Cha mẹ cần làm gì?
– Giải thích cho con hiểu vì sao phải xin lỗi:
Còn bé, nên trẻ chưa hiểu và ý thức hết được từng ý nghĩa của câu nói hay hành động của mình. Vì thế, để bé không trở thành “con vẹt” chỉ biết nói xin lỗi mà không hiểu tại sao lại phải làm như vậy, cha mẹ hãy giải thích rõ về việc tại sao con phải xin lỗi, với cách diễn đạt, giải thích phù hợp với độ tuổi của trẻ.
Ví dụ, bạn có thể nói với con: “Ai cũng phải nói lời xin lỗi khi làm gì sai trái, khiến người khác tổn thương hay phiền lòng”. Sau khi đã hiểu vì sao phải xin lỗi, bạn tiếp tục giải thích cho con các bước cần thiết cho việc nhận lỗi như: nhìn vào mắt người cần được xin lỗi, nói một cách rõ ràng và chân thành. Việc này tuy không khó nhưng cần sự kiên trì, nhẫn nại và tinh tế từ cha mẹ. Giáo dục con những điều này, chúng ta cũng giúp trẻ gián tiếp thể hiện tình cảm đối với cha mẹ và những người xung quanh. Đây là điều cần thiết trong sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ sau này.
– Làm gương cho bé:
Trẻ con thường hay quan sát và bắt chước người lớn trong cách nói năng và cư xử hàng ngày. Vì thế, cha mẹ và những người bên cạnh cần là tấm gương sáng cho con trẻ noi theo. Nếu người trong gia đình không giữ lời hứa với trẻ, mắc lỗi với các thành viên khác, vô tình làm trẻ bị đau… hãy nhanh chóng đưa ra lời xin lỗi. Đây là phép lịch sự để cho trẻ thấy và làm theo. Khi bé đặt ra những câu hỏi kiểu như: “Vì sao mẹ phải làm như thế?”, bạn hãy giải thích nhẹ nhàng, dễ hiểu, giúp cho trẻ nhận ra lúc nào mình cần nói lời xin lỗi.
Tuy nhiên, bạn không nên quá lạm dụng. Mỗi khi sai phạm hay làm việc gì đó không đúng, chỉ nên nói xin lỗi một lần. Nếu nói quá nhiều lời xin lỗi thì vô tình, bạn lại làm cho trẻ hiểu rằng, làm nhiều việc sai cũng chẳng sao, bởi chỉ cần xin lỗi là xong.
– Nhắc bé nói lời xin lỗi:
Trẻ nhỏ thường quên hoặc chưa nhận biết rõ lúc nào cần xin lỗi. Vì vậy, gặp bất kỳ tình huống nào mà trẻ vô tình hay cố ý mắc lỗi, người lớn đều phải nhắc nhở. Ví dụ: bố đang xem bóng đá, trẻ bật tivi sang kênh hoạt hình, chơi đùa làm vỡ ấm uống trà của ông hoặc ăn nói hỗn lão với người lớn… Khi trẻ vừa sai phạm, bạn cần nhắc nhở ngay lập tức, chẳng hạn như: “Con vừa làm việc này sai. Con làm thế là không đúng… Con phải nói xin lỗi ông, bố… ngay. Mẹ không vui nếu con tiếp tục mắc lỗi như vậy đâu nhé!”.
Những lần sau, nếu bé không tự giác xin lỗi khi làm sai, bạn lại có thể nhắc khéo, như: “Ồ! Con đã sai thì phải làm gì nhỉ?”. Dạy trẻ biết cách xin lỗi là quá trình lâu dài, cần sự kiên nhẫn và lặp lại nhiều lần thì mới có thể trở thành thói quen và giúp trẻ ý thức được hành vi của mình.
– Khen ngợi trẻ:
Các bé rất thích được cha mẹ chú ý mọi lúc, mọi nơi và luôn cảm thấy vui vì hành động của mình làm cha mẹ hài lòng. Do vậy, mỗi khi trẻ biết nói lời xin lỗi, bạn hãy dành lời khen ngợi và tỏ thái độ hài lòng. Ví dụ: “Ôi, con gái mẹ giỏi quá! Biết xin lỗi khi làm sai rồi đó! Mẹ rất vui vì con biết nhận lỗi và xin lỗi…”.
Tuy nhiên, bạn cũng không nên lạm dụng. Nếu thường xuyên khen ngợi, trẻ sẽ nghĩ cách để được khen. Và, để làm hài lòng bố mẹ thì phải có nhiều lời xin lỗi. Cha mẹ nên nói cho con hiểu rằng, cùng với lời xin lỗi, bé cần phân biệt được cái gì đúng, điều gì sai để có được những quy tắc sống cho riêng mình. Bạn nên đưa ra lời khen ngợi cụ thể và đúng lúc, để bé biết đã làm điều gì đúng. Như vậy, lời khen có tác dụng. Bạn cũng có thể thay lời khen bằng sự biểu dương, dành tặng một nụ cười hay những món quà nhỏ.
Một số lời khuyên
Bác sĩ tâm lý Thúy Minh (BV Nhi TƯ) cho biết, ngoài sự quan tâm đến việc ăn học của các con thì điều quan trọng không thể thiếu là cha mẹ cần dạy bé biết cách cư xử với mọi người. Dạy trẻ biết nói lời xin lỗi cũng là cách giúp con nhận ra những việc làm sai của mình. Qua đó, hình thành nên thói quen tốt trong cuộc sống.
Theo chuyên gia tâm lý, để trẻ nhận thức và có “trách nhiệm” với những lời xin lỗi của mình, phụ huynh cần lưu ý: Càng lớn, các bé sẽ càng mắc nhiều lỗi “nghiêm trọng” hơn, nên cha mẹ cần đặt ra những quy định khác nhau trong việc xin lỗi và sửa lỗi đối với trẻ. Bên cạnh đó, bạn chỉ nên đóng vai trò chỉ dẫn, giải thích và động viên trẻ, không nên áp đặt. Việc xin lỗi phải là kết quả của quá trình trẻ tự nhận thức chứ không phải là một quay định bắt buộc của bạn. Nếu nói xin lỗi chỉ vì”mệnh lệnh” của cha mẹ thì lâu dần, trẻ sẽ hình thành thói quen xấu. Hãy để trẻ thực sự học được bài học sau mỗi lần mắc lỗi thay vì chỉ đơn giản học được hai từ “xin lỗi”.
Theo Bầu