Đạo diễn Việt kiều: Công và… tội

Phá vỡ thế độc tôn

Thời gian qua, làn sóng Việt kiều kéo nhau về nước ngày càng rầm rộ để…. “làm phim ngay kẻo lỡ” hơn là để “Cưới ngay kẻo lỡ”. Sự có mặt của các đạo diễn Việt kiều đã khiến sự cạnh tranh gia tăng. Các đạo diễn trong nước không còn thế độc tôn để nghĩ mình là số một nữa. Với sự xuất hiện của phim Việt kiều, có thể tạm chia điện ảnh Việt thành 4 dòng: phim nhà nước, phim tư nhân, phim Việt kiều và phim độc lập. Trong đó, ranh giới giữa phim tư nhân và phim Việt kiều nhiều khi không rõ bởi đa phần các tác phẩm của đạo diễn Việt kiều đều được tư nhân “chống lưng”. Tuy nhiên, mùi vị phim do các đạo diễn Việt từng sinh sống tại nước ngoài làm thì không lẫn vào đâu được.

Nếu như dòng phim độc lập mới chỉ được biết đến vài năm gần đây sau “Chơi vơi”, “Bi, đừng sợ” của Bùi Thạc Chuyên và Phan Đăng Di thì dòng phim Việt kiều (chủ yếu là do những người từng sống và học tập tại Mỹ, Canada làm) đã xuất hiện cả chục năm nay. Từ lạ lẫm, hoài nghi và dị ứng, nhiều khán giả đã dần chấp nhận dòng phim này. Và những cái tên “nửa Tây nửa ta” như Charlie Nguyễn, Victor Vũ đã bắt đầu trở nên quen thuộc.
 

Thế hệ đạo diễn Việt kiều đầu tiên về làm phim tại Việt Nam như Trần Anh Hùng (“Xích lô”, “Mùa hè chiều thẳng đứng”), Hồ Quang Minh (“Thời xa vắng”), Đoàn Minh Phượng (“Hạt mưa rơi bao lâu”), Nguyễn Võ Nghiêm Minh (“Mùa len trâu”), Lưu Huỳnh (“Áo lụa Hà Đông”, “Huyền thoại bất tử”)… đang dần nhường lại sân cho thế hệ tiếp theo với những cái tên mới như: Charlie Nguyễn (“Dòng máu anh hùng”, “Để Mai tính”, “Long Ruồi”, “Cưới ngay kẻo lỡ”), Victor Vũ (“Chuyện tình xa xứ”, “Giao lộ định mệnh”, “Cô dâu đại chiến”, “Thiên mệnh anh hùng”)…

Có một điều dễ nhận thấy là đa phần các đạo diễn Việt kiều thế hệ đầu tiên đều là những người đã đứng tuổi và họ thường chọn những chủ đề “già” hơn, “nghiêm” hơn. Hầu hết họ (đơn cử như Lưu Huỳnh, Nguyễn Võ Nghiêm Minh) đều đang sinh sống tại nước ngoài và chỉ trở lại Việt Nam khi có dự án phim mới (đa phần là phim nghệ thuật).

Nguyễn Võ Nghiêm Minh, một tiến sĩ vật lý tại Mỹ, sau bộ phim đầu tay thành công “Mùa len trâu” với vô số giải thưởng lớn tại các LHP quốc tế danh giá đã trở lại Việt Nam để làm bộ phim thứ hai mang tên “Khi yêu đừng quay đầu lại”. Tuy nhiên, lần này chính anh cũng không hài lòng về bộ phim do sức ép quá lớn từ nhà sản xuất tư nhân, khiến anh không được quyền quyết định hoàn toàn với đứa con của mình. “Khi yêu đừng quay đầu lại” do đó khi ra rạp đã bị khán giả “quay đầu” và thất bại về mặt doanh thu. Tuy nhiên, nó cũng mang đến một thay đổi cho diện mạo phim Việt mùa Tết vốn trước đó vắng bóng các đạo diễn Việt kiều.

Lưu Huỳnh sau “Áo lụa Hà Đông”, “Huyền thoại bất tử” cũng đang thực hiện dự án phim thứ 3 tại Việt Nam dự kiến sẽ ra mắt vào năm tới.   

Nếu như trước đây dòng phim Việt kiều thường đề cập đến những đề tài khó, khu biệt và mang đậm chất nghệ thuật (như “Thời xa vắng”, “Hạt mưa rơi bao lâu”, “Mùa len trâu”, “Áo lụa Hà Đông”, “Huyền thoại bất tử”… ) thì giờ đây trẻ trung và nhiều màu sắc hơn. Thế hệ đạo diễn Việt kiều thứ hai, chủ yếu là những người đã được đào tạo bài bản và sinh sống tại Mỹ trong một thời gian dài đã chọn cách trở lại Việt Nam định cư và làm phim lâu dài. Họ đa phần là những đạo diễn trẻ, tuổi đời trên dưới 40.

Lý do họ chọn trở về Việt Nam thì có nhiều. Ngoài “lòng yêu nước và muốn cống hiến nhiều hơn cho điện ảnh nước nhà” như nhiều người vẫn “đăng đàn” thì còn những lý do rất thiết thực khác. Thứ nhất, về Việt Nam họ sẽ có nhiều cơ hội làm phim. Nếu ở Mỹ thì có khi phải chờ đến…. già họ mới hy vọng được thuê làm một phim thương mại đầu tay. Trong khi đó, thị trường sản xuất phim Việt Nam đang bùng nổ mà lại thiếu những đạo diễn mới có tay nghề. Thứ hai, dòng phim giải trí đang khát những cái mới (khán giả đã quá ngán những mảng miếng rẻ tiền được mấy ông đạo diễn trong nước “xưa như Diễm” bày lên màn ảnh mỗi dịp Tết) và các đạo diễn trẻ từ nước ngoài trở về có thể giúp mang đến những dư vị mới.

Làm thay đổi quan niệm “mùa vụ”

Có thể nói, chưa khi nào điện ảnh nội lại đón nhiều tác phẩm của đạo diễn Việt kiều như thời gian qua. Những bộ phim giải trí ấn tượng của họ xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều đã thực sự làm thay đổi diện mạo phim Việt trước đó vốn chẳng có nhiều điều để tranh cãi ngoài chuyện thế nào là phim nhà nước, thế nào là phim tư nhân, thế nào là phim nghệ thuật và thế nào là phim giải trí. Dần dần người ta cũng quên luôn chuyện phải chuẩn bị tâm lý trước khi đi xem một bộ phim của đạo diễn Việt Kiều.

Nếu như thế hệ đạo diễn thứ nhất chủ yếu đi theo dòng phim nghệ thuật thì thế hệ đạo diễn thứ hai lại phát huy tay nghề ở dòng phim thương mại, giải trí. Charlie Nguyễn, từ một cái tên lạ hoắc đã dần định hình tên tuổi qua hàng loạt bộ phim từ thể loại võ thuật như “Dòng máu anh hùng” đến giải trí như “Để Mai tính”… Kể từ khi ra mắt khán giả Việt Nam cách đây 5 năm với “Dòng máu anh hùng”, Charlie Nguyễn năm nào cũng trình làng một tác phẩm mới (từ “Để Mai tính”, đến “Long Ruồi”, và mới đây là “Cưới ngay kẻo lỡ”). Các bộ phim này không chỉ “có nghề” mà còn rất ăn khách nữa.

 

Những cảnh quay trong phim “Cưới ngay kẻo lỡ”

Nếu như trước đó khán giả từng phải nhăn mặt với những bộ phim Việt kiều ngô nghê, khó hiểu như “Sài Gòn nhật thực”, hay thiếu thực tế như “14 ngày phép” thì loạt phim của Charlie Nguyễn đã hóa giải hầu hết sự bực mình của người xem. Không mang những câu thoại ngô nghê, không có những tình huống khó hiểu, phim của Charlie Nguyễn hấp dẫn, dễ xem và quan trọng hơn là khiến khán giả Việt cảm thấy đó thực sự là phim làm cho họ, đề cập đến những gì đang diễn ra xung quanh họ.

Không chỉ mang đến cái nhìn mới về dòng phim Việt kiều, phim của Charlie Nguyễn còn giúp thay đổi khái niệm mùa vụ đã tồn tại từ lâu. Trước đó các nhà sản xuất chỉ chăm chăm làm phim để chiếu Tết khiến chiếc bánh vốn đã nhỏ lại càng bị chia nhỏ hơn khi ai cũng muốn đưa phim ra rạp vào dịp Tết mà số lượng rạp thì lại quá khiêm tốn. Từ thực tế không thể chen chân được vào các rạp dịp Tết, Charlie Nguyễn đành phải đưa phim ra rạp vào “vụ xuân hè”, khi mùa phim Tết vừa qua mà mùa phim hè thì đang rập rình ập đến với một loạt bom tấn, bom tạ của Hollywood.

Và giải pháp này đã phát huy hiệu quả với “Dòng máu anh hùng”, “Để Mai tính”, “Cưới ngay kẻo lỡ”.  Với “Long Ruồi”, việc chọn thời điểm ra mắt vào cuối mùa hè 2011, khi các bộ phim kinh phí lớn của Mỹ đã rút khỏi rạp và phim Việt thì chưa xuất hiện, là một trong những lý do giúp bộ phim lập kỷ lục doanh thu trên 40 tỉ đồng – một con số gần như không tưởng, ngay cả với phim Tết. Không chỉ giúp thay đổi khẩu vị cho khán giả phim Việt, các bộ phim của Charlie Nguyễn còn chứng minh một điều rằng không phải phim Tết cũng vẫn thắng và phim nội vẫn có thể sống tốt ở bất cứ thời điểm nào ra rạp, miễn là hấp dẫn và được quảng bá tốt.

“Chạm” đến trái tim

Nói đến thế hệ đạo diễn Việt kiều thứ hai, không thể không nhắc đến một cái tên ăn khách khác là Victor Vũ. Kể từ bộ phim đầu tiên ra mắt khán giả Việt, “Chuyện tình xa xứ”, đạo diễn mới 36 tuổi này đã dần định dạng được tên tuổi của mình trong làng phim Việt với các dự án phim lớn liên tục được ra mắt. Hiếm đạo diễn nào mà phim nào ra cũng gây dư luận (bất kể chiều nào) như Vũ, từ “Giao lộ định mệnh” đến “Cô dâu đại chiến” và mới nhất là “Thiên mệnh anh hùng”.

Victor Vũ đặc biệt “nổi tiếng” sau nghi án “đạo phim” nhưng nhiều người từng xem cả “bản gốc” và “bản nhái” thì đều chung nhận xét rằng “Giao lộ định mệnh” là một bộ phim hấp dẫn, thậm chí còn hấp dẫn hơn nhiều so với bản phim gốc. Nhà biên kịch Thiên Đinh Phúc, thành viên BGK giải Cánh Diều năm 2011 sau buổi “xét xử” “Giao lộ định mệnh” vẫn giữ nhận xét rằng Victor Vũ là một đạo diễn có nghề.

Bất chấp những lùm xùm quanh tác phẩm điện ảnh thứ hai của mình, Victor Vũ vẫn được các nhà sản xuất phim lớn săn đón, mời mọc và giao cho những tác phẩm “đinh”, bởi họ biết Vũ là đạo diễn giỏi và biết tạo ra những bộ phim hấp dẫn. Sau “Giao lộ định mệnh”, Victor Vũ tái xuất với “Cô dâu đại chiến”, bộ phim Tết đã lập kỷ lục doanh thu mới với hơn 37 tỉ đồng. Và Tết vừa rồi, Victor Vũ lại ra mắt bộ phim thuộc loại võ thuật kỳ tình “Thiên mệnh anh hùng”. Không chỉ gây chú ý bởi kinh phí khủng lên đến 25 tỉ đồng, “Thiên mệnh anh hùng” còn gây ấn tượng về mặt hình ảnh, bối cảnh, âm thanh, võ thuật… Khó có thể tin một bộ phim võ thuật hoành tráng như vậy lại được thực hiện bởi một đạo diễn quá trẻ chưa từng thử nghiệm với thể loại này.

NSND Như Quỳnh – gương mặt gạo cội rất có duyên với các đạo diễn Việt kiều

Sau Charlie Nguyễn và Victor Vũ, hai đạo diễn Việt kiều được coi là đắt show và có giá nhất hiện nay, những gương mặt mới cũng đang trở về với các dự án phim thường xuyên hơn là Lê Văn Kiệt (“Ngôi nhà trong hẻm”) và Cường Ngô (“Ngọc Viễn Đông”). Cường Ngô sinh năm 1978, là Việt kiều Canada và có thế mạnh đặc biệt với thể loại phim ngắn. Chùm 7 phim ngắn mang tên “Ngọc Viễn Đông” của Cường mới ra mắt công chúng hồi tháng 3 vừa qua đã gây chú ý đặc biệt. Chùm phim thu hút sự tham gia của nhiều gương mặt diễn viên nổi tiếng của Việt Nam, được làm với ngôn ngữ rất riêng với lối kể chuyện lôi cuốn, những cảnh quay được trau chuốt từng ly từng tí và phần âm nhạc hấp dẫn. Đây có thể coi là món ăn lạ với công chúng Việt.

Gần đây nhất, “Chạm” của Nguyễn Đức Minh, một bộ phim đầu tay nhưng được làm rất có nghề với cảm nhận tinh tế cũng nhận được nhận xét tích cực từ báo giới và những người làm nghề. Thêm một bộ phim của đạo diễn Việt kiều Mỹ nữa chạm được đến trái tim của khán giả. Nhiều người nói rằng đã lâu lắm mới có một bộ phim khiến họ xúc động như vậy.

Tuy nhiên, không phải bộ phim nào của đạo diễn Việt kiều cũng “dễ nuốt”. “Ngôi nhà trong hẻm” của Lê Văn Kiệt, một cái tên còn xa lạ với khán giả Việt, là một ví dụ. Được PR rầm rộ trước khi ra mắt nhưng khi phim công chiếu, nhiều khán giả không khỏi ấm ức bởi những tình tiết vô lý trong phim, dù đã được rào trước đây là phim kinh dị. Thêm quả bực vì những câu thoại chướng tai cứ chen ngang như: “Em ok anh”, “Con bye bye mẹ”…. Xem xong đành phải tự “an ủi”: “Phim Việt kiều nó thế!”. Rất may, những bộ phim dạng này là thiểu số.

Có thể nói chưa khi nào phim của các đạo diễn Việt kiều lại ra mắt khán giả trong nước với tần suất dày đặc như thời gian gần đây. Trong khi các đạo diễn trong nước ì ạch với các dự án phim kéo dài từ năm này sang năm khác, lâu đến nỗi khán giả không còn nhớ tên họ thì các đạo diễn Việt kiều liên tục trình làng các dự án phim mới với đa dạng màu sắc. Có cái là “công”, có cái là “tội” – đã đành, nhưng rõ ràng “công” trội hơn!

Gần với “chuẩn” hơn

Ưu điểm nổi trội của các đạo diễn Việt kiều là có tay nghề. Đặc biệt với các đạo diễn đến từ Mỹ, nơi môi trường phim giải trí đã rất phát triển nên kỹ năng và cách suy nghĩ của họ về phim giải trí vì thế mà cũng gần hơn với chuẩn mực. Với thế mạnh đó, họ dễ dàng nhận được sự ủng hộ của các nhà sản xuất đang đi tìm cách làm phim mới để thu hút khán giả hơn. Thêm nữa, thị trường điện ảnh Việt Nam đang khá mở mà các đạo diễn thì hơi bị ít. Đạo diễn trong nước mỗi năm làm không nhiều phim mà khán giả ngày càng có nhu cầu xem phim Việt. Đạo diễn Việt kiều vì thế rõ ràng là nguồn bổ sung lớn cho lực lượng sáng tác.   

Đạo diễn Việt kiều, theo tôi, có thể chia thành hai dạng. Với những người làm phim đặt mục đích sáng tạo lên đầu, tưởng nhớ về quá khứ thì họ sẽ làm phim theo kiểu khác. Như trường hợp của Trần Anh Hùng, chẳng hạn. Hay như đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh sau bao năm tìm kiếm cơ hội làm phim cuối cùng cũng cho ra một bộ phim rất xúc động như “Mùa len trâu”. Khi làm phim với tâm thế đó thì sẽ khác, họ sẽ dồn tâm sức vào cho bộ phim. Khi về Việt Nam làm phim, họ mang theo tình yêu rất lớn, thậm chí còn phải đặt cược tài chính cho tác phẩm của mình. Do vậy những tác phẩm này luôn có sự mạnh mẽ, tinh thần độc lập và vì nghệ thuật trong đó. Còn sau này, làm phim rõ ràng là chuyện làm ăn rồi. Các đạo diễn về nước làm phim thương mại thì phải chấp nhận cuộc chơi và phải theo yêu cầu của nhà sản xuất, có khi phải hoàn thành quay một bộ phim trong vòng một tháng. Và không phải nhà sản xuất nào cũng chấp nhận bỏ tiền ra để đáp ứng mọi yêu cầu của đạo diễn. Cuối cùng thì ai cũng phải sống cả! (Đạo diễn, nhà sản xuất Phan Đăng Di)

Không bị “cầm tay chỉ việc”

“Đáng kể nhất ở các đạo diễn Việt kiều là trình độ chuyên môn. Thêm vào đó là được tạo điều kiện về kinh phí. Và nếu như “bệnh” của khá nhiều đạo diễn Việt Nam là thường thích áp đặt cái tôi của mình (hơi một tý là nhảy vào thị phạm, yêu cầu chị phải làm thế này, phải đứng chỗ kia…) thì các đạo diễn nước ngoài hay Việt kiều thường chọn cách ngồi lại, cùng bàn bạc để tìm ra giải pháp khiến diễn viên cảm thấy thoải mái nhất. Với diễn viên mới vào nghề, thì việc “cầm tay chỉ việc” có thể là điều cần thiết, nhưng với những diễn viên có nghề lâu năm, điều đó ít nhiều có thể làm hạn chế sự sáng tạo của họ…” (NSND Như Quỳnh)

Bài Hoàng Vy

 

Chuyên đề “Trở về”

Họ ra đi rồi trở về, mang theo những kiến thức, kinh nghiệm cọ xát, những ấp ủ và cả sự tự tin. Trong số họ có người mới chập chững, người thành công, và cả những kẻ thất bại. Cũng không sai khi nói rằng “đừng tưởng cứ Tây về là tốt”. Nhưng không có họ, chẳng phải không ít người vẫn mãi quẩn quanh tự hào trong cái ao nhà hay sao? 

Bài viết đã đăng:

>> Nhất Lý: ông-bản-sắc cao giá

>> Đạo diễn Việt kiều: Công và… tội

>> Devon Nguyễn và những mộng tưởng

Tổ chức chuyên đề: Vũ Thủy

 


From the same category