Đất sống nào cho phim tử tế thời “fast food”? - Tạp chí Đẹp

Đất sống nào cho phim tử tế thời “fast food”?

Review

Cảnh trong phim “Quyên”

Cuối năm 2014, “Để Mai tính 2” lập kỷ lục trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất tại thị trường Việt Nam, vượt mốc 100 tỷ đồng. Chỉ vài tháng sau, kỷ lục này lại tiếp tục bị phá vỡ bởi một bộ phim Hollywood “Fast and Furious 7” với cột mốc mới: 150 tỷ đồng. Doanh thu từ điện ảnh Việt tăng trưởng chóng mặt và được đánh giá là một trong những thị trường điện ảnh mới phát triển nhanh nhất thế giới, theo tờ Hollywood Reporter. Cuộc đua sản xuất phim nội địa vì thế cũng nóng hơn bao giờ hết. Phim hài (nhảm) và phim ma trở thành món ăn chính của thị trường phim nội địa với công thức: “vốn ít, dễ làm, thu lãi nhanh”. Liệu “phim tử tế” còn có đất sống trong thị trường điện ảnh Việt giữa thời phim “fast food”?

Thời của phim “fast food”

Chỉ riêng trong tháng 5 vừa qua, có đến 6 bộ phim Việt cùng ra rạp. Con số này có thể bằng số phim cả năm của vài năm trước, khi điện ảnh Việt còn èo uột và chỉ phát hành đúng dịp Tết. Giờ thì với số lượng rạp tăng lên, không chỉ ở Sài Gòn, Hà Nội mà đã lan rộng ra nhiều tỉnh thành khác, khán giả đã bắt đầu quay trở lại rạp chiếu. Điện ảnh trở thành bộ môn nghệ thuật giải trí có thị trường bán vé sôi động nhất hiện nay, trong khi đó âm nhạc mất dần vị thế, trở thành những món hàng giải trí không mất tiền nhan nhản trên truyền hình hoặc tồn tại dưới hình thức các show diễn miễn phí có nhãn hàng tài trợ đứng sau.

Cảnh trong phim “Quyên”

Năm 2014, doanh thu điện ảnh tại thị trường Việt Nam đạt khoảng hơn 80 triệu USD, tăng trưởng hơn 40% so với năm trước, còn so với cách đây 10 năm, nó đã tăng hơn 200%. Nhưng với một thị trường 90 triệu dân, con số này vẫn còn quá nhỏ và vẫn còn quá nhiều tiềm năng để khai thác. Thử so sánh, tại Hàn Quốc, một thị trường chỉ 50 triệu dân, chỉ riêng bộ phim “Đại thủy chiến” đã thu về gần 150 triệu USD tiền bán vé, cao gần gấp đôi cả thị trường điện ảnh Việt Nam cả năm cộng lại. Các nước như Thái Lan, Malaysia, Philippines cũng có doanh thu cao hơn Việt Nam nhiều lần.

Sự tăng lên về số lượng rạp chiếu và nhu cầu quay trở lại rạp của khán giả khiến thị trường phim nội địa sôi động hơn bao giờ hết. Không chỉ các “đại gia” sản xuất lớn như CJ CGV, Galaxy và BHD vốn chiếm lĩnh thị trường nhiều năm nay, không chỉ là những cái tên vốn là bảo chứng phòng vé như Charlie Nguyễn, Victor Vũ, Nguyễn Quang Dũng, Vũ Ngọc Đãng, Hàm Trần, Nguyễn Quang Huy…, điện ảnh Việt trong năm nay còn xuất hiện những cái tên đạo diễn… “từ trên trời rơi xuống”. Họ có thể là đạo diễn MV ca nhạc, đạo diễn phim truyền hình, đạo diễn sân khấu, thậm chí là những danh hài chuyên sản xuất các video tấu hài, hay một ca sĩ chuyên đi hát tỉnh bỗng một ngày nhảy qua làm đạo diễn phim vì thấy thị trường có quá nhiều “cá lớn”. Phần lớn họ tự lập hãng sản xuất phim riêng. Và thế là một loạt phim “fast food” ra đời.

Công thức chung của những bộ phim này là vốn sản xuất rất thấp, chỉ trên dưới 5 tỷ đồng, thời gian quay chỉ khoảng 3, 4 tuần. Điểm chung của những bộ phim này là “ngửi mùi” thị trường rất nhanh và nắm bắt thị hiếu (bình dân) của khán giả khá tốt. Năm ngoái,“Tình người duyên ma” – một bộ phim Thái với công thức đầy sáng tạo, pha trộn giữa kinh dị và hài đã mở đường cho một loạt phim Việt ra đời với công thức tương tự. “Ma Dai”“Thám tử Hên-ry” là hai ví dụ “ăn theo” bộ phim Thái nói trên, khá thành công về mặt doanh thu. Lợi thế của hai bộ phim này là đạo diễn đều xuất thân từ sân khấu nên họ sử dụng những chiêu chọc cười khán giả khá thuần thục, và biết cách để không biến bộ phim đầu tay thành thảm họa của điện ảnh nhờ sự đầu tư vào kịch bản và diễn xuất. “Chung cư ma” (đạo diễn Văn M. Phạm) và “Ngủ với hồn ma” (đạo diễn Bá Vũ) là hai bộ phim kinh dị khá “thuần chất”, nghĩa là đánh vào yếu tố rùng rợn để hù dọa khán giả. Cả hai đều do một hãng phim khá non trẻ là Skyline sản xuất, kinh phí rất thấp, bối cảnh đơn giản và diễn viên không cần ngôi sao. Đây là mô hình của các bộ phim kinh dị “low budget” khá thành công ở một vài thị trường như Philippines, Indonesia, Thái Lan. “Sơn đẹp trai” (đạo diễn Trương Quang Thịnh), “Lật mặt” (đạo diễn Lý Hải), “Cầu vồng không sắc” (đạo diễn Nguyễn Quang Tuyến)… là những ví dụ khác của dòng phim “fast food” kinh phí thấp, nhắm vào phân khúc thị trường bình dân, với thủ pháp làm phim đơn giản nhất có thể, pha trộn giữa phim truyền hình với MV ca nhạc hoặc video tấu hài.

Cảnh trong phim “Quyên”

Khác với dòng phim “mì ăn liền” nở rộ như nấm sau mưa hồi đầu thập niên 1990 và sau đó cũng tàn đi nhanh chóng, những bộ phim của dòng “fast food” hôm nay rất có thể không rơi vào “chết yểu” bởi thị trường điện ảnh giờ đã lớn hơn nhiều và phân khúc khán giả bình dân vẫn luôn khá lớn. Khá nhiều bộ phim đạt doanh thu phòng vé khá cao trong vài tháng qua như “Sơn đẹp trai”, “Ma Dai”“Lật mặt” đã chứng minh điều đó.

Nhìn về bề nổi, rõ ràng những bộ phim này khiến thị trường điện ảnh luôn sôi động và tạo thế cân bằng với những bộ phim bom tấn Hollywood hay phim Hàn, Trung Quốc trên sân nhà. Nhưng nếu nhìn đường dài, những bộ phim “fast food” tràn ngập các rạp chiếu khiến điện ảnh Việt vẫn luẩn quẩn trong một bề mặt “phim trí” khá thấp và vẫn không vực dậy được định kiến “phim Việt” trong mắt phần đông khán giả về một nền điện ảnh “dễ dãi, tùy tiện và thiếu lý tưởng”.

Ẩn số “Quyên” và cơ hội cho những phim “tử tế”

Giữa những bộ phim “fast food” tràn ngập và những tiếng thở dài ngao ngán của khán giả khi rời các rạp chiếu, việc trailer bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của đạo diễn Victor Vũ tạo một hiện tượng lớn trên các trang mạng xã hội đem lại niềm vui cho những người làm điện ảnh và khán giả. Những cảnh quay mượt mà về thiên nhiên Việt Nam, những hồi ức về cuộc sống khốn khó nhưng đầy tình cảm của làng quê những năm 70, 80 của thế kỷ trước, lối diễn xuất tự nhiên trong trẻo của ba diễn viên nhí… dù chỉ qua trailer dài 2 phút, đã đem lại những cảm xúc mạnh mẽ cho khán giả. Cộng với lợi thế chuyển thể từ cuốn truyện dài của nhà văn “best-seller” Nguyễn Nhật Ánh, bộ phim mới nhất của Victor Vũ chỉ còn chờ ngày ra rạp để chinh phục phòng vé. Đây là bộ phim do nhà nước đặt hàng sản xuất cùng góp vốn với nhà sản xuất Galaxy nên hầu như ít ai kỳ vọng về mức doanh thu của bộ phim, chỉ cần hòa vốn là đã mừng. Nhưng sau những hiệu ứng tích cực từ khi tung ra trailer, một nhà sản xuất vốn rất tinh nhạy thị trường đã đặt cược cho mức doanh thu 50 tỷ đồng đối với bộ phim này.

Cảnh trong phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”

“Quyên”, bộ phim điện ảnh thứ 3 của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình, cũng gây không ít tò mò cho khán giả. Được chuyển thể từ một cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ, “Quyên” là câu chuyện pha trộn hoàn hảo giữa sự dữ dội và lãng mạn, giữa những thân phận nhập cư lưu lạc đọa đày trong những năm tháng bức tường Berlin sụp đổ và tình người trong những hoàn cảnh trái ngang nhất. Cuốn tiểu thuyết tràn ngập chất liệu đời sống ít được kể về những người Việt tha hương ở Châu Âu hồi thập niên 1990 đã chinh phục anh chàng đạo diễn vốn tâm huyết với những câu chuyện giàu chất văn học. Bình kể, ngay từ khi đọc tiểu thuyết, anh đã quyết định mua bản quyền để chuyển thể thành phim. Nhưng anh đã mất thêm gần 4 năm đi về giữa Việt Nam và Đức để thu thập thêm hàng trăm trang chất liệu từ đời sống thực về cuộc sống của những người Việt tha hương, “đến mức, mỗi câu chuyện, mỗi nhân vật tôi có thể dựng được một bộ phim”.

Là ông chủ của BHD với hàng chục dự án truyền hình ăn khách, nhưng điện ảnh là một tình yêu lớn của Nguyễn Phan Quang Bình. “Khi tôi làm phim, thì tất cả các công việc khác đều bị gác sang một bên và trong khoảng thời gian đó chỉ có ăn và ngủ với phim” – Bình chia sẻ. “Quyên” mất đến 50 ngày quay, trong đó có 2 tuần quay hoàn toàn ở Đức với một ê kíp lên đến gần 50 người từ Việt Nam sang. Để có được bối cảnh giả dựng cảnh Châu Âu ở Đà Lạt trong 2 tuần, hãng BHD phải thuê một công ty chuyên làm tuyết giả ở Anh sang để thực hiện. Kinh phí của bộ phim đội lên đến mức 22 tỷ đồng – một con số rất lớn so với mặt bằng phim Việt hiện nay, tức phải đạt mức doanh thu 40 tỷ đồng mới hòa vốn. “Khi ra trường quay thì tôi không quan tâm đến chuyện kinh phí nữa, mà làm với sự tử tế nhất có thể” – Bình nói.

Cảnh trong phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”

5 năm trước, khi chuyển thể “Cánh đồng bất tận” từ truyện vừa của Nguyễn Ngọc Tư, anh chàng đạo diễn này cũng làm phim với tâm thế “điếc không sợ súng”. Trước khi bộ phim phát hành, vợ của đạo diễn, đồng thời là nhà sản xuất của bộ phim – Ngô Thị Bích Hạnh, chỉ hy vọng bộ phim đạt mức doanh thu 4 tỷ đồng. Nhưng khi bộ phim ra mắt và tạo nên một làn sóng dư luận rầm rộ, kẻ khen, người chê cộng với hiệu ứng từ truyện của Nguyễn Ngọc Tư, cuối cùng bộ phim đạt mức doanh thu gấp gần… 5 lần con số mà nhà sản xuất kỳ vọng. “Cánh đồng bất tận” có thể không phải là một bộ phim chuyển thể xuất sắc, nhưng chắc chắn là bộ phim chuyển thể từ văn chương thành công nhất trong nhiều năm trở lại đây. Liệu “Quyên” có làm được điều kỳ diệu như “đàn chị” của nó, đó là một câu hỏi khó vì thị trường điện ảnh Việt vốn khó lường với những dự án điện ảnh lớn và được đầu tư nghiêm túc. Nhưng đây là một bộ phim điện ảnh tử tế, giàu tham vọng và ít nhiều muốn nâng tầm thị hiếu khán giả, trong bối cảnh những bộ phim điện ảnh “fast food” luẩn quẩn trong một mặt bằng thấp.

“Nhìn đường dài, những bộ phim ‘fast food’ tràn ngập các rạp chiếu khiến điện ảnh Việt vẫn luẩn quẩn trong một bề mặt ‘phim trí’ khá thấp và vẫn không vực dậy được định kiến ‘phim Việt’ trong mắt phần đông khán giả về một nền điện ảnh ‘dễ dãi, tùy tiện và thiếu lý tưởng’.”
“Quan niệm điện ảnh của tôi là không làm phim cho khán giả mà làm phim với khán giả. Tôi không tham vọng xây dựng một thương hiệu cá nhân trong điện ảnh, nhưng tôi muốn kể những câu chuyện giàu cảm xúc về thân phận con người và muốn khán giả đồng cảm với mình sau khi họ rời khỏi rạp” – đạo diễn chia sẻ.

Ẩn số “Quyên” phải chờ tới ngày 19/6 mới được giải mã, cũng như “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” phải đợi đến tháng 8, nhưng hai bộ phim này, trong số những bộ phim điện ảnh “tử tế” hiếm hoi trong vài năm qua, rõ ràng đã góp phần nâng thị trường phim Việt lên một bậc và kích thích được “sự tử tế và tự trọng” cho nhiều đạo diễn trẻ chuẩn bị bước vào thị trường điện ảnh đang ngày càng phát triển hiện nay.

Bài: Lâm Lê

logo

Thực hiện: depweb

31/05/2015, 08:21