Nghệ sỹ Mai Tuyết Hoa. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Cách tân xẩm
Sự ra đi của “báu vật nhân văn sống” Hà Thị Cầu cách đây gần 3 năm là tổn thất không gì có thể bù đắp được đối với nghệ thuật hát xẩm.Trước mất mát đó, nhiều người đặt câu hỏi, ai sẽ đi tiếp con đường chân phương, mộc mạc của các nghệ nhân. Và nếu không có ai gìn giữ và phát triển loại hình nghệ thuật được xếp vào hàng trung ca này thì chắc chắn Việt Nam sẽ mất đi một phần hồn của âm nhạc dân gian.
Một số thí sinh hát xẩm trong các chương trình truyền hình thực tế như “Tìm kiếm tài năng Việt Nam” hay “Gương mặt thân quen” là tín hiệu đáng mừng cho thấy các đơn vị tổ chức bắt đầu quan tâm đến nghệ thuật truyền thống. Tuy nhiên, nếu chỉ có một số tiết mục trên truyền hình mà không có những nhóm nghệ sỹ tâm huyết thì nghệ thuật xẩm vẫn không thể có chỗ đứng vững chắc trong cuộc sống hiện đại.
Được thành lập từ năm 2010, với mục đích là “gìn giữ và phát triển nghệ thuật hát xẩm”, nhóm Xẩm Hà Thành quy tụ những nghệ sỹ say mê và yêu thích xẩm thực sự.
Nghệ sỹ Mai Tuyết Hoa cho hay nhóm hiện có 10 thành viên, trong đó có 4 trụ cột là Mai Tuyết Hoa (hát chính, kéo nhị), Nguyễn Quang Long (sáng tác lời mới), Khương Cường (phụ trách bộ gõ) và Nguyễn Nhật Giang (đạo diễn nghệ thuật).
Ngoài ra nhóm còn có một số thành viên không chính thức là các gương mặt nghệ sỹ nổi tiếng như nhạc sỹ Giáng Son, ca sỹ Tuấn Hiệp.
Kể từ khi thành lập đến nay, Xẩm Hà Thành đã tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật lớn như “Xẩm Hà thành”, “Xẩm và Đời” và thường xuyên ra mắt những MV xẩm.
Những sản phẩm như “Tiễu trừ cướp biển” về vấn đề Biển Đông,“Xẩm Trà đá” – một sản phẩm hay mới đây là “Xẩm Bốn mùa hoa Hà Nội” đều chứa hơi thở của thời đại và gửi gắm những thông điệp thời sự.
Trong “Bốn mùa hoa Hà Nội,” các nghệ sỹ của Xẩm Hà Thành đã trẻ hóa loại hình nghệ thuật truyền thống này bằng cách tăng cường thêm đồng dao vào giữa bài hát tạo một nhịp điệu nhanh, khiến âm nhạc liên tiếp chuyển động.
Nhóm xẩm Hà thành biểu diễn trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội. (Ảnh: Mai Tuyết Hoa)
“Đó là nỗ lực cách tân xẩm vì bản chất của xẩm không phải là những tuồng tích cũ. Nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống e ngại việc làm mới vì sợ bị giới chuyên môn chỉ trích. Tuy nhiên, Xẩm Hà thành không lấy điều đó làm quan ngại. Chúng tôi không sợ bị chỉ trích khi cách tân xẩm vì bản thân chúng tôi cũng là những người nghiên cứu và về loại hình nghệ thuật này. Tôi phải tìm hiểu thực sự kỹ lưỡng thì mới dám làm mới hay sáng tác lời mới trên cấu trúc âm nhạc cũ của xẩm” – trưởng nhóm Xẩm Hà Thành chia sẻ.
Hát xẩm bên tai Tổng Bí thư, Chủ tịch nước
Không chỉ cách tân, nhóm Xẩm Hà Thành còn hướng đến một không gian diễn xướng khác cho nghệ thuật hát xẩm.
Trưởng nhóm Xẩm Hà thành cho biết: “Không gian diễn xướng mà các nghệ nhân xẩm xưa như cụ Hà Thị Cầu là vệ đường, góc chợ, tàu điện nhưng trong cuộc sống hiện đại, chúng ta không thể bắt các nghệ sỹ trẻ phải tiếp tục hát ở những không gian đó thì mới đúng là xẩm. Các nghệ sỹ hoàn toàn có thể chọn cho mình không gian phù hợp nhất để giới thiệu xẩm vì chúng tôi không còn biểu diễn xẩm để mưu sinh như các nghệ nhân ngày trước.”
Nhu cầu và thói quen thưởng thức nghệ thuật của công chúng hiện nay có nhiều thay đổi. Nễu vẫn giữ nguyên hình thức biễu diễn cũ thì nghệ thuật xẩm rất khó được người trẻ yêu thích và tiếp nhận.
Nghệ sỹ Mai Tuyết Hoa và bạn diễn trong MV ‘Hà Nội bốn mùa hoa.’ (Ảnh: Mai Tuyết Hoa)
Mai Tuyết Hoa chia sẻ: “Xẩm là đời, nhưng không phải cứ rách rưới, nghèo khổ, mù lòa mới là hát xẩm. Loại hình nghệ thuật dân gian này hoàn toàn có thể được hát trong không gian sang trọng với những bộ trang phục truyền thống đẹp mắt.”
“Tôi luôn muốn nghệ thuật xẩm phải được hát ở Nhà hát Lớn – nơi được coi là thánh đường nghệ thuật của Hà Nội và Xẩm Hà Thành đã làm được điều này. Tôi từng hát bên tai của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Nhà hát Lớn Hà Nội, tại Phủ Chủ tịch và tôi sẽ còn nỗ lực hơn nữa để xẩm thực sự trở thành một loại hình nghệ thuật sân khấu trong cuộc sống đương đại.”
Theo VietnamPlus