Đạo diễn “Ván bài lật ngửa”: “Ván bài cuộc đời” đã khép!

Lê Hoàng Hoa là người có sức cống hiến khủng khiếp, bỏ qua gần 20 năm sống ở Ba Lan, hầu như xa rời với điện ảnh, thì những ngày sống ở Việt Nam, anh đã để lại một sự nghiệp điện ảnh khổng lồ, là người có công phát hiện và lăng xe nhiều tên tuổi điện ảnh nổi tiếng mà Nguyễn Chánh Tín là một ví dụ điển hình. Lê Hoàng Hoa là đạo diễn điện ảnh thành công, điều đó chẳng còn phải bàn. Nhưng không phải ai cũng biết, cuộc đời Lê Hoàng Hoa là một cuộc đời đầy “chất điện ảnh” với đủ những bi kịch, cao trào, những bước ngoặt song hành cùng lịch sử mà không dễ kiếm trong một đời người bất kỳ nào đó.

Lê Hoàng Hoa và “Ván bài lật ngửa”

Đạo diễn Lê Hoàng Hoa

Lê Hoàng Hoa tên thật là Đoàn Lê Hoa, là người gốc Huế, sinh ra tại Nha Trang vào năm 1933. Thuở nhỏ, ông học tại trường Saint Pierre, lớn lên học trường Khải Định – Huế. Sau đó, nhờ thi đậu học bổng của International Cooperation Administratrion (ICA), ông sang Mỹ du học về điện ảnh, tại thành phố Clarkseville,, tiểu bang Georgia, rồi trở về Việt Nam, bắt đầu một sự nghiệp điện ảnh thành công rực rỡ.

Lúc nhỏ, Lê Hoàng Hoa không được ở gần bố mẹ. Mẹ ông đi làm xa, thỉnh thoảng mới về nhà. Nhà bên ngoại có nhiều người cậu nên khi mẹ đi làm xa, cứ gửi Lê Hoàng Hoa cho cậu nuôi. Lê Hoàng Hoa lớn lên trong gia đình nhà cậu, lúc nào cũng thấy nhớ mẹ. Do vậy, ông từng kể có lần xem Kim Cương diễn “Lá sầu riêng”, đoạn ru bé Sang ngủ: “Ầu ơi, trời mưa bong bóng phập phồng, mẹ đi lấy chồng con ở với ai”, ông đã nhớ đến tuổi thơ mình vì ông thèm hơi của mẹ lắm.

Mười mấy tuổi, Lê Hoàng Hoa mới được về ở với bố mẹ. Ông bà xưa nói hễ cái gì thiếu thì đời thường cho ta mơ. Không biết có phải lúc ấu thơ Lê Hoàng Hoa thiếu thốn tình thương nên trái tim ông lúc nào cũng đầy lãng mạn, yêu nhiều và chưa bao giờ Lê Hoàng Hoa mất đi nguồn sáng của sự lạc quan, dù có khi trước mắt là cuối đường hầm tăm tối mỗi khi thất bại về kinh tế, về gia cảnh.

Lê Hoàng Hoa yêu điện ảnh từ bé, từ thời Việt Nam còn cắt dán những đoạn phim rời chiếu câm trên tường cho người hiếu kỳ xem đỡ nghiền. Sau khi sang Mỹ du học về chuyên ngành điện ảnh, chàng trai Việt đã bị mê hoặc bởi nền điện ảnh Mỹ bằng những kiến thức mà ông đã học được về làm phim sau này trở thành kinh điển cho thế giới. Lê Hoàng Hoa là một trong số 25 người Việt Nam đầu tiên đặt chân đến nước Mỹ, theo như thống kê mà đại sứ Việt Nam ở Mỹ lúc bấy giờ mà cũng là bố vợ Ngô Đình Nhu thông báo, khi gửi vé may bay mời về tập trung.

Lê Hoàng Hoa về nước năm 25 tuổi. Lúc đầu, ông làm việc theo hợp đồng đã ký với ICA, đảm trách đạo diễn phim thời sự tài liệu ngoài miền Trung. 2 năm sau, vào năm 1960, khi hết hợp đồng với ICA, ông rời Huế vào Sài Gòn cộng tác với Trung tâm điện ảnh lúc bấy giờ vừa thành lập xong và thực hiện nhiều bộ phim nổi tiếng. Bộ phim gắn liền với tên tuổi Lê Hoàng Hoa là phim “Ván bài lật ngửa”, với diễn viên chính là Nguyễn Chánh Tín được chuyển thể từ bản thảo tiểu thuyết “Giữa biển giáo rừng gươm” của nhà văn Trần Bạch Đằng. Lê Hoàng Hoa đã sửa đổi khá nhiều chi tiết so với tiểu thuyết và đặt tên chính thức cho bộ phim là “Ván bài lật ngửa”. Bộ phim thành công tới mức sau đó, nhà văn Trần Bạch Đằng đã lấy nhan đề này đặt cho tiểu thuyết.

Bộ phim đó cũng là một trong những dấu mốc đáng nhớ trong cuộc đời Lê Hoàng Hoa. Trước đó, Lê Hoàng Hoa đang bị giam tại trại giam Bến Tranh, thuộc tỉnh Bến Tre, vì tội vượt biên. Lê Hoàng Hoa đã phải chịu một nỗi đau mất mát lớn khi vợ ông là Phương Hồng Loan và hai con trai Khôi – Nguyên mất tích trên biển sau một cơn bão lớn. Bị mất vợ con, mất sự nghiệp, rơi vào cảnh tù tội, cuộc đời Lê Hoàng Hoa tuyệt vọng hơn bao giờ hết.

Ở trong trại giam Bến Tranh, Lê Hoàng Hoa phải làm công việc đập đá khá vất vả. Nhưng sau 2 ngày đầu được đưa đi cải tạo thì bất ngờ, vị Thiếu tá công an trưởng trại giam hỏi ông có biết vẽ không, nếu biết thì thực hiện một bức tranh lớn treo tại hội trường trại giam vừa mới xây. Lê Hoàng Hoa đánh liều nhận lời vì chợt nghĩ dù sao công việc này vẫn “nhàn” hơn đập đá. Hơn tháng trời, bức tranh được hoàn tất. Cán bộ trại giam rất thích. Sau đó, ông trở thành “họa sĩ” bất đắc dĩ. Rồi bỗng một ngày, ông Tràn Bạch Đằng đã vào trại giam tìm Lê Hoàng Hoa và đề nghị Lê Hoàng Hoa làm bộ phim “Ván bài lật ngửa”, vì cho rằng chỉ có ông mới có thể am hiểu chính quyền Sài Gòn từ thời Ngô Đình Diệm.

Lê Hoàng Hoa đã chọn diễn viên Nguyễn Chánh Tín đóng vai chính Nguyễn Thành Luân. Nguyễn Chánh Tín lúc đó cũng đang bị giam, nhưng ông Trần Bạch Đằng đã chiều theo mọi nguyện vọng của Lê Hoàng Hoa. Không phụ niềm tin của ông Trần Bạch Đằng, Lê Hoàng Hoa và Nguyễn Chánh tín đã góp công lớn làm nên thành công rực rỡ của bộ phim “Ván bài lật ngửa”, đưa bộ phim này vào một trong những tác phẩm điện ảnh nổi tiếng của Việt Nam, đồng thời ghi một dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp của Lê Hoàng Hoa.

 

Với “Ván bài lật ngửa”, Lê Hoàng Hoa đã có nhiều kỷ niệm đẹp. Ông từng nói, bao năm trôi qua, đọng lại trong ông vẫn là cái tình, cái nghĩa với anh em đoàn phim, những người hợp lực làm nên bộ phim kinh điển cho điện ảnh Việt. “Tôi vẫn nhớ những bữa cơm trộn củ mì kham khổ. Lần quay tập 5 “Trời xanh qua kẽ lá”, cảnh tàu đổ quân vào đất liền ở Bến Tre, một quả đanh pháo nổ ngay sát chân diễn viên và cả đạo diễn làm bùn văng lên rất cao phủ xuống đầu toàn bộ nghệ sĩ. May mà không ai bị thương. Rồi những lần tôi cực kỳ căng thẳng khi thực hiện cảnh quay Nguyễn Thành Luân và Ngô Đình Nhu. Lâm Bình Chi (vào vai Ngô Đình Nhu) chỉ là anh chàng bán quần áo gần chợ Sài Gòn, vì ngoại hình anh ấy quá giống ông Nhu nên tôi mời, chứ anh ấy có biết đóng phim đâu! Nguyễn Chánh Tín không nói ra nhưng tôi biết, Tín buồn tôi khi tôi chọn anh này bởi những cảnh quay có “ông Nhu” phải kéo dài, mà lúc đó Tín còn phải đi hát kiếm cơm nữa, chứ cát-xê phim chẳng đáng là bao”.

Cuộc hôn nhân nhiều bi kịch với ca sĩ Phương Hồng Loan

Sự nghiệp điện ảnh của Lê Hoàng Hoa là một sự nghiệp đầy tự hào, được cả giới chuyên môn, người trong nghề và các khán gải điện ảnh công nhận, đặc biệt là sau bộ phim “Ván bài lật ngửa”. Nhưng “Ván bài lật ngửa” cũng là bộ phim đánh dấu quãng thời gian đau khổ nhất và chứng kiến sự vươn lên kiếm tìm hạnh phúc của Lê Hoàng Hoa.

Thời trẻ, đạo diễn Lê Hoàng Hoa đẹp trai, phong trần, lãng tử và tài giỏi là người có rất nhiều mối tình. Lê Hoàng Hoa từng tuyên bố, ông chỉ yêu con gái dưới 20 tuổi, vì với ông con gái trên 20 tuổi đã là quá già. Tuy đa tình nhưng Lê Hoàng Hoa cũng là người đàn ông rất nặng tình. Cuộc hôn nhân nhiều đau thương nhất của ông là cuộc hôn nhân với nữ ca sĩ xinh đẹp Phương Hồng Loan.

Trước khi gặp Phương Hồng Loan, Lê Hoàng Hoa đã trải qua một cuộc hôn nhân. Lê Hoàng Hoa hơn Phương Hồng Loan 20 tuổi. Họ gặp nhau tình cờ tại một đài truyền hình trước năm 1975. Ấn tượng của Lê Hoàng Hoa về Phương Hồng Loan là “một cô ca sĩ còn trẻ, rất trẻ, rất đẹp với đôi mắt thật to, suối tóc dài buông xõa qua bờ vai, trong chiếc áo dài raclan hở cổ màu hoa cà đang hát trước camera to cồng kềnh, vô cùng duyên dáng”. Nhan sắc đó đã khiến Lê Hoàng Hoa bần thần, càng bần thần hơn khi cô ca sĩ trẻ có đôi mắt rất to ấy tự giới thiệu mình là Phương Hồng Loan, 17 tuổi, mà trước đó từng là học trò của nhạc sĩ Nguyễn Đức.

Khi Phương Hồng Loan 13 tuổi, nhạc sĩ Nguyễn Đức đã đưa cô học trò đến gặp ông để đóng vai khán thính giả trong cảnh phòng trà ca nhạc của phim “11 giờ 30” do ông làm đạo diễn. Chờ Phương Hồng Loan từ phòng thu hình bước ra, Lê Hoàng Hoa đã chở Loan về nhà cô ở đường Cao Thắng, xin phép mẹ Loan đưa cô đi ăn trưa ở tiệm Ngân Đình ngoài bờ sông Sài Gòn. Ngồi một lúc, Phương Hồng Loan nhắc lại với Lê Hoàng Hoa một kỉ niệm hôm mình đóng vai khán thính giả 13 tuổi trong bộ phim “11 giờ 30” rằng: “Trước lúc quay, Jo Marcel hát bản Mộng dưới hoa, anh bế Loan lên, đặt ngồi trên cây đàn piano rồi xoa đầu Loan nói: “Cháu xinh quá, lớn lên chú sẽ cưới cháu làm vợ”.

Chẳng ngờ câu nói ấy thành sự thật, vì không lâu sau, Lê Hoàng Hoa làm lễ cưới ca sĩ Phương Hồng Loan tại khách sạn Caravelle, vào đêm 10/11/1970. Không khí của đêm đó thật là vui nhộn và thân mật. Một ca sĩ đã lên Micro hát bản “Năm anh 20, em mới sinh ra đời” của nhạc sĩ Y Vân để tặng cô dâu chú rể, vì đúng là Lê Hoàng Hoa hơn vợ đến 20 tuổi. Ca sĩ Phương Hồng Quế từng là học trò của nhạc sĩ Nguyễn Đức cùng thời với Phương Hồng Loan còn kể: “Kỷ niệm với anh Lê Hoàng Hoa thì vô số kể, càng nhắc lại thêm buồn. Những năm 1968, 1969, khi anh Hoa còn đang làm quen với Phương Hồng Loan, ngày ngày Quế chở Loan đi học thầy Nguyễn Đức trên chiếc Solex của mình, anh Hoa đều đi theo chụp hình 2 đứa thật nhiều để bỏ lên tờ Màn Ảnh, Kịch Ảnh mà anh cộng tác ngày đó. Gia đình ảnh người Huế, ba mẹ khó khăn lắm, vậy mà Phương Hồng Loan cũng chiều chuộng được, tất cả vì yêu anh Hoa. Đám cưới anh Hoa và Loan tổ chức trước đám cưới chị Thẩm Thúy Hằng 1 ngày, cùng một nơi, vui thật là vui”.

Nhưng bi kịch sớm rơi xuống cuộc hôn nhân đó. Sau khi miền Nam giải phóng năm 1975, Phương Hồng Loan đã quyết định tìm đường vượt biên sang Mỹ. Trong chuyến vượt biên đó, Phương Hồng Loan mang theo 2 con trai là Khôi và Nguyên. Chuyến vượt biên không thành vì tàu gặp bão giữa đại dương. Lê Hoàng Hoa nhận được tin dữ đã mất phương hướng một thời gian dài khi mất cùng một  lúc cả vợ và 2 con trai.

Khi “Ván  bài cuộc đời” khép lại!

Mất một thời gian dài tìm quên trong những cuộc tình, Lê Hoàng Hoa mới gắn bó với ca sĩ Trúc Quỳnh trong cuộc hôn nhân thứ ba. Những ai trong giới điện ảnh hẳn không xa lạ gì với “bộ đôi” Lê Hoàng Hoa – Trúc Quỳnh. Gu của Lê Hoàng Hoa là chỉ yêu gái trẻ, không ai không biết điều này. Người ta cũng nghiễm nhiên cho rằng, những cô gái trẻ từng đến với Lê Hoàng Hoa đều có một ý muốn: được ông lăng-xê làm diễn viên điện ảnh, việc trao đổi tình cảm chỉ là một sự “có qua, có lại” mà thôi. Ca sĩ Trúc Quỳnh là người hát ca khúc “Đêm đông” trong phim “Ván bài lật ngửa”. Năm đó Trúc Quỳnh 16 tuổi, Lê Hoàng Hoa đã 46. Khi ấy ông cặp kè với Trúc Quỳnh, một ca sĩ xinh đẹp chỉ vừa 16 tuổi, ai nấy đều nghĩ: “Thêm một cô gái trẻ nữa trong bộ sưu tập của Lê Hoàng Hoa”.

Thế nhưng vài năm sau, nhận được thiếp cưới của Lê Hoàng Hoa với tên cô dâu là Trúc Quỳnh, mọi người chưng hửng. Hóa ra họ yêu nhau thật và cưới nhau tử tế, không vui chơi, lợi dụng nhau như người ta nghĩ. Tuy nhiên, “dư luận quần chúng” vẫn không buông tha. Họ đi dự đám cưới vị đạo diễn 50 tuổi với cô dâu 20 tuổi rồi “cá” nhau: “Để xem anh chị sống với nhau được bao lâu”.

 

Không ai nghĩ Lê Hoàng Hoa và Trúc Quỳnh sẽ sống hạnh phúc, nhất là khi so sánh tuổi tác vợ chồng họ với nhau. Khi Lê Hoàng Hoa 70 tuổi, Trúc Quỳnh mới ở tuổi 40, tràn trề sức sống. Ấy là họ cho khoảng cách 20 năm chung sống rồi đấy. Chứ cứ rạch ròi như những gì nhìn thấy trong xã hội xem: Đàn ông vào tuổi 60 đã … tàn trận chiến rồi, trong khi phụ nữ 30 thì sinh lực tràn trề, khát khao yêu đương thật mạnh mẽ. Những người trong và ngoài giới điện ảnh âm thầm nghĩ rằng, rồi Lê Hoàng Hoa sẽ phải … trả giá những gì ông đã làm với các cô gái trẻ, rằng ông sẽ bị chính người vợ trẻ của mình ruồng bỏ.

Thế nhưng, vợ chồng Lê Hoàng Hoa đã có với nhau 1 cô con gái xinh đẹp và vẫn sống hạnh phúc bên nhau đến khi Lê Hoàng Hoa mất tháng 7 vừa rồi. Họ định cư ở Ba Lan và vẫn về Việt Nam tay trong tay, vui chơi ăn uống với bạn bè. Lê Hoàng Hoa thường tự nói, anh biết ơn Trúc Quỳnh vì Trúc Quỳnh là người mang đến cuộc sống mới cho anh. Hơn Trúc Quỳnh 30 tuổi, nhưng Lê Hoàng Hoa lại là người dựa vào Trúc Quỳnh chứ không phải Trúc Quỳnh dựa vào Lê Hoàng Hoa. Bên cạnh Trúc Quỳnh, Lê Hoàng Hoa luôn cư xử như một đưa trẻ.

Sau khi kết hôn, Trúc Quỳnh đã từ bỏ nghệ thuật vì Lê Hoàng Hoa. Đó là sự hi sinh với cho tình yêu với chồng. Bao nhiêu năm sau, bất chấp mọi nghi ngờ của dư luận, nhắc về người chỗng mỗi năm tóc lại bạc thêm đôi phần, da nhăn nheo thêm 3 phần, Trúc Quỳnh vẫn lấp lánh hạnh phúc trong đáy mắt. Lê Hoàng Hoa và Trúc Quỳnh có 1 cô con gái là Michelle Quỳnh Anh. Vì tình yêu với cô con gái duy nhất, hai vợ chồng Lê Hoàng Hoa đã sang Ba Lan sinh sống rồi cho con đi du học ở Anh. Đó lại là sự hi sinh lớn của Lê Hoàng Hoa, vì xa Việt Nam nghĩa là Lê Hoàng Hoa phải xa cách cả sự nghiệp điện ảnh của mình. Nhưng Lê Hoàng Hoa vẫn luôn nhớ đến điện ảnh theo một cách khác ở xứ người.

Có một người bạn của Lê Hoàng Hoa ở nước ngoài là Lê Hải viết khi Lê Hoàng Hoa mất: “Những câu chuyện làm phim luôn khiến anh say mê. Tôi học làm phim từ anh không phải bằng những bài học khô khan hay kiểu đàn anh lên giọng truyền đạt kinh nghiệm, mà là đem ra hai bản thảo kịch bản tôi vẫn liên tục chỉnh sửa để cùng anh bàn xem chọn góc quay thế nào, hướng đi của diễn viên ra sao. Đang đi dạo ở London, anh sẵn sàng hào hứng nép vào góc tường để mô tả chỗ đặt chân máy, hay rảo bước trèo luôn lên một chiếc xe buýt công cộng hai tầng vừa đến trạm gần đó mà kiểm tra một cảnh quay tôi muốn dựng để giảm chi phí thuê xe nhưng lại sợ thiếu ánh sáng và tạp âm.

Ngôi nhà của anh ở Warszawa có một góc làm việc riêng biệt được bố trí hệ thống máy edit phim luôn nâng cấp và cập nhật. Điện thoại của anh luôn dành thời gian nhiều nhất cho con gái trong thời gian du học, và nơi trang trọng nhất của phòng khách luôn là những bức trang của Michelle vẽ từ khi còn bé. Toàn bộ thời gian và tâm trí còn lại, tất nhiên, luôn được anh dành cho chị Trúc Quỳnh, người vợ đảm đang luôn sẵn sàng tạm gác việc làm ăn quan trọng để chỉ đơn giản là đứng bên cạnh chồng tiếp khách. Nếu gặp anh ở Ba Lan, người ta sẽ thấy ngay hình ảnh một con người không phải đến từ đây, của thời đại này, càng không giống với những người đồng hương Việt Nam của anh đang mưu sinh trên mảnh đất này. Nơi đó, Lê Hoàng Hoa luôn cô đơn trong thế giới điện ảnh truyền hình mà anh đã tạo ra và mãi mãi thuộc về nó”.

Lê Hoàng Hoa sang Ba Lan sinh sống từ năm 1995. Anh nhiều lần trở về Việt Nam, lần để thăm bạn bè, cũng có lần ấp ủ dự định làm phim. Mỗi lần về Việt Nam, Lê Hoàng Hoa đều trở về văn phòng của mình ở Sài Gòn. Cả ngôi nhà của anh ở Sài Gòn anh đã cho thuê khi sang Ba Lan định cư, nhưng vẫn cương quyết giữ lại một căn phòng để ở mỗi khi trở về.

Lần trở về Việt Nam trước khi mất, Lê Hoàng Hoa ấp ủ thực hiện một bộ phim mới. Phim đã có kịch bản xong xuôi, đã chọn diễn viên, chọn cảnh quay, chỉ chờ ngày bấm máy, thì anh ra đi. Đám tang của Lê Hoàng Hoa có con cái, có bạn bè nghệ sĩ, có những người anh em yêu quý anh, chỉ tiếc là không có vợ anh, vì vợ anh cũng đang lâm bệnh nặng và không thể về Việt Nam chịu tang chồng. Tiếc là “ván bài cuộc đời” của anh đã kết thúc, khi chưa kịp “chơi” nốt “ván bài” cuối cùng của cuộc đời điện ảnh của mình.

Huân Ca (theo Đang yêu)


From the same category