Dây chuyền sinh lời của phim Hàn Quốc từ cơn sốt “Hậu duệ Mặt Trời”

(Nguồn: iqilu.com)

Thời gian gần đây, bộ phim “Hậu duệ Mặt Trời” gây sốt khắp Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và những nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam.
Các trang web thương mại điện tử liên tục tung ra các bộ trang phục mà diễn viên trong phim mặc như áo sơ mi, kem BB, son của nữ diễn viên chính hay giày, đồng hồ, kính, điện thoại của nam diễn viên chính. Những sản phẩm này đắt hàng đến mức gây kinh ngạc.
“Hậu duệ Mặt Trời,” “Vì sao đưa anh tới,” “Running Man,” EXO bùng nổ tại Trung Quốc không chỉ là một sự việc đơn thuần và đó cũng không phải là sự việc ngẫu nhiên, đó là kết quả tất yếu của một ngành giải trí Hàn Quốc bao gồm cả công nghiệp hóa, thương mại hóa và hệ thống hóa.
Ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc sẽ liên tục đưa ra những bộ phim truyền hình khiến nhiều người yêu thích, đưa ra những thần tượng K-pop khiến giới trẻ điên cuồng, đưa ra những chương trình truyền hình mà khiến nhiều đài truyền hình nước khác phải trả giá cao để mua bản quyền.
Vậy hãy cùng xem “dây chuyền sinh lời” của những bộ phim Hàn Quốc được tạo ra như thế nào.

Bản quyền phim

Điều khiến nhiều người ngạc nhiên là kế hoạch, sản xuất, đầu tư, kinh doanh của cả ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc với hơn 50 triệu dân chỉ mới có hơn 20 năm lịch sử.
Theo Tân Hoa xã, khoản tiền đầu tiên mà các bộ phim Hàn Quốc kiếm được chính là xuất khẩu bản quyền. Bắt đầu từ mỗi tập phim có giá khoảng 3.000 USD đến mỗi tập của “Hậu duệ Mặt Trời” bán được 230.000 USD cho một trang trình chiếu video của Trung Quốc.
Giá mua quyền phát sóng “Hậu duệ Mặt Trời” tại Nhật Bản là 100.000 USD (hơn 2 tỷ đồng)/tập. Như vậy 16 tập trong bộ phim này sẽ có giá khoảng 1,7 triệu USD (khoảng 38 tỷ đồng).
Giá mỗi tập của “Hậu duệ Mặt Trời” cao hơn 14 lần so với mỗi tập của bộ phim gây sốt trước đó là “Vì sao đưa anh tới.” Bộ phim này trở thành là phim Hàn đắt giá nhất trong lịch sử.

Các sản phẩm ăn theo

Lợi nhuận mà ngành phim truyền hình Hàn Quốc hướng đến ngay từ đầu đã không phải là tiền bản quyền mà đó chính là việc phim Hàn dẫn dắt một thị trường tiêu dùng theo trào lưu Hàn Quốc, bao gồm: thời trang phong cách Hàn, trang điểm phong cách Hàn, đồ dùng gia đình, thiết kế nội thất, ẩm thực Hàn Quốc, phẫu thuật thẩm mỹ, đồ công nghệ, đồ điện tử và các tour du lịch Hàn Quốc.


(Nguồn: xinhuanet)
Những sản phẩm ăn theo của bộ phim “Hậu duệ Mặt Trời” lúc nào cũng trong tình trạng cháy hàng trên gian hàng của mạng iQiyi, trang trình triếu video của Trung Quốc.
Điều này khiến iQiyi chuyển đổi thành công từ một trang trình chiếu video chuyển sang gian hàng thương mại điện tử. Chưa cần nói tới bộ phim đang là phim ăn khách trên trang này, chỉ trong vòng một tháng, phí hội viên đã vượt qua hàng chục triệu nhân dân tệ.
Các số liệu từ Hàn Quốc cho thấy xuất khẩu văn hóa Hàn Quốc mỗi khi tăng 100USD thì có thể khiến xuất khẩu các sản phẩm ăn theo tăng 412USD.
Khi bộ phim “Vì sao đưa anh tới” được phát sóng, những bộ váy, đồ mỹ phẩm xuất hiện trong mỗi một tập phim sau đó đều trở thành sản phẩm bán chạy, đồng thời thúc đẩy cả thị trường điện thoại di động, các phần mềm nói chuyện của Hàn Quốc.
Bộ phim “Hậu duệ Mặt Trời” khiến nhiều sản phẩm thời trang và đồ trang điểm trở nên ăn khách, một địa điểm du lịch ở Hy Lạp hay một quán càphê xuất hiện trong phim trở nên nổi tiếng.
Trước đó, chuỗi cà phê từng xuất hiện trong bộ phim “Người thừa kế”cũng đã bước chân sang thị trường Trung Quốc.

Thị trường du lịch Hàn Quốc

Trên thực tế, phim truyền hình Hàn Quốc không chỉ là một thành phần của ngành công nghiệp giải trí mà còn là “đại sứ” cho ngành du lịch, văn hóa và nhận được nhiều sự hỗ trợ của chính phủ nước này.
Năm 2014, khi bộ phim “Vì sao đưa anh tới” được phát sóng, du khách Trung Quốc đến Hàn Quốc tăng 43% so với cùng kỳ.
Trước đây, “Dae Jang Geum” hay “Bản tình ca mùa Đông” không những tạo thành cơn sốt phim Hàn ở các nước châu Á mà còn được phát sóng miễn phí ở thị trường Trung Đông.

(Nguồn: xinhuanet)
Để mở rộng các tour du lịch đảo, nhà sản xuất của Dae Jang Geum còn thay đổi kịch bản, để các cảnh nữ diễn viên chính quay tại đảo Jeju kéo dài vài tập. Các chuyến du lịch đến đảo Juje gắn liền với Dae Jang Geum trở nên phổ biến ở châu Á và nhanh chóng trở thành địa điểm đầu tiên của Hàn Quốc miễn thị thực cho du khách nước ngoài.

Giống như chiến dịch “Cool Japan” cùng văn hóa truyện tranh của Nhật Bản, ngành phim truyền hình Hàn Quốc cũng đi theo hướng vượt qua biên giới.
Theo VietnamPlus

From the same category