Không ít người chịu khó chi phí cho con em họ ngay từ những năm tháng đầu đời. Với quan niệm, trong giáo dục, chẳng có gì là thừa cả, ở các nước phát triển, trẻ ở lứa tuổi mầm non thường được theo học các chương trình hòa nhập cộng đồng từ cách ngồi ăn, cầm muỗng, đi đứng, nói năng đến việc làm quen với các môn khoa học tự nhiên theo chương trình giáo dục mầm non đồng bộ.
Các bộ môn năng khiếu như ballet, thanh nhạc, hội họa, kịch… được những giáo viên chuyên môn đứng lớp, việc này hạn chế nhược điểm: Một giáo viên sư phạm huấn luyện nhiều môn. Giáo sư nghiên cứu sư phạm các trường mầm non quốc tế cho rằng, trẻ lên ba có khả năng hoàn thiện ngôn ngữ, bắt nhịp một cách tự nhiên nhất, vì thế, để trẻ sống trong môi trường đa ngôn ngữ giai đoạn này là tốt nhất.
Chế độ dinh dưỡng cũng là điểm phải quan tâm đặc biệt. Theo nhu cầu của từng trẻ, trẻ được theo dõi sức khỏe bởi chuyên gia dinh dưỡng để có những thực đơn phù hợp. Nền tảng tri thức của con người được xây dựng từ thuở nhỏ chính là giá trị vĩnh cửu sau này, nền tảng ấy sẽ mở ra cho trẻ những tầm nhìn, mục tiêu trong cuộc sống.
Cùng ở trong một môi trường nhưng trẻ có cơ hội để thể hiện năng khiếu của mình trong giờ học, giờ chơi, từ đó các giáo viên sẽ phát triển năng khiếu đó theo xu hướng tích cực, khuyến khích trẻ đẩy mạnh tiềm năng của mình. Điều này lý giải vì sao ở các nước châu Âu, châu Mỹ, trẻ luôn được phát hiện sở trường năng khiếu sớm và có kế hoạch phát triển học tập phù hợp với khả năng.
Đặc biệt, trong lĩnh vực giải trí, tài năng ca hát, diễn xuất bộc lộ sớm, hiệu quả đạt được sẽ cao hơn nhiều. Chúng ta dễ dàng thấy những ngôi sao tuổi teen ở các nước có trình độ văn hóa phát triển rất đồng đều với năng khiếu, khác hẳn với kiểu đè bẹp sở thích đam mê của trẻ và ép chúng học theo một công thức đề sẵn như chúng ta từng áp dụng trước nay.
Dĩ nhiên, áp dụng một hệ thống giáo dục mới không phải là việc có thể thay đổi ngay lập tức, nhưng tham khảo, học hỏi và có cách điều chỉnh phù hợp cũng là điều đáng để quan tâm.
KIẾN THỨC NHI KHOA
* Trong số những vật dụng dành cho trẻ, có lẽ, đèn ngủ là ít được quan tâm hơn cả. Trên thực tế, căn phòng dành cho các bé sẽ sinh động hẳn lên, giúp trẻ hứng thú, trút bỏ nỗi sợ hãi khi ngủ riêng. Đèn ngủ là người bạn đường gắn bó cùng trẻ cả một đêm dài. Hãy giúp trẻ lựa chọn chiếc đèn chúng ưng ý nhất. Dưới đây là những mẫu mã được trẻ ưa chuộng nhất theo thống kê của một website dành cho trẻ em tại Mỹ.
Bạn có thể tìm mua các kiểu đèn ngộ nghĩnh tại Trò Chơi Ánh Sáng 151A Nguyễn Trãi, Q.5, TP. HCM hoặc các cửa hàng lưu niệm trên Pasteur, Lê Lợi
* Bé nhà tôi đã 3 tuổi nhưng vẫn tè dầm liên tục nhiều lần trong giấc ngủ. Có cách nào chữa bệnh tè dầm ở trẻ không? (Thanh Nga, Quận 7, TP. HCM).
Theo nghiên cứu, trẻ từ 5 tuổi trở lên mà vẫn tè dầm thì mới coi là bị bệnh tè dầm. Trẻ 3 tuổi đi giải trong giấc ngủ cũng là chuyện bình thường. Thống kê cho thấy 15-18% trẻ bị tè dầm ở độ tuổi này. Bé của bạn tè triền miên có thể do một trong những lý do sau đây:
Do di truyền, bố mẹ khi nhỏ bị tè dầm thì trẻ cũng có nguy cơ bị tè dầm. Hoặc bàng quang trẻ quá nhỏ khiến trẻ không kiểm soát được bàng quang. Cũng có thể do trẻ ngủ ở nhiệt độ lạnh.
Bạn cũng có thể hạn chế trẻ đi giải đêm bằng cách: Ngưng cho trẻ uống nước, uống sữa trước khi đi ngủ khoảng 1 tiếng. Cho trẻ đi giải và vệ sinh kỹ trước khi lên giường, để máy lạnh ở nhiệt độ vừa phải. Để đèn ngủ hoặc công tắc đèn ngủ gần tầm tay của trẻ để trẻ có nhu cầu đi tè sẽ không ngại.
Cũng có thể đến bác sĩ khám và kê toa thuốc. Không tùy tiện chữa theo các phương pháp mẹo dân gian, cũng đừng bắt trẻ phải ngừng uống nước quá sớm trước khi ngủ.
* Con tôi sinh ra có rất ít tóc và 5 tháng sau vẫn không thấy dấu hiệu tóc dài hoặc dày lên, có nên dùng thuốc hay phương pháp nào để kích thích tóc hay không?(Thiên Cúc, Đồng Tháp)
Do cơ địa mỗi trẻ, hệ lông tóc của chúng có cách phát triển khác nhau. Thường là 1 năm sau khi sinh, tóc trẻ bắt đầu mọc dài hoặc dày lên bình thường. Cá biệt có trẻ khi sinh ra đã có rất nhiều tóc. Nhiều bà mẹ đã dùng biện pháp cắt tóc hoặc cạo đầu khi trẻ được 6 tháng để tóc mọc nhiều hơn. Điều này chỉ là tâm lý bởi tóc mọc nhanh, chậm, dày mỏng hoàn toàn tùy vào cơ địa của mỗi người. Chúc bạn vui.
BS. Phương Chi