– Có những lúc mình đã đi nhanh để kịp với may mắn của mình. Tôi không phủ nhận rằng mình đã có được thành công với tốc độ của một quả tên lửa, nhưng cái gì cũng có hai mặt. Việc đến đích sớm quá đôi khi mang lại cho mình sự chủ quan vì thiếu những trải nghiệm đa chiều. Sau đó là cảm giác hoang mang khi chưa kịp chuẩn bị một kế hoạch dài hơi, chưa kịp tĩnh trí… “Muốn nhanh thì phải từ từ!”, câu nói đó đến với tôi vào đúng lúc tôi đang trong một cơn stress kéo dài cách đây chưa lâu (chính là “kỳ nghỉ đông” mới đây nhất). Một sự hiểu nhầm đã lấy đi êkip của tôi. Điều đó đã khiến tôi không vui, tôi thấy rất khó chịu, vì tôi ghét sự cô độc…
– Cảm giác đi lạc khỏi đội hình?
– Tôi cũng không biết tôi lạc khỏi họ hay họ lạc khỏi tôi nữa. Chỉ biết là hai bên bị mất tín hiệu, bỗng dưng không còn tìm được tiếng nói chung. Và đó thực sự là một cú sốc lớn đối với tôi bởi trước nay, tôi vốn rất tự hào về khả năng kết nối của mình. Tôi có đọc thấy một nghiên cứu chỉ ra rằng ở Mỹ, đối tượng tự tử cao nhất không phải là những kẻ bần cùng nghèo khổ mà lại chính là những người thành đạt, đơn giản chỉ vì họ không có thói quen và kinh nghiệm đối diện với thất bại. Có tin được là có những quãng tôi ở lì trong nhà suốt ba tháng trời không? Có những hôm đi như mộng du từ tầng 19 xuống tầng 1, rồi lại đi lên, lên rồi lại xuống. Có những thời điểm phải nói rất buồn cười, lơ nga lơ ngơ như kẻ mất hồn, cảm giác mình về hưu được rồi. Sao nhỉ, có lẽ đó là lúc mình đi tìm. Tìm lại chính mình và động lực làm việc mà mình đã bỏ quên đâu đó trong sự thành công…
– Thường thì những khi ngủ đông và đi tìm như thế, anh làm gì, ngoài việc bấm liên tục thang máy?
– Tôi đi bơi, ở cái bể bơi trên nóc nhà, rồi khi nằm phơi nắng thì mở phonebook tìm lại những số điện thoại đã lâu không gọi, những người bạn đã lâu bỏ quên họ vì guồng quay công việc. Cũng có lúc tôi tắt điện thoại. Có lúc lại quyết định đi nước ngoài xem show. Đi chơi, gặp gỡ nhiều người nhiều giới.
– Cảm giác mỗi lúc xem show ngoại về là gì? Có nản, vì nghĩ không có tiền thì đừng mơ công nghệ?
– Tôi đã từng có thời gian bị sốc, và thấy giấc mơ của mình tan ra như bong bóng xà phòng vì những thứ tôi được xem ở nước ngoài. Cảm giác đó làm tôi tê liệt mất vài tháng không muốn làm gì sau khi trở về Việt Nam. Nhưng cuối cùng, tôi ngộ ra một điều, nếu bạn làm việc ở đâu thì hãy làm tốt nhất công việc của mình ở đó, hãy là người tốt nhất. Không ai có thể sau một đêm mà có thể trở thành người khổng lồ cả.
Thị trường giải trí ở đâu cũng vậy, không thể đốt cháy giai đoạn. Nước ngoài, họ đã đi trước chúng ta một quãng đường dài. Bạn có biết cái bàn nâng những năm đầu tiên của thế kỷ trước họ làm bằng gì không: ròng rọc với tay đòn xoay bằng gỗ, dây thừng làm xích vận hành, và quay tay đấy, tại sao bây giờ họ lại thành cả một nền công nghiệp. Vậy hãy bình tĩnh. Nhà Phật có câu tôi thấy rất hay: Biết đủ là đủ! Sợ nhất là sống nhạt nhẽo, chả vì cái gì, chả sống cho ai, kể cả cho mình…
– Trong những cuộc “cưỡng hôn chưa từng có trong lịch sử” mà anh vừa thực hiện: Lê Cát Trọng Lý + Tùng Dương, Tuấn Ngọc + Nguyên Thảo,… anh thấy thú vị cuộc nào nhất?
– Nếu như phép cộng Dương + Lý là một món mù tạt xộc thẳng vào mũi làm người ta nhớ mãi, thì Nguyên Thảo + Tuấn Ngọc lại là một thứ bột rất mịn, mịn đến nỗi khi nếm nó, người ta chịu không biết nó được làm từ gì. Nó cũng giống như ly rượu vang mà người ta lắc mãi, ngửi mãi cũng chịu không biết nó có mùi gì, chỉ có thể nói: Ngon! Tôi khoái nhất là cặp Nguyên Thảo + Tuấn Ngọc cũng vì cái vị mịn không lý giải được ấy.
– Bằng những cuộc “cưỡng hôn” đó, anh có nghĩ anh đang làm một việc “phi pháp” nhưng có lý, giữa thời buổi mà làng nhạc Việt đầy rẫy những cái hợp pháp nhưng lại vô lý đến mức không thể ngửi?
– Cái gì cũng phải có duyên, về mặt bản chất mà nói! Có duyên quan trọng hơn có lý!
– “Về mặt bản chất mà nói”, anh thấy showbiz Việt hiện nay có “ngửi được”?
Showbiz Việt không phải là việc của tôi. Việc của tôi chỉ là làm cho tốt phần việc của mình, ngoài ra không có tham vọng cứu rỗi thế giới. Cái thế giới ấy tự nó sẽ tốt lên khi cùng lúc có nhiều người cùng nhau làm mỗi người một việc tốt (cho mình). Biết chuyện “mười ông uống rượu” chứ? Ông nào cũng nghĩ 9 thằng kia mang rượu đến là đủ, vậy mình mang nước lã, kết quả là cả bọn phải uống nước lã. Nhiều thứ ở mình kém đi, có khi cũng vì cái ý nghĩ mang rượu là việc của người khác…
(…)
Đón đọc bản phỏng vấn đầy đủ trên Tạp chí Đẹp số 151, ra ngày 5/8