Hình ảnh trong live show "Tình ca hồng" của nhạc sỹ Quốc Bảo |
Nếu không chóng mặt vì bão giá và ớn lạnh vì những hàng ghế trắng trong liveshow “Tình ca hồng”, nhiều người trong giới tổ chức biểu diễn ở Tp.HCM đã không giật mình tự hỏi: Đâu là giá thành thực sự của một liveshow ở Việt Nam – giá vé? Đầu tư của nhà tổ chức? Hay những gì công chúng được nhận về một cách thực sự?
Những điệu nhảy của giá
Còn nhớ năm 2005, khi nhạc sĩ Phú Quang “đẩy” giá vé chương trình riêng của mình diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội lên 1 triệu đồng/vé, có nhiều người gọi đây là “giá cắt cổ”, song xem ra giá ấy bây giờ đã “cùn” rồi. Giá vé 1 triệu đã trở thành chuyện đương nhiên trong các liveshow năm 2008, bất kể có tài trợ hoặc không (tài trợ cho ai không biết, chứ không tài trợ cho giá vé).
Năm ngoái, vé xem chương trình Nối vòng Việt Nam với hai giọng ca vàng Khánh Hà, Tuấn Ngọc đã là 1.2 triệu đồng, tương đương giá xem liveshow tại kinh đô giải trí Mỹ, Las Vegas. Show Bi-Rain năm trước nữa ở sân vận động Quân khu 7 giá vé hạng nhất leo lên 2 triệu đồng. Đến chung kết Hoa hậu Hoàn vũ 2008 mới đây tại Nha Trang, vé hạng VIP đã lập kỷ lục: 1.800 USD, cao hơn nhiều giá vé của cuộc thi này tổ chức tại các nước khác.
Người ta không biết con số đó đã chịu dừng lại chưa, nhất là khi năm 2009 lần đầu tiên Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức cuộc thi Hoa hậu quý bà thế giới và năm 2010 sẽ tổ chức vòng chung kết Hoa hậu Thế giới – cuộc thi sắc đẹp lớn nhất hành tinh (có thể còn hơn cả Hoa hậu Hoàn Vũ). Nhưng khán giả thì “leo” đến đó đã không nổi. Bằng chứng là tất cả các show có giá vé “đặc biệt” trên, dù chất lượng đúng là đặc biệt thật, nhưng đều không thành công về khán giả như dự kiến, ngược lại, có người còn thảm bại chỉ tại giá vé, hoặc phải “quy đổi” thành vé mời cho đầy khán phòng.
Tuy nhiên, chi phí đầu tư cho liveshow không vì thế mà e ngại tăng giá, khó kiểm soát. Chi phí làm show đã tăng vũ bão trước khi bão giá đổ bộ, anh N.H, giám đốc một công ty tổ chức biểu diễn tại Tp.HCM khẳng định. Nếu so với thời kỳ liveshow Việt bắt đầu những bước đầu tiên, kể từ “Cho em một ngày” – liveshow Thanh Lam năm 1996, nay mức đầu tư tối thiểu cho một liveshow trong nhà hát cũng tăng gấp 10 lần. Đáng kể nhất là những đầu tư cho kỹ thuật âm thanh, ánh sáng và các màn hình hiện đại.
Mười năm trước, liveshow ở Nhà hát Hòa Bình chỉ cần 15 triệu đồng/đêm cho âm thanh, ánh sáng vào loại “đỉnh” (thời đó), thì nay con số này ít nhất là 130 triệu và hơn thế nữa. Mười năm trước không ai biết màn hình LED là gì, bây giờ, 3.000 USD là giá thuê mỗi màn hình LED tiêu chuẩn, nếu kém hơn, chọn thuê màn hình thường cũng tốn khoảng 1.000 USD/1 màn hình cho mỗi đêm diễn. Giá thuê Nhà hát Hòa Bình từ 15 triệu đồng của đầu những năm 2000, nay là 40 triệu/đêm. Phần phối khí ca khúc trước đây chỉ 1 triệu/bài, bây giờ tăng lên 6 triệu, kéo tổng chi phí cho khoảng 20 ca khúc/chương trình lên trên 100 triệu đồng, chưa kể phí bản quyền.
Giá của một đạo diễn tên tuổi ở chương trình “hoành tráng” hiện tại không dưới 10.000 USD, tất nhiên kèm theo đạo diễn tên tuổi là êkíp đi kèm, trong đó nặng nhất là chi phí thiết kế sân khấu, tối thiểu cũng 200 triệu/chương trình. Đó là chưa tính hai khoản chi khá nặng khác là cát sê ngôi sao và quảng cáo.
Nếu giá vé vươn lên tiền triệu, thì chi phí đầu tư cho liveshow thời nay cũng vượt qua ngưỡng tiền tỷ khá xa. Một trong những show diễn “hàng nội” chi mạnh tay nhất hiện nay là Duyên dáng Việt Nam, những show gần đây nhất con số tổng đã chạm ngưỡng 3 tỷ (con số này thật ra vẫn còn xa với con số thật, bởi là một chương trình khá đặc biệt, có ý nghĩa xã hội, nên nhiều khoản chi phí đã được lấy giá “mềm” hơn bình thường).
Một tiền gà, ba tiền thóc
Với showbiz, tiền đầu tư là con số gần như không có điểm dừng. Điều ấy thì miễn bàn. Cái đáng bàn ở đây là với số đầu tư không lớn nhưng cũng không hề nhỏ hiện nay (nó có thể khiến con đường kinh doanh bằng bán vé của showbiz Việt đang rơi vào bế tắc), các chương trình biểu diễn lại không thể đạt được chất lượng đúng với những gì nhà đầu tư bỏ tiền ra.
Gian nan và tốn kém nhất của các chương trình biểu diễn hiện nay là cảnh đi tìm nhà hát. Để có được “Câu chuyện tình yêu” vào ngày 8/8, ca sĩ Quang Dũng đã phải “xí chỗ” Nhà hát Hòa Bình từ trước đó… một năm. Muốn vào được Nhà hát Thành phố, nhiều chương trình phải chấp nhận diễn ngày thường, vì cuối tuần đã kín chỗ cho hội nghị khách hàng hoặc lễ tổng kết một công ty, lễ trao bằng tốt nghiệp của một trường quốc tế.
Diễn ở Nhà hát Bến Thành phải chấp nhận “chung chạ” với tiệc đám cưới ở tầng trệt. Còn muốn vào Nhà hát truyền hình (của HTV) không những gần như không có cơ hội lựa chọn ngày (sắp hàng để vào) mà các hiệu ứng sân khấu cũng rất hạn chế được sử dụng (vì không phù hợp với thiết kế studio truyền hình).
Nhưng ngay cả khi có được hợp đồng vào nhà hát rồi, nhà tổ chức cũng chưa được yên thân chuẩn bị. Vì Nhà hát Hòa Bình kết hợp kinh doanh chiếu bóng, nên sân khấu muốn thiết kế gì, âm thanh ánh sáng muốn sắp đặt gì đến 4 giờ chiều cũng phải… rút, nhường sân khấu lại cho điện ảnh. Lịch hội nghị, lễ tổng kết kín đặc ở Nhà hát Thành phố cũng dồn đuổi các nhà tổ chức biểu diễn vào cảnh vội vàng, cập rập.
Thực tế là trong khi ai cũng kêu gào phải chuyên nghiệp chỗ này chỗ kia, nhưng bói cả Tp.HCM – “thủ đô” ca nhạc của cả nước không có lấy một nhà hát chuyên nghiệp dành riêng cho ca nhạc.
Một chương trình biểu diễn lớn, đầu tư hàng tỷ đồng, nhưng chỉ có chưa đến 2 ngày để set-up đồ và chạy chương trình. Bởi vậy, tuy dàn máy móc âm thanh, ánh sáng đang có mặt tại Việt Nam khá hùng hậu, đủ sức cung cấp cho những show diễn lớn, song chất lượng âm thanh của các show diễn luôn trong tình trạng phập phù.
Nhiều ý tưởng dàn dựng độc đáo đã không đủ sức gây ép phê do khâu luyện tập không đủ thời gian nhuần nhuyễn. Huỳnh Phúc Điền vốn nổi tiếng “phù thủy của các trò diễn”, nay đến liveshow Quang Dũng cũng phải tuyên bố hạn chế bớt “trò” để đảm bảo chất lượng trong điều kiện không có nhiều thời gian.
Đấy là chưa kể khoản tốn kém chưa ai ước tính: mỗi chương trình là một lần set-up, rồi lại một lần tháo gỡ, một lần thiết kế lại sân khấu, rồi sau đó lại phá bỏ, đây đều là những chi phí không hề nhỏ. Tất cả những sự lãng phí này đều được tính vào giá thành sản xuất của chương trình, bào mòn hầu bao của các nhà sản xuất và đội thêm giá vé đến tay khán giả.
Nếu ai đã có dịp xem show tại nhà hát Quả sầu riêng (Esplanade) hay Victoria ở Singapore có thể hiểu vì sao Lam Trường đã chọn diễn liveshow ở đây thay vì Hà Nội. Dù diễn tại nước ngoài nhưng chi phí lại rẻ hơn ở trong nước nhờ sự hoàn hảo cho một chương trình biểu diễn của nhà hát ở Singapore (bao gồm âm thanh, ánh sáng và sân khấu tiêu chuẩn), chất lượng nghe – nhìn lại đạt chuẩn hơn đêm trình diễn ở nhà thi đấu Quân khu 7 tối thui và âm thanh cực tệ.
Đấy là chưa kể, đẳng cấp chương trình ở một nhà hát sang trọng rõ ràng hơn hẳn cũng chương trình đó trong không gian nhà thi đấu trống huếch trống hoác. Cũng cần mở ngoặc thêm rằng, giá vé vào xem các chương trình biểu diễn nghệ thuật ở nhà hát Esplanade hay nhà hát Victoria – Singapore chỉ từ 20 đôla Singapore đến 80 đôla Singapore, tức là khoảng 270 ngàn đến 1.1 triệu đồng Việt Nam.
Showbiz Việt đang trở nên quá đắt đỏ vì chính sự thiếu chuyên nghiệp của mình!
Thực hiện: Thủy Phạm