Dầu động cơ xe cũng như son môi, chị em đừng tiếc tiền

Nhiều lái xe (nhất là chị em phụ nữ) thường không để ý tới dầu máy (dầu bôi trơn động cơ) hoặc tuân thủ khuyến cáo về lịch thay dầu của nhà sản xuất một cách quá cứng nhắc. Họ không nghĩ rằng chính điều kiện sử dụng thực tế mới là điều kiện tiên quyết để thay dầu máy hợp lý. Nhiều người vì tiếc tiền thay dầu chính hãng, tốt mà lại thay dầu không rõ nguồn gốc (dầu giả, dầu đểu…) rẻ hơn một chút để rồi nhận hậu quả cay đắng.

shutterstock_148641467
Hậu quả của việc không thay dầu hoặc thay dầu động cơ kém chất lượng là rất lớn

Có thể ví von rằng phụ nữ đã không tiếc tiền cho son môi thì cũng đừng tiếc tiền cho dầu động cơ chính hãng. Một thỏi son môi giả có thể chứa quá nhiều chất độc như chì, thủy ngân… làm hư hại nhan sắc của bạn, nếu không muốn nói là có thể dẫn tới ung thư (khi ăn có thể dính cả son…). Cũng tương tự như vậy, một động cơ xe mà dùng dầu giả kém chất lượng thì hậu quả thật khủng khiếp, nhẹ thì sửa chữa hết hàng chục hàng trăm triệu đồng, nặng thì phải thay toàn bộ động cơ xe. Vì thế, chị em đừng tiếc tiền mà nấn ná không thay dầu hoặc thay dầu loại rẻ tiền.

img_6346
Nhẹ thì chỉ việc xúc rửa lại khoang máy, nặng thì phải thay cả động cơ xe tốn đến hàng trăm triệu đồng

Tại sao việc tuân thủ một cách cứng nhắc lịch thay dầu theo khuyến cáo của hãng và ỷ lại vào cảnh báo thay dầu trên xe chưa hẳn đã là tốt cho chiếc xe? Có thể hiểu vấn đề một cách đơn giản thế này: thường thì các nhà sản xuất xe hơi sẽ khuyến cáo khách hàng thay dầu máy sau khoảng 8.000 – 10.000km hoặc hơn một chút (tùy hãng, tùy xe). Ở các nước phát triển, hệ thống giao thông rất tốt, đường cao tốc nhiều cũng như điều kiện tự nhiên ôn hòa nên chiếc xe vận hành ở tốc độ trung bình có thể lên tới 80 – 100km/h. Điều này có nghĩa là nếu chạy liên tục thì xe sẽ được thay dầu sau khoảng hơn 100 giờ vận hành.

img_6316
Hình ảnh bên trong động cơ của một chiếc xe bị “cháy dầu”

Tuy nhiên, đường sá ở Việt Nam thì không được thế, đặc biệt là ở các thành phố lớn, tình trạng kẹt xe tắc đường xảy ra liên miên khiến vận tốc trung bình của các xe chỉ ở mức 20 – 30km/h. Chính vì thế, để đi được quãng đường như khuyến cáo của nhà sản xuất thì những chiếc xe ở nước ta phải vận hành gấp 2-4 lần thời gian so với ở nước ngoài. Đó là chưa kể đến việc vận hành trên đường đồi núi, tình trạng bụi bẩn, chở quá tải, ga côn không hợp lý (xe số sàn)…

Thêm nữa, việc di chuyển chậm như tại các thành phố lớn khiến cho hệ thống làm mát quá tải, đặc biệt là trong thời tiết oi nóng của mùa hè. Nhiệt độ động cơ luôn ở mức cao, làm hao dầu nhanh hơn, đồng thời có thể khiến tính chất bôi trơn của dầu nhanh bị biến đổi theo (mất hoặc giảm khả năng bôi trơn…).

shutterstock_277327496
Chị em hoàn toàn có thể tự kiểm tra dầu máy của xe bằng thao tác rất đơn giản

Hậu quả nhận lại của những việc làm trên là dầu bôi trơn bị nóng liên tục (do quên thay dầu, dầu kém chất lượng) khiến chúng sẽ keo lại trở thành một chất đặc sệt, quánh làm giảm khả năng bôi trơn. Điều này khiến cho các chi tiết kim loại trong động cơ không được bôi trơn, ma sát sinh ra nhiệt, mài mòn bộ phận hoặc tạo ra các muội than làm tắc các đường ống dẫn. Lúc đó đổ dầu mới vào cũng không giải quyết được vấn đề gì. Cá biệt có nhiều xe vì hết dầu, dầu biến tính khiến cho toàn bộ động cơ bị hư hỏng hoàn toàn. Lúc đó chi phí sửa chữa có thể lên tới hàng trăm triệu đồng.

shutterstock_384429097
Bạn cũng đừng nên quá tin vào cảnh báo thay dầu trên xe

Vậy kinh nghiệm là gì? Là các chủ xe không nên tuân thủ một cách cứng nhắc theo các khuyến cáo thay dầu theo số km di chuyển của nhà sản xuất mà cần căn cứ vào điều kiện sử dụng thực tế để điều chỉnh cho phù hợp. Cũng đừng nên ỷ lại quá vào những nhắc nhở của đại lý hay đèn cảnh báo trên táp-lô của xe.

Ví dụ như vào mùa hè, xe bạn vận hành liên tục ở đường phố, trong điều kiện nhiệt độ cao thì phải siêng thay dầu hơn là chiếc xe chỉ chạy trên đường xa lộ, cao tốc hoặc so với điều kiện bình thường khác (lúc đó có thể là 6.000km đã phải thay dầu chứ không phải là 10.000km như khuyến cáo). Bạn cũng cần thay dầu chính hãng, đúng chủng loại, đúng thông số kỹ thuật chứ đừng vì tiếc một số tiền chênh lệch mà thay dầu không rõ nguồn gốc, kém chất lượng (hay gọi nôm na là loại dầu rẻ tiền) tại một số cơ sở không uy tín.

Cuối cùng, người lái (đặc biệt là chị em phụ nữ) ngồi sau vô lăng cần để ý một chút tới chiếc xe của mình để xử lý kịp thời khi có các dấu hiệu khác thường như: tiếng ồn máy lớn hơn, đồng hồ báo nhiệt tăng cao hay các tiếng động lạ của động cơ…


From the same category