Dạy con biết chấp nhận sự thật - Tạp chí Đẹp

Dạy con biết chấp nhận sự thật

Sống

Khuyến khích con nói thật nhưng không thô


Con gái của bạn tôi về nhà ông bà chơi, lúc đang trong bếp xem bà nấu ăn, cháu thấy ông ngoại tắm xong, bước ra từ nhà tắm. Cháu vội hét lên: “Ông mặc quần áo rồi à, thế là không bị hở chim” Bố mẹ cháu vô cùng bối rối, vội kéo  con ra chỗ khác. Cháu bé đang muốn xem bà nấu bếp nên gào khóc toáng lên, mẹ cháu bực quá quát con “im ngay”. Tôi cho rằng, cách cư xử ấy là quá vội vàng với trẻ, bởi lẽ, nếu là đứa trẻ ấy, đột nhiên thấy mình nói đúng mà bị quát, trẻ sẽ không thể hiểu được ý của bố mẹ là gì.

Một lần, chồng tôi bế con gái 3 tuổi lên, cọ cọ râu vào má cháu. Cháu cười khúc khích rồi hỏi: “Sau này con lớn thì con có râu không hả bố?” Chồng tôi bảo không, con là con gái nên không có râu. Con tôi nhanh nhảu: “Thế tí con sẽ to ra và chỗ đó có lông như mẹ phải không?” Chồng tôi trợn mắt nhìn tôi, như thể trách móc tôi đã không dạy dỗ con. Tôi chỉ cười, đến đón con từ tay chồng, đưa con vào bếp rồi nói nhỏ: “Con nói đúng đấy, con quan sát rất nhanh, nhưng mẹ đã dặn con, đây là chuyện bí mật cơ mà? Sao lại đem chuyện bí mật ra để nói. Con gái tôi gật đầu “À, con nhớ rồi. Lần sau con sẽ không nói nữa”. Tôi nhắc lại với con rằng những điều đã được gọi là bí mật thì chỉ nên nói khi có hai mẹ con mình thôi nhé, con tôi gật đầu.

Không ít những ông bố bà mẹ dạy con nói dối và cho rằng thà nói dối còn hơn là nói ra một sự thật thô thiển. Điều này vô tình dạy cho trẻ lối sống giả dối, và cho rằng sự giả dối bóng bẩy cần thiết hơn sự thật. Tôi thì luôn suy nghĩ ngược lại, rằng, sự thật luôn tốt hơn giả dối, nhưng cách diễn đạt sự thật ấy mới là điều cần cân nhắc kỹ. Đôi khi, nếu không có cách khác để nói về sự thật, ta có thể dạy con im lặng, nhưng nói dối thì không!

Có người sẽ không đồng ý với tôi về điều này. Ví dụ “kinh điển” mà họ đưa ra để giải thích cho chuyện nói dối, là việc giả sử khi ta giúp đỡ ai đó, đẩy xe giúp bác bán hàng rong chẳng hạn, nếu được hỏi “Có mệt không?”, dù mồ hôi đầm đìa, thở hổn hển vẫn nên trả lời “Không mệt ”. Tôi lại nghĩ là không nên. Thay vào đó sao không nói “Cháu cũng mệt nhưng không sao, cháu sẽ hết mệt ngay thôi bác ạ”?

Dạy trẻ biết cách chấp nhận sự thật

Con gái tôi rất thích hát. Như mọi đứa trẻ 3 tuổi khác, cháu rất thích mặc váy đẹp và hát cho ông bà, bố mẹ nghe. Sau khi cháu hát, ông bà, bố mẹ đều vỗ tay khen “Hay quá”. Vào đầu năm học mới, cô giáo chọn ra một số bạn để tham gia vào ngày lễ khai giảng, nhưng không có con tôi. Cháu rất thích hát nên rất buồn. Về nhà, cháu hỏi bà ngoại rằng vì sao cô giáo không chọn con vào đội văn nghệ mà lại chọn bạn A, bạn B? Bà ngoại thương cháu nên khoát tay, “Ôi giời, kệ chúng nó. Bà thì bà chỉ thích nghe cháu hát thôi”.

 

Tôi không đồng tình với mẹ mình. Sau đó tôi nói với con gái rằng dù mẹ và bà thường khen con hát hay, nhưng thật ra con hát vẫn không bằng các bạn. Chương trình văn nghệ cần những bạn hát thật hay, hay nổi bật hẳn cơ. Nhưng con không nên buồn vì chương trình văn nghệ chỉ diễn ra một lát, cả năm học con sẽ có nhiều việc khác để làm: như việc xếp hình, chơi cầu trượt, đọc tên các loại cá trong bể cá của trường… mà những việc ấy con đều rất giỏi. Con gái tôi nghe thế, tuy còn chút phụng phịu nhưng tôi không nói gì thêm, vì tôi muốn con học cách chấp nhận rằng khả năng của mình có giới hạn và không nên ghen tị. Hôm diễn ra chương trình văn nghệ, tôi đưa con đến xem các bạn biểu diễn, mua cho con một bó hoa thật đẹp, hướng dẫn con mang hoa lên sân khấu tặng bạn, khen bạn hát thật hay. Con tôi làm theo, và không giấu được ánh mắt thèm muốn khi nhìn các bạn đứng trên sân khấu. Khi về nhà, tôi đã cho xem lại cảnh con lên tặng hoa cho các bạn, được quay bằng điện thoại của tôi. Cho con xem xong, tôi nói với con rằng con thật tuyệt vời vì con biết cách ủng hộ các bạn biểu diễn trên sân khấu, rằng các bạn sẽ rất vui và cảm ơn con. Tôi biết con chưa hiểu hết những điều tôi nói, nhưng lâu dài, con sẽ có lòng tin, rằng ai cũng có thế mạnh của mình. Và thế mạnh lớn nhất chính là việc chiến thắng những cảm giác ích kỷ trong mình để ủng hộ sự thành công của người khác.

Có hôm, con gái nói với tôi rất vui vẻ rằng con chơi trò đóng kịch cùng các bạn, và các bạn đùn đẩy mãi không ai chịu đóng vai người hầu nên con đóng. Làm người hầu rất dễ, cứ ai bảo gì thì làm theo thôi. Tôi đã bật cười, con tôi đã có được sự hồn nhiên đúng với lứa tuổi, và đó là sự thành công của tôi, là điều mà tôi cố gắng gây dựng cho con. Biết quan niệm và nhường nhịn, chấp nhận ngay cả vai diễn “người hầu” để làm tròn công việc trong tập thể mới chính là tiền đề cho con có được sự thành công.

Bài: Trúc An
logo

Xem thêm: Đừng để con cũng đắm chìm trong thế giới ảo


Hãy gửi cho chúng tôi những tâm sự của bạn về chuyện gia đình, chăm sóc con cái tại đây, và đừng quên theo dõi những ý kiến chia sẻ của độc giả với bạn trên Đẹp Online nhé. 

Thực hiện: depweb

10/07/2014, 15:04