"Đào thư": Điện ảnh cần một bộ phim như thế - Tạp chí Đẹp

“Đào thư”: Điện ảnh cần một bộ phim như thế

Review

Giản dị và đời thường vẫn luôn có thể là cội nguồn của cái đẹp, miễn là có một con mắt khám phá ra nó, lưu giữ nó, và đem nó đến với tất cả chúng ta. Năm 2012 này, người làm được điều ấy, có lẽ là Hứa An Hoa.

Bộ phim A Simple Life

Câu chuyện ở “Đào thư” rất giản đơn, giản đơn như cái tên tiếng Anh và như tông màu rất nhạt của phim: “A Simple Life”. Một người phụ nữ bảy mươi bị ốm và một người đàn ông bốn mươi đứng trước nhiệm vụ phải chăm sóc bà. Có điều, quan hệ giữa chị Đào, tên tục A Đào, tên đầy đủ Chung Xuân Đào, và đạo diễn Lương La Kiệt, thiếu gia nhà họ Lương, không phải là mẹ con. Họ là người giúp việc và cậu chủ. “Đào thư” kể về cách hai thân phận ấy ứng xử với cuộc khủng hoảng đã phá vỡ nhịp sống thường ngày của gia đình họ (họ thực sự là một gia đình).

        

Chuyện về một người đàn bà, do một người đàn bà làm đạo diễn, tất nhiên, sẽ có cái chi tiết và tỉ mỉ rất đỗi đàn bà. Nhân vật của Hứa An Hoa không nói, họ dùng cử chỉ thay lời nói, để nói ra một sự im lặng rất đỗi hùng hồn. Bữa tối của La Kiệt và chị Đào diễn ra trong lặng lẽ, nhưng từ nó là biết bao yêu thương, trìu mến và quan hoài giữa bà-mẹ-người-làm và đứa-con-thiếu-chủ.

Khi họ đổi vai cho nhau – người 60 năm chăm sóc người khác trở thành người được chăm sóc, còn người đã 40 năm được chăm sóc giờ phải chăm sóc người kia – cả chị Đào lẫn La Kiệt đều bỡ ngỡ, theo cách của riêng mình. Một ngỡ ngàng trước sức nặng của tuổi tác, bệnh tật và nỗi cô đơn tất yếu luôn rình rập một bà lão độc thân. Một bỡ ngỡ trước trách nhiệm trĩu nặng lần đầu trên vai gã trai bốn mươi chưa vợ. Nhưng chị Đào, qua diễn xuất của Diệp Đức Nhàn, đón nhận nó an nhiên và bình thản.

Cũng như chị Đào suốt đời an phận người hầu, Diệp Đức Nhàn cả đời chuyên vào vai phụ. Nhưng trong lần vào vai Đào (chính) hiếm hoi này, bà đã làm cả Venice phải nghiêng mình với Cúp Volpi cho vai nữ chính xuất sắc nhất. Trong khi đó, La Kiệt (Lưu Đức Hoa) đảm nhiệm vai trò con nuôi một cách dũng cảm và trọn vẹn, dẫu còn chút vụng về của gã công tử bột. Điều duy nhất đáng tiếc, có chăng, là khâu biên tập thiếu một chút tiết chế, để câu chuyện cô đọng hơn, ít dàn trải hơn, và ngon đến miếng cuối cùng, như món lưỡi bò trứ danh của chị Đào.

Diệp Đức Nhàn giành Cúp Volpi cho vai nữ chính xuất sắc nhất trong phim.

Ân tình sâu đậm giữa chị Đào với La Kiệt và gia đình anh đẹp bình lặng như một chuyện cổ tích thời hiện đại, nhất là khi đặt nó bên cạnh thế giới phù hoa của đạo diễn họ Lương. Sự xuất hiện hài hước và bất ngờ của ba đạo diễn Từ Khắc, Ninh Hạo và Hồng Kim Bảo với ba vai cameo càng gia tăng sự tương phản ấy. Nhưng khi mối quan hệ ấy được đặt trên cái nền là viện dưỡng lão với những mảnh đời già nua, cô đơn đến tội nghiệp, hiện thực vụt trở lại, thẳng thừng và tàn nhẫn. Ta chợt hiểu rằng: câu chuyện của chị Đào, ngày nay, chẳng còn bao nhiêu nữa. Chị là cái đẹp ngày xưa, của cái thời đã một đi không trở lại. Những người giúp việc như A Đào không còn nữa. Có lẽ vì, những người như bà Lương, chủ nhân xứng đáng của những người giúp việc như thế, cũng không còn mấy nữa.

       

Những gì còn lại, giờ đây, chỉ là nỗi hoài nhớ của những ai từng sống trong vòng tay tận tụy và âu yếm của A Đào, trong đó có lũ bạn học phổ thông của La Kiệt – đám trai già vừa cắn một miếng lưỡi bò đã nghe tuổi thơ bồi hồi trở lại, vội vàng bốc điện thoại lên ríu rít gọi: “Chị Đào!”. Âu cũng là một bài học dành cho phái nữ: Muốn cho đàn ông nhớ, đàn bà nhất thiết phải… giỏi nấu ăn!

Bài: Nham Hoa 


Thực hiện: depweb

17/09/2012, 15:48