Dạy con kỹ năng ứng phó - Tạp chí Đẹp

Dạy con kỹ năng ứng phó

Sống

Một người bạn Nhật của tôi
rất ngạc nhiên khi thấy cổng trường nào ở Việt Nam
cũng đông nghẹt các bậc phụ huynh. Họ bao bọc con quá chăng? Thực tế thì
đa số các bà mẹ hiện đại luôn mong có cơ hội dạy con cách sống tự lập.
Nhưng những nguy hiểm rình rập luôn khiến họ phải chùn bước. Kết quả là
“thà cho
con làm gà công nghiệp còn hơn”.



Nhưng dù bạn có cố gắng che chở tới đâu cũng không thể loại trừ hết mọi nguy cơ
đến với trẻ, những kẻ bắt cóc, những kẻ lạm dụng tình dục trẻ ngày càng nhiều.
Vì vậy, làm “gà công nghiệp” cũng không phải là giải pháp an toàn. Mà cách tốt
nhất là trang bị cho con những kỹ năng sống hữu ích. Bạn hãy dạy con cách tự bảo
vệ mình và ứng phó trong các tình huống nguy hiểm. Con phải hiểu rằng có những
nguyên tắc cần tuân thủ khi không có người lớn ở bên.


Để tránh cho con cảm thấy sợ hãi và giúp con nhớ lâu, bạn đừng “chỉ giáo” mà cần
luyện tập bằng các trò chơi đóng vai, và nên được nhắc lại thường xuyên.


* Những điều bố mẹ cần nhớ:


– Cài đặt số cấp cứu bằng phím tắt của điện thoại và máy để bàn.


– Dán số máy cấp cứu trên tường, phía sau bảng đeo tên của con.


– Luôn có bảng mô tả chi tiết đặc điểm của con.


– Chụp ảnh màu cho con 6 tháng 1 lần.


– Giữ mẫu vân tay của con (bằng mực vẽ hoặc mực dấu).


– Giữ mẫu ADN của con (vài sợi tóc, móng tay…).


– Dạy con nhớ tên mình, tên cha mẹ, địa chỉ, số điện thoại nhà.


– Dành thời gian nói chuyện với con hàng ngày, để con cảm thấy thoải mái khi
chia sẻ mọi suy nghĩ, mọi sự việc xảy ra  trong ngày.


*Nói với con về người lạ:


Không nên nhấn mạnh với con rằng “Người lạ là nguy hiểm”, sẽ chỉ khiến con sợ
hãi và dễ mất bình tĩnh trong trường hợp gặp người lạ. Hãy chỉ cho con biết phải
làm gì khi có người lạ xuất hiện. Hãy nói với giọng nhẹ nhàng và bình tĩnh, đừng
tỏ ra quá căng thẳng hay nghiêm trọng. Con cần hiểu rằng nếu tuân thủ những
nguyên tắc sau thì con KHÔNG cần phải sợ người lạ nữa:


– Đa số mọi người là người tốt, cho nên đa số người lạ cũng là người tốt.


– “Người lạ” là người mình không quen biết và trông có thể giống bất cứ người
bình thường nào.


– Không bao giờ được đi một mình ở nơi vắng vẻ, luôn có bạn đi cùng trong mọi
hoàn cảnh.


– Luôn ở nơi có nhiều người lớn xung quanh, để họ có thể trợ giúp khi cần thiết.


– Khi đi đâu với bất cứ ai (cả người lạ lẫn người quen) cũng cần xin ý kiến
người thân. Kể cả khi con đã là thiếu niên cũng cần nói rõ sẽ đi đâu, với ai,
làm gì.


– Dù đi bất cứ đâu, cũng luôn chuẩn bị sẵn phương án gọi sự trợ giúp (điện thoại
di động còn pin, để lại thông tin cho người nhà, v.v…)


– Trong gia đình luôn có những quy ước khi gọi và trả lời chuông cửa, điện thoại,
internet, v.v… khi con ở nhà một mình


(ví dụ, quy ước mẹ sẽ luôn hỏi: “Chích Bông bé à?”).


– Nếu đang ở một mình và có người lạ xuất hiện, trước tiên phải liên lạc để hỏi
người lớn xem có được phép cho người lạ đó tới gần, nói chuyện hay được phép


nhận đồ vật gì từ người lạ hay không.


– Nói KHÔNG là cần thiết.


– Không cho người lạ thông tin cá nhân, gia đình.


– Nếu có trường hợp khẩn cấp, nguy hiểm xảy ra mà không có người quen xung
quanh, có thể nhận sự giúp đỡ từ một người lạ mặt.


– Nói cho bố mẹ, thầy cô biết khi có người lạ mặt tiếp cận, dù đã tự giải quyết
được. Cần luyện tập:


– Tập tìm chỗ đứng và đi bộ an toàn.


– Giữ khoảng cách an toàn với người lạ đang chú ý tới mình.


– Tìm người lớn xung quanh như phụ huynh cùng trường, bảo vệ, công an, bác bán
hàng ở cửa tiệm, v.v… và ngay lập tức lui về gần phía họ hay khi có người lạ
tiến đến, dù họ có tỏ ra thân thiện.


– Cách kiểm tra sự tin cậy đối với một người dù người đó nói không cần.


– Cách kêu cứu và gây sự chú ý trong trường hợp khẩn cấp.


* Khi con ở nhà một mình:


– Trước khi vào nhà, kiểm tra xem mọi thứ có an toàn không (cửa có khóa không,
đồ đạc trong nhà có bị xáo trộn không, có tiếng động hay đồ vật lạ xuất hiện
không), nếu có phải tìm chỗ an toàn và liên lạc ngay với người thân.


– Luôn khóa cửa chính, chốt cửa sổ.


– Gọi cho cha mẹ báo mình đã ở nhà và đã an toàn.


– Nếu có người gọi cửa hay điện thoại, KHÔNG bao giờ cho họ biết cha mẹ đi vắng.
Hãy nói rằng cha mẹ đang ngủ hay đang ở trong nhà tắm và chưa thể trả lời
ngay lúc này. Sau đó hỏi thông tin người gọi, nói họ để lại lời nhắn rồi báo
cho cha mẹ biết.

– Không bao giờ mở cửa hay nói chuyện với bất cứ ai trong trường hợp ở nhà một
mình, ngoài ông bà, cha mẹ, anh chị em ruột.

– Khi có người lạ đột nhập vào nhà, lập tức vào một phòng gần nhất và khóa chốt
chặt cửa, có thể chèn thêm đồ vật. Sau đó quan sát xem trong phòng có điện thoại
không, nếu có, cầm điện thoại và chui vào nơi có thể trú ẩn như gầm giường, góc
tủ để gọi. Nếu không, hãy liên tục ném đồ đạc kích cỡ vừa phải qua cửa sổ để gây
sự chú ý với người phía dưới. Khi bị phát hiện, lập tức chui vào nơi trú ẩn và
trong mọi trường hợp phải yên lặng, dù có chuyện gì, hay bị tấn công gây thương
tích.


* Dạy con về giới tính:



– “Tất cả cơ thể, thời gian, bản thân tôi thuộc về tôi”, vì vậy mọi sự động chạm,
trò chơi, hay bất cứ việc gì cũng cần có sự đồng ý của cả hai phía, không ai
được ép buộc cả.


– Trừ trường hợp vì lý do sức khỏe (bác sĩ


khám chữa bệnh hay trong trường hợp cấp cứu), sẽ không ai được phép động chạm
vào cơ thể con (là phần cơ thể nằm trong phạm vi che phủ của đồ bơi liền mảnh) ở
nơi vắng vẻ.


– Không ai được phép đề nghị con chạm vào họ ở nơi vắng vẻ.


– Khi con bắt đầu lên 3, không được ôm ấp, ngồi vào lòng hay có những động thái
quá thân mật với người khác, trừ ông bà, cha mẹ và anh chị em ruột, hay người
nào cha mẹ cho phép.


– Mọi sự động chạm, kể cả vì lý do sức khỏe, đều không bao giờ được coi là bí
mật, luôn cần nói với cha mẹ và người thân.


– Khi có vấn đề bất thường, cần nói với người lớn mà mình tin tưởng, và nói tới
khi nào được giúp đỡ.


– Mọi sự yêu cầu giúp đỡ KHÔNG BAO GIỜ là quá muộn.


Bạn hãy dạy con yêu của mình tin tưởng vào cảm giác của bản thân và luôn

nhớ rằng “Tôi là người mạnh mẽ, thông minh và tôi có quyền bảo vệ bản thân
mình”!
.

Bài: Quế San


Thực hiện: depweb

06/10/2011, 11:55