Đau nửa đầu: Không thể coi thường

Ngày càng nhiều phụ nữ bị đau nửa đầu

Đau nửa đầu là một trường hợp đặc biệt thuộc nhóm đau đầu mạn tính, hiện nay trên thế giới cũng như ở nước ta thường gọi là đau đầu Migraine. Về cơ chế, bệnh được xếp vào nhóm đau đầu do nguyên nhân mạch máu não. Bệnh đau nửa đầu (Migraine) thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn ở nam giới theo tỷ lệ nữ/ nam là 2/1. Về cơ chế gây bệnh cũng như biểu hiện lâm sàng của bệnh này giữa nam và nữ không có sự khác nhau rõ rệt. Đau đầu Migraine thường gặp ở phụ nữ tuổi dưới 45, hiếm gặp ở người già và trẻ em.

Hiện nay chưa có một số liệu thống kê chính xác về tỷ lệ mắc bệnh này trên thế giới. Tuy nhiên, một số thống kê gần đây trong các tạp chí Thần kinh học của Mỹ cho thấy, ở Mỹ cứ khoảng 15 – 20 phụ nữ tuổi dưới 45 thì thường có một người bị bệnh này, chiếm tỷ lệ 5 – 6,7%. Riêng ở Việt Nam, chưa có một số liệu thống kê chính thức. Mặc dù vậy, qua thực hành lâm sàng thì đây cũng là bệnh thường gặp trong bệnh lý Thần kinh ở các nước châu Á nói chung cũng như ở Việt Nam nói riêng.

 

Nguyên nhân đau đầu Migraine xuất phát từ căn nguyên mạch máu não. Do sự co giãn bất thường của hệ thống mạch máu não một bên. Cơ chế gây ra sự rối loạn này hiện nay chưa biết rõ. Đau đầu Migraine biểu hiện lâm sàng thường xảy ra từng cơn với tính chất: cơn đau nửa đầu kéo dài từ 4 – 72 giờ, có thể lần lượt đổi bên (không cố định bên nào), đau nửa đầu có hiện tượng mạch đập ở vùng thái dương. Mức độ đau có thể vừa hoặc dữ dội tùy theo từng bệnh nhân và đau tăng lên khi gắng sức, có thể kèm theo nôn hoặc buồn nôn, sợ ánh sáng, sợ tiếng động. Đây là trường hợp đau nửa đầu điển hình. Ngoài ra, còn gặp một số thể Migraine không điển hình như: đau nửa đầu kèm theo mất ý thức, liệt mắt, liệt nửa người giống như triệu chứng của tai biến mạch máu não, rối loạn thị lực…

Đau đầu Migraine là bệnh có liên quan đến tiền sử gia đình. Khi khai thác tiền sử về gia đình ở những người mắc bệnh này cho thấy hầu hết họ có người thân bị mắc bệnh như họ. Tuy nhiên, hiện nay các nhà khoa học trên thế giới chưa tìm ra được yếu tố di truyền nào có liên quan đến bệnh này.

Không thể xem thường

Nói chung, đau đầu Migraine là loại bệnh không nguy hiểm đến tính mạng, ngoại trừ các thể đặc biệt như Migraine có biến chứng thần kinh. Mặc dù vậy, nó thường xuất hiện những cơn đau nửa đầu dữ dội kéo dài làm ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả công việc cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh. Việc phát hiện và điều trị kịp thời căn bệnh là cần thiết nhằm làm hạn chế các cơn đau gây khó chịu cho người bệnh, cải thiện hiệu quả công việc cũng như chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

Một điều cần chú ý trước khi điều trị đau đầu Migraine là cần phải loại trừ các triệu chứng đau thuộc bệnh lý vùng hàm mặt như: đau nửa mặt (tức là đau dây thần kinh số V), sâu răng và các bệnh lý khác của hàm mặt. Các bệnh lý vùng Tai – Mũi – Họng như viêm tai giữa, viêm tai xương chùm và một số đau đầu có tính chất khu trú rất nguy hiểm như: u não, dị dạng mạch não… Các loại đau này thường có tính chất kéo dài liên tục và không thành cơn đau như đau đầu Migraine.

 

Việc điều trị đau đầu Migraine chia làm 2 bước chính:

– Bước 1: Điều trị cắt cơn đau khi đang có cơn đau: Dùng thuốc kê đơn của bác sĩ, có thể dùng dạng viên uống hoặc dạng tiêm và cần dùng ở giai đoạn sớm mới có tác dụng tốt.

– Bước 2: Điều trị nền: Chỉ sử dụng khi tần suất các cơn dày, ít nhất có 3 cơn mỗi tháng. Thời gian điều trị ít nhất là 2 – 3 tháng kể cả khi không còn cơn đau để tránh tái phát cơn. Tốt hơn hết, khi có triệu chứng đau nửa đầu, bạn nên khám tại các phòng khám chuyên khoa Thần kinh càng sớm càng tốt.

Ngoài ra, những người bị đau đầu Migraine nên tránh dùng các chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá, cà phê. Tránh thức đêm và những căng thẳng về tinh thần (stress) trong cuộc sống. Tập thể dục dưỡng sinh thường xuyên cũng có thể làm giảm được triệu chứng. Chế độ ăn uống bình thường không ảnh hưởng đến bệnh này. Vì thế, không nên kiêng khem quá các loại thực phẩm thông thường.

Khi bạn có dấu hiệu đau nửa đầu nên đến ngay các phòng khám chuyên khoa thần kinh càng sớm càng tốt. Không nên tự ý điều trị khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Tuy nhiên, khi cơn đau dữ dội mà bạn không kịp đến khám bác sĩ chuyên khoa. Bạn có thể tạm dùng các nhóm thuốc giảm đau thông thường như Alaxan, Miloxicam… để tạm thời làm giảm cơn đau và cần chú ý đến tác dụng phụ do thuốc này gây ra như viêm loét dạ dày. Sau đó đến khám chuyên khoa Thần kinh để có được chẩn đoán và điều trị hợp lý.

Chuyên gia tư vấn: Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Hướng, Giảng viên Bộ môn Thần kinh, Trường Đại học Y Hà Nội.

Theo CNMS

From the same category