuở nhỏ chị rất thiếu thốn tình cảm. Những câu nói “con yêu mẹ, con yêu ba” khá xa lạ với chị. Chính vì thế chị không muốn con mình có khoảng cách với ba mẹ. Mỗi ngày chị luôn nhắc Marcus ôm hôn, nói lời yêu thương, cảm ơn khi được ba mẹ làm cho điều gì đó. Từ đó đã hình thành thói quen tốt cho Marcus.

7. Không để con ra ngủ riêng

Tuy sống ở trời Tây nhưng Marcus vẫn được ngủ chung với mẹ từ nhỏ tới giờ. Theo Vân Mie, chị không muốn cho con ngủ một mình trong bóng tối, như thế bé sẽ cảm thấy lẻ loi. Nhưng khi Marcus lên 5 tuổi, chị sẽ hỏi ý kiến của bé về việc “ra riêng”, trang trí phòng ốc làm sao cho đẹp – đó cũng là cách để tách con ngủ riêng.

8. Cảm hóa con bằng lời nói

Tuy rất hiểu chuyện, nhưng Marcus cũng có cá tính đặc biệt khiến mẹ Vân Mie vô cùng đau đầu như giữ đồ ăn, không chia sẻ với bất cứ ai, ngay cả mẹ. Khi Marcus giành ăn cam với mẹ, chị Vân Mie nói với bé: “Mẹ buồn, mẹ bỏ nhà đi”, Marcus bèn bảo: “Thôi mẹ ăn đi, con bỏ nhà đi cho mẹ vừa lòng!!!”. Lúc này mẹ Vân Mie không thể thách thức hay dọa nạt mà phải giảng hòa: “Thôi con ăn hết đi, mẹ không bỏ nhà đi nữa. Nhưng con bỏ nhà đi sẽ không có ba mẹ lo cho ăn uống, mua đồ chơi. Chỉ có ba mẹ mới thương con, mới lo lắng chăm sóc cho con. Ra ngoài người ta sẽ không cho con ăn, không cho con mặc đồ, con sẽ phải ở truồng (Marcus rất sợ ở truồng – PV)…”. Nghe mẹ phân tích, Marcus mới hiểu ra “mối nguy hiểm” khi không có ba mẹ nên không đòi bỏ nhà đi nữa và hứa chia sẻ đồ ăn với mẹ và mọi người.


Clip Marcus “giành” ăn cam với mẹ và đòi bỏ nhà đi

Hoặc khi thấy ai có cái gì thì Marcus cũng muốn có cho bằng được, dù ở nhà đã có rồi. Lúc đó mẹ Vân Mie phải kiên trì giảng giải: “Con có thấy mẹ cực khổ, đổ mồ hôi kiếm tiền nuôi con vất vả thế nào không? (Marcus thỉnh thoảng vẫn được mẹ đưa ra cửa hàng xem mẹ làm việc – PV) Giữa đồ chơi và mẹ, cái nào quan trọng hơn? Nếu con chọn đồ chơi, mẹ sẽ phải đi làm nhiều, mẹ sẽ bệnh, con có thương mẹ không? Mẹ sẽ không có thời gian lo cho con nữa…”. Nghe mẹ giải thích, Marcus hiểu ra và nói: “Vâng, con chọn mẹ”.

Có một cậu con trai tình cảm nhưng cá tính cũng là vấn đề đau đầu, chị Vân Mie cho biết, chị không dùng đòn roi mà dạy bằng tình cảm, cắt nghĩa giảng giải, hoặc “đánh” bằng lời nói để Marcus hiểu chuyện. Ví dụ khi đi trên xe, chị Vân Mie thường “ca thán” với chồng (mục đích chính là để Marcus nghe được) rằng, chị cảm thấy mệt mỏi, buồn chán, thất vọng khi con trai không nghe lời trong một vài chuyện. “Ca” một hồi thì Marcus ngồi ghế đằng sau mới lên tiếng: “Thôi con nghe rồi, từ nay con ngoan rồi, mẹ đừng chán nữa mà…”

32072768_1542271332562508_3043748571401682944_n
“Sau bao tổn thương, vất vả, tôi đã ‘lãi’ được một đứa con, như vậy tôi cũng cam tâm, không hối tiếc gì hết…” – bà mẹ trẻ Vân Mie chia sẻ.

From the same category