Đâu chỉ bác sĩ kém mới giết người! - Tạp chí Đẹp

Đâu chỉ bác sĩ kém mới giết người!

Tin Tức

“Lại một vụ bác sỹ làm chết bệnh nhân,” bạn tôi vừa lên mạng1 thốt lên. Tôi liền bảo: “Không ngạc nhiên! Cây gì thì ắt ra quả đó thôi mà”.


Sản phẩm của giáo dục?

Ngành y chỉ là  một trong rất nhiều ngành. Bác sỹ là 1 trong nhiều sản phẩm đào tạo trong hệ thống giáo dục Việt Nam. Theo quan sát, đánh giá cá nhân và qua một số phép đo lường trong giáo dục, việc làm .., mà người viết bài thu thập trong chuyên ngành mình, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học có đủ năng lực làm được việc chỉ chiếm khoảng… 20-30%.

Tôi không cho rằng con số trong chuyên ngành của tôi mang tính đại diện, nhưng tôi tin rằng tỷ lệ người tốt nghiệp đại học có đủ năng lực làm việc ở các ngành khác cũng không khá hơn là bao.

Cứ cho rằng yêu cầu đối với ngành y khắt khe hơn các ngành khác vì nó liên quan đến tính mạng con người thì tỷ lệ ấy là 50% – cao hơn hẳn chuyên ngành của tôi. Như vậy, trong số 100 sinh viên y khoa tốt nghiệp đại học vẫn có 50% không đủ năng lực.

Vô phúc bệnh nhân nào vớ phải 1 trong 50 ông bà bác sỹ bất đắc dĩ này thì đúng là tại… mồ mả.

Nguy hiểm và trớ trêu hơn nữa, những ông bà bác sỹ bất đắc dĩ này lại là người có nhiều khả năng chiếm chỗ hơn những người có năng lực?

Anh kỹ sư cơ khí kém có thể làm hỏng cỗ máy. Anh kỹ sư nông nghiệp kém góp phần làm mất mùa. Thầy giáo kém ảnh hưởng đến chất lượng bài dạy. Ở mức độ nào đó, tất cả đều làm ‘chết người’.

Chỉ có điều máy móc, bài giảng…, đều có thể làm mới, sửa lại, cái “chết” đến từ từ, gián tiếp và không nhìn thấy ngay nên ít gây chấn động như ông bác sỹ kém làm chết người. Mạng người thì không làm lại được.

 

Ảnh minh họa

Tham nhũng giết người

Tuy nhiên có những kẻ, hành vi của họ làm chết nhiều người hơn anh bác sỹ dốt. Đó là những kẻ tham nhũng ăn cắp, ăn cướp của Nhà nước cũng tức là của dân. Không phải vô cớ mà một trong những khẩu hiệu của các tổ chức phòng chống tham nhũng, như Transparency International, là “Tham nhũng giết người!” (Corruption kills!).

Xã hội đã có nhiều lời nguyền rủa với quốc nạn này rồi. Bài viết chỉ muốn làm một con tính hết sức đơn giản. Số tiền mà Vinashin, Vinalines và những Vina khác bòn rút của nhân dân xây được bao nhiêu bệnh viện?

Lấy một ví dụ, xây dựng bệnh viện 100 giường tại Bình Thuận hết 5 tỷ đồng, thì một mình Vinalines đã cướp2 đi cơ hội cả nghìn bệnh viện có thể được xây để cứu người.

Số tiền hàng trăm nghìn tỉ đồng ấy cứu được bao nhiêu bệnh nhân chạy thận, bao nhiêu bệnh nhân tim bẩm sinh là trẻ em? Nếu chi phí trung bình cho 1 ca mổ tim cho trẻ em là 45 triệu đồng, thì số tiền bọn phá hoại này bỏ túi và làm thất thoát đã cướp đi cơ hội sống của hàng nghìn đứa trẻ3.

Hành động này có phải là hành động giết người không và đáng tội gì đây?

Bài viết không biện minh cho các bác sỹ dốt làm chết người. Những bác sỹ bất đắc dĩ ấy ở đâu ra và làm sao có được vị trí trong một bệnh viện?

Thử hỏi trong số những bác sỹ đang nắm mạng sống bệnh nhân trong tay có bao nhiêu phần trăm được hành nghề mà không phải đút lót? Tham nhũng có thể đã gạt bỏ những ứng viên có năng lực nhưng không có tiền đút lót hoặc không có 1 trong mấy cái “lệ”4 kia?

Làm sao bọn làm thuốc giả có thể hoành hành năm này qua năm khác, qua mặt hết thanh tra này đến thanh tra khác? Thuốc giả làm bệnh tình nặng thêm và trực tiếp giết chết người bệnh.

Nhìn sang Trung Quốc, câu chuyện tham nhũng cũng ‘rứa’, tham nhũng trong xây dựng trường học đã giết nhiều học sinh ở Tứ Xuyên5.

Như thế là giết người!

Làm sao bọn làm phân bón giả, thuốc bảo vệ thực vật giả, giống giả có thể hoành hành năm này qua năm khác, qua mặt hết thanh tra này đến thanh tra khác? Càng bón phân thì cây trồng càng không ra quả. Càng phun thuốc trừ sâu thì cây càng nhiều sâu … Người trồng cấy vốn đã nghèo càng nghèo đói hơn6.

Như thế là giết người!

Tội giết người ấy chỉ phải trả bằng mấy trăm nghìn tiền phạt? Không khác gì gãi ngứa cho kẻ vi phạm, chỉ làm cho lũ vi trùng nhờn thuốc. Người dân phải đặt câu hỏi: Đứng đằng sau lũ giết người này là ai?

“Thanh cha (tra), thanh mẹ, thanh dì (gì), đã đút phong bì còn phải thanh kiu (thank you – ‘cảm ơn’)”. Nếu những kẻ cầm cân nảy mực không ngập ngụa trong tham nhũng mà ăn đút lót thì sao có người chết oan? Quốc nạn đút lót, tham nhũng đã đánh gục tất cả. Đau quá! Nhục quá!

Có tiền lên bàn mổ gặp bác sỹ dốt: Chết. Không có tiền, người bệnh này nằm chờ chết7, người này nằm chờ chết 8 và người này cũng nằm chờ chết. Đằng nào thì cũng chết, nhưng chết trong tay bác sỹ dốt còn đỡ … tủi thân và khi xuống gặp Diêm Vương đỡ bị tra vấn vì sao có bệnh lại không đến bệnh viện.

Lâu nay, những tên quan tham nhũng, những công chức trộm cắp (kleptocrat) đã bị bắt gần hết trong các vở kịch, phim TV … rồi. Mũi người xem nở như những quả cà chua vì thấy chống tham nhũng hết sức hiệu quả. Không biết ngoài đời thực thì bao giờ đến lượt những kẻ như Dũng PMU 18, Dũng Vinalines…, , đây?

“Tất cả là do ngành giáo dục của ông đấy!”. Người bạn tôi bảo tôi. Cũng phải. Bác sỹ, kỹ sư, công chức, …, đều là sản phẩm của giáo dục! Nhưng đến khi tôi hỏi lại: “Thế giáo dục hỏng như vậy thì do đâu?”. Ông bạn tôi chỉ … sờ râu và mắt nhìn lên trần nhà như để tìm… thủ phạm trên đó.

Một khi lãnh địa cuối cùng là y tế và giáo dục bị tha hóa, thì đó là dấu hiệu của sự băng hoại. Đạo đức xã hội đã chạm đáy. Lương tâm và đạo đức làm người hầu như không còn chỗ đứng. Viết đến đây, tôi là nhớ một câu ca dao truyền miệng: “Ăn cắp ăn trộm thành phật thành tiên, …” để nói đến cái thời tốt xấu bị đảo lộn.


“Đang chuyện chết người thì lại sang chuyện giáo dục, đang chuyện giáo dục lại sang chuyện tham nhũng”. Thôi uống đi, đêm nay Anh đá với Italy đấy!”, tôi giục anh bạn.

Theo Vietnamnet

Thực hiện: depweb

23/07/2012, 07:49