Đại thi hào lỗi lạc Robert Browning từng nói: “Tình mẫu tử là nơi tình yêu bắt đầu và kết thúc“. Những đứa trẻ khi vừa mới lọt lòng cho đến khi vững bước trên con đường sự nghiệp đều có hình bóng của người mẹ. Vì thế, hình ảnh đấng sinh thành giàu đức hy sinh, nuôi dưỡng những đứa con nên người bằng chính tình yêu thương vô bờ bến đã được các nhà làm phim khai thác trọn vẹn. Nhân Ngày của Mẹ, hãy cùng mẹ xem lại các thước phim cảm động về tình mẫu tử hay nhất những năm qua sau đây.
“Mama Mia” được chuyển thể từ vở nhạc kịch nổi tiếng cùng tên của tác giả Catherine Johnson. Bằng góc nhìn mới mẻ và tham vọng chiếm giữ “ngôi vương” phòng vé trong dòng phim nhạc kịch mọi thời đại, nhà sản xuất Judy Craymer đã mang đến một câu chuyện bất ngờ xoay quanh hai người phụ nữ thuộc hai thế hệ cùng những người đàn ông của cuộc đời họ. Nếu như Sophie (Amanda Seyfried) dành trọn trái tim cho chồng sắp cưới – Sky (Dominic Cooper) và mong muốn tìm ra ai mới thật sự là cha ruột của mình trong số ba người đàn ông được mẹ cô nhắc đến trong nhật ký, thì mẹ của cô – Donna (Meryl Streep) thuộc tuýp người thích phiêu lưu, nhưng cuối cùng lại chọn làm một bà mẹ đơn thân để toàn tâm toàn ý chăm sóc cho con. 20 năm dành cả tuổi thanh xuân để nuôi con khôn lớn, Donna phải vừa làm mẹ, vừa làm cha. Đến khi gả con gái cho người khác, Donna nhất quyết thay cha ruột Sophie dắt tay cô tiến vào lễ đường. Trong giai điệu ca khúc “Slipping Through My Fingers” ngân vang, Donna lặng nhìn con gái rời khỏi vòng tay bảo bọc của mình.
“Mama Mia” được xem là một trong những bộ phim nhạc kịch thành công nhất mọi thời đại không chỉ bởi cốt truyện và lối dẫn dắt lôi cuốn được kế thừa từ vở nhạc kịch ăn khách nhất lịch sử, mà còn ở màn diễn xuất tuyệt vời của dàn diễn viên thực lực cũng như bối cảnh thiên nhiên thơ mộng tại hòn đảo Kalokairi (Hy Lạp). Kết thúc đợt công chiếu, bộ phim mang về hơn 600 triệu USD và gây dựng tiếng vang lớn trong nền công nghiệp điện ảnh toàn cầu.
Trước khi được cả thế giới thán phục khi mang về 4 giải Oscar 2020 và nhiều giải thưởng danh giá khác với phim điện ảnh “Parasite“, đạo diễn Bong Joon Ho đã từng lấy đi không ít nước mắt của khán giả màn bạc qua những tác phẩm điện ảnh mang đậm tính nhân văn từ những gia đình trung lưu nghèo khó. Trong đó, “Mother” đã từng làm “chao đảo” cộng đồng phim điện ảnh châu Á với cốt truyện mới mẻ, pha lẫn giữa chính kịch và yếu tố trinh thám ly kỳ, bí ẩn. Bộ phim mang về nhiều thành tích đáng nể, gồm có: giải Oscar 2010 ở hạng mục “Phim truyện xuất sắc nhất“, giải thưởng của Hội đồng phê bình phim Busan cho hạng mục “Nữ diễn viên chính xuất sắc” và “Quay phim xuất sắc nhất“.
“Mother” xoay quanh hành trình tìm ra sự thật để minh oan cho Yoon Do Joon (Won Bin) – con trai của người mẹ đơn thân (Kim Hye Ja). Mặc dù đã qua 27 tuổi, nhưng trí não của Do Joon chỉ dừng lại ở một cậu bé lên 3, ngô nghê, khờ khạo. Để rồi đến một ngày, Doo Joon trở thành nghi phạm số một trong vụ án sát hại một nữ sinh trung học. Với tình yêu mãnh liệt dành cho con và trực giác của một người mẹ đã mách bảo bà rằng con trai bà hoàn toàn vô tội. Từ đó, bà quyết tâm đi tìm chân tướng sự thật và tìm ra hung thủ thật sự để cứu con trai thoát khỏi vòng lao lý.
Bộ phim xoay quanh những biến cố xảy ra trong gia đình của cặp đôi đồng tính nữ Nic (Annette Bening) và Jules (Julianne Moore) khi các con đã đến tuổi vị thành niên tìm ra cha ruột của chúng – Paul (Mark Ruffalo). Mọi rắc rối bắt đầu tìm đến mái ấm được Nic và Jules vun đắp bấy lâu vì sự xen ngang của Paul trong cách dạy dỗ con cái. Nếu như Jules là một bà nội trợ đảm đang, chăm sóc nhà cửa chu đáo thì Nic lại toát lên bản lĩnh mạnh mẽ của một trụ cột trong gia đình. Tuy lớn lên nhờ bàn tay chăm sóc của hai người mẹ nhưng hai đứa trẻ đã nhận được nhiều tình yêu thương và nếp sống chuẩn mực không thua kém các gia đình bình thường khác.
Sự thành công vang dội của tựa phim “The Kids Are All Right” đã mang về cho đội ngũ làm phim giải Quả Cầu Vàng ở hạng mục “Phim hài/âm nhạc hay nhất” và giúp cho nữ diễn viên Annette Berning giành chiến thắng giải Quả Cầu Vàng cho “Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất“.
Lấy cảm hứng từ một câu chuyện có thật từng làm rúng động cả thế giới về vụ án Elisabeth Fritzl tại Áo. Người phụ nữ 42 tuổi ấy bị chính cha ruột giam cầm và lạm dụng tình dục suốt 24 năm dài đằng đẳng. Nỗi đau về thể xác vì bị hành hung quá nhỏ so với việc bị lạm dụng tình dục trong suốt nhiều năm đã được nhà văn Emma Donoghue chắp bút nên cuốn tiểu thuyết “Room” và được đạo diễn Lenny Abrahamson chuyển thể thành phim.
Bộ phim xoay quanh cuộc sống bị giam cầm của hai mẹ con Jack (Jacob Tremblay) và Ma (Brie Larson) suốt 7 năm trong một căn phòng. Cậu bé 5 tuổi chỉ biết bầu bạn cùng chiếc TV trong căn phòng nhỏ hẹp, tất cả những gì Jack biết về thế giới xung quanh đều thông qua màn hình TV. Đến một ngày, hàng loạt câu hỏi về thế giới hiện hữu trong khung hình ấy càng nhiều của Jack đã khiến cho mẹ Ma quyết định làm một việc táo bạo là tìm cách đưa con thoát khỏi căn phòng u tối ấy để con tận mắt nhìn ngắm thế giới tươi sáng bên ngoài như bao đứa trẻ khác.
Không chỉ là tác phẩm nhằm tưởng nhớ đến các nạn nhân của nạn lạm dụng tình dục như Elisabeth Fritzl, “Room” còn ngợi ca sức mạnh của tình mẫu tử cao đẹp và sức sống mãnh liệt của con người trong nghịch cảnh. Bộ phim đã nhận được ba đề cử giải Quả Cầu Vàng 2016 cho hạng mục “Phim truyện xuất sắc -Thể loại chính kịch”, “Nữ diễn viên chính xuất sắc (cho Brie Larson) và “Kịch bản xuất sắc” (cho Emma Donoghue).
Sẽ phải làm gì khi đối mặt với hàng tấn bi kịch diễn ra cùng một lúc? Đó là câu chuyện của người phụ nữ mạnh mẽ, kiên cương Futaba Sachino (Kie Miyazawa) trong “Her Love Boils Bathwater“. Sau khi nhận thông báo nhà tắm hơi công cộng của gia đình buộc phải đóng cửa, Futaba bàng hoàng khi nghe tin mình đang mắc bệnh ung thư phổi thời kỳ cuối. Trong những ngày tháng cuối đời, cô quyết định lên kế hoạch thu xếp ổn thỏa mọi việc trong gia đình, từ việc thuê thám tử để tìm ra người chồng mất tích, gầy dựng lại nhà tắm hơi cho gia đình cho đến tìm một người bạn trai tốt cho con gái. Nhờ sự dìu dắt và tấm lòng rộng mở của một người mẹ, cô con gái lớn Azumi Sachino (Hana Sugsaki) đã mạnh dạn bảo vệ chính mình khỏi những kẻ bắt nạt ở trường, cô con gái nhỏ (con riêng của chồng) chịu mở lòng đón nhận tình cảm người mẹ mới.
Bộ phim không chỉ lấy đi không ít nước mắt của khán giả, mà còn để lại sự thán phục trước đức hy sinh cao cả của người mẹ. Nhờ sự dẫn dắt tài tình của đạo diễn Ryota Nakano, “Her Love Boils Bathwater” đã mang về cho nữ diễn viên Rie Miyazawa giải “Nữ diễn viên xuất sắc nhất” và Hana Sugsaki giải “Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất” tại Japan Academy Awards 2017.
“Lady Bird” kể về Christine McPherson hay được biết đến với biệt hiệu “Lady Bird”, là một cô nàng nổi loạn, muốn khẳng định cái tôi của bản thân và khước từ mọi lời nói từ chính bố mẹ của mình để làm những điều mình muốn. Lady Bird nun nấu ước mơ vượt qua bờ biển phía Đông để đến thành phố New York xa hoa, tráng lệ, một nơi khác xa với vùng đất Sacramento đầy rẫy những quy tắc, lễ nghi tôn giáo mà cô đang sinh sống. Khát vọng chinh phục những điều mới mẻ của Lady Bird như chú chim nhỏ muốn thoát khỏi chiếc lồng quy tắc để vươn đến những trải nghiệm thực tế đầu đời.
Bộ phim hài-chính kịch “Lady Bird” dưới bàn tay dìu dắt của vị đạo diễn Greta Gerwig đã phác họa rõ nét khát khao chinh phục tuổi trẻ của một cô bé tuổi mới lớn. Với kinh phí 10 triệu USD, bộ phim đã mang về tổng doanh thu khoảng 79 triệu USD. Không những thế, giới phê bình phim dành nhiều lời khen ngợi cho sự sáng tạo và lối dẫn dắt người xem qua những tình tiết hấp dẫn của nữ đạo diễn tài ba. Bộ phim xuất sắc mang về giải Quả Cầu Vàng ở hạng mục “Phim ca nhạc/hài hay nhất” và “Nữ diễn viên phim hài/ca nhạc xuất sắc nhất” và nhiều đề cử quan trọng ở giải Oscar lần thứ 90 và BAFTA lần thứ 71. Ngoài ra, “Lady Bird” còn được tạp chí TIME chọn là 1 trong 10 bộ phim hay nhất của năm.
“The Preparation” xoay quanh gia đình của bà Ae Soon (Ko Du Shim) và cậu con trai mắc bệnh thiểu năng trí tuệ In Kyu (Kim Sung Kyun). Mặc dù đã ngoài 30, nhưng In Kyu không khác một đứa trẻ và suốt ngày chơi đùa cùng mẹ. Sau khi biết mình bị ung thư não giai đoạn cuối, Ae Soon quyết định dạy cho con trai học cách sống tự lập trong những ngày cuối đời. Bà không hề oán trách số phận vì đã sinh ra một đứa con khiếm khuyết như In Kyu, mà bà oán trách cuộc đời vì đã không cho bà sống lâu hơn cùng con.
Bộ phim mang màu sắc nhẹ nhàng cùng những dòng cảm xúc lắng động của tình mẫu tử. “The Preparation” như một lời tri ân dành đến công ơn sinh thành, đức hy sinh và tình cảm thiêng liêng của người mẹ.
Mặc dù khai thác motif kẻ trong tù, người ở ngoài tìm cách giải cứu vốn đã quen thuộc trên màn ảnh Hàn nhiều năm qua, nhưng “A Diamond in the Rough” lại thu hút khán giả nhờ vào tình tiết lay động cảm xúc giữa mẹ và con vô cùng chân thực. Khán giả có thể nhìn thấy hình ảnh người mẹ của mình trong nhân vật Soon Ok (Kim Hae Sook) – người phụ nữ dành tình yêu vô điều kiện, đánh đổi mọi thứ để mang đến cho con những gì tốt nhất. Ki Kang là một chàng thanh niên có tiền đồ, được gia đình và người dân đặt nhiều kỳ vọng. Anh quyết định rời khỏi làng chài nghèo khó và tìm đến Seoul để thực hiện ước mơ. Thế nhưng, khi giấc mơ vẫn còn dang dở, anh lại trở thành một tội phạm lĩnh án tử hình. Người mẹ sau nghe biết tin đã tìm mọi cách để cứu con trai. Từ một người không biết chữ, bà đã phải học cách đọc, cách viết để tự tay viết bản kháng cáo vì tin rằng con trai mình vô tội.
“A Diamond in the Rough” được xem là một trong những bộ phim hay nhất về người mẹ trên màn ảnh Hàn năm 2019. Bên cạnh những phút lắng động của tình mẫu tử, bộ phim còn phơi bày những mặt tối của xã hội hiện đại, gồm có tệ nạn xã hội, trộm cướp và nhiều thói hư, tật xấu làm đánh mất lương tâm, đạo đức của con người.
Những bộ phim về chủ đề LGBT trước đây chủ yếu hướng đến sự bi kịch của các cặp đôi đồng tính, nhưng “Thưa mẹ con đi” lại mang màu sắc gần gũi, bình dị, văn minh và chân thật từ chuyện tình của cặp đôi Văn (Lãnh Thanh) và Ian (Võ Điền Gia Huy). Văn trở về quê nhà sau một thời gian dài học tập và định cư trên đất Mỹ cùng người bạn trai của mình – Ian. Vốn là “cháu nội đích tôn” của một gia đình truyền thống, Văn phải đối mặt với gánh nặng cưới vợ, sinh con nối dõi làm rạng danh tổ tiên.
Ngay từ những phút đầu tiên, khán giả có thể cảm nhận được sự tinh tế trong đôi mắt của nhân vật Hạnh – mẹ của Văn (Hồng Đào). Dường như bà đã cảm nhận được điều gì đó khác lạ trong mối quan hệ giữa Văn và Ian. Thoạt đầu bà buộc phải ép con trai cưới vợ để hoàn thành trách nhiệm với tổ tiên, nhưng sau khi nghe những lời giải bày của con trai, bà dần chấp nhận con người thật của anh và trân trọng tình yêu của anh. Bà sẵn sàng đánh đổi thanh danh, trách nhiệm để đổi lấy hạnh phúc mà con trai đáng được nhận.
Mặc dù khai thác đề tài phim khá nhạy cảm tại Việt Nam – đồng tính, nhưng khán giả vẫn dành sự ưu ái đặc biệt dành cho “Thưa mẹ con đi” – tác phẩm đầu tay của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh. Không chỉ có khán giả Việt Nam, các suất chiếu tại nước ngoài như Hàn Quốc, Đài Loan cũng nhận được phản hồi tích cực từ khán giả.