Đạo nhạc, đạo sắc “hay” hội chứng công nghệ

Xét về bản chất, thì việc cây bút trẻ Minh Vương “mượn” phần nền nhạc một bài hát Hàn Quốc để viết lời và giai điệu cho ca khúc “Mưa”, sau đó bị xem là “đạo nhạc”, bị tước giải thưởng và loại khỏi chương trình Bài hát Việt, với việc Hoa hậu Venezuela nhờ giải phẫu thẩm mỹ để hoàn thiện vòng 1, rồi đăng quang cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới 2008, liệu có khác gì nhau?

Sự chế biến, “mượn tạm” cái không phải của mình, biến nó thành của mình đã trở thành chuyện phổ biến trong thời đại cái gì cũng biến thành công nghệ, khiến đôi lúc, trong cơn say sưa thành quả công nghệ, người ta không kịp nhận ra và qui kết đủ thứ tội lỗi cho những ai chẳng may bị “chiếu sao quả tạ”.

Ca khúc “Mưa” đã được viết theo một “qui trình công nghệ” khá phổ biến trong giới nhạc trẻ hiện nay: viết giai điệu và ca từ trên nền nhạc phối (beat) có sẵn. Có thể dễ dàng tìm kiếm, download miễn phí hoặc mua bản quyền sử dụng những bản nhạc nền, các âm thanh mẫu (sound sample) hay các âm lặp (loop) đầy rẫy trên mạng internet, để chế tác ca khúc hoặc bản phối. Hoặc giả bỏ ra 25 USD đến 50 USD là có thể mua một bản phối mẫu cũng được bán công khai trên mạng.

Cách làm này khá đơn giản, công nghệ máy tính có thể giúp những người sáng tác nghiệp dư tự tạo cho mình một ca khúc với bản phối hoàn chỉnh. Có thể hình dung việc này giống việc một người không qua trường lớp thiết kế, có thể dùng bản vẽ khung nhà mẫu có sẵn, đưa thêm các chi tiết để thiết kế nhà mình vậy. Điều này cũng có nghĩa, với một kiểu khung, người ta có thể chế tác rất nhiều mẫu nhà, mẫu ca khúc có chung kiểu dáng, nhưng khác về chi tiết.

Đây thực sự là một trò chơi lý thú dành cho những người yêu thích âm nhạc. Và nếu chỉ là để chơi, thì nó hoàn toàn hợp pháp. Điều ấy cũng có nghĩa, những bản nhạc được viết kiểu này hoàn toàn không bị xem là “đạo nhạc”, khi nó sử dụng với mục đích phi thương mại, tức là chỉ để… hát cho nhau nghe, thay vì tham dự những cuộc thi giành giải thưởng như Bài hát Việt, hoặc ghi âm phát hành băng đĩa, biểu diễn thu tiền.

Trên thực tế, rất nhiều nhạc sĩ chuyên nghiệp cũng thích sử dụng công nghệ này cho sáng tác và phối khí của mình. Đơn giản vì nó… nhanh, chuẩn, đỡ mất công tư duy sáng tạo. Tất nhiên khi đó, họ sẽ chủ ý làm phần phối mới, tránh nền phối cũ càng xa càng tốt, và người nghe sẽ không thể nhận ra nguồn gốc sâu xa của tác phẩm.

Tuy nhiên, gậy ông nhiều khi lại đập lưng ông. Bởi với một nền phối gốc, như đã nói, có thể “chế” rất nhiều bản nhạc khác nhau, song không loại trừ khả năng có những phiên bản trùng nhau ở nhiều chi tiết, khiến chúng trông như anh em sinh đôi cùng trứng. Và thực tế thì, hầu hết nhạc sĩ tên tuổi trong giới hòa âm (là những người “chơi” với nhạc download nhiều nhất) khi kiêm vai trò sáng tác, cũng chính là những người bị nghi ngờ “đạo nhạc” nhiều nhất.

Trong giới nhạc, mọi người cũng thừa biết một vài tên tuổi sáng tác lão làng cũng có chuyện “xóa” hòa âm nền của bản nhạc gốc để “hát đè” bài hát của mình. Và chuyện này không chỉ xảy ra ở Việt Nam, khi công nghệ internet đã toàn cầu hóa công nghệ viết nhạc. Thế mới xảy ra chuyện cùng một bản nhạc, người ta đã tìm được mấy phiên bản ở cả Việt Nam, Thái Lan lẫn Lào (không chừng còn nhiều quốc gia khác nữa, nếu mất công tìm kiếm).

Cũng như “Mưa”, theo luật thì hầu như rất khó kết tội những tác phẩm được tạo nên theo kiểu này. Với những người viết nhạc nghiệp dư, đây xem như trò chơi, còn với những người viết nhạc chuyên nghiệp, đó là công nghệ sản xuất bài hát. Mà đã là sản xuất, đã là công nghệ, thì chuyện ra sản phẩm hàng loạt, theo mẫu được xem là bình thường.

Sống thời công nghệ, ở đâu cũng nói chuyện công nghệ, từ công nghệ luyện thi, công nghệ thi hát, công nghệ làm phim, đến công nghệ đào tạo hoa hậu… thì không nên giật mình với những chuyện như vậy.

Công nghệ sản xuất ca khúc đã tạo ra vô số tác phẩm và tác giả, khiến người ta không nhớ nổi tên. Một số trong đó trở thành “hit” nhanh chóng nhờ “giông giống” một số bản nhạc nổi tiếng nào đó. Một số khác thách đố, thậm chí treo thưởng hàng tỷ đồng cho ai tìm ra bằng chứng “đạo nhạc”.

Công nghệ thi hát đã đẻ ra hàng loạt chương trình có cùng “format” (khuôn mẫu) na ná, từ Sao Mai điểm hẹn qua Vietnam Idol, rồi Tiếng ca học đường, Ngôi sao tiếng hát truyền hình… Ban đầu hấp dẫn lắm, hoàn hảo lắm, nhưng chỉ sau vài mùa thi, Tuấn Khanh, một nhạc sĩ từng ngồi vị trí ban giám khảo của cả Sao Mai điểm hẹn lẫn Vietnam Idol phải kêu trời vì “format” làm khô cứng cả một sân chơi đòi hỏi nhiều sáng tạo tự do và ngẫu hứng.

Công nghệ phim truyền hình dài tập đã đẻ như nấm hàng loạt những phim bộ có những câu chuyện na ná, những tính cách na ná, được qui về mấy cái “chuẩn”: cảnh đẹp, diễn viên xinh, cốt truyện… Thái Lan hoặc Hàn Quốc. Làn gió mới nhanh chóng lôi cuốn khán giả, nhưng rồi cũng nhanh chóng mất “thiêng”.

Công nghệ hoa hậu thì quá rõ trong cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2008 vừa rồi. Lần đầu tiên người Việt được chiêm ngưỡng tận mắt vẻ đẹp “hoàn hảo” của các hoa hậu đến từ năm châu. Các người đẹp như được đúc ra từ một khuôn với những số đo ba vòng cực chuẩn (trừ hoa hậu Việt Nam!), khuôn mẫu từ dáng đứng, dáng đi đến nụ cười, thậm chí cả nước mắt, khuôn mẫu đến phát… nhàm!

Rồi hậu Hoa hậu Hoàn vũ, nhiều người lại ngán ngẩm thêm, khi biết rằng nhiều vòng “chuẩn” của các hoa hậu ở cuộc thi này đúng “chuẩn” thật, vì nó được lấy từ khuôn chuẩn của… phẫu thuật thẩm mỹ, kể cả Hoa hậu Hoàn vũ Dayana Mendoza. Nếu xem hình người đẹp này trước khi “tân trang”, có thể thấy rõ việc lọt vào vòng chung kết với cô cũng khó chứ chưa nói tới đoạt giải! “Sân chơi nhan sắc” Hoa hậu Hoàn vũ chấp nhận thí sinh đã qua giải phẫu thẩm mỹ nên Dayana không những không phạm qui, mà còn đăng quang, trong khi người mẫu H.A lại bị “phạm qui” vì lỗi tương tự trong cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2008 trước đó!

Sản phẩm công nghệ có cái hay như vậy, rất nhanh đạt “chuẩn” và đáp ứng kịp thời nhu cầu đám đông. Nhưng mặt trái của nó là sự khuôn mẫu, là “nhờ nhờ nhân ảnh” do thiếu cá tính riêng biệt, cũng nhanh chóng làm người ta chán vì… ngán.

Liên quan tới chuyện này, ai đã từng xem bộ phim hài “Pretty Woman”, không thể quên được “người đàn bà đẹp” đã hút hồn chàng triệu phú bằng vẻ đẹp tự nhiên, phá tung mọi khuôn mẫu trong thế giới đầy khuôn mẫu của các bậc trưởng giả như thế nào.

Thật ra, thế giới phương Tây, nơi đẻ ra sớm nhất các công nghệ, cũng là nơi đang chán ngán với những mặt trái của công nghệ. Giờ đây, những giá trị riêng biệt, không công nghệ, không hàng loạt mới là thứ được họ đề cao.
 

Bài Thủy Phạm – Ảnh: Trần Tiến Dũng


From the same category