Đào được 4,5 tấn vàng: Ai lợi, ai thiệt?

4,5 tấn vàng và 162 tỉ đồng

Mỏ vàng Bồng Miêu và Đăk Sa được người ta biết đến như một địa danh màu mỡ khi trong nó chứa không biết bao nhiêu tấn vàng, bạc. Chẳng thế mà không chỉ các đơn vị khai thác “bốc” được vàng mà ngay cả “vàng tặc” cũng “nhặt” được vàng ở đây.

Tại hai mỏ vàng được cho là lớn nhất Việt Nam này, chỉ riêng việc cấp phép liên doanh với nước ngoài tổ chức khai thác tại Quảng Nam, trong 8 năm khai thác con số đã lên tới hơn 4,564 tấn vàng và 1,6 tấn bạc khai thác được từ lòng đất cũng đáng để lưu ý.

Nhiều người đặt câu hỏi: Với hơn 4,564 tấn vàng được khai thác, chúng ta thu được bao nhiêu?.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Ngọc Quang, sản lượng vàng khai thác được tại Quảng Nam khi cấp giấy phép khai thác là xuất khẩu 100%. Thế nên, tỉnh chỉ thu được hơn 162 tỷ đồng tiền thuế tài nguyên và các nguồn thu nộp ngân sách khác do hai công ty khai thác này nộp.

Nhiều người cho rằng, với con số 4,5 tấn vàng và 162 tỉ đồng mà Quảng Nam thu được là khá chênh lệch.

Điều này từng được lý giải bởi Công ty vàng Bồng Miêu rằng dự án khai thác vàng Bồng Miêu có tổng vốn đầu tư đăng ký là 40 triệu USD. Trong số này, vốn góp của các nhà đầu tư là 3 triệu USD, bao gồm phía nước ngoài 2,4 triệu USD và phía Việt Nam là 600.000 USD.

Cũng vì xác định việc ăn chia trong hoạt động khai thác vàng Bồng Miêu, phía nước ngoài hưởng 80%, còn phía Việt Nam chỉ 20%. “Ngoài vốn pháp định do các bên góp; Công ty phải vay vốn để hoạt động. Việc vay vốn được phía nước ngoài thu xếp giúp. Vì vậy, doanh thu sau khi trừ chi phí, các khoản nộp ngân sách (thuế) và nợ vay, còn lại chia cho các bên theo tỷ lệ góp vốn. Bên nước ngoài khi chuyển lợi nhuận ra khỏi lãnh thổ Việt Nam sẽ phải nộp 5% thuế trên tổng số lợi nhuận chuyển ra.

Vàng – môi trường và máu

Vàng được khai thác, tiền được chảy vào tài khoản các doanh nghiệp còn môi trường Bồng Miêu thì ngày một xơ xác. Chẳng biết người dân ở nơi đây được hưởng từ tài nguyên đến đâu, song điều mà dễ nhận thấy nhất là cuộc sống của họ luôn bị nguy hiểm rình rập, sống trong ô nhiễm.

Các đợt kiểm tra của Chi cục Bảo vệ môi trường khu vực miền Trung và Tây nguyên và Sở TM-MT tỉnh Quảng Nam nhiều lần đã chứng minh nước thải tại khu vực khai thác vàng Bồng Miêu luôn vượt chuẩn. Trong nước thải, hầu hết các kim loại nặng đều vượt chuẩn, đặc biệt trong đó hàm lượng cyanua bằng 67,8 mg trên một lít, vượt TCVN 687 lần. Nước thải vào đập 1 hàm lượng cyanua cũng vượt TCVN 11,1 lần.

Vì vàng, môi trường ở Quảng Nam ngày càng ô nhiễm, những cánh rừng xẻ tan hoang và rồi máu cũng đổ xuống nơi đây.

Lịch sử đã ghi lại, từ năm 1858, ngay sau khi chiếm được Quảng Nam, Pháp làm ngay hai công trình là đào sông Câu Nhí và lập sở khai thác vàng Bồng Miêu. Để khai thác vàng, người Pháp đã mở một con đường rừng xuyên qua Dốc Dẻo để tiến tới Hầm Hô và Thác Trắng. Con đường hoàn thành năm 1895 cũng là khi đánh đổi nhiều mạng phu làm đường.

Tiếp đến, máu cũng đổ xuống chính nơi đất vàng từ những trận sập hầm do khai thác, do thanh toán lẫn nhau, tranh giành khu vực đào đãi và cả những vụ ăn chia không sòng phẳng.

Ở cái nơi “đất múc lên có vàng” này người ta vẫn thường đặt câu hỏi, liệu vàng có thực sự mang lại hạnh phúc cho chính những con người trên mảnh đất đó?

(Theo Đất Việt)


From the same category