Đầu tư bệnh viện: Tiềm năng lớn nhưng ít người vào - Tạp chí Đẹp

Đầu tư bệnh viện: Tiềm năng lớn nhưng ít người vào

Tin Tức
Nước ngoài chê

Theo ông Trần Quốc Khoa, Trưởng phòng quản lý khám chữa bệnh ngoài công lập Bộ Y tế, cả nước hiện có 137 bệnh viện tư nhân, trong đó có 6 bệnh viện có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động và khoảng 30.000 phòng khám đa khoa, chuyên khoa…

Quy mô bệnh viện tư nhân nhỏ bé, bình quân chỉ có từ 50-60 giường và hầu hết tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn. Hiện cả nước mới chỉ có 28 tỉnh có bệnh viện tư nhân và duy nhất 1 tỉnh miền núi có 1 bệnh viện tư nhân là Yên Bái.

Vốn đầu tư của các bệnh viện tư nhân khá thấp ví dụ như 6 bệnh viện FDI có vốn đầu tư ban đầu là 94 triệu USD, còn các phòng khám thì từ 200.000 USD đến 2.000.000 USD. 10 năm trở lại đây các nhà đầu tư nước ngoài không quan tâm đến đầu tư bệnh viện tại Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Bá Cường, Phó cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 7/2012, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực y tế có 78 dự án với tổng vốn 1,16 tỷ USD, trong đó có 10 bệnh viện, 66 phòng khám và 2 cơ sở sản xuất thuốc. Đây là con số quá thấp so với tiềm năng của thị trường dịch vụ y tế tại Việt Nam.

Việt Nam là nước đông dân thứ 13 trên thế giới với 86 triệu dân, tầng lớp giàu có và trung lưu ngày càng tăng, trong khi hạ tầng về khám chữa bệnh đang quá tải với tình trạng các bệnh viện có từ 2-3 bệnh nhân/giường. Theo dự báo của Economist Intelligence Unit (EIU), chi tiêu cho y tế ở Việt Nam sẽ tăng từ gần 7 tỷ USD năm 2010 lên 11,3 tỷ USD năm 2015 với tăng trưởng trung bình 10,3%/năm.

Ngoài tiềm năng lớn thì hệ thống luật về khám chữa bệnh cũng tương đối đầy đủ và rất thông thoáng, tạo điệu kiện tốt nhất cho nhà đầu tư cũng như đội ngũ thày thuốc hành nghề.

Theo ông Khoa, luật quy định, người nước ngoài hoạt động khám chữa bệnh tại Việt Nam thì phải thành thạo về tiếng Việt, nhưng nếu không thành thạo tiếng Việt có thể sử dụng phiên dịch và có đầy đủ quy định điều kiện để trở thành người phiên dịch cũng như tổ chức 3 cơ sở tại 3 miền để kiểm ra công nhận tiếng Việt và ngoại ngữ cho người nước ngoài, người phiên dịch rất thuận lợi.

Trong khi đối với nhiều nước trên thế giới quy định bắt buộc người nước ngoài muốn hành nghề khám chữa bênh ở nước họ thì phải thông thạo tiếng bản địa. Cũng tương tự như vậy là cấp giấy phép cho các phòng khám, Việt Nam chỉ cấp 1 lần, tức là vĩnh viễn, trong khi nhiều nước khác là cấp có thời hạn, hết hạn, kiểm tra thấy đạt mới cấp tiếp…

Ngoài ra, Luật Đầu tư cũng rất ưu đãi với các dự án đầu tư vào y tế, chẳng hạn thuế thu nhập DN được hưởng mức thấp nhất là 10% trong cả đời dự án, miễn thuế 4 năm và giảm 50% trong các năm tiếp theo, miễn giảm tiền thuê đất ít nhất là 7 năm…

Các địa phương đều rất quan tâm đến thu hút đầu tư vào lĩnh vực y tế. Đến nay hầu hết các tỉnh trong cả nước đều đã xây dựng các dự án đầu tư về y tế để lôi kéo các nhà đầu tư nước ngoài và tư nhân; ví dụ như Hà Nội đã thành lập 2 y tế với diện tích lớn tại Mỹ Đình và Gia Lâm để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Vắng khách vì giá cao

Theo ông Khoa thì đầu tư vào bệnh viện phải có bệnh nhân. Tuy số người tham gia chăm sóc sức khỏe hàng năm của Việt Nam rất đông, nhưng thu nhập thấp trong khi chi phí khám chữa bệnh của khối tư nhân cao, khiến cho các bệnh viện mở ra khó thu hút được đông người đến khám chữa bệnh.

Mức đóng bảo hiểm y tế còn thấp dẫn đến chi trả thấp không mang lại sự hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Ngoài ra do mức phí khám chữa bệnh của các bệnh viện Nhà nước thấp nên bệnh viện tư nhân mở ra khó cạnh tranh nổi.

Theo ông Trần Đại Thắng, Câu lạc bộ Lobby Việt Nam, tuy tiềm năng lớn nhưng tính toán kỹ thì thấy đầu tư chưa đem lại hiệu quả bằng đầu tư vào các lĩnh vực khác như bất động sản.

Thời gian qua, đầu tư vào bất động sản cho lợi nhuận cao gấp 2-3 lần, trong khi vốn bỏ ra thấp. Nhà dầu tư chỉ đầu tư tý vốn ban đầu, khi dự án hình thành là đã huy động được vốn từ người mua và vay ngân hàng. Trong khi đầu tư vào y tế chi phí ban đầu khá lớn, 1 bệnh viện hiện đại có vốn đầu tư lên đến cả tỷ USD như thu hồi rất chậm, trong khi thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vẫn còn thấp.

Theo ông Khoa, Chính phủ đang yêu cầu Bộ Y tế trình đề án giảm qua tải tại các bệnh viện. Một trong những giải pháp đưa ra là khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài và tư nhân đầu tư vào lĩnh vực y tế. Các bệnh viện và phòng khám tư nhân sẽ đóng góp phần quan trọng vào việc khám chữa bệnh và giảm tải hiệu quả cho các bệnh viện công lập. Tuy nhiên để thu hút được các nhà đầu tư sẽ phải có nhiều hoạt động xúc tiến và chế độ ưu đãi hấp dẫn hơn nữa.

Bên cạnh đó, theo ông Thắng nếu cứ trông chờ vào đầu tư nước ngoài và tư nhân thì chi phí rất cao chỉ có giới trung lưu trở lên mới có khả năng chi trả, còn dân thường chắc vẫn kéo đến các bệnh viện công.

Vì thế, cần có thêm các phương án hợp tác khác. Ví dụ, Cu Ba vốn là quốc gia có nền y học khá phát triển, hiện họ đang cung cấp dịch vụ y tế cho nhiều quốc gia Nam mỹ để đổi lấy dầu lửa, lương thực… Hiện có nhiều bệnh viện địa phương như Ninh Bình, có trang thiết bị, hạ tầng rất tốt nhưng thiếu nguồn nhân lực có chuyên môn cao. Nếu đưa các bác sỹ Cu Ba sang khám chữa bệnh và đào tạo cho Việt Nam sẽ rất hiệu quả.

Bên cạnh đó, theo ông Khoa, Việt Nam cần nhiều nhà đầu tư trong ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực y tế nhất là bệnh viện để chia sẻ với bệnh viện công vốn đang quá tải, tạo ra thị trường dịch vụ y tế cạnh tranh. Thời gian tới nhu cầu về chăm sóc sức khỏe sẽ tăng mạnh, nếu không đẩy mạnh thu hút đầu tư của khu vực tư nhân và nước ngoài vào lĩnh vực y tế thì sự quá tải tại các bệnh viện công còn trầm trọng hơn.

Theo Vietnamnet

Thực hiện: depweb

24/08/2012, 07:41