Đạo đức của phấn son

Sự thật đau lòng đằng sau những thỏi son, hộp phấn

Phương pháp thí nghiệm trên động vật (animal testing) lần đầu tiên được áp dụng vào khoảng những năm 1930 – 1940 và vẫn tiếp tục được sử dụng cho đến ngày nay. Các thí nghiệm này nhằm đo lường, phán đoán sức ảnh hưởng của những thành phần hóa học trong mỹ phẩm lên cơ thể sống để có thể điều chỉnh thích hợp trước khi sản phẩm được chính thức tung ra thị trường.

thu-nghiem-my-pham-tren-dong-vat-7

Câu chuyện nghe có vẻ đơn giản nhưng đằng sau cái mác “vì sự an toàn của người tiêu dùng” lại là cuộc tàn sát ghê rợn đối với những sinh vật nhỏ bé tại phòng thí nghiệm: chúng bị cạo lông rồi chà xát các chất hóa học lên cơ thể, bị nhồi vào cổ họng lượng lớn sản phẩm, bị nhỏ hóa chất vào mắt, bị căng người hay banh miệng bằng những dụng cụ kim loại… Nghe thật khủng khiếp, song đó vẫn chưa phải là điều tệ nhất.

Tổ chức Cruelty Free Internaional ước tính có hơn 500.000 động vật bị đem ra làm thí nghiệm mỹ phẩm mỗi năm.

Những cuộc thử nghiệm này sẽ tiếp diễn cho đến khi dấu hiệu đầu tiên của việc bị kích ứng da, bị nhiễm độc hay tế bào ung thư xuất hiện trên cơ thể của sinh vật bị thí nghiệm. Đến đây, hẳn bạn đã hình dung ra sự đau đớn và tuyệt vọng của những chú thỏ, chú chuột bé nhỏ mà thường ngày bạn vẫn cưng nựng vì vẻ đáng yêu. Không có bất kì một liều thuốc mê hay giảm đau nào được sử dụng trong suốt quá trình thử nghiệm đó. Những con vật vô tội này phải chịu đựng sự đau đớn tột cùng khi cơ thể dần bị phá hoại, mắt mù, da bị bào mòn, nội tạng phản ứng lại với hóa chất cho đến chết. Theo ghi nhận của CFI (Cruelty Free International – Hiệp hội Nhân đạo Quốc tế), hàng năm, có hơn 500.000 sinh vật bị chết bởi những hoạt động thí nghiệm cho ngành công nghiệp mỹ phẩm.

Tất thảy chỉ để phục vụ cho việc hôm nay bạn bước ra đường với một diện mạo xinh đẹp lộng lẫy, môi tô son đậm, highlighter lấp lánh trên gò má, nước hoa tỏa hương trong mỗi bước chân. Những bài học về lòng nhân hậu bỗng trở nên vô nghĩa khi hàng tỷ người tiêu dùng của ngành công nghiệp mỹ phẩm nhắm mắt trước sự thật vô nhân tính này.

thu-nghiem-my-pham-tren-dong-vat-4
Hãy tìm kiếm logo hình chú thỏ để đảm bảo món mỹ phẩm bạn đang dùng không làm đau bất kỳ một con vật vô tội nào!

Nỗ lực không ngừng nghỉ

Năm 1980, tờ New York Times có một trang quảng cáo đả kích việc thử nghiệm trên động vật của ngành mỹ phẩm. Không giấu giếm hay mỉa mai, câu hỏi thẳng thắn mà quảng cáo này đặt ra là: “Có bao nhiêu chú thỏ bị làm mù mắt nhân danh cái đẹp?”. Ý thức về việc chấm dứt những hành động vô nhân đạo trong ngành công nghiệp làm đẹp đã có từ thời ấy. Cho đến nay, không ít các cuộc biểu tình trên thế giới đã diễn ra nhằm nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng và tạo sức ép lên ngành mỹ phẩm, bằng chứng là ngày càng nhiều thương hiệu làm đẹp đã quyết định nói không với việc thử nghiệm trên động vật.

80% các quốc gia trên thế giới vẫn hợp pháp hóa chuyện thử nghiệm trên động vật như Mỹ, Canada, Úc… Cá biệt là Trung Quốc với luật quy định mọi sản phẩm làm đẹp phải được thử nghiệm trên động vật trước khi sử dụng trên cơ thể con người.

Đầu tiên, có thể kể đến những hãng mỹ phẩm loại bỏ hoàn toàn phương pháp thử nghiệm dã man này và dán nhãn “cruelty-free” trên tất cả các sản phẩm của mình. Những thương hiệu “cruelty-free” sử dụng các thành phần không liên quan tới động vật hoặc không áp dụng những kết quả nghiên cứu trên động vật. Cho đến nay, đã có hơn 600 thương hiệu lớn nhỏ được in biểu tượng chú thỏ, mang lại nhiều lựa chọn nhân đạo hơn cho người tiêu dùng.

Sức mạnh thực sự của cuộc chiến bài trừ việc thí nghiệm trên động vật nằm ở những chiến dịch lớn từ các tổ chức nhân đạo và những thương hiệu làm đẹp thân thiện với môi trường như The Body Shop hay LUSH. Trong năm 2012, LUSH đã tái hiện một cuộc thí nghiệm kéo dài 10 tiếng đồng hồ tại cửa hàng trên phố Regent (London), áp dụng trên chính cơ thể con người. Hình ảnh khủng khiếp của những tình nguyện viên bị kéo banh miệng, bị cạo đầu, bị nhỏ mỹ phẩm vào mắt đã khiến người đi đường khiếp sợ và màn tái hiện này nhanh chóng trở thành một chủ đề sôi nổi trên các mạng xã hội.

thu-nghiem-my-pham-tren-dong-vat-2

The Body Shop cũng là một thương hiệu luôn đề cao những hành động thiết thực trong việc bảo vệ môi trường và quyền lợi động vật. Mới đây, hãng mỹ phẩm này đã phát động một chiến dịch toàn cầu nhằm bài trừ tuyệt đối những hành vi thử nghiệm hóa chất trên động vật. Cùng với động thái mạnh mẽ này từ những nhãn hàng độc lập, hoạt động bền bỉ của các tổ chức nhân đạo như CFI, PETA (Hiệp hội Bảo vệ động vật tại Mỹ)… đang góp phần nâng cao nhận thức chung và tạo sức ép hơn nữa lên các nhà sản xuất mỹ phẩm.

Dù chưa đạt được mục tiêu xóa sổ hành vi thí nghiệm trên động vật nhưng những nỗ lực này dần được đền đáp sau nhiều thập kỷ đấu tranh, bắt đầu bằng việc Anh ban hành lệnh cấm thí nghiệm trên cơ thể sống từ năm 1998. Đến năm 2013, toàn Châu Âu đã chính thức áp dụng lệnh cấm bán, nhập khẩu, tiến hành thử nghiệm những sản phẩm và thành phần hóa chất trên động vật.

Đương nhiên, câu chuyện này sẽ có thể được kể tiếp với một kết thúc có hậu nếu bạn cũng tham gia vào chiến dịch này. Hãy tìm kiếm dấu hiệu của những chú thỏ đáng yêu trên từng món mỹ phẩm bạn sắp mua, cùng kí tên vào những lá đơn kiến nghị bài trừ thử nghiệm trên động vật. Hãy để chuyện làm đẹp trở thành một niềm vui thay vì một hành vi tàn nhẫn!

thu-nghiem-my-pham-tren-dong-vat-6

thu-nghiem-my-pham-tren-dong-vat-5

thu-nghiem-my-pham-tren-dong-vat-3

 


From the same category