Trên mỗi bàn tại quán cà phê Hồng (29 Trần Hưng Đạo, Hà Nội) đều có một tờ giấy chúc mừng năm mới kèm theo thông báo “Dịch vụ Tết: Nhà hàng tăng giá 20% (kể từ ngày 30 Tết đến hết ngày mùng 6 Tết)”.
Theo một nhân viên tại nhà hàng, do dịp lễ, Tết, mọi người đều đi nghỉ, nên tìm nhân viên phục vụ những ngày này cũng rất khó khăn. Vì vậy, buộc phải tăng giá để trả thêm thù lao cho những người chấp nhận hy sinh ngày nghỉ để đi làm.
“Các dịch vụ phục vụ ngày Tết ở đâu cũng tăng. Các quán cà phê còn làm việc những ngày này, khách cũng không đông, trong khi nhân viên lại không được nghỉ Tết. Vì vậy, tăng giá chút ít như vậy cũng là bình thường”, nhân viên này cho biết.
Còn theo anh Nam, phục vụ tại một quán cà phê trên đường Tam Trinh thì, do quán cà phê của anh không nghỉ Tết, nên giá tăng 30% nhưng vẫn rất đông khách.
“Tết nhất, hầu hết các nơi đều đóng cửa đi nghỉ, nên những quán còn phục vụ rất ít. Ngay từ chiều mùng 1 Tết, quán tôi đã chật kín khách, chủ yếu là thanh niên từ 15 đến 30 tuổi”, anh Nam cho biết.
Không chỉ quán cà phê, những ngày đầu năm này, các cửa hàng bún, phở cũng được dịp hét giá gấp đôi, gấp ba ngày thường.
Vừa buông đũa ăn xong bát bún riêu cua và gọi bà chủ tính tiền, thì anh Hùng choáng vì giá một
bát bún riêu cua lèo tèo vài ba miếng đậu là chính có giá…45.000 đồng.
Trong khi đó, trước Tết, bán bún riêu này chỉ có giá 20.000 đồng. Đắt quá, vừa trả tiền, anh vừa than: “Đầu năm, chặt chém thế này thì ai dám ăn nữa”.
Điều đáng nói, là giá bát phở được đẩy lên gấp đôi, gấp ba ngày thường, nhưng khách ăn thì vẫn đông nghẹt quán.
Theo chủ quán, những ngày đầu năm này, rất ít hàng quán mở cửa, nên giá cao là đương nhiên. “Khách chê đắt thì tìm chỗ nào rẻ mà ăn. Tết nhất, người ta đi chơi hết rồi, chỉ có chúng tôi bán phở mới phải cặm cụi đi làm. Vì thế, cũng phải cho chúng tôi kiếm ăn chút chứ”, chị bán phở càu nhàu.
Tại Hà Nội, ngay từ tối 29 Tết, nhiều cửa hàng đã thông báo giá bán mới tăng 10.000 – 15.000 đồng/bát.
Lý giải về việc tăng giá, các chủ quán cho rằng, do các loại thực phẩm đầu vào như ngan, gà, bò, cá tăng giá nên phở cũng phải đội giá theo.
Chị Liên, chủ quán phở phố Nguyễn Lương Bằng tính toán, 1kg thịt bò thăn ngoài chợ ngày thường có giá 200.000 – 220.000 đồng, thì nay tăng lên 250.000 – 270.000 đồng/kg. Các mặt hàng khác như tim, gan, bầu dục, cá cũng tăng giá tương tự.
Phở đắt nhưng người tiêu dùng dường như vẫn vui vẻ chấp nhận bởi đây là món ăn không thể thay thế. Vì vừa dễ ăn, giá lại rất bình dân so với các loại đồ ăn khác.
Theo chị Liên, mức giá này sẽ chỉ áp dụng trong mấy ngày Tết. Ra Tết, giá sẽ giảm như cũ vì hàng quán hoạt động trở lại và giá nguyên liệu đầu vào cũng ổn định hơn.
Theo Châu Anh
VTCNews