Dấu ấn thập niên 50

Cái tên Azzedine Alaia đã được nhắc đến một cách đầy trân trọng bởi những sáng tạo của ông mang đến chính là giấc mơ của nhiều người. Những thiết kế của ông là nguồn cảm hứng cho rất nhiều các thiết kế khác. Ông không cần đến xu hướng để sáng tạo. Phụ nữ và chất liệu là nguồn cảm hứng cơ bản của ông. Sức ảnh hưởng của Alaia vẫn luôn là một ẩn số lớn. Ông không sáng tạo theo xu hướng mà dường như những xu hướng đang lặp lại những gì ông đã làm được và vẫn tiếp tục làm tốt.




 

Thân hình đẫy đà, ngực độn cao, eo bó chặt, tà váy xòe rộng và dài trùm đầu gối, kiểu dáng đồng hồ cát trên sàn diễn thời trang Thu Đông năm nay gợi lại những đường nét yêu kiều của thời trang từ thập kỷ 50.

Thắt lưng áo choàng trong thiết kế của Dries van Noten cài cẩn thận ở đúng vòng eo. Dưới đó, tà áo khoác xếp ly xòe rộng theo hình chữ A. Váy xòe bên trong lộ ra dưới tà áo của chiếc áo khoác trench màu xanh lá cây. Thắt lưng cài chặt ở eo, tà xòe rộng, khiến chiếc áo mưa cổ điển của người Anh biến thành một trang phục điệu đà, không khỏi khiến ta liên tưởng đến phong cách “New look” đầy lãng mạn của Christian Dior. Tại New York, Marc Jacobs thiết kế những chiếc áo khoác vai nhỏ như cho các cô gái mới được nhận vào các trường đại học: vòng eo lượn sát người, tà áo ôm rộng hông dài đến đầu gối, mặc với chân váy xòe rộng đến quá đầu gối.

Chiều dài “hơi đứng tuổi” này là một yếu tố mới trong các bộ sưu tập của Marc Jacobs cho thương hiệu riêng của mình, cũng như cho Louis Vuitton. Trong bộ sưu tập Thu-Đông của Louis Vuitton, váy xếp ly ở eo cho chân váy xòe rộng hơn. Những đường cắt lượn trên áo vest có vẻ như cũng mạnh tay hơn, chất liệu có vẻ cứng cáp hơn, làm vòng hông và vòng ngực của người mặc nổi bật hơn. Miuccia Prada, như thường lệ, tạo dáng cho các trang phục chữ A khá táo bạo. Chân váy độn xếp ly tạo dáng xòe bồng. Những đường chiết ly quá khổ đẩy ngực lên cao, hướng cái nhìn vào đường cong sexy của cơ thể người phụ nữ. Miuccia Prada có đính thêm viền đăng ten cỡ lớn trên ngực váy, áo top.

Bên ngoài sàn diễn thời trang cao cấp, áo len cài cúc, cardigan – mốt trang phục của thập kỷ 50, cũng là một kiểu trang phục đang được ưa chuộng, ngay cả đệ nhất phu nhân Michelle Obama cũng từng xuất hiện trước công chúng trong trang phục này. Thời trang thế giới đang sống lại thập kỷ 50. Grace Kelly, hình tượng sáng nhất của phong cách thanh lịch, sang trọng của thập kỷ này vừa được đưa lên bìa tạp chí Vanity Fair tháng 5 vừa qua. Tại viện bảo tàng Victor and Albert nổi tiếng của London, công chúng có thể chiêm ngưỡng những bức ảnh tư liệu ghi lại cuộc sống quý tộc của hoàng hậu Monaco trong triển lãm “Grace Kelly: Style icon”. Tại sao những năm tháng giữa thế kỷ trước lại làm dấy lên những quan tâm đặc biệt cho giới sành điệu trong thập kỷ đầu của thế kỷ 21? Phải chăng đó là phản ứng của thời trang cho một giai đọan đầy quá khích trong thời trang, với áo vest vai rộng quá cỡ và phong cách cực đoan của “hiện tượng” Lady Gaga?


Trong thời trang, từ “thập kỷ 50” luôn luôn gây nên nỗi hoài niệm về một thời vang vẻ đã không bao giờ trở lại. Đây là những năm tháng vẻ vang cuối cùng của haute couture, với những tên tuổi của Christian Dior, Pierre Balmain, Cristobal Balenciaga, Hubert de Givenchy, Guy Laroche, Nina Ricci, những nhà thiết kế mốt áp đặt cho toàn thế giới khái niệm thế nào là phong cách lịch sự, đẳng cấp, thay đổi những tiêu chuẩn của trang phục hợp thời trang, từ màu sắc, kiểu dáng đến cả chiều dài của váy. Và tất cả bắt đầu từ bộ sưu tập “New look” của Christian Dior.

Chiến tranh thế giới thứ hai vừa kết thúc. Người Pháp còn chưa quen trở lại với việc bãi bỏ các quy định liên quan đến việc tiết kiệm nguyên liệu trong thời chiến. Phụ nữ Mỹ và Tây Âu trong thập kỷ 40 phải thay thế chồng con, đảm nhận những công việc nặng nhọc trong nhà máy. Thời trang Pháp hầu như không tồn tại, các nhà may haute couture đóng cửa và trang phục của phụ nữ phần lớn là những bộ đồng phục với áo vest “hình hộp” bằng len. Ấm áp và thực dụng nhiều hơn là đẹp và sexy. Trong khung cảnh đó “New look” của Christian Dior xuất hiện như một sự cực đoan dễ chịu. Áo vest “thắt đáy lưng ong”, chân váy rộng và hàng chục mét vải tulle, thêu ren trong những tông màu tinh tế đã “trả lại” cho người phụ nữ vóc dáng đài các và quý phái từ trước chiến tranh.

Phải nói rằng haute couture không chỉ là những thiết kế lộng lẫy để gây chú ý, với nhiều chi tiết đòi hỏi hàng chục, thậm chí hàng trăm giờ làm việc bằng tay của các nghệ nhân. Haute couture trước hết là những kỹ thuật tinh xảo để giấu đi những khiếm khuyết của cơ thể, nhấn mạnh vào những nét đẹp của người mặc nó, đồng thời đem lại cho họ cảm giác thoải mái trong trang phục được thiết kế và thực hiện một cách hoàn hảo nhất. Đây chính là thập kỷ của những cuộc cách mạng nho nhỏ cho kỹ thuật thiết kế thời trang. Christian Dior là tác giả của kiểu dáng hình chữ A (với chân váy xòe rộng từ eo trở xuống), Y (trang phục có vai rộng và chân váy “bút chì” ôm hông) và H (bó eo, chân váy thẳng). Balenciaga nổi tiếng là bậc thầy của những trang phục dáng “thể tích” đầy ấn tượng, áo vest “bóng bay” (balloon jacket) bao bọc phần trên của cơ thể, váy babydoll, váy “bóng bay” hay áo choàng hình kén tằm nhẹ nhàng “bảo vệ” cơ thể người mặc.

Năm 1955, Hubert de Givenchy đoạt giải Oscar cho các trang phục ông thiết kế trong bộ phim “Sabina”, do Audrey Hepburn thủ vai chính. Givenchy sau này có thể được coi là nhà thiết kế thời trang cá nhân cả ngoài đời lẫn trong phim cho các ngôi sao điện ảnh Holywood. Ông thiết kế trang phục cho Audrey Hepburn trong “Funny face” và nhất là “Breakfast in Tiffany” năm 1961, bộ phim đã đưa bà trở thành hình tượng của cái đẹp thanh lịch thuần khiết.

Grace Kelly – người đàn bà được chụp ảnh nhiều nhất trên hành tinh chỉ mơ ước trở thành diễn viên sân khấu, nhưng vẻ đẹp quý phái của cô gái sinh ra tại Philadenphia này đã đưa cô đến với Hollywood. Từ năm 1951 đến 1956, Grace Kelly tham gia đóng 11 bộ phim, bên cạnh những ngôi sao lớn nhất thời bấy giờ của Mỹ như Gary Cooper (phim “High noon”) hay Frank Sinatra (phim “High society”). Tại Liên hoan phim quốc tế Cannes 1955, Grace Kelly gặp người chồng tương lai là thái tử Rainier của Monaco. Vốn nổi tiếng với “phong cách Mỹ”, trẻ trung, lịch sự mà không cầu kỳ, nhưng tên tuổi của hoàng hậu Monaco thực sự đi vào lịch sử thời trang từ năm 1956, khi Grace Kelly xuất hiện trên trang bìa tạp chí Life, tay cầm chiếc túi của thương hiệu Pháp Hermès, khéo léo giấu “bụng” trong thời gian đang mang thai.

Kiểu túi của Grace Kelly mang theo người khi được tạp chí Life chụp ảnh sau này được đặt tên là Kelly. Nhờ có bà hoàng hậu trẻ tuổi này mà nó trở thành sản phẩm tượng trưng cho sự sành điệu và đẳng cấp – chiếc túi xách đầu tiên là một trong những hình tượng của văn hóa. Đây là kiểu túi cho những người đi xe ngựa được gia đình Hermès – thương hiệu của giới quý tộc và thượng lưu thiết kế năm 1892. Năm 1930, người Pháp thu nhỏ kích thước, biến nó thành phụ kiện dùng hàng ngày. Túi Kelly trở thành dấu hiệu của những người phụ nữ của tầng lớp trên, “con nhà tử tế”, có học thức với cuộc sống thành đạt và giàu có không chỉ về mặt vật chất. Đây là một trong những kỷ vật người phụ nữ Pháp truyền lại cho con gái mình. Trong cửa hàng của Hermès, túi Kelly với các chất liệu da khác nhau, từ da cừu, lạc đà đến cá sấu được bán với 5 kích thước khác nhau.

Chiếc túi Hermes trở thành vật bất ly thân của công nương Grace Kelly

Tùy theo chất liệu, kích thước và màu sắc của túi mà giá cả dao động từ vài nghìn đến vài chục nghìn đôla. Mỗi chiếc túi được thực hiện hoàn toàn bằng tay bởi cùng một nghệ nhân, từ công đoạn đầu tiên đến khi những phụ kiện cuối cùng được gắn lên túi. Thời gian để họ hoàn thành sản phẩm khoảng 18 tiếng. Tác giả của cuốn sách “Handbags, the power of the purse” Anna Johnson khẳng định rằng model Kelly từ năm 1956 phải cần đến hai con cá sấu để thực hiện.

Chất liệu đắt tiền, khả năng sản xuất có hạn cộng với tiếng tăm của chiếc túi Kelly làm cho nó trở thành một trong những sản phẩm đắt hàng nhất của Hermès. Từ lúc đặt mua đến khi cầm được trên tay “chiếc túi xách của ước mơ”, nhiều khách hàng có thể phải đợi trong khoảng thời gian từ “lâu” đến… “rất lâu”.

Hermès cũng lấy tên Kelly đặt cho một số thiết kế cho khăn lụa, một sản phẩm nổi tiếng khác của thương hiệu. Túi xách hay khăn lụa Kelly không chỉ đơn giản là những sản phẩm đắt tiền và đẳng cấp. Có lẽ nó còn tượng trưng cho một phong cách không bị thời gian làm cho lu mờ và mất giá trị, điều mà thời trang bận rộn với những “phát hiện mới”, “ngôi sao mới” hay “xu hướng mới” dường như đã loại khỏi sự quan tâm của mình. Những đường nét, trang phục cổ điển tưởng chừng như luôn luôn đẹp và không bị phụ thuộc vào thời gian của những năm 50 có lẽ thể hiện sự phản ứng nhẹ nhàng cho một giai đoạn quá khích của thời trang gần đây nhất.

Phải nói rằng thập kỷ 50 cũng là giai đoạn yên bình cuối cùng của thể kỷ trước, trước khi “cuộc cách mạng” của tuổi trẻ làm nháo nhào xã hội phương Tây vào thập kỷ 60. Trong thời gian này, người phụ nữ phải “nhận lại” vai trò do văn hóa và xã hội đặt sẵn cho họ, trở lại với các công việc nội trợ gia đình, nhường sự nghiệp ngoài xã hội cho những người đàn ông trở về từ chiến hào của chiến tranh thế giới thứ hai. Chính phủ các nước Tây Âu khuyến khích mô hình gia đình truyền thống với người đàn ông là trụ cột của gia đình và người đàn bà với nhiệm vụ sinh nở và nuôi dạy con cái.

Cơ thể của họ vẫn còn chưa bị áp lực để trở thành Twiggy – người mẫu người dây nổi tiếng của thập kỷ 60. Biểu tượng cho một cơ thể gợi cảm của người phụ nữ vẫn là những đường cong đầy đặn của Marilyn Monroe, “cô gái tóc vàng” nổi tiếng nhất của điện ảnh Holywood. Những biến đổi xã hội phá vỡ sự yên bình của thập kỷ mới sắp sửa xảy ra. Cho dù thời trang có ngoảnh đầu hoài niệm những năm tháng tuyệt đẹp đó của thế kỷ 20, thì như thường lệ, sự hoài niệm đỏng đảnh này chỉ kéo dài trong chốc lát. Có lẽ cách tốt nhất là nên tận hưởng nó khi còn ấm áp.

Bài: Lukasz Nguyễn

Ảnh: AFP, Gety images



From the same category