“Đấu trường sinh tử”: Sách bom tấn “bắt lửa” điện ảnh - Tạp chí Đẹp

“Đấu trường sinh tử”: Sách bom tấn “bắt lửa” điện ảnh

Review

Đấu trường bùng nổ và tuyệt đỉnh phù phiếm

Nghe tin “The Hunger Games: Catching Fire” được ra rạp chiếu Việt, không ít khán giả vừa thấy hân hoan, vừa thấy… nực cười. Bởi lẽ, bộ phim xuất sắc với các phần được móc nối với nhau này đã bị “cấm cửa” từ đầu trong sự tranh cãi, thế mà cuối cùng vẫn “bắt lửa”. Thế chẳng hoá ra, nhiều người muốn được thưởng thức “Catching Fire” ở rạp sẽ phải “đành lòng” lên mạng tìm phần 1 để… coi chùa?

                                                     Cảnh trong phim “The Catching Fire 

Rồi đến khi xem phần 2, có thể hiểu tại sao Hội đồng duyệt phim của Việt Nam đã “miễn cưỡng” cho phép nhà phát hành giới thiệu đến khán giả, dẫu bị chậm một tuần so với kế hoạch.

Lý do có thể khẳng định, đó là về tổng thể, “Đấu trường sinh tử” có phần 2 vượt trội so với phần 1. Phim không còn dừng lại ở cuộc chiến sinh tồn được “truyền hình thực tế” một cách tàn nhẫn mà đã mở rộng thêm nhiều lớp nghĩa mới, với chiều sâu và cách thể hiện đáng nhớ hơn. Bởi vậy, hội đồng duyệt phim đã gật đầu; nhưng cũng bởi vậy mà có thể thấy: không thể xét nét, đánh giá một tác phẩm hoàn chỉnh theo kiểu “thầy bói xem voi”.

Câu chuyện mang tính phiêu lưu, viễn tưởng về một vùng đất mới được hình thành sau khi Bắc Mỹ hoang tàn, đổ nát được tiếp tục từ cái kết của phần 1. Đó là khi Katniss (Jennfer Lawrence) và Peeta (Josh Hutcherson) vượt qua 10 sinh mạng khác, mang chiến thắng về cho quận 12. Lúc này, cả hai đã trở thành những người hùng, và hơn thế, là hiện thân cho niềm hy vọng sống và vươn lên của cư dân đất nước Panem.                                             

Nhưng kết thúc mùa thứ 74 của “Đấu trường sinh tử” không có nghĩa là họ sẽ được hưởng sự yên bình. Với riêng hai người chiến thắng, họ rơi vào những cuộc đấu tranh nội tâm không yên ả khi tiếp tục phải diễn tiếp vai yêu đương sau khi đã được dựng lên quá đạt ở “trò chơi”. Còn với vùng đất Panem, nơi đây vẫn không ngừng bất ổn với những đe doạ về chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai và hơn cả là sự đàn áp của chế độ độc tài mất nhân tính, đứng đầu là Tổng thống Snow (Donald Sutherland).

Mưu mô của chính quyền không dừng lại ở đó, nhất là khi những bộ não thống trị nhận ra sự tỏa sáng của Katniss và Peeta đang thổi lên những mầm loạn trong dân chúng, nhen lên trong không ít người dân tư tưởng lật đổ. Điều này được thấy trong cuộc diễu hành mừng chiến thắng, ở đó sự xa hoa đỉnh điểm đối nghịch với sự đói khổ cùng cực được phô bày.

        Cảnh trong phim “The Catching Fire
Bao lâu nay, “Đấu trường sinh tử” vốn là một show truyền hình thực tế mang tính chất của “thuyết âm mưu”; thì đến “Catching Fire”, nó vẫn là vậy với thử thách khốc liệt hơn. Katniss và Peeta tiếp tục bị chọn làm “vật hiến tế” cho chương trình lần thứ 75 cùng 11 cặp đôi là những người đã từng chiến thắng khác. Những gay cấn, hồi hộp và hàng loạt mưu đồ mới dần được hé lộ trong “Catching Fire” khi “Đấu trường sinh tử” trở thành “Huyết trường tứ phân” (The Quarter Quell).

Với những ai quen xem phim phần tiếp theo (sequel) và đọc sách bom tấn dạng nhượng quyền (franchises) thì có thể thấy ngay cốt truyện trên là cái tứ lý tưởng để “nâng cấp” bộ phim, lôi kéo khán giả. Nhưng vẫn phải dành lời khen tặng cho cho ê kíp sáng tạo, lành nghề đã thổi ngôn ngữ điện ảnh hấp dẫn vào phần 2 của phim, được làm dựa trên phần tiếp theo của sách. Kết quả là sách có phần 1 được tuổi teen ham mê, nhưng phim lại có phần hai thoả mãn cả khán giả đại chúng và giới phê bình.

Phần 1 với hàng loạt thử thách có mức độ thảm khốc, tàn nhẫn tăng dần, đã khiến người viết bài nảy sinh suy nghĩ: “Thế này thì chẳng còn muốn xem chương trình truyền hình thực tế đang đầy rẫy nào nữa”. Đến phần hai, đạo diễn Francis Lawrence giảm bớt tập trung vào các cuộc đối đầu chết chóc mà mang đến cảm xúc đa dạng hơn cho người xem.

Lý do mà nhà duyệt phim của Việt Nam “e ngại” ở phần 1 là yếu tố bạo lực đậm đặc thì đến “Catching Fire”, điều ấy vẫn gây “e ngại” (bởi phim dán nhãn NC-16), nhưng tư tưởng về sự hy sinh, lòng nhân ái, mầm mống của sự nổi dậy đòi công lý, tự do… đã bắt đầu nảy nở.                                           

Góp sức cho điều này là phục trang ấn tượng, âm nhạc bắt tai, cảnh quay hoành tráng và sự góp mặt của dàn diễn viên tên tuổi mà ấn tượng nhất là Jennifer Lawrence trong vai cô gái bắn cung Katniss và Elizabeth Banks trong vai quý bà đỏm dáng Effie.

Nhờ cách nâng tầm từ sách đến phim mà cô diễn viên 9x đoạt giải Oscar có nhiều đất để khẳng định tài năng diễn xuất. Khán giả xem phim chắc chắn sẽ ấn tượng với những cảnh chuyển đổi cảm xúc trên gượng mặt của Katniss, đặc biệt là phút kết phim như báo hiệu những lối rẽ mới của các nhân vật…

Riêng vai diễn phụ của Elizabeth Banks ở phần hai này thì thật trùng khớp với ý đồ phô diễn những điều phù phiếm của một thế giới xa hoa, giả tạo. Người đàn bà nông cạn thường xuyên xuất hiện với điệu bộ, cách trang điểm và những bộ trang phục vô cùng sặc sỡ, cầu kỳ và mới lạ như một ví dụ về điều có thể tạm gọi là “tuyệt đỉnh phù phiếm” trong phim.


“Bom tấn” từ sách lên phim


the catching fire

        Cảnh trong phim “The Catching Fire

Với doanh thu thuộc hàng kỷ lục, “The Hunger Games: Catching Fire” nghiễm nhiên đoạt ngôi đầu trong số những phim được chuyển thể từ dòng sách bom tấn (blockbusters) và nhượng quyền (franchises) thành công nhất. Có nghĩa, sau loạt phim như “Twilight” (Chạng vạng), “Harry Potter” (Phù thuỷ Harry Potter) rất ăn khách; đến “Percy Jackson”, “The Mortal Instrument: City of Bone” (Thành phố xương) không mấy thành công; thì thời điểm này còn chờ xem liệu Fifty Shades of Grey (50 sắc thái xám) có phá kỷ lục của “The Hunger Games”.

Tuy nhiên, chưa cần chờ đến lúc cuốn tiểu thuyết gợi tình lên màn ảnh rộng sẽ như thế nào thì đã có thể rõ, đây là dạng phim khác với “The Hunger Games”. Lợi thế của “Đấu trường sinh tử”, nhất là ở phần 2 “Bắt lửa”, là hướng đến cả khán giả trẻ và người trưởng thành. Còn “50 sắc thái xám” hiển nhiên sẽ bị giới hạn khán giả và độ tuổi, bởi đây không chỉ thuộc dòng văn chương “chick-lit” hướng đến phụ nữ mà còn là tiểu thuyết dạng “mommy porn”, tức những truyện tình dục dành cho các bà mẹ.

Tuy vậy, xét về sự ăn nên làm ra và xu thế nở rộ của phong trào làm phim ăn khách từ sách bom tấn, nhượng quyền thì cuộc “xe duyên” giữa ngành xuất bản và ngành điện ảnh sẽ còn nhiều “thương vụ” ồn ào.

Chẳng đâu xa, “The Hunger Games” phần 3 sẽ được tiếp tục. Công thức viết sách câu khách kết hợp làm phim mới cũng đã xuất hiện qua sự xuất hiện của bộ truyện dự kiến có 7 phần là “The Bone Season” của tác giả 9x Samatha Shannon. Hãy chờ xem, bởi đây là sự cộng gộp của thế giới phiêu lưu, viễn tưởng kiểu “Đấu trường sinh tử” với những câu chuyện dục tình của “50 sắc thái xám”.

Bài: Bùi Dũng

Ảnh: MSD



>>> Có thể bạn quan tâm:Hunger Gamesđang thiết lập một loạt các kỷ lục, vượt qua những bộ phim từng thành công vang dội như “Twilight Saga” hay “Alice in Wonderland“. Doanh thu của bộ phim ngay trong tuần đầu ra mắt đã khiến nhiều người ngạc nhiên: đạt đến 155 triệu USD tại thị trường Mỹ.

 

 

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Thực hiện: depweb

28/11/2013, 08:06