Trong những ngày này, anh cùng ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và cả ê kíp đang tất bật chuẩn bị cho liveshow “Sài Gòn Bolero và Hưng”, nhưng vẫn dành thời gian trò chuyện với TTVH & Đàn Ông về thử thách cho lần trở lại này sau thành công của “Thương hoài ngàn năm 2” cách cây hơn 10 năm.
Trả Bolero về đúng bản chất của Bolero
– Liveshow “Sài Gòn Bolero và Hưng” sắp tới có ý nghĩa như thế nào đối với anh? Kỳ vọng của anh trong liveshow này là gì?
– Tôi kỳ vọng liveshow “Sài Gòn Bolero và Hưng” sẽ tiếp tục là một thành công về mặt nghệ thuật lẫn doanh thu.
Có thể nói liveshow này là đối ứng của “Thương hoài ngàn năm 2” cách đây hơn 10 năm. Với liveshow “Thương hoài ngàn năm 2”, Hưng đã khoác lên Bolero một chiếc áo mới, với những bản hòa âm trẻ trung, đặc sắc. Đặc biệt, lần đầu tiên một dàn nhạc giao hưởng gồm 60 nhạc công và dàn hợp xướng 40 người đã đem đến những tiết mục Bolero vô cùng hoành tráng. Còn với “Sài Gòn Bolero và Hưng” sắp tới, tôi muốn trả lại cho Bolero đúng chất của nó, mang Bolero trở lại trong không gian Sài Gòn xưa của những năm 1960.
Qua đó, những khán thính giả 7x, 8x đam mê Bolero có thể nhìn thấy những ký ức của mình trong những khung cảnh Sài Gòn xưa và lắng đọng tình cảm với các ca khúc Bolero. Còn khán giả trẻ cũng sẽ hiểu hơn về một thời quá khứ vàng son hào nhoáng của Sài Gòn và dòng nhạc Bolero.
– Việc tái hiện không gian Sài Gòn xưa để làm hình ảnh minh họa cho một đêm nhạc thật sự không mới. Anh sẽ “hóa phép” cho show nhạc Bolero sắp tới của Mr. Đàm như thế nào để thật sự ấn tượng và giàu cảm xúc về cả phần nghe lẫn phần nhìn?
– Tôi muốn biến sân khấu thành không gian rất chân thật, rất “đời” để những khán giả lớn tuổi hoài niệm về một Sài Gòn xưa. Những ca khúc như “Kỷ niệm xa bay”, “Ga chiều phố nhỏ”… sẽ được tăng thêm cảm xúc trong một góc phố Sài Gòn cổ điển với xe hủ tiếu gõ, quán cà phê. Khán giả cũng sẽ tìm thấy những nét đặc trưng của Sài Gòn xưa, với phong trào Hippie hay những nhóm hát Bolero đường phố… Không gian cũng sẽ trải dài lên tới Đà Lạt với sân ga – nơi diễn ra những cuộc hội ngộ, đưa tiễn.
Điểm nhấn cuối cùng của “Sài Gòn Bolero và Hưng” là Hưng. Tôi muốn kể cho khán giả câu chuyện: Hưng – Một con người của thế giới ngông cuồng đi tìm lại Bolero và làm sống lại Bolero, mang đến hơi thở của người trẻ. Ở phần này, sân khấu mang tính chất hiện đại, và nhạc phối cũng khác lạ, mới mẻ hơn.
– Làm liveshow Bolero tiền tỷ liệu có sợ lỗ, nhất là khi “menu giải trí” thời buổi này có quá nhiều gameshow về Bolero bùng nổ và miễn phí trên TV?
– Quả thật là hiện nay khán giả được “cho không biếu không” quá nhiều chương trình giải trí, thậm chí ở nhà mở máy lạnh còn coi không kịp các chương trình trên TV. Nhưng tôi vẫn có niềm tin rằng khi một nghệ sĩ làm liveshow với một ê-kíp đàng hoàng, đầu tư và tổ chức chỉn chu thì fan vẫn sẵn sàng bỏ tiền mua vé, vì họ biết rằng thời gian và chi phí mà mình bỏ ra để đi xem liveshow là hoàn toàn xứng đáng.
Tôi khẳng định Đàm Vĩnh Hưng không phải là đối tượng làm show để lỗ! Liveshow của Hưng đã trở thành một thương hiệu. Tôi không ngại nói rằng tình hình bán vé của liveshow “Sài Gòn Bolero và Hưng” hiện tại rất khả quan, thậm chí vé VIP cũng đã được các fan mua hết.
Cuộc sống nhẹ nhàng, tinh thần thoải mái khi làm đạo diễn
– Điều gì khiến anh quyết định theo đuổi đam mê và trở thành đạo diễn các chương trình âm nhạc? Nghề đạo diễn mang đến những thay đổi gì trong cuộc sống của anh?
– Ngày xưa, tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ làm việc trong showbiz! Tôi học Kinh tế và làm việc trong ngành ngân hàng từ 1993-2003 và cũng từng tham gia tổ chức nhiều sự kiện nội bộ. Năm 2003, lần đầu tiên tôi đứng ra làm đạo diễn chương trình kỷ niệm 10 năm thành lập ngân hàng, và có được một kỷ niệm vui là có một bài báo đã viết rằng sự kiện do tôi tổ chức đã làm cho bản hit “Vùng trời bình yên” “bay” trên sân khấu Lan Anh, bởi lúc đó tôi đã dàn dựng cho Đàm Vĩnh Hưng và Hồng Ngọc bay trên sân khấu.
Hưng từng nói cảm thấy đáng tiếc nếu tôi không làm đạo diễn ca nhạc. Sau đó, chính Hưng giới thiệu tôi với Hồng Ngọc và thực hiện liveshow “Em về” (2007) cho Ngọc với vai trò đạo diễn còn Hưng làm nhà sản xuất. Cho đến giờ tôi vẫn không quên cảm giác lần đầu tiên ngồi trong buổi họp báo ra mắt liveshow. Bạn không tưởng tượng được đâu, lúc đó tôi hồi hộp đến nỗi hai hàm như bị đông cứng lại, không thể mở miệng trả lời báo chí được (cười).
Cho đến nay, công việc đạo diễn sân khấu mang đến cho tôi rất nhiều trải nghiệm và cảm xúc. Từ khi làm nghề này, tôi cảm thấy tinh thần trẻ hơn, cuộc sống nhẹ nhàng hơn, mặc dù áp lực công việc so với công việc của tôi trong ngành ngân hàng chỉ có ngang bằng chứ không kém. Tôi trân quý những tình cảm mà tổ nghiệp và đồng nghiệp ưu ái cho mình!
– Nếu nói về một liveshow hoặc một chương trình ca nhạc để lại trong anh nhiều cảm xúc nhất trong sự nghiệp của mình tính đến hiện nay, thì đó sẽ là liveshow/chương trình nào?
– Đối với tôi, liveshow đong đầy cảm xúc nhất là liveshow “Người tình” của Đàm Vĩnh Hưng vào năm 2008. Đó cũng là dấu mốc lớn trong sự nghiệp của tôi, nhờ đó tôi nhận được Giải Mai vàng và giải Cống hiến cũng như tên tuổi cá nhân được công nhận nhiều hơn.
– Làm đạo diễn cho liveshow của một nghệ sĩ là bạn bè thân thiết có gì dễ dàng và thách thức hơn, thưa anh? Khi nhận lời đạo diễn cho một ca sĩ “ruột” từng hợp tác với nhau nhiều lần, anh có sợ bị lặp lại chính mình?
– Cộng tác cùng ca sĩ thân quen có được cái thuận lợi là hai bên đều có sự thấu hiểu nhất định trong công việc. Nhưng thử thách thì cũng nhiều không kém.
Đơn cử là với Đàm Vĩnh Hưng, khi làm việc chung, tôi và Hưng “cãi lộn” với nhau hoài! Tính Hưng “tham” hát, nên tôi là người cầm trịch phần biên tập chương trình. Tôi và Hưng thường hay tranh “cãi” về bài hát. Tuy nhiên, tôi và Hưng hiểu ý nhau đến mức nếu tôi đưa ra một đạo cụ trên sân khấu, Hưng biết sẽ diễn như thế nào với chúng. Bọn tôi cực kỳ hợp nhau trong công việc, mặc dù ít khi đi chơi chung.
Nói như thế không có nghĩa là tôi không có áp lực khi làm show với Hưng. Làm sao để chương trình mới hay hơn chương trình cũ, làm sao để vượt qua giới hạn chính mình để mang đến những sáng tạo, những điều thú vị cho khán giả là một áp lực!
– Công việc của một đạo diễn vừa cần phải phiêu trong cảm hứng sáng tạo, vừa cần phải tỉnh táo để “tính toán” đến đại cục và tính thương mại của chương trình. Giữa cảm xúc và lý trí, yếu tố nào sẽ tác động và chi phối nhiều hơn khi anh làm nghề?
– Với các sự kiện đơn thuần thì tính nghệ thuật chỉ là một vài khoảnh khắc, đòi hỏi mình phải bỏ ra chi phí làm cho tới nơi tới chốn. Còn liveshow nghệ sĩ, thì tiền không phải là vấn đề chính. Nhưng khi làm việc với họ, về tình và lý, tôi đều phải đắn đo cân nhắc trước khi quyết định đầu tư cho một tiết mục nào đó trong chương trình.
Tôi cần cảm xúc để dàn dựng sân khấu và biến những ý tưởng thành hiện thực. Nhưng vì cũng là dân kinh doanh nên bao giờ cũng cân nhắc đến yếu tố thương mại trong một liveshow. Nếu cần đầu tư 300-400 triệu đồng cho một tiết mục, tôi luôn đau đầu nghĩ xem mình xài đúng và đáng chưa? Nhiều khi đẹp, nhưng vì một phút “phiêu” như vậy mà tốn một đống tiền có đáng không?
Tóm lại, mục tiêu của tôi là sử dụng tài chính dàn dựng liveshow phải đáng, tức là phải mang đến hiệu quả.
– Sau liveshow của Đàm Vĩnh Hưng, dự án tiếp theo của anh là gì?
Liveshow của Hưng là liveshow ca sĩ duy nhất mà tôi thực hiện trong năm nay. Từ nay đến cuối năm, tôi còn nhiều dự án khác, tuy nhiên bây giờ thì chưa thể tiết lộ được. Xem như tôi còn “nợ” TTVH & Đàn Ông một câu hỏi, khi nào có dịp tôi sẽ bật mí sau nhé! (cười).