Trước tình hình diễn biến phức tạp của Covid-19, chúng ta đang rơi vào sự hoang mang trong việc tự bảo vệ chính mình. Bên cạnh việc trang bị khẩu trang y tế, tuân thủ các quy tắc giữ vệ sinh, tập thể dục điều độ thì những kiến thức nâng cao sức khỏe, ăn uống lành mạnh… càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Những quyển sách này không chỉ giúp chúng ta giữ được sự tỉnh táo trong thời đại “loạn” thông tin về dịch bệnh, mà còn cung cấp góc nhìn đa chiều về các vấn đề sức khỏe.
Là một tác phẩm được đề cử cho giải thưởng sách khoa học phổ biến năm 2018 của Hiệp hội Hoàng gia London, “Hệ miễn dịch” (Daniel M. Davis) được xem là quyển sách chứa đầy đủ thông tin về cơ chế kỳ diệu này của con người. Những câu hỏi thường trực xoay quanh hệ miễn dịch như: “Tại sao sự phòng vệ chống lại nhiễm trùng ngày càng yếu hơn khi chúng ta già đi?”, “Tại sao người Trung Quốc và người Nhật có nguy cơ cao hơn mắc bệnh nặng từ virus?” hay “Điều gì thực sự ảnh hưởng đến sức khỏe và hệ miễn dịch của ta: trực ca đêm, sự áp lực, tuổi già, gen di truyền, giới tính, sự rèn luyện?”… đều được tác giả giải đáp triệt để.
Không dừng lại ở đó, quyển sách còn có những tiết lộ thú vị về chính hệ miễn dịch, mà điển hình là con người hiếm khi nhiễm 2 loại virus khác nhau trong cùng một lúc, bởi 1 loại virus sẽ ngăn chặn sự phát triển của 1 loại virus khác. Khi buộc phải sống cùng dịch bệnh, một trong những điều cần thiết nhất chính là mỗi người cần biết cỗ máy miễn dịch vận hành ra sao và đâu là lỗ hổng của nó.
Bộ sách “Nhân tố Enzyme” (bác sĩ Hiromi Shinya) gây ấn tượng khi giới thiệu về phương pháp sống lâu và khỏe mạnh mà tác giả đã dày công nghiên cứu cùng với sự trợ giúp của đông đảo các bệnh nhân của ông. Theo đó, vị bác sĩ người Nhật đã kết luận rằng: “Người có sức khỏe tốt là người có dạ dày đẹp, và ngược lại, người có sức khỏe kém là người có dạ dày không đẹp”.
“Nhân tố Enzyme” khiến người xem phải giật mình khi nhận ra những suy nghĩ được cho là tốt với sức khỏe lại chứa nhiều yếu tố gây hại cho cơ thể. Hiromi Shinya khẳng định rằng: ăn sữa chua mỗi ngày để cải thiện tiêu hóa, đun sôi nước trước khi uống để loại bỏ clo tồn dư trong nước máy, hạn chế ăn tinh bột như cơm và bánh mỳ để tránh thừa cân, uống sữa bò mỗi ngày để phòng tránh tình trạng thiếu canxi… đều là các quan điểm sai lầm, thậm chí là phản tác dụng, gây ảnh hưởng đến dạ dày và đường ruột.
Đặc biệt, tác giả còn dành một chương nói về “kịch bản của sự sống” để bóc trần tâm lý của người hiện đại, nơi mà nguồn cơn của các mối hiểm họa dịch bệnh được hình thành. Để thỏa mãn nhu cầu được ăn ngon, chúng ta vượt ra khỏi giới hạn thực phẩm cho phép của tự nhiên; vì muốn canh tác an nhàn hơn ta cho ra đời các loại thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật; muốn có nhiều đất đai, tiền bạc, chúng ta đã tạo ra chiến tranh… Chính những ham muốn đó khiến ta phải trả giá bằng cả sức khỏe.
Trong cuốn sách này, bác sĩ Ray D. Strand đã thẳng thắn nói rằng: “Những điều bác sĩ không biết sẽ giết chết bạn”. Bởi họ chỉ được đào tạo để điều trị bệnh bằng thuốc nhưng không được đào tạo chuyên sâu về hệ miễn dịch. Theo Tạp chí Dinh dưỡng lâm sàn Hoa Kỳ, con số các bác sĩ tốt nghiệp chính thức về dinh dưỡng còn chưa đến 6%.
Có một sự thật chúng ta phải thừa nhận rằng việc duy trì sức khỏe luôn dễ dàng hơn việc cố gắng lấy lại nó khi đã mất đi. Nhưng chăm sóc sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật lại luôn là thứ bị xem nhẹ. Không chỉ giúp cho mỗi người sở hữu một “tủ thuốc” tại gia, tác giả còn đưa ra nhiều công thức chữa trị chi tiết cho từng căn bệnh phổ biến, dưỡng chất bao nhiêu là đủ và cung cấp bằng cách nào.
Chắc hẳn ai trong cũng rơi vào các trường hợp như ngủ bao lâu cũng không hết cảm giác mệt mỏi, luôn thức dậy buổi sáng trong trạng thái uể oải, không đủ thời gian dành cho giấc ngủ… Tuy nhiên vấn đề không nằm ở thời gian, mà mức độ tốt và xấu của giấc ngủ được quyết định bởi phép nhân của thời gian và chất lượng.
Theo đó, “Ngủ ít vẫn khỏe” (tác giả Tsubota Satoru) đem đến phương pháp “Ngủ ngon trong 5 tiếng”. Dù thời gian ngủ có ngắn đi cũng sẽ không có chuyện bạn phải trải qua một buổi sáng khổ sở, không tỉnh táo và làm việc kém hiệu quả. Bên cạnh đó, kỹ thuật “thức dậy lúc 5 giờ sáng” mà tác giả đề cập tới cũng chính là phương pháp cải thiện giấc ngủ phù hợp cho những ai thường ngủ khoảng 7 tiếng một ngày, giúp rút ngắn thời gian ngủ theo kiến thức y học đúng đắn và khoa học.
Bên cạnh giấc ngủ, cách chúng ta nạp thức ăn vào cơ thể cũng quan trọng không kém. Trong cuốn “Ăn ít để khỏe”, tác giả Yoshinori Nagumo giới thiệu đến người đọc phương pháp ăn “Mỗi ngày một bữa”. Quan niệm hấp thụ chất dinh dưỡng từ từ sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh đã là suy nghĩ lỗi thời. Ngược lại, tác giả khẳng định mỗi lần bụng reo lên vì đói, những điều có lợi cho sức khỏe sẽ được kích hoạt ở mức độ tế bào, tạo nên hiệu quả trẻ hóa. Cuốn sách tuy đưa ra những vấn đề trái ngược với tri thức thông thường nhưng đã được chứng minh không chỉ giúp cơ thể duy trì cân nặng ổn định, mà còn nuôi dưỡng làn da trẻ trung đầy sức sống.
Ở bộ đôi cuốn sách, tác giả Norman W. Walker bàn về những lợi ích của thói quen ăn xanh. Triết lý của “Ăn xanh để khỏe” rất đơn giản: “Bạn ăn thế nào thì bạn sẽ trở thành thế ấy”. Chất lượng thực phẩm và sự phù hợp giữa thực phẩm với nhu cầu cơ thể là hai yếu tố mang tính quyết định. Tiếc thay chúng ta mới bắt đầu nhận ra chân lý này trong hai thế kỷ trở lại đây. Trong trường hợp không thể mua chính xác loại thực phẩm đúng như ý muốn, tác giả cũng gợi ý cách để tận dụng triệt để các thứ có sẵn.
Hơn ai hết, Norman hiểu rằng kiến thức hữu ích về các loại thực phẩm thân thiện với môi trường sẽ chỉ là lý thuyết suông nếu chúng ta không nuôi dưỡng một lối sống lành mạnh cả về mặt tinh thần lẫn thể chất. Theo tác giả, năm tháng chẳng hề có chút liên hệ nào với tuổi tác. Một người 30 tuổi có thể đã già, và một người 70 tuổi có khi vẫn trẻ. Thể trạng hiện tại là hệ quả trực tiếp của toàn bộ quá trình chăm sóc mà cơ thể nhận được trong quá khứ. “Sống lành để trẻ” không đánh giá cao sự trẻ hóa nếu thiếu đi sự khỏe mạnh.
Và nếu “khỏe mạnh” chỉ dừng lại ở “cảm thấy ổn” thì bạn đã lầm. “Khỏe mạnh” nghĩa là bạn nhận biết và hiểu rõ từng bộ phận trong cơ thể mình hệt như một chuyên gia ô tô thuộc nằm lòng cấu tạo của chiếc ô tô đến từng con ốc vít. Với hai chủ đề “ăn xanh – sống lành”, Norman W. Walker hứa hẹn sẽ giải đáp trọn vẹn và sát sườn các vấn đề nổi cộm xoay quanh thói quen ăn uống này.
Rất nhiều cái chết trẻ có thể ngăn ngừa được bằng những thay đổi trong chế độ ăn và lối sống. Bác sĩ MichaelGreger – chuyên gia dinh dưỡng nổi tiếng của Hoa Kỳ và cũng là nhà sáng lập NutritionFacts.org – đã nghiên cứu tỉ mỉ 15 nguyên nhân hàng đầu dẫn đến chết trẻ ở Hoa Kỳ. Trong đó các nguyên nhân chủ yếu bao gồm bệnh tim, ung thư, tiểu đường, Parkinson, cao huyết áp. Ngoài việc hướng dẫn chế độ ăn giúp điều trị 15 nguyên nhân trên, “Ăn gì không chết” còn trình bày chế độ ăn hằng ngày của chính tác giả. Đây là danh sách tổng hợp 12 thực phẩm chúng ta nên ăn mỗi ngày. Không chỉ đầy ắp những lời khuyên thực tế, cuốn sách này là vũ khí phòng bệnh và hỗ trợ chữa bệnh bằng thức ăn dựa trên cơ sở khoa học vững chắc.