Đầu năm, thiếu nữ rủ nhau ‘bơm tiền’ cho thầy bói

Từ nhiều năm nay, những ngày đầu xuân được xem là dịp “hốt” bạc của không ít người trong đó có các thầy bói.

Xếp hàng, chờ vài tiếng để nghe ‘thầy’dọa

Như một lẽ tất yếu của tự nhiên, “có cầu thì có cung”, để thỏa mong muốn được biết trước tương lai của không ít thiếu nữ, các thầy bói hoạt động hết công suất bất kể ngày đêm, sáng tối.

Đối tượng tìm đến họ chủ yếu là những người trẻ tuổi, chưa lập gia đình hoặc hiếm muộn đường con cái, nhưng lại tò mò về tương lai, số phận.

Thiếu nữ xếp hàng dài, chờ cả tiếng đồng hồ chờ thầy xem bói. (Ảnh: Mai Lan)

Thiếu nữ xếp hàng dài, chờ cả tiếng đồng hồ chờ “thầy” xem bói. (Ảnh: Mai Lan)

Họ sẵn sàng chờ vài tiếng đồng hồ để được thầy bói sờ tay tiên đoán số mệnh cho mình. Số khác “mai phục” ở nhà thầy từ sáng sớm tới tối mịt, sau đó “bán” lại chỗ cho những vị khách không đủ kiên nhẫn chờ đợi với mức giá trên trời, có thể lên tới vài trăm nghìn đồng/lần.

Ngoài ra, cũng có không ít người đã lập gia đình, nhưng chưa “yên bề gia thất”, tìm tới các “thầy” với hi vọng biết trước vận hạn trong năm để mà tránh.

Vũ Đình Chung (27 tuổi) cho biết: “Nghe người ta đồn ở đây thầy xem đúng lắm, tôi cũng lặn lội vượt hơn chục cây số tới đây xếp hàng chờ thầy xem cho. 

Đã hơn 2 tiếng đồng hồ trôi qua, lỡ dở bao việc mới tới lượt được gặp thầy. Người ta chi 10 – 50 nghìn đồng chỉ được nói chuyện cùng thầy vài chục phút, còn tôi sẵn sàng chi nửa triệu để thầy dành cho vài tiếng đồng hồ.

Không ngờ, thầy chỉ phán chung chung như bao người khác rồi dọa dẫm vận hạn, bảo tôi chi thêm vài triệu nữa để cúng giải hạn khiến tôi thêm lo vào người”.

Mất tiền rước họa vào thân

Theo ghi nhận của phóng viên VTC News tại nhà một thầy bói “có tiếng” ở huyện Kiến Xương (Thái Bình), chủ đề mà các “thượng đế” muốn ông tiên đoán chủ yếu xoay quanh chuyện công việc/làm ăn và tình duyên trong năm Quý Tỵ.

Không ít thiếu nữ có cùng một câu hỏi: “Khi nào thì con lấy chồng? Chồng con thế nào?”. Đáp lại sự tò mò này, thầy bói đã “thuộc” trước một vài kịch bản và diễn xuất như diễn viên chuyên nghiệp trước mặt các “thượng đế”.

Bà Bùi Thị Thu (54 tuổi) – hàng xóm của thầy bói kể trên thành thật cho hay: “Năm ngoái, ông ấy phán con gái tôi cuối năm sẽ cưới chồng. Sự thật thì tới giờ cháu nó vẫn ở vậy.

Năm nay, tôi cũng dẫn cháu sang xem, không ngờ đúng lúc ông ấy đang đọc lại kịch bản cũ cho một cô gái khác nghe. Thế tôi mới vỡ lẽ và chịu bỏ về. Người dân địa phương, chẳng ai tin những gì ông ấy nói, trừ một số “con gà” ở xa tới”.

Một thầy bói đang hành nghề (Ảnh: Mai Lan)

Một thầy bói đang “hành nghề” (Ảnh: Mai Lan)

Một chiêu trò nữa mà không tí thầy bói “làng” đang sử dụng đó là tự đánh bóng tên tuổi cho mình. Họ nhờ chính những người thân, họ hàng truyền “tiếng thơm” khắp các hang cùng ngỏ hẻm để người ta tín, rủ nhau tới “bơm tiền” cho “thầy”.

Vũ Thị Loan (25 tuổi) – người vừa từ nhà thầy bói này ra than thở: “Thầy phán chẳng trúng gì cả. Nghe bà hàng xóm rỉ tai thầy xem đúng lắm tôi mới tới đây, không ngờ bà hàng xóm là em gái ruột của thầy và họ đã tâng bốc nhau”.

Bên cạnh khả năng diễn xuất chuyên nghiệp, nhiều thầy bói “làng” còn khiến người khác phát hoảng trước khả năng nhớ mặt các “thượng đế”.

Nguyễn Thị Lan (22 tuổi), một người tới đây xem bói chia sẻ: “Đầu xuân năm ngoái tôi từng tới nhà bà T cũng ở gần đây để xem bói. Vài ngày sau, do muốn hỏi rõ hơn một chút về đường tình duyên, tôi trở lại, nhưng bà ta phán hoàn toàn khác trước đó. Chắc tại không nhớ mặt tôi.

Ông thầy này nhớ giỏi lắm. Lúc chiều tôi chỉ tạt vào qua một chút, thấy đông người, tôi bỏ đi công chuyện một xíu. Thế mà lúc trở lại, ông ấy vẫn nhớ tôi từng tới đây”.

Nguyên tắc chung của nhiều thầy bói là “thượng đế” chi càng nhiều tiền, mức độ quan tâm, thời gian tiên đoán càng dài.

Theo lời kể của chị Tú (Kiến Xương, Thái Bình), có thầy bói từng dành cho chị cả nửa buổi sáng khiến nhiều người ghen tị, thậm chí tức “phát sốt” chỉ vì chị dám mạnh tay, chi cho thầy hậu hĩnh: 1 triệu đồng.

Chị Tú nói thêm: “Suy cho cùng, những gì người ta nói dù đúng hay sai cũng chẳng làm thay đổi được cuộc sống của mình. Thậm chí, đi xem bói tức là chúng ta đang mất tiền để rước âu lo vào thân, sống trong sợ hãi.

Từ ngày phát hiện ra các chiêu trò mà cánh thầy bói làng hay dung, tôi không còn mê tín nữa”.

Có thể thấy, lợi dụng những kẽ hở của pháp luật, không ít kẻ xấu đang kiếm bộn tiền dựa trên sự cả tin, mê tín của người dân, đặc biệt dịp đầu xuân này. Thiết nghĩ, cần phải siết chặt quản lý hơn nữa mới có thể dẹp nạn “bói toán” ở các làng quê.

Theo VTC


From the same category