Dẫu có thế nào thì Giáng sinh vẫn là mùa yêu thương nhất trong năm - Tạp chí Đẹp

Dẫu có thế nào thì Giáng sinh vẫn là mùa yêu thương nhất trong năm

Review

Trong tiếng nhạc “You send me” rạo rực của Aretha Franklin, Iris (Kate Winslet thủ vai) và Amanda (Cameron Diaz thủ vai) lộng lẫy trong những bộ đầm đen quyến rũ. Họ, từ hai người phụ nữ cô đơn ở đoạn đầu phim, giờ đây cùng hạnh phúc trong vòng tay của những người tình. Họ nhảy múa, uống rượu, quây quần bên lò sưởi trong khi ngoài trời tuyết giăng đầy. Cảnh cuối của “The Holiday” có lẽ là một trong những cảnh phim điển hình nhất của dòng phim Giáng sinh: tươi vui, lãng mạn, sáng ngời tâm trạng háo hức trước những điều diệu kỳ mới.

Jude Law và Cameron Diaz trong “The Holiday”

“It’s the most wonderful time of the year”, đó là thời điểm đẹp nhất trong năm, như lời bài hát nổi tiếng mà Andy Williams đã hát. Có lẽ bởi vậy, đa phần các bộ phim lấy bối cảnh Giáng sinh thường dễ thương, ấm áp, vui vẻ, đem lại những tiếng cười dễ chịu, hàm chứa những thông điệp nhẹ nhàng về tình yêu, gia đình.

Nhưng cùng lúc đó, chúng ta cũng có “Last Christmas” – một bài hát hoài niệm về tình yêu, và người sáng tác ra nó, trớ trêu thay lại qua đời vào ngày Giáng sinh năm 2016; hay “7 o’clock news/Silent night” – một bản nhạc của Simon & Garfunkel, với tiếng hát vang lên trên nền một bản tin thời sự toàn những điều u ám về cuộc chiến tranh Mỹ – Việt, những tên sát nhân, những cuộc biểu tình.

Cũng như trong âm nhạc – không phải bài ca Giáng sinh nào cũng ngập tràn hy vọng, trong điện ảnh, không phải tất tật các bộ phim Giáng sinh đều tươi sáng. Giáng sinh không dành cho tất cả mọi người. Vẫn có những trái tim tan vỡ, những thân phận bên lề, những con người sống trong bóng tối dù đó là Giáng sinh hay không phải Giáng sinh.

Cuộc sống không phải luôn tươi đẹp

Đêm Giáng sinh, một người đàn ông đi tìm cái chết. George, tên người đàn ông, tuyệt vọng đến cùng cực với ước mơ dang dở và cuộc đời bế tắc không lối thoát. Đó là nội dung của “It’s a wonderful life”, bộ phim của Frank Capra đã được Viện Lưu trữ phim Quốc gia Mỹ lựa chọn bảo tồn vì “tính văn hóa, lịch sử và dấu ấn thẩm mỹ”.

George, gã đàn ông tuyệt vọng trong đêm Giáng sinh (phim “It’s a wonderful life”)

Bộ phim tái hiện cuộc đời đen tối của nhân vật George, những hoài bão bất thành của tuổi trẻ và những gánh nặng trách nhiệm của số phận. Ngay trong đêm Giáng sinh, George lang thang cầu xin Chúa cứu rỗi nhưng chỉ nhận được một cú đấm từ tay giang hồ. Trong phần lớn thời lượng, “It’s a wonderful life” là một bộ phim buồn, dù cuối cùng những thiên thần đã cứu giúp George và cho anh hiểu được giá trị của cuộc đời mình, cuộc đời dù anh tưởng là vô nghĩa nhưng nếu nó không tồn tại, sẽ để lại một lỗ hổng không gì bù đắp được.

“It’s a wonderful life” kết thúc trong những nốt nhạc vui, nhưng đây vẫn là một mẫu mực cho những tác phẩm về “đời thừa” đêm Giáng sinh được sản xuất sau đó.

Ám ảnh bậc nhất có lẽ là “Tangerine”, một tác phẩm nhỏ mà dữ dội từng gây ấn tượng tại Liên hoan phim Sundance 2015 vì được quay hoàn toàn bằng iPhone 5S. “Tangerine” theo chân hai cô điếm chuyển giới: Sin-dee Rella (một cách giễu nhại tên nàng Lọ Lem Cinderella) và Alexandra. Sin-dee Rella mới ở tù về, cô đang đi tìm gã chồng hờ mà cô nghe nói đã phụ bạc mình để đi theo một gái làng chơi khác. Giáng sinh của những ổ điếm và những khu ổ chuột không có cây thông, không có quà, không gà tây, không gì cả, chỉ có những cuộc đánh lộn, những vụ đi khách bị quỵt tiền, những màn ói mửa tanh tưởi và sự ê chề của tất cả đàn ông, đàn bà, kẻ chung tình hay kẻ lừa dối. Đó là một đêm Giáng sinh bốc mùi xú uế, bẩn thỉu và kinh tởm. Ngay giữa đêm Thánh vô cùng, Sin-dee Rella đi bắt khách nhưng bị lũ đầu đường xó chợ đổ nước tiểu vào mặt, làm hỏng bộ tóc giả duy nhất mà cô có.

“Carol” kể về mối tình đầy tranh đấu nội tại giữa hai người phụ nữ

Không thảm hại như “Tangerine”, nhưng “Carol” của đạo diễn Todd Haynes cũng là một vở kịch buồn cho đêm Giáng sinh, khoảng thời gian đáng ra con người ta cần hạnh phúc. Chuyện tình giữa hai người đàn bà Carol (Cate Blanchett) và Therese (Rooney Mara) tuy đẹp vô ngần, nhưng sự tương giao của họ không thể khỏa lấp những rạn vỡ nơi đời sống riêng tư của mỗi cá nhân, và cuối cùng, họ mỗi người một ngả, cắt lìa trong day dứt để đối mặt với những khốn khổ của riêng mình.

Nhiều người không để ý rằng “Eyes wide shut”, bộ phim cuối đời của Stanley Kubrick hay bộ phim thời thanh xuân tuyệt đẹp của Nicole Kidman và Tom Cruise, cũng lấy bối cảnh Giáng sinh. Trong cái dịp người ta tôn vinh tình thân, tình yêu, sự gắn kết và thấu tận lẫn nhau ấy, hai nhân vật Bill và Alice cuối cùng lại chỉ bắt gặp mình trong những mê cung ảo mộng, bị cắt đứt khỏi nhau, để rồi sau đó, mỗi người co ro trong những bí ẩn, nghi hoặc, thất vọng không thể cất thành lời.

Nicole Kidman và Tom Cruise vào vai một cặp vợ chồng trong phim “Eyes wide shut”

Ngay cả một bộ phim tình cảm êm đềm, duyên dáng và khả ái như “Love actually” của Richard Curtis cũng có những khoảnh khắc khiến người xem như tan vỡ. Đó là cảnh Mark đứng đối diện với Juliet trước cửa nhà cô, mở một chiếc đài toàn những bản hát mừng Giáng sinh, lật những tờ giấy đã viết sẵn lời bày tỏ tình yêu vô vọng mà anh luôn che giấu, bởi cô là vợ của người bạn thân thiết nhất trong đời Mark. Hay cảnh Karen nhận món quà Giáng sinh từ tay chồng mình, chiếc đĩa nhạc “Both sides now”, vừa nhốt mình trong phòng nghe giọng ca Joni Mitchell, bà vừa nức nở khóc vì biết chiếc vòng cổ mà bà thấy trong túi áo chồng hôm trước đã được ông tặng cho người đàn bà khác – cô trợ lí trẻ trung.

Tất cả những gì bạn cần là tình yêu

Dù là ngày Giáng sinh đi chăng nữa, không ai có thể ngăn những nỗi đau ập đến. Và phép màu Giáng sinh trong cuộc đời thực không phải là những phép màu theo nghĩa đen, mà chúng nằm trong sự tỉnh thức của con người.

Trong “It’s a wonderful life”, phép màu không đến từ việc những thiên thần cho George cơ hội nhìn ngắm một cuộc đời không có anh, dù đó đích thị là một phép màu. Phép màu là khi George nhận ra cuộc đời mình dù không hoàn hảo nhưng vẫn có ý nghĩa với những người anh yêu nhất.

“Tangerine”, hai cô điếm trong đêm Giáng sinh đến cuối cùng vẫn bơ vơ, vật vờ và khốn khổ. Có lẽ họ sẽ vẫn bơ vơ, vật vờ, khốn khổ trong rất nhiều tháng ngày sau đó, nhưng ít nhất, họ vẫn có nhau. Khi Sin-dee bị làm hỏng mái tóc giả duy nhất của mình, Alexandra đã ở đó, lột mái tóc giả của cô, đưa cho bạn.

Hai nhân vật chính của “Tangerine”

Bill sau cuộc phiêu lưu tìm bản ngã đã trở về nhà, bật khóc khi thấy Alice đang nằm ngủ với chiếc mặt nạ hệt như mặt nạ hóa trang mà anh đã thuê để dự bữa tiệc tình dục bí ẩn, rồi thú nhận cùng cô tất cả. Sáng hôm sau, khi cùng đi mua sắm chuẩn bị cho lễ Giáng sinh đang tới, Alice nói họ nên cảm thấy biết ơn vì cuộc hôn nhân này vẫn đang tiếp diễn.

Tình yêu cũng như cuộc đời, không bao giờ hoàn hảo, luôn có một vết nứt nào đó, một hiểu lầm nào đó, nhưng trong đêm Giáng sinh, người ta nhận ra một tình yêu không hoàn hảo cũng là một tình yêu, và tất cả những gì chúng ta cần, và có, là tình yêu, không gì khác.

Bởi thế, dù trong “Love actually”, không ai có một tình yêu hoàn hảo, thì đúng như lời dẫn truyện trong cảnh mở đầu nổi tiếng của nó: “Trước khi chiếc máy bay đâm sầm vào Tháp đôi, theo như tôi biết, không có cuộc gọi nào hay tin nhắn nào từ những người gặp nạn hàm chứa sự ghét bỏ và trả thù – tất cả đều là lời nhắn về tình yêu. Nếu bạn tìm kiếm, tôi ngờ rằng bạn sẽ luôn thấy tình yêu thực sự ở khắp quanh mình”.

Chính nhờ sự cứu rỗi của tình yêu mà Giáng sinh vẫn luôn là khoảng thời gian đẹp nhất trong năm.

Cảnh kinh điển trong bộ phim “Giáng sinh của mọi thời đại” – “Love actually”

Tác giả: Hiền Trang

10/12/2019, 08:00