“Dawn of the Planet of the Apes”-chuyện khỉ chuyện người - Tạp chí Đẹp

“Dawn of the Planet of the Apes”-chuyện khỉ chuyện người

Review

Kết thúc phần một của phim trước đó là cảnh khỉ đầu đàn Caesar giải thoát cho đồng loại của mình, cả đám cùng kéo nhau vào rừng rậm sống, rồi khỉ đầu đàn nói bằng tiếng người dõng dạc rằng đây sẽ là vương quốc của loài khỉ. Đồng thời, đây cũng là lúc mầm dịch cúm khỉ bắt đầu lan truyền ra khắp thế giới. Tới phần hai, câu chuyện trở nên âm u và mang màu sắc rực đỏ của máu, lửa và chiến tranh.

 

Vào khoảng thời gian mười năm sau đó, con người đã bị dịch cúm khỉ tàn phá đến mức chỉ còn những cụm nhỏ sống tập trung rải rác trên Trái đất với hoàn cảnh thiếu thốn vật chất, năng lượng. Trước tình cảnh này, một nhóm người do kiến trúc sư Malcolm mở đường đã tìm đến nguồn thủy điện nằm trong rừng, thuộc địa bàn của vương quốc khỉ. Caesar, thủ lĩnh đàn khỉ, với sự thông cảm cho loài người, đã đồng ý giúp đỡ, mặc cho sự phản đối gay gắt đến từ Koba, vốn từ nhỏ đã căm hận con người vì bị tra tấn trong phòng thí nghiệm. Để quyết tâm thực hiện kế hoạch của mình, Koba quyết định ám sát Caesar, đổ lỗi cho con người làm chuyện đó và mở ra cuộc chiến giữa người và khỉ.

Điều dễ dàng nhận thấy của “Dawn of the Planet of the Apes” chính là không khí phim được đẩy lên một mức căng thẳng cao hơn. Nếu trong phần một, khoảng giai đoạn khi Caesar còn nhỏ, sống cùng Will vui vẻ tại nhà là thời gian nhẹ nhàng để người xem có thể tìm được lắng đọng, thì qua phần hai, tất cả mọi người đều cảm thấy đau lòng khi chứng kiến hoang cảnh loài người, cũng như sự khốc liệt của cuộc chiến tranh người và khỉ không thể tránh khỏi.

 

Đã có nhiều bài viết nói về kỹ thuật dựng phim, âm thanh, ánh sáng hay hình ảnh của phim đều đạt đến mức tốt ấn tượng, nên bài viết này chủ yếu nói đến những ý nghĩa bộ phim muốn gởi đến người xem.

Điểm nổi bật nhất của “Dawn of the Planet of the Apes” chính là đưa người xem đến sự thấu hiểu,  rằng bất kỳ một người ác nào cũng có một quá khứ đầy đau khổ.

Dreyfus, người lãnh đạo của nhóm người sót lại khi đó, có sự căm thù loài khỉ ghê gớm vì chính gia đình ông ngày trước đã chết vì dịch bệnh cúm khỉ. Hay nhu Koba, nhân vật được coi là phản diện của cả tập phim, thật ra cũng là nạn nhân, à không, “nạn khỉ” của những tháng năm dài bị giam giữ trong phòng thí nghiệm và bị tra tấn dã man.  Sâu xa hơn, chính Koba cũng tiêm nhiễm sự lừa lọc, dối trá từ những con người xung quanh hắn ta từ khi còn nhỏ.

Bên cạnh đó, tình yêu gia đình là thứ luôn được đề cao trong phim. Người xem không thể nào quên được ánh mắt dịu dàng Caesar dành cho vợ và đứa con mới sinh của mình, dù rằng trước đó nó phải chiến đấu để bảo vệ bầy đàn.

 

Mối quan hệ của Koba và Caesar trong phim cũng là một điều đáng suy ngẫm. Bộ phim phản ánh rất thật thế giới con người. Dù cho cả hai cùng chung chiến tuyến, giống nòi, nhưng mỗi người lại có một mục đích, lý tưởng sống khác nhau. Caesar muốn bảo vệ hòa bình, luôn đặt mạng sống của đồng loại lên hàng đầu, thì Koba là kẻ hiếu chiến, chỉ vì thỏa mãn dục vọng trả thù của mình, nó sẵn sàng đẩy bạn bè, anh em đến đường chết, thậm chí ra tay ám sát cả người luôn tha thứ cho lỗi lầm của mình hết lần này đến lần khác. Đến cuối cùng, dù căm ghét loài người, nhưng chính Koba lại là con khỉ có suy nghĩ giống con người nhất, và câu cuối cùng Caesar nói cùng nó cũng khẳng định điều đó “Ngươi không còn là khỉ nữa.”

Trong phim, có một câu nói được lặp lại rất nhiều lần: “Khỉ không giết khỉ”. Vì chính câu nói này, Caesar bỏ qua cho sự ngông cuồng của Koba nhiều lần, đến mức phải nhận kết cục bị Koba ám sát. Đây là một câu nói đáng để người ta suy ngẫm – ngoài kia, con người vẫn còn đang giết nhau vì hai từ “chiến tranh”.

Với cái kết để mở, chắc chắn trong thời gian tới “Planet of the Apes” sẽ có phần tiếp theo xứng đáng cho người yêu thích phim mong đợi.

Bài: Bỉ Ngạn
Ảnh: Planetoftheapesmovie


logo

 >>> Có thể bạn quan tâm: Cho dù có bị ban tổ chức Cannes đuổi thẳng cổ sau phát ngôn bất cẩn về chế độ Đức quốc xã hồi năm 2011, cho dù làm mất lòng biết bao khán giả cùng đồng nghiệp nhưng không thể phủ nhận Lars von Trier vẫn là một trong những nhà làm phim có vị trí quan trọng và sức ảnh hưởng lớn tới điện ảnh thế giới đương đại.


Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Thực hiện: depweb

23/07/2014, 22:38