– Nghệ sĩ Quyền Linh mới chia sẻ bên thềm họp báo Cánh Diều Vàng 2014 rằng, anh ấy rất đau xót vì không nghệ sĩ nào nhận lời đến trao giải, anh ấy phải đảm nhận quá nhiều việc, kể cả…nhặt rác. Thông tin này khiến anh nghĩ tới điều gì?
Với điện ảnh tôi chưa đủ thâm niên để hiểu về ngành phim, cũng chưa góp mặt lâu để hiểu hết bề dày của từng giải thưởng. Nhưng với tư cách là một người làm sản xuất, tôi cho rằng, Cánh Diều Vàng, Bông Sen Vàng hay Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội đều là những sân chơi mang tính tích cực của những nhà tổ chức trong nước, bởi những hoạt động đó giúp cho ngành điện ảnh trong nước có thêm sự quan tâm của dư luận, khán giả. Với riêng người làm nghề, chúng tôi có cơ hội gặp gỡ, giao lưu với nhau bên thềm các lễ trao giải, các liên hoan phim. Vì thế, tôi cho rằng, nó là hoạt động bắt buộc cần có trong ngành công nghiệp phim ảnh, của mọi quốc gia.
Nhà sản xuất, đạo diễn Quang Huy
Theo cá nhân tôi, nếu mình có một góc nhìn tích cực về các giải thưởng, tôi cho rằng, ai liên quan đến ngành phim cần góp sức một chút, có thể góp một tiếng trống, một tiếng pháo sẽ làm cho cuộc chơi ấy xôm tụ hơn. Là người làm nghề, chúng ta phải ủng hộ và quan tâm tới nó trước tiên. Sẽ chẳng có khán giả nào ủng hộ, cũng như, chẳng có nhà đầu tư nào tài trợ nếu chính người trong nghề lại quay lưng với nó.
– Cụ thể của những đóng góp của người làm nghề, theo anh là gì?
Đóng góp tác phẩm của mình, sự quan tâm, tiếng nói của mình để tạo ra sân chơi ấy. Khi có sân chơi khán giả mới có giao diện để khán giả giao tiếp với ngành đó.
Tôi không nghĩ không có ai nhận lời tham dự hay đến trao giải. Nhà tài trợ cũng vậy, quan trọng là ban tổ chức đã chọn được mặt để gửi vàng hay chưa? Chúng ta đang bán tài trợ hay xin tài trợ?Tôi không tin một giải thưởng với nhiều con số hấp dẫn, như quy tụ hầu hết phim Việt Nam trong năm, trong đó có nhiều phim doanh thu vài chục tỉ cho đến hàng trăm tỉ, với hàng triệu lượt người xem, hàng chục triệu khán giả quan tâm, qui tụ nhiều đạo diễn và ngôi sao điện ảnh đương thời, lại không thể bán tài trợ.
Chưa kể, chính các nhà sản xuất cũng nên tài trợ. Chúng ta hay có thói quen nghĩ: “tôi được gì” mà chưa có thói quen đặt vấn đề: “tôi nên làm gì” để đóng góp cho ngành công nghiệp này. Chúng ta có nhiều nơi để đong đếm về tài chính rồi: cát sê này, phòng vé này, vậy cũng có nơi có thể tạm quên đi những điều đó chứ.Ủng hộ ở trường hợp này chính là tự tạo ra môi trường tốt, để từ đấy tạo ra cơ hội lớn hơn cho ngành và cho chính mình.
Đạo diễn Quang Huy và vợ – ca sĩ, diễn viên Quỳnh Anh
Như tôi đã nói ở trên, chúng ta đừng xin tài trợ, mà hãy bán. Đừng biến mình thành tội nghiệp như thế, sẽ chẳng ai mua của chúng ta vì sự tội nghiệp, nếu có, cũng sẽ không bền vững và không đúng giá trị đích thực. Tại sao một nền điện ảnh đang phát triển như bây giờ, với hàng chục rạp được xây mới mỗi năm, số lượng phim Việt xếp hàng ra rạp ngày một tăng, các kỉ lục phòng vé liên tục được phá vỡ, nhiều phim nghệ thuật xuất hiện tại các LHP lớn nhỏ khắp nơi mà lại đáng bị tội nghiệp? Với góc nhìn một nhà sản xuất phim và tổ chức sự kiện, tôi cho rằng các giải thưởng điện ảnh đều là nơi có thể bán tài trợ tốt, thậm chí rất tốt. Điện ảnh đang trong thời kì phát triển mạnh mẽ, hãy làm người ta chiêm ngưỡng nó, đừng biến nó thành tội nghiệp.
– Cảm ơn những chia sẻ của anh!
Bài: Thục Khôi