Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh: Kể một câu chuyện dưới góc nhìn khác, vui mà!

Làm một bộ phim liên quan đến nhân vật có thật, hơn nữa lại là một tượng đài âm nhạc với sức ảnh hưởng sâu rộng như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, với Phan Gia Nhật Linh có thể là một thách thức lớn, thậm chí là một sự liều lĩnh. Có thời điểm, dự án ngỡ phải tạm ngưng nhưng Linh, với sự đồng hành của những người bạn – mà như anh nói: luôn dành cho anh niềm tin, bảo vệ anh khi cần thiết – đã chọn đi hết con đường đó.

Diễn viên giống ngoại hình, tỉ lệ được chọn là 5%

Làm phim về một tượng đài âm nhạc như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, áp lực là điều không tránh khỏi. Anh đã bắt đầu như thế nào để có thể thoải mái sáng tạo?

Tôi may mắn được gia đình nhạc sĩ ủng hộ dự án phim, càng may mắn hơn khi họ tôn trọng góc nhìn của tôi. “Em và Trịnh” không phải là bộ phim về cuộc đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nhân vật chính của phim là chủ nghĩa lãng mạn, là những ý niệm về tình yêu. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, như tôi thấy, là người yêu ý niệm về sự lãng mạn trong tình yêu chứ không yêu cụ thể một cá nhân nào. Đó là lý do thôi thúc tôi làm bộ phim này. Tôi hy vọng thông qua những câu chuyện trong phim, khán giả có thể thấy được một phần đời của nhạc sĩ và hiểu ông hơn.

Trong quá trình viết kịch bản, tôi nhận được những góp ý đáng giá từ gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để sửa những chi tiết không ảnh hưởng đến truyện phim, nhằm đến gần hơn với sự thật. Cũng có những chi tiết chúng tôi buộc lòng phải sắp xếp, thay đổi để gia tăng kịch tính của câu chuyện trong thời lượng cho phép. Gia đình nhạc sĩ không can thiệp vào tư tưởng hay cốt truyện của phim. Áp lực của tôi, nếu có chính là áp lực của người được chọn, người được trao niềm tin và được đặt vào tay trọng trách.

Anh có tin “Em và Trịnh” sẽ thắng doanh thu phòng vé?

Tôi luôn tin như vậy với tất cả những phim của mình. Bởi nếu không tin, rất khó để có thể đi đến cùng.

Phía gia đình nhạc sĩ đón nhận bộ phim như thế nào, thưa anh?

Tôi có hai lời hứa khi làm “Em và Trịnh”. Thứ nhất là với gia đình Trịnh Công Sơn, để mọi người cảm thấy nhạc sĩ được tôn vinh. Sau buổi chiếu thử, tôi đã có thể thở phào nhẹ nhõm khi chứng kiến niềm vui, sự xúc động của họ. Lời hứa thứ hai, dành cho nhà sản xuất Galaxy: phim không lỗ, vì kinh phí làm phim quá cao. Câu trả lời này thì có lẽ phải đợi đến khi phim ra rạp.

Hậu trường phim “Em và Trịnh”

Là một trong số những đạo diễn “mát tay” phát hiện ra những gương mặt trẻ tài năng, anh làm thế nào để phát huy được tiềm năng của dàn diễn viên trẻ, đặc biệt là khi diễn cùng một tên tuổi như nghệ sĩ Trần Lực?

Quá trình chọn diễn viên cho “Em và Trịnh” khá dài và mất nhiều thời gian, sức lực để đấu tranh, thuyết phục nhà sản xuất. Với tôi, ngoại hình tương đồng với nhân vật chỉ chiếm 5% trong quyết định lựa chọn diễn viên. Điều quan trọng nhất là tinh thần bên trong và khả năng diễn xuất. Tôi và các thành viên trong đoàn phim đều tin rằng bộ phim này được bác Sơn (nhạc sĩ Trịnh Công Sơn – PV) phù hộ rất nhiều mới có thể chọn được dàn diễn viên như hình dung. Vì ở thời điểm công bố dự án, tức năm 2019, tôi còn hoang mang, phải lâu lắm mới tìm được diễn viên.

Tôi muốn chọn những diễn viên trẻ hoặc không có nhiều kinh nghiệm diễn xuất trước đó để họ diễn bằng bản năng. Tôi chọn diễn viên bằng trực giác của đạo diễn – điều rất khó lý giải, và đặt niềm tin tuyệt đối vào họ cũng như cho họ thấy điều đó. Nhận được niềm tin của đạo diễn, diễn viên sẽ dồn hết tâm huyết vào vai diễn. Mặt khác, có những thứ không diễn được, chỉ có thể bộc phát nếu diễn viên sống trọn trong khoảnh khắc đó. Và khán giả thì tinh ý lắm, cho nên người đạo diễn cần tạo dựng được không khí để diễn viên sống trong nhân vật, trở thành nhân vật.

Riêng với vai nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lúc trung niên, tôi lại muốn chọn một diễn viên có kinh nghiệm và anh Trần Lực là người phù hợp nhất tại thời điểm đó.

Đâu là những nhân vật anh nghĩ khó tìm được?

Khó nhất là hai diễn viên đóng vai cô Khánh Ly và cô Michiko. Diễn viên đóng vai cô Khánh Ly không những hát hay mà còn cần có tính cách mạnh mẽ. Nhưng rồi chúng tôi lại tìm được diễn viên đóng vai cô Khánh Ly đầu tiên. Tiếp đến là vai Michiko. Ê-kíp casting giới thiệu cho tôi khá nhiều diễn viên Việt Nam có ngoại hình giống người Nhật, nhưng tôi vẫn muốn tìm kiếm một diễn viên người Nhật, dù trong phim, nhân vật Michiko không nói một câu tiếng Nhật nào.

Trong phim, nghệ sĩ Trần Lực diễn đôi cùng Akari (diễn viên đóng vai Michiko – PV). Chúng tôi dành rất nhiều thời gian tập luyện để cả hai hiểu và tương tác được với nhau. Cái khó của hai diễn viên này là bất đồng ngôn ngữ. Nhân vật Michiko nói tiếng Pháp và tiếng Việt nên Akari gần như phải học thuộc lòng từng câu để diễn. Nhưng cô ấy là một diễn viên thông minh nên mọi việc nhanh chóng suôn sẻ. Cái khó khác nữa là anh Lực diễn theo kiểu cổ điển của phim Việt Nam, kiểu một diễn viên có nghề, còn Akari lại diễn bằng bản năng. May mắn là anh Lực bằng kinh nghiệm nhiều năm đã nương theo diễn xuất của Akari, giúp cô ấy thăng hoa.

Anh đã thuyết phục nghệ sĩ Trần Lực tham gia “Em và Trịnh” như thế nào?

Tôi thấy mình may mắn khi mời được anh Lực tham gia bộ phim này. Anh Lực bay vào TP.HCM và chỉ có 1 tiếng đồng hồ đọc kịch bản, rất khó để nhận định. Hơn nữa, ngoại hình của anh khi đó không hợp với dáng cao gầy của cố nhạc sĩ nên nhà sản xuất không yên tâm. Có thể nhân vật thời trẻ không cần quá giống nhưng hình ảnh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lúc trung niên, mọi người đã quá quen thuộc, do đó cần một diễn viên có ngoại hình tương đương để khán giả tin đó chính là nhạc sĩ. Nhưng tôi vẫn muốn chọn anh Lực vì như tôi đã nói, ngoại hình chỉ chiếm 5% mà thôi.

Tôi gọi cho anh Lực, chia sẻ thật lòng rằng không hứa sẽ chọn anh cho đến khi quay anh diễn thử và đi test khán giả. Anh Lực không do dự mà sẵn sàng tham gia cuộc chơi này. Anh chấp nhận đầu tư cho vai diễn, giảm cân dù chẳng biết có được chọn hay không. Tinh thần đó thực sự đáng học hỏi. Nhà sản xuất rất hỗ trợ, cử người chăm sóc sức khỏe, tư vấn dinh dưỡng giúp anh giảm cân, đồng thời cung cấp tư liệu để anh tìm hiểu và tập nói giọng Huế. Khi anh Lực và Avin Lu (vai Trịnh Công Sơn thời trẻ) đứng cạnh nhau, dù rằng họ không hẳn giống nhạc sĩ, nhưng tôi có cảm giác hai người họ là một. Có thể tin được cậu Avin về trung niên chính là anh Trần Lực. Khán giả cũng vô cùng hưởng ứng đoạn test thăm dò của nhà sản xuất.

Gia đình nhạc sĩ rất yêu mến anh Trần Lực vì anh là một nghệ sĩ lớn và có được thứ tinh thần của Trịnh. Anh chơi nhạc được, hát được. Lúc anh Lực lên thâu âm nhạc phim, nhạc sĩ Đức Trí – người đảm nhận hòa âm phối khí cho phim, cũng từng làm việc với bác Sơn suốt thời gian dài khi bác còn sống – nói với tôi rằng, khi anh Lực cất tiếng hát, anh Trí nổi hết da gà vì quá giống.

Từ một bộ phim remake (“Em là bà nội của anh”) đến một bộ phim chuyển thể (“Cô gái đến từ hôm qua”), và bây giờ là phim lấy cảm hứng từ một cuộc đời có thật, có vẻ anh thường dành sự quan tâm cho những câu chuyện vốn chiếm được sự chú ý của công chúng. Vậy đến bao giờ anh sẽ kể câu chuyện của riêng anh?

Tôi không quá quan trọng việc đó. Quan trọng là bạn kể câu chuyện như thế nào. Nếu kể chuyện của bản thân mình mà không đủ hấp dẫn, không có cái riêng thì cũng vô nghĩa. Nhưng kể một câu chuyện ở định dạng khác, dù trước đó mọi người đã biết, nhưng qua góc nhìn của mình, nó trở thành câu chuyện của mình thì có niềm thú vị của riêng nó.

Trước khi làm phim đầu tay, tôi có nhiều thư mục chứa kịch bản gốc nhưng ở thời điểm đó cho đến hiện tại, nó không mang lại cho tôi niềm vui hay sự hứng khởi. Còn rất nhiều dự án tôi muốn kể lại theo góc nhìn của riêng mình như “Số đỏ” hay những dự án ước mơ như “Sơn Tinh – Thủy Tinh”, “Trần Hưng Đạo”… Thú vui của tôi là kể lại câu chuyện mọi người đều đã biết với quan điểm khác. Tôi luôn đặt câu hỏi nếu truyện không phải như vậy thì sao? Nhìn khác đi cũng vui mà, phải thế không?

Nhờ cuộc gặp với cô Dao Ánh, bộ phim mới có cái kết trọn vẹn

Bộ phim xoay quanh các nàng thơ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đã có bất ngờ nào từ những cuộc gặp giữa anh với các nàng thơ của nhạc sĩ?

Thoạt đầu, chúng tôi thử liên lạc với các nàng thơ nhưng họ đều từ chối, vì nhiều lý do. Cũng dễ hiểu bởi tất cả những chuyện đó đã qua rồi, họ có quyền giữ lại sự riêng tư cho bản thân, và hiện tại họ cũng đã có cuộc sống yên ổn. Rất may là ngoài những chia sẻ từ gia đình, bạn bè nhạc sĩ, cô Khánh Ly có viết tự truyện và có nhiều bài phỏng vấn trên truyền thông.

Điều may mắn nhất đến với chúng tôi vào năm 2020, khi cô Dao Ánh về Việt Nam và nhận lời gặp mặt nhờ kết nối từ gia đình nhạc sĩ. Cô bảo đây là lần đầu cô chia sẻ những điều này, cũng là thời điểm thích hợp vì nếu không kể thì sẽ không ai biết. Nhờ cuộc gặp ấy, phim có kết thúc trọn vẹn, giải tỏa được nhiều dấu hỏi trong lòng chúng tôi.

Trên thị trường sách, có khá nhiều cá nhân viết và chia sẻ những kỷ niệm, dấu ấn về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Điều này thuận lợi về mặt tư liệu nhưng ở chiều ngược lại, hẳn là nó cũng suýt “nhấn chìm” anh?

Cùng tham gia viết kịch bản “Em và Trịnh” với tôi còn có Thái Hà và Bình Bồng Bột. Bình mê nhạc Trịnh, đọc rất nhiều sách và cực giỏi trong việc tổng hợp tư liệu, đó là thuận lợi của chúng tôi.

Sau khi chắt lọc tư liệu, chúng tôi tìm gặp gia đình, bạn bè của nhạc sĩ để làm rõ thêm những thông tin mà chúng tôi có được. Nhưng rồi tôi nhận ra, mỗi người chúng tôi gặp lại kể một câu chuyện khác nhau về cùng một sự kiện. Hóa ra, không có gì là thật nữa cả. Tất cả đều là ký ức của mọi người về điều đó. Sự thật của người này lại có thể không phải là sự thật của người kia. Tôi tự hỏi trong phim, mình sẽ chọn sự thật nào?

Đương lúc bối rối, bộ phim “Ford vs Ferrari” đã đánh thức tôi, đưa tôi trở lại với mục tiêu ban đầu của mình thay vì sa đà vào tư liệu. Tôi quyết định dừng việc xác minh sự thật để tập trung vào phim. Nếu thấy chi tiết nào đặc sắc, chúng tôi sẽ dùng. Kết quả là, sau khi đọc kịch bản, mọi người đùa rằng, phim này chắc dài 6 tiếng. Chúng tôi đã cắt gọt dần để chọn những gì đắt giá nhất, phù hợp với câu chuyện nhất.

Cuối cùng, phim dài bao nhiêu phút?

Đó là bí mật, bạn đợi ra rạp và thưởng thức nhé!

Đây là phim đầu tiên tiên anh hợp tác với nhà sản xuất kiêm nhà phát hành Galaxy. Tôi thấy ê-kíp có nhiều gương mặt cũ vẫn tiếp tục đồng hành với anh. Có sự liên kết đặc biệt nào giữa anh và những người bạn đó?

Học ở Mỹ về, tôi mất gần 5 năm mới làm được bộ phim đầu tay. Đến phim thứ hai thì tôi nhận ra trong ngành này luôn cần có một ê-kíp. Và ê-kíp đó cần thỏa mãn hai điều. Thứ nhất, là những người giỏi. Thứ hai, là những người hiểu mình và mình tin tưởng. Khi bắt tay vào làm phim sẽ có một nghìn tỉ việc ập đến dễ khiến mình mất cảm hứng, mất niềm tin. Những lúc như vậy nếu không có ai bên cạnh, mình sẽ rất dễ bỏ cuộc.

Lúc tôi bắt đầu làm “Em và Trịnh”, nhà sản xuất muốn tôi làm với ê-kíp mới thay vì làm cùng ê-kíp đã đồng hành trong ba phim trước đó. Họ muốn tôi thử một lần mạo hiểm, làm với những người chưa quen để thúc đẩy tôi lên một giới hạn khác. Do đó, ở phim này, bạn sẽ thấy đạo diễn hình ảnh, thiết kế mới nhưng ê-kíp sản xuất, làm nhạc cho phim thì vẫn là những người cũ vì chúng tôi đã quá quen nhau và hiểu nhau. Tôi cần sự mượt mà đó để có thể tạo ra một bộ phim chất lượng.

Nếu bạn hỏi tôi có dịch chuyển không thì câu trả lời là… nhè nhẹ trong vòng tròn những người bạn của mình. Thực sự tài năng trong ngành phim là điều vô cùng cần thiết. Nhưng đó chỉ là một yếu tố. Người giỏi đến mấy mà không hiểu mình muốn cái gì thì cũng trở nên vô nghĩa.

Cảm ơn anh đã chia sẻ!

Ảnh: Khánh Nguyễn, Tư liệu phim


From the same category