LTS: Không chỉ chiếm 70% số vụ khiếu kiện, quản lý và sử dụng đất đai hiện nay đang được coi là một trong những vấn đề xã hội nóng nhất và phức tạp nhất. Năm 2013, thời điểm Luật Đất đai sửa đổi năm 1993 sắp hết thời hiệu. Vấn đề đất đai càng trở nên khó khăn và căng thẳng cho cả những người quản lý và người dân, doanh nghiệp; khi quyền lợi – trách nhiệm của nhiều bên bị đụng chạm, đặc biệt trong dòng chảy công nghiệp hóa, đô thị hóa như hiện nay.
Tuần Việt Nam kết hợp với Tổ chức Oxfam và Hội nông dân tỉnh Hòa Bình khảo sát và đưa đến một phần thực trạng quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương này nhằm tạo cơ sở cho Viện Nghiên cứu Lập pháp của Chính phủ nghiên cứu soạn thảo Luật đất đai Sửa đổi năm 2013.
Bài 1: Thị dân lơ lửng – tỷ phú hoang mang
Mang khuôn mặt đầy ưu tư, người phụ nữ ngoài 30 tuổi Nguyễn Thị Mai, thôn Bãi Sấu, xã Mông Hóa, huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình rụt rè xin gặp cán bộ tham vấn vì “hoang mang quá mà không biết hỏi ai.”
Theo chị Mai chia sẻ, chị và gia đình chồng chị đều ở thôn Bãi Sấu, cách nhau vài chục mét. Anh chị cưới nhau năm 1995, nhà chị Mai ít người nên anh Binh – chồng chị – đến ở rể. Khi đó, anh Binh còn một chị gái là Nguyễn Thị Quang, khi đó 25 tuổi, đang ở nhà. Năm 1997, chính quyền địa phương tiến hành làm lại giấy tờ sử dụng đất đai. Bố chồng chị Mai là ông Nguyễn Văn Trường cho rằng con gái sẽ ở nhà với cha mẹ suốt đời, ông làm thủ tục chuyển cho chị Quang đứng tên sổ đỏ căn nhà và đất đang ở.
Tuy nhiên, sau đó chị Quang đi lấy chồng. Vợ chồng Binh – Mai được đón về ở chung phụng dưỡng ông Trường. Cách đây 3 năm, anh Binh mất đột ngột. Chị Mai thay anh phụng dưỡng bố chồng, nuôi hai con nhỏ đến khi ông Trường qua đời cách đây vài tháng khi chưa kịp làm lại di chúc hay nói lại chuyện sổ đó ngôi nhà hương hỏa con dâu và cháu nội đang thừa hưởng, trong khi con gái đứng tên.
Mọi việc có lẽ cứ như vậy trôi qua, nếu con đường cao tốc Láng – Hòa Lạc đang được triển khai không chạy qua Bãi Sấu. Ngôi nhà hương hỏa của ông Trường nằm trong diện bị giải tỏa. Ai trong số hai con ông: con dâu và cháu nội hay con gái được nhận tiền đền bù. Làm sao để thích nghi với sự thay đổi mà không bị xáo trộn đến đời sống và quan hệ gia đình?
Đó chỉ là một câu chuyện nhỏ trong muôn vàn những băn khoăn của một vùng quê bỗng nhiên bị xáo trộn vì đường cao tốc chạy ngang qua, kéo theo vô số dự án được các nhà đầu tư nhăm nhe đo đếm cả một vùng dân cư rộng lớn.
Người dân một vùng “chả làm ăn được gì, chỉ ngồi hoang mang nghe ngóng bao giờ nhà đất bị lấy, đền bù bồi thường ra sao, cuộc sống sẽ như thế nào“, như một người làng chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Mai và con gái
Dự án treo, cuộc sống treo và lời hứa treo
Dự án kéo dài đường cao tốc Láng – Hòa Lạc đến TP Hòa Bình đoạn chạy qua hai xã Mông Hòa và Phúc Tiến của huyện Kỳ Sơn. 30 hộ dân trong hai xã mất ruộng đất, trong số đó một số hộ mất toàn bộ ruộng và đất ở. Từ một vùng thuần nông lâu đời, người nông dân đang đứng trước sự thay đổi to lớn “bỗng chốc thành thị dân”, thành “triệu phú, tỷ phú” đúng nghĩa, nhưng vô vàn hoang mang.
Từ khi dự án được triển khai, nhưng hộ dân có ruộng đất ở diện giải tỏa đã phải ngừng canh tác, cuộc sống nông nghiệp chờ đợi trong sự chênh vênh.
Từ khi dự án cao tốc được triển khai năm 2010, công tác đền bù ở địa phương đến nay đã thực hiện được giai đoạn 1: hoàn thành công tác kiểm đếm, tính toán ruộng đất tài sản trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp, còn phần đất – nhà ở chưa thực hiện được.
Người dân được đưa ra hai lựa chọn: nhận tiền đền bù rồi tự tìm nơi ở mới; hoặc đăng ký vào khu tái định cư của dự án (hiện chưa có quy hoạch, chưa biết ở đâu).
Chị Lê Thị Tuyết, người dân thôn Quyết Tiến, xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn có chung nỗi niềm với những người dân khác: nhà của chị nằm trên diện phải giải tỏa toàn bộ. Chị hoang mang giữa việc nhận tiền hay đăng ký vào khu tái định cư. Chị quyết định theo số đông: hầu hết các hộ nhận tiền rồi tự tìm nơi ở mới. “Vì giờ này chẳng biết khu tái định cư ở đâu, nhỡ chúng tôi bị đưa vào vùng sâu không có đường đi, ruộng vườn chẳng có thì biết sinh sống thế nào?” Hầu hết người dân thắc mắc.
Nhưng quyết định nhận tiền lại là một rủi ro khác: tiền đền bù được chia thành nhiều đợt, giá tiền đền bù thường thấp hơn giá thực tế nên “cầm tiền đền bù đi mua đất làm sao mua nổi được mảnh đất (rộng) như cũ, mua rồi tiền đâu xây nhà?..vv..” Chưa kể, khi tiền đền bù được trả thành nhiều đợt, mà đợt sau cách đợt trước nhanh là vài tháng, chậm có thể vài năm. Kết quả: tiền trượt giá hoặc đã được tiêu hết. “Vì chúng tôi cũng phải ăn. Chúng tôi không nhịn ăn mà chờ được”, “Lương tăng rồi, giá thị trường cũng tăng bao lần rồi, nhưng khung giá tiền đền bù vẫn y nguyên, dân chúng tôi xoay xở ra sao?”
“Trước khi triển khai dự án thì cán bộ vào hứa hẹn sẽ hỗ trợ những hộ mất ruộng gạo ăn trong 3 năm. Vậy mà ruộng của chúng tôi đã bị lấy rồi, cánh đồng thì đã bị cày ủi rồi, mà giờ dân vẫn chưa nhận được hạt gạo nào. Trước thì bảo nhà nào mất 30% đất ruộng trở lên là được hỗ trợ gạo, giờ lại bảo phải 70% mới được hỗ trợ. Thay đổi như chong chóng, làm sao dân chúng tôi không lo lắng?”
Bên cạnh đường cao tốc Láng – Hòa Lạc, cả Mông Hóa và Phúc Tiến cũng nhiều lần có ‘khách không mời’ là những nhóm chuyên môn về đo đạc đất của họ. Trên thực tế đã có nhiều va chạm xảy ra khi người dân không đồng ý cho người lạ bỗng nhiên đo đạc đất của họ mà không có sự xin phép, chia sẻ, thông báo trước. Nhiều người không kìm được bức xúc sau khi đuổi khách không mời lại quay sang truy vấn cán bộ địa phương.
“Chúng tôi chẳng biết chủ trương từ đâu, dân chúng tôi chỉ biết túm ông trưởng thôn và cán bộ xã hỏi thôi. Các ông được bầu ra thì phải lo cho dân chứ”