Đạo diễn Trần Lực: “Làm gì thì làm, đừng để như bố, không hay!” - Tạp chí Đẹp

Đạo diễn Trần Lực: “Làm gì thì làm, đừng để như bố, không hay!”

Giải Trí
Lại cũng chả ai làm bố sướng như Trần Lực, khi mà ở vào tầm tuổi anh, nhiều phụ huynh phải ‘ngậm ngùi’ nhìn ‘từng đàn con bay đi’, chuồi dần ra khỏi vòng tay mình, thì nhà anh hiện vẫn còn 3 con ‘đỗ lại’, khiến cho đời làm bố của anh luôn được sống trong tiếng cười trẻ thơ và những ánh mắt háo hức mong chờ ‘bố ơi mình đi đâu’… Âu cũng là cái nhẽ sướng – khổ của một đời ‘đào hoa’!

“Thôi chết rồi, trẻ con nhà này khéo không được dạy…”

– Đã bao giờ là khó khăn với anh chưa, khi cùng lúc phải “phân thân” làm hai ông bố: một bên là cần “nghiêm trọng hóa” với anh con giai lớn, bên lại phải “cưa sừng làm nghé” với lũ nhóc tì? 

– Không, tôi chả bao giờ dạy con theo kiểu “nghiêm trọng hóa” cả. Cũng chưa bao giờ quan niệm đó là dạy. Tôi chơi với con thì đúng hơn. Mà đã chơi thì chỉ cần đóng một vai duy nhất: làm bạn của con. Nhưng cũng phải “đóng” cho thật lòng, chứ trẻ con chúng nó tinh lắm đấy, từ đứa lớn đến đứa bé. Mình hiểu nó 1, nó hiểu mình 10. Con không hiểu bố thì ai!

– Thường thì khó mà tránh khỏi những tổn thương tâm lý cho trẻ trong cái sự “con riêng, con chung”, “cùng cha khác mẹ” hay “cùng mẹ khác cha”… Nhưng có thể, anh dễ xoay trở hơn nhà người ta một chút là câu chuyện đó diễn ra khi cậu con riêng của anh đã đủ khôn ngoan để nhận biết?

– Khôn là phải, vì bằng tuổi cậu ấy, tôi đã từng làm bố chứ ít đâu! (cười). Nhưng thực ra, trong nhà tôi, khó ai dằn dỗi được ai lắm, vì về cơ bản, chúng ta đang chơi với nhau cơ mà! Tất tần tật, già trẻ lớn bé đều cùng là bạn. Thế nên người ngoài, khi nghe bố con tôi thoại với nhau, có khi không hiểu, bảo thầm: “Thôi chết rồi, trẻ con nhà này khéo không được dạy!” (cười). Vì toàn những câu “khó nuốt” thế này đây: “Con ghét bố”, “Con không yêu bố”, “Ôi cái ông bố dở hơi này!”… Đấy, cái ông Bờm ông í chuyên trị gọi bố ông như thế đấy! Ông ấy là chúa thích trêu bố, chuyên gia vặn vẹo các kiểu, soi mói đủ thứ. Con nhà người ta, bố nói đúng rồi thì thôi, đi chỗ khác chơi, đây chú ấy là cứ phải vòng vo tam quốc một chặp, ra môn ra khoai theo “bảng điểm” của ông ấy, thì lão bố mới được tha, cho đi làm việc khác. Không xong thì đừng hòng. 

Cái kiểu “dân chủ” đó là tôi học ông cụ nhà tôi đấy (Đạo diễn, soạn giả, nhà nghiên cứu chèo, GS. NSND Trần Bảng – PV), ảnh hưởng nhiều là khác. Chả thế mà bọn trẻ nhà tôi, chúng nó thân nhau lắm. Mẹ nào chẳng là mẹ, con nào chẳng là con! Để ý một tí mà thu xếp cho khéo (cái này anh đàn ông phải là chính nhé!), thì chẳng có lằn ranh nào len vào được cả, nhất lại là chỗ máu mủ tình thâm. Chưa kể, còn hẳn hoi là đồng nghiệp… (con trai lớn của Trần Lực cũng theo nghề đạo diễn giống bố – PV).

“Hồi trẻ, lúc mới làm bố lần đầu, thì nghĩ: Con mình là nhất, rồi mình là… thứ nhì. Giờ thì, vẫn con mình là nhất, nhưng chắc mình là… thứ 10, hay thứ n nào đấy, còn ở giữa là ai thì… không biết”

– Có lần tôi được mời cơm ở nhà anh, chắc anh không nhớ. Nhưng tôi thì tôi nhớ như in, nam diễn viên một thời tôi yêu thích khi về tới nhà, việc đầu tiên là ôm lấy chú chó Fox và tuyệt đối không làm gì cho tới giờ cơm. Nói thật nhé, trông anh lúc ấy rất đáng yêu, nhưng tôi lại thấy hơi thất vọng. Những người trông hiền hiền, chính ra lại thường rất gia trưởng thì phải?

– Chẳng phải. Mà vì, nếu chị xem “Bố ơi mình đi đâu thế”, chắc chị cũng biết, tôi vốn chẳng thạo nấu nướng, mà nấu không ngon thì lăn vào bếp làm gì, khổ cả nhà ra. Trừ khi không biết trông vào đâu, thì mới đành phải tự rang cơm, nấu mì vậy. Được cái ở nhà tôi, trước giờ, cái sự ăn uống nó đơn giản lắm. Ai đói, thì cứ ăn trước, khỏi phải chờ. Nhiều nhà cấm tiệt trẻ con cầm đũa trước khi người lớn ngồi vào mâm, vì cho đấy là hỗn. Nếu thế thì trẻ con nhà tôi “hỗn” lắm. Vì tôi (cũng như ông cụ nhà tôi) luôn quan niệm, ăn, muốn ngon, trước nhất là phải thoải mái, và ăn ngon nhất, chính là cái lúc đang đói. Chứ cứ ngồi dài cổ chờ nhau, thành quá bữa ra, mất cả sự ngon. 

Nhà tôi, thì được cái bình đẳng. Con giai đến tuổi biết tí bia, tí rượu, bố anh ấy cũng chả cấm. Chả cấm bao giờ. Nên thường ra, mỗi khi có chuyện muốn ngồi riêng với bố, anh ấy lại nhắn chiu chiu vào máy bố: “Bố, đi uống bia với con, buôn tí!”, hoặc không thì gã bố cũng gạ: “Nào, nhạt miệng chưa, ông anh, lên đây làm vại bia với bố!”…


“Lắm vợ, là sống cùng lúc với nhiều bà. Đây, tôi… lần lượt đấy chứ! (cười)”

“Giờ, con vẫn là nhất, nhưng mình là thứ 10”

– Cái cuộc “chén anh chén chú” ấy, dễ là trao đổi kinh nghiệm “chém cha cái kiếp đào hoa” lắm đấy nhỉ? Có dấu hiệu cho thấy “hậu sinh khả úy” chưa anh?

– Ôi giời ơi, ông này ông ấy ghê lắm, 26 tuổi chả yêu đương bét nhè ra rồi ấy chứ! (cười). Nhưng thôi, đó là việc riêng của cậu ấy, lớn rồi. Hay dở thế nào, tự chịu. Yêu thì ai mà làm hộ được.

Việc cưới xin hiện tại thì chưa thấy xảy ra, chắc cũng mới chỉ tình yêu tình báo linh tinh tí thôi. Nên, nếu có nhắc nhở nhau tí chút gọi là, thì cũng chỉ “ngượng nghịu” bảo: “Anh làm gì thì làm, đừng để như bố, không hay!”

– Bố chả “hay” thế còn gì: Trong lúc tầm tuổi anh, khối phụ huynh xót của ngồi nhìn “từng đàn con bay đi”, thì trong nhà ăn, vẫn còn đầy “của ăn của để”: nào Bông nào Bờm nào Bách… (tên ở nhà của lũ nhóc – PV)!

– Đúng rồi, một may mắn đấy! Cuộc sống có trẻ con, nhất là vào tầm này, thấy mình trẻ ra nhiều lắm, yêu đời hẳn ra. Cảnh nhà, nhờ thế, lúc nào cũng đủ đầy, ấm cúng, vào nhà thấy trẻ con tung tăng tung ta, nhấp nha nhấp nhính, thích ơi là thích! Đi đâu chỉ muốn về nhà, dù về nhà chúng nó lại hỏi: “Bố ơi mình đi đâu”, khổ thế (cười). Hồi trẻ, lúc mới làm bố lần đầu, thì nghĩ: Con mình là nhất, rồi mình là… thứ nhì. Giờ thì, vẫn con mình là nhất, nhưng chắc mình là… thứ 10, hay thứ n nào đấy, còn ở giữa là ai thì… không biết (cười).

– Nhưng con dại mà mình thì đã luống tuổi. Có bao giờ vì thế mà anh cảm thấy dậy lòng lo lắng nỗi đường dài xa ngái, rằng “con ơi mình đi đâu” không?

– Không, chả bao giờ. Cuộc sống vốn dĩ nó là thế mà, sẽ luôn như thế: Trong vui có lo, và muốn vui thì phải chấp nhận. Lo thế có mà lo cả đời! Tôi thấy nhiều người vừa làm vừa lo tích cóp cho con. Đây, tôi chẳng. Không có đâu! Chỉ cần lo cho tới khi con lớn, rồi thì chúng nó sẽ tự. Chúng nó lại còn chả giỏi gấp mấy lần ấy chứ, hơi đâu mà lo! 

Sống ấy mà, cứ chơi cho thoải mái! Chơi phải là chính, căng thẳng mà làm gì. Vì có vui mới làm được, chứ sống mà trong đầu lúc nào cũng chăm chắm “ủ mưu”, tôi thấy mệt lắm. 8 năm học đạo diễn ở Bulgaria, vì thế, tôi gần như chẳng có lấy một lần về nước, nghỉ hè chơi hè, nghỉ đông chơi đông, học xong vẫn chơi…, nên tới khi về nước, lại đúng những năm đầu đổi mới, tôi mất một thời gian dài ngơ ngác, tới nỗi, mất luôn cả gia đình… Được mất, nó là số rồi, trốn cũng chả được! Sống, tới giờ, tôi thấy chỉ cần đủ là được, mà có thiếu tí cũng chả sao. Thiếu tí có khi lại hay, lại có động lực mà cải tạo. Dù có lúc mất này mất kia, mặt tôi cũng đần thối như ai, nhưng rồi chỉ cần làm vại bia, đứng lên là xong. Lại vui vẻ, lại cặm cụi làm. Nhìn con mà vui. Nhìn con là vui…

– Tôi thấy, tầm tuổi anh, thường người ta chỉ “đẻ lấy lệ”, chủ yếu là chiều người phụ nữ đến sau của mình, và cũng chỉ cần đủ để gắn kết. Đây, anh làm một lèo 3 đứa liền, kể cũng… “ẩu” nhỉ!

– Ô thì tôi có làm gì đâu, tôi chả được tích sự gì sất! Có mà tôi cần chúng thì có ấy! Ai bảo con thơ làm vướng bận sự nghiệp, chứ tôi thì lại phải có con và phải có nhiều con thì mới có động lực làm việc. 

– Có câu: “Trẻ cậy cha, già cậy con”. Nên đàn ông, có người họ tính: “Tầm này còn đẻ nữa thì bao giờ mới được nhờ con”. Anh, chắc là không?

– Đã bảo rồi, không nghĩ gì đâu mà! Gia đình ấm cúng hạnh phúc, với tôi lúc này là toại nguyện lắm rồi. Làm gì mà đến nỗi phải nghĩ xa thế. Được vui vì con chính là được nhờ con rồi còn gì, còn đòi nhờ gì nữa hả trời? Anh nào nói thế, không khéo là ngụy biện đấy, đừng tin!

– Lắm vợ nhiều con, trăm sự cũng chỉ bởi “mãi không chịu chừa” đấy nhỉ!

– Nói thế thì oan cho tôi quá! Lắm vợ, là sống cùng lúc với nhiều bà. Đây, tôi… lần lượt đấy chứ! (cười)

– Không kể lúc lên sóng, nếu được hỏi “Bố ơi mình đi đâu?”, anh sẽ nói gì?

– Mình đi chơi thôi con!

Text: Thu Quynh

Photo: Manh Bi
Photo Director: Hellos


Thực hiện: depweb

03/06/2015, 21:02