Căn phòng không quá rộng, đủ tạo nên sự thoải mái nhưng cũng đủ đem lại sự tập trung. Bốn bức tường đều ốp gương, để ở đâu cũng có thể nhìn thấy chính mình. Ghế được xếp theo kiểu rạp hát, hình vòng cung, hình tròn, tùy theo mỗi bộ môn để dễ dàng truyền đạt và lắng nghe nhất. Đó chính là không gian lớp học của những phụ nữ muốn mình đẹp.
Người ta thường coi “đẹp” là một phạm trù bất khả biến. Cái đẹp được coi là tự nhiên sinh ra, tự nhiên phát triển, tự nhiên tỏa sáng… cứ như bông hoa chẳng cần uống sương và hút chất dinh dưỡng mà bỗng dưng nở rực rỡ vậy.
Đến cái đẹp có giá trị vĩnh cửu là kim cương mà cũng cần mài giũa cho sáng bóng, cắt gọt để bắt sáng tạo ánh phản chiếu huyền ảo, huống hồ sắc đẹp phụ nữ, vốn mong manh nhường ấy. Chẳng thế mà nếu để ý tìm hiểu, bạn sẽ biết rằng người ta đã tạo ra cả một quy trình để đào tạo người đẹp.
Nhắc đến hai chữ “đào tạo”, nhiều người lập tức liên tưởng tới những học viên đủ lứa tuổi đang vò đầu bứt tai hoặc ngày đêm chong đèn với kỳ vọng về một tấm bằng. Đào tạo người đẹp, nói cho cùng, cũng chẳng khác là mấy: có khổ luyện, có cả mồ hôi và kỳ vọng thì còn nhiều hơn một tờ giấy chứng nhận.
Một trong những người tâm huyết với sắc đẹp là John Robert Powers (Mỹ) – người sáng lập ra mô hình đào tạo người đẹp (năm 1923), ông cũng là cha đẻ của ngành công nghiệp người mẫu.
Đầu tiên, chương trình này được dựng nên để dạy người mẫu đứng trước ống kính phải thể hiện như thế nào, đóng phim phải ngồi, đứng, đi ra sao… Sau thành công ban đầu, đến năm 1950 John Robert Powers xây dựng chương trình dành cho cả những người bình thường. Ông quan niệm, không phải chỉ người mẫu hay diễn viên, mà người bình thường cũng phải đẹp.
Trên hành trình tìm hiểu quy trình đào tạo người đẹp, tôi ghé qua chi nhánh trường John Robert Powers tại Việt Nam. Trong lúc nói chuyện, một giáo viên dạy trang điểm hỏi: “Em có biết trên gương mặt mình, đâu là điểm thu hút nhất, và đâu là điểm yếu không?” Dĩ nhiên là tôi ậm ừ, vì chưa bao giờ thật sự để tâm đến nó một cách nghiêm túc.
Anh giải thích, phương châm của những giáo viên ở đây là: chưa thay đổi hình dáng bên ngoài nếu chưa thay đổi được bên trong. Nên trước khi vào học chính thức, các học viên đều trải qua các môn tâm lý để khám phá bản thân mình, để hiểu tại sao mình cần phải đẹp, và để đạt được thành quả đó thì sẽ gian nan như thế nào. Và chỉ khi… cam kết muốn mình đẹp, những-người-muốn-đẹp mới chính thức trở thành học viên của quy trình đào tạo người đẹp.
Chương trình đào tạo có năm cấp độ. Học viên có thể lựa chọn một hoặc cả năm cấp độ tùy vào hiệu quả và sức “chịu đựng” (thời gian, học phí, đặc biệt là sự kiên trì, khổ luyện) của mình.
Một trong những lớp học sôi động nhất là lớp dạy tác phong thanh lịch. Mỗi lớp trung bình có 10 người, thì cả 10 đều miệt mài học… các tư thế đi, đứng, ngồi. Có thể nói trong suốt cuộc đời, để trở thành người đẹp, người ta phải trải qua hai lần học đi.
Lần đầu tiên là học “đi đúng”, và lần thứ hai là học “đi đẹp”. Đi với bước dài ra sao, tay đánh như thế nào; đứng dáng 2 giờ hay 10 giờ; ngồi kiểu nào trong khoảng… gần chục dáng ngồi chuẩn (tùy vào cơ thể, đối tượng, hoàn cảnh…).
Tất cả những yếu tố trên tưởng đơn giản, nhưng để thể hiện đúng là điều không dễ dàng. Ví dụ như để sửa dáng đứng lòng khòng, trung bình phải mất… ba tháng với tần suất luyện tập hai bận mỗi ngày. Bởi thế, trong mỗi lịch trình học, lý thuyết chỉ chiếm tối đa là 50%, còn lại là thời gian để thực hành, chưa kể việc “ôn bài” ở nhà đòi hỏi tính kiên trì và tự giác rất cao.
Có lẽ bạn cũng như tôi, bắt đầu tự hỏi, học để đẹp mà phải khổ công đến thế sao? Nhưng bước vào mới thấy, học – bất cứ điều gì – nếu thật sự “đến nơi đến chốn” cũng đều hao tổn tâm sức cả.
Ví dụ như nụ cười, ai cũng có thể cười. Bạn cho rằng để có nụ cười đẹp, chỉ cần bỏ ra vài ba triệu đi tẩy trắng, nắn hàm? Nhưng hẳn bạn sẽ bất ngờ khi biết rằng cười cũng có không ít kiểu, cười chữ I, cười chữ E, cười chữ A…
Nụ cười ở bên ngoài, nhưng bí quyết lại xuất phát từ bên trong. Cười không chỉ miệng mở ra, khẩu hình đúng, khoe hàm răng trắng… là đẹp, mà muốn có nụ cười đẹp, vai trò của cặp mắt chiếm 55%. Nghĩa là phải học cách cười từ trong trái tim. Cười hạnh phúc thì nụ cười sẽ rạng rỡ, kéo theo một gương mặt tỏa sáng.
Cứ như vậy, bất cứ điều gì: phục trang, kiểu tóc… cũng có hàng loạt nguyên tắc mà người ta phải ghi nhớ không khác gì khi học để nhận một văn bằng chứng chỉ nào đó.
Có một câu chuyện thú vị, là những ngày đầu tiên John Robert Powers mở ra đã bị… “ế” học viên. Đơn giản vì lúc đó nhà trường quảng cáo lớp học phát triển nhân cách, nên không nhận được sự quan tâm.
Sau khi quảng cáo thêm những chủ đề khác, trong đó có chủ đề về đào tạo người đẹp, lập tức lượng người đăng ký tăng vọt. Tôi thì cho rằng chẳng phải người ta không coi trọng nhân cách, nhưng đào tạo nhân cách có vẻ… “trừu tượng quá”.
Đào tạo người đẹp kết quả hiện hữu hơn, nên dễ thu hút sự quan tâm hơn. Chẳng thế mà chị bạn tôi, đang làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài, ngày trước cá tính và ngỗ nghịch như một cậu con trai, hè rồi về nước, bảo tôi: “Tìm cho chị lớp nào dạy trang điểm hiệu quả, phải học em ạ, “đánh đấm” không ra hồn chả dám ra đường”.
Lê Thị Ngọc Bích Giám đốc đại diện Baxter Healthcare (Asia), đang theo học quy trình đào tạo người đẹp “Thú thực là mình rất bận, nhưng phải sắp xếp thời gian. Để tham gia lớp này, mình phải lên kế hoạch đúng một tháng. Muốn đạt được điều gì mà cứ chần chừ thì không bao giờ đạt được, nên phải quyết định dứt khoát. Mình luôn tâm niệm một câu, tuy cũ nhưng không bao giờ sai cả: không có người phụ nữ xấu, chỉ có người phụ nữ không biết làm đẹp. Vẻ đẹp luôn có hai khía cạnh: vẻ đẹp bên ngoài và vẻ đẹp trong tâm hồn. Không có sẵn vẻ đẹp bên ngoài, nhưng biết chăm chút, được huấn luyện từ cử chỉ, lời nói, dáng đi sẽ giúp tôn vinh lên nét đẹp của người phụ nữ. Khi học, tự nhiên mình thấy có những chuyện rất đơn giản, quen thuộc trong đời sống, nhưng trước đây không chú ý. Ví dụ như nụ cười, nếu xuất phát từ trong tim, sẽ đẹp hơn rất nhiều. Nhiều người nói mình có cặp mắt đẹp, miệng đẹp, nhưng chưa bao giờ học trang điểm, nên không biết bộc lộ nét đẹp của mình. Hay trước đây nhiều người nói mình có dáng người cao nhưng đi hơi khòm. Giờ thì bạn thấy, mình đang có một dáng đứng và đi khá chuẩn, điều đó làm mình tự tin hơn rất nhiều”. |
Dương Thúy |